7. Đóng góp của luận văn
1.3.2. Bối cảnh sáng tác thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh
Mở đầu tập thơ “Nhật ký trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây? Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
(Nam Trân dịch)
Thật vậy, sự nghiệp văn chương không phải là sự nghiệp mà Người muốn theo đuổi. Với tấm lòng chứa chan tình cảm yêu nước, thương dân, Người chỉ có một ham muốn, đó là “Nước nhà được độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn, được học hành”. Nhưng trên con đường hoạt động cách mạng để thực hiện ham muốn vì dân, vì nước ấy, Người nhận thức được tầm quan trọng của văn nghệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nó là vũ khí đấu tranh đắc lực trên mặt trận văn hóa tư tưởng và cũng là nơi để Bác bày tỏ tâm hồn đa cảm, tinh tế của mình.
Thơ Đường luật của Bác được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, trong đó, nổi bật nhất là tập thơ “Nhật ký trong tù”, những bài thơ sáng tác khi hoạt động cách mạng ở Việt Bắc và các bài thơ chúc tết... dù thể hiện bằng ngôn ngữ nào, thơ Đường luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ được những yêu cầu cơ bản, khắt khe của thể thơ này và chuyển tải được tâm hồn, cốt cách của một nhà thơ hiện đại, cách mạng Việt Nam.
Theo khảo sát của chúng tôi, những bài thơ trào phúng được sáng tác bằng thể thơ Đường luật của Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu trong tập Nhật kí
trong tù – tập nhật kí bằng thơ được viết trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở phố Túc Vinh, thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vì tình nghi là gián điệp. Từ đây, Người bị giải quanh co khắp 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, bị giam ở nhiều nhà lao trong suốt mười bốn tháng, từ mùa thu năm 1942 (27/8/1942) đến mùa thu năm 1943 (10/9/1043) trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch: Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,/Mười tám nhà lao đã ở qua (Đến cục Chính trị Chiến khu IV). Tập thơ “Nhật ký trong tù” được viết bằng chữ Hán đã ra đời trong bối cảnh này.
Trong 135 bài thơ của Nhật kí trong tù, có 45 bài thơ trào phúng không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt trong tù, cảnh trên đường chuyển lao mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch.
Khảo sát những bài thơ trào phúng Đường luật Hồ Chí Minh, ta thấy, dù trong hoàn cảnh nào: bị trói, bị đói khát hành hạ, bị áp bức cả về thể các lẫn tinh thần, Bác vẫn giữ phong thái ung dung tự tại và vẫn làm thơ. Qua thống kê, phân loại, chúng tôi nhận thấy, thơ trào phúng Hồ Chí Minh được sáng tác trong những bối cảnh cụ thể, có thể tạm chia thành ba nhóm bối cảnh như sau:
Bối cảnh trên đường chuyển lao, bị xiềng xích, giải đi hết ngày này qua ngày khác, từ nhà lao này sang nhà lao khác vô cùng cực khổ: Điền Đông, Nhà lao Quả Đức, Trên đường, Pha trò, Cảnh binh khiêng lợn cùng đi I,II, Đi Nam Ninh Hụt chân ngã, Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh…;
Bối cảnh Bác tận mặt chứng kiến những bất công ngang trái trong chốn lao tù: Đánh bạc, Tù cờ bạc, Cái cùm, Dây trói, Cấm hút thuốc, Tiền công, Quán trọ, Lai Tân, Tiền đèn, Cháu bé trong ngục Tân Dương…;
Bối cảnh sinh hoạt nơi nhà lao: Chia nước, Sinh hoạt trong tù; Bị hạn chế, Ghẻ lở, Bốn tháng rồi…
Cách phân chia này chỉ mang tình chất tương đối để thuận tiện cho việc nghiên cứu. Qua đó, ta thấy Nhật ký trong tù đã phản ánh khá chân thực về bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Mặt khác, qua tập thơ, độc giả cũng thấy được vất vả, gian khổ của Bác trong chốn ngục tù: từ cảnh đói rét, bệnh tật cho đến những cuộc chuyển lao đầy gian khổ… và dù trong hoàn cảnh nào, Người cũng vượt lên với một ý chí nghị lực kiên cường để chiến thắng hoàn cảnh.