Cốt truyện truyền thuyết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 53 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Cốt truyện truyền thuyết

Cốt truyện là hình thức tổ chức sơ đẳng nhất của truyện. Đó là tiến trình của các biến cố và sự kiện. Cốt truyện thực chất là cái lõi diến biến của truyện từ xảy ra cho đến kết thúc. Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra khái niệm: Cốt truyện là“hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch. (Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu của mọi loại tác phẩm văn học. Trong tác phẩm trữ tình, cốt truyện (với ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm này) không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tâm trạng, tình cảm)”[14;99]. Đó là khái

niệm về cốt truyện nói chung, còn với các tác phẩm tự sự dân gian thì theo Giáo trình văn học dân gian Việt Nam cốt truyện truyền thuyết thường có cấu trúc làm ba phần: Phần đầu nêu hoàn cảnh xuất hiện và đặc điểm của nhân vật; Phần thứ hai nêu hành trạng và chiến công của nhân vật; Phần kết thúc tái hiện nhân vật hóa và hiển linh, âm phù [12;71].

Về cơ bản hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên cũng tuân theo cấu trúc nêu trên: Phần đầu thường kể về nguồn gốc xuất xứ của sư Khâu Đà La, Man Nương và kể về sự hôn phối thần kì của Man Nương. Phần thứ hai kể về chiến công phi thường của các nhân vật trong việc cứu giúp nhân dân vượt qua cơn đại hạn và sự hình thành của các vị thần Tứ pháp. Phần cuối thường kể về sự linh thiêng, nghi lễ thờ cúng, cầu đảo và các điểm thờ Tứ pháp.

Tuy nhiên so với những bản kể ở vùng Luy Lâu, các truyền thuyết về Tứ pháp ở Hưng Yên còn có một phần “vĩ thanh” mang đặc điểm riêng của những địa danh thờ Tứ pháp. Ở khu quần thể chùa Lạc Hồng (Văn Lâm) đó là câu chuyện về những người dân địa phương đi mua, đi xin hoặc trộm những cành cây dâu về tạc tượng thờ. Ở chùa Thứa (Mỹ Hào) lại là câu chuyện về “Thắng địa đình loan”. Ở chùa Sậy (Phù Cừ) là câu chuyện thần Pháp Vũ hiển linh báo mộng cho dân làng để xây nơi thờ...Chính những chi tiết này phản ánh niềm tin và sự thành kính với tín ngưỡng thờ Tứ pháp của người dân địa phương.

Cốt truyện trong hệ thống truyền thuyết về Tứ pháp là cốt truyện đơn tuyến với hệ thống sự kiện đơn giản, gọn gàng về số lượng, tập trung thể hiện một vài nhân vật chính, dung lượng cốt truyện nhỏ và vừa. Đặc điểm này xuất phát từ đặc trưng của những tác phẩm văn học dân gian được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng vì vậy cốt truyện thường đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về tứ pháp và lễ hội cầu mưa ở hưng yên (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)