Truyền thuyết và lễ hội ở Hưng Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 29 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4. Truyền thuyết và lễ hội ở Hưng Yên

1.4.1.Truyền thuyết ở Hưng Yên

Với đặc điểm là một vùng đất nằm liền kề những trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của khu vực Đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên là nơi có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, văn học giữa các vùng miền một cách sâu sắc. Đó là mảnh đất màu mỡ để hình thành, phát triển hệ thống truyền thuyết dân gian vừa mang nét chung của cả nước vừa có nét riêng của mảnh đất này.

Theo tài liệu do nhà nghiên cứu Vũ Tiến Kỳ sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn trong cuốn Truyện cổ dân gian Hưng Yên[đd,25], truyền thuyết Hưng Yên chiếm một số lượng lớn. Theo đó, nhà nghiên cứu đã chia truyền thuyết ở Hưng Yên thành ba mảng đề tài lớn: Truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước; truyền thuyết về thời Bắc thuộc và truyền thuyết về nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời kì quốc gia độc lập tự chủ. Ngoài ra còn có các truyền thuyết về phong tục, truyền thuyết về sản vật, truyền thuyết về tôn giáo nhưng có số lượng ít hơn.

Đối với nhóm truyền thuyết của Hưng Yên về thời Hùng Vương thời mở nước gồm có 26 bản kể [24], đều là những truyền thuyết ghi đậm công đức của các bộ tướng nhà vua trong việc khai khẩn đất hoang, giúp dân trị thủy, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ nhà nước Văn Lang- Âu Lạc. Tiểu biểu phải kể đến là các truyền thuyết: Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, chuyện tích Ba vị thành hoàng làng Kênh Bối, Sự tích cầu Ngàng,…

Còn nhóm truyền thuyết Hưng Yên thời Bắc thuộc khá phong phú, tập trung ở hai đề tài:

Thứ nhất là, truyền thuyết về Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai bà trong cuộc đánh đuổi quân Hán: Trong hệ thống của truyền thuyết Hưng Yên đã xây dựng lên những hình tượng nữ lưu hào kiệt như: Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, Tạ Cẩn nương, Nguyệt Thai Nguyệt Độ, Nguyệt Nga công chúa, Nâu Nương công chúa, Trần Thị Mã Châu, Hương Thảo tướng quân. Sát cánh cùng các nữ tướng quân là các tướng nam như: Dương Nước, Dương Đình(Song Mai – Kim Động), Nguyễn Trung (Phú Cốc, Kim Động), Nguyễn Trực, Nguyễn Minh(Khoái Châu), cha con Trần Lữu(Trung Nghĩa- Thị xã Hưng Yên), Phạm Thọ Ngải(Trung Hòa- Yên Mỹ)…Dưới con mắt ngưỡng vọng của nhân dân, những vị tướng quân được tôn vinh như những vị anh hùng có sức mạnh siêu nhiên, có lòng yêu nước và căm thù giặc, có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.

Thứ hai là, truyền thuyết về người Hưng Yên đánh giặc Lương xung quanh chuyện Triệu Quang Phục nhận được vuốt rồng thần. Trong truyền thuyết dân gian Triệu Quang Phục vừa là người được dân gian tin yêu vì đã có công đánh đuổi giặc Lương nhưng lại bị nhân dân phê phán vì sau chiến công

ông đã xưng vương, điều đó đi chống lại quan điểm của Nho giáo: “Tôi trung

không thờ hai chủ”. Như vậy, có thể nói qua truyền thuyết dân gian, quan điểm của nhân dân là rất rõ ràng, minh bạch khi đánh giá về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Cũng ở trong giai đoạn này, ở Hưng Yên do ảnh hưởng của các dấu ấn văn hóa thuộc trấn Kinh Bắc đã xuất hiện các truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ pháp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 29 - 30)