7. Đóng góp của luận văn
1.3.3. Cảm hứng sáng tác thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh
Thơ Đường luật trào phúng của Hồ Chí Minh sâu sắc, tinh tế, tự nhiên mà sâu cay và rất đa dạng về đề tài và cảm hứng sáng tác. Để làm nổi bật cảm hứng sáng tác thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh, tác giả luận văn tiếp cận theo ba hướng: cảm hứng đả kích, châm biếm; cảm hứng tự trào; cảm hứng lạc quan.
1.3.3.1. Cảm hứng đả kích, châm biếm
Cảm hứng đả kích, châm biếm bắt đầu xuất hiện rõ nét nhất trong thơ trào phúng Hồ Xuân Hương - điều mà ở các tập thơ trào phúng trước hầu như không có. Theo thống kê của chúng tôi, tiếng cười đả kích, châm biếm trong thơ Hồ Xuân Trong hướng tới mọi đối tượng, không bỏ một ai, từ bọn vua chúa, quan lại đến những kẻ “hiền nhân quân tử”, bọn sư mô núp bóng cửa chùa làm việc xấu. Đó là những lời đả phá, chế giễu một cách gay gắt những thói hư tật xấu, những bộ mặt giả nhân giả nghĩa, “ngụy quân tử”. Ta cũng thấy tiếng cười châm biếm sâu cay của Nguyễn Khuyến tập trung vào lũ vua quan bán nước và bọn thực dân Pháp; hay tiếng cười dữ dội, quyết liệt của Tú Xương chĩa vào cả một xã hội điên đảo…
Khám phá tiếng cười trào phúng trong thơ Đường luật Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy, cảm hứng đả kích, châm biếm vừa phơi bày bộ mặt đen tối, nhem nhuốc của nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc, vừa thể tâm hồn cao
đẹp của người tù vĩ đại, một hồn thơ vừa bất khuất kiên cường, vừa mềm mại tinh tế.
Hoàn cảnh tù đày có thể khiến người ta trở nên bi quan, nhưng với Hồ Chí Minh, mọi thứ lại thật nhẹ nhàng và hình ảnh Người tù luôn cất tiếng cười, có cái cười mỉa mai giễu cợt, có cái cười chấm biếm, đả kích tố cáo. Dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh, những mục nát, thối rỗng của thế giới nhà tù Tưởng Giới Thạch (những năm 1942 - 1943) đã bị phơi bày trên từng trang nhật kí với âm hưởng đả kích, châm biếm.
Vì sao người ta bị đi tù? Vì một lý do rất đơn giản: bị nghi ngờ vô căn cứ, bị gông cùm giải đi hết ngày này qua ngày khác mà không được xét hỏi. Có người vào tù vì đánh bạc, nhưng trớ trêu thay, trong tù, họ lại được đánh bạc một cách công khai (Đánh bạc, Tù đánh bạc):
Đánh bạc ở ngoài, quan bắt tội, Trong tù đánh bạc được công khai; Bị tù, con bạc ăn năn mãi,
Sao trước không vô quách chốn này.
(Đánh bạc – Nam Trân dịch)
Bút pháp trào lộng, đả kích châm biếm đã phơi bày mặt trái của nhà tù dưới chế độ Tưởng Giới Thạch qua bức tranh tả thực có sức khái quát sâu rộng: cùng là đánh bạc, nhưng đánh bạc ở ngoài tù thì có tội, còn đánh bạc trong tù lại vô tội. Vì thế, con bạc ăn năn: sao không vào đây sớm để được đánh bạc công khai. Tiếng cười vang lên ở câu cuối giúp ta phát hiện ra bản chất giả dối được che đậy bởi vỏ bọc là nhà tù.
Nhà tù không chỉ là “sòng bạc công khai” mà còn là cái chợ, nơi diễn ra mọi việc đổi trác, mua bán với giá cắt cổ:
Thổi một nồi cơm, trả sáu hào, Nước sôi mỗi chậu, một đồng trao; Một đồng của đáng sáu hào chỉ,
Giá cả trong tù định rõ sao.
(Tiền công – Nam Trân dịch)
Không khoa trương, phóng đại, Hồ Chí Minh chỉ cần đưa ra phép so sánh: phải bỏ ra “một đồng” để mua hàng chỉ đáng giá sáu hào là có thể bật ra tiếng cười đả kích, châm biếm ở câu kết: Giá cả trong tù định rõ sao.
Trong nhà lao chật hẹp, bẩn thỉu, người tù cũng phải bỏ tiền ra để mua chỗ ngủ, nếu không phải ngủ “cạnh cầu tiêu”:
Lệ thường tù mới đến, Phải nằm cạnh cầu tiêu; Muốn ngủ cho ngon giấc, Anh phải trả tiền nhiều.
(Quán trọ – Nam Trân dịch)
Vẫn biết bị cùm chân lại là giam cầm, là khổ nhục, nhưng những người tù vẫn tranh nhau cái cùm được cùm chân trước, bởi được“cùm chân mới” thì mới mong được ngủ yên giấc:
Dữ tợn hung thần miệng chực nhai, Đêm đêm há hốc nuốt chân người; Mọi người bị nuốt chân bên phải, Co duỗi còn chân bên trái thôi. Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau; Được cùm chân mới yên bề ngủ, Không được cùm chân biết ngủ đâu?
(Cái cùm – Nam Trân dịch)
Thậm chí, đứa trẻ nửa tuổi cũng phải theo mẹ vào tù vì người cha không chịu đi lính quốc gia (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương). Trong bài thơ khác, ta lại bắt gặp tiếng nói của người phụ nữ vừa xót xa thương cảm, vừa mang tính chất mỉa mai chua xót (Gia quyến người bị bắt lính). Qua cảnh ngộ
của bản thân và của những nạn nhân tù tội, Hồ Chí Minh dùng tiếng cười nhằm đả kích, phê phán, châm biếm chế độ xã hội tàn bạo, vô nhân tính của chính quyền Tưởng Giới Thạch, ở xã hội ấy, mặt ngoài thì cường quyền ngự trị nhưng lại bị đồng tiền lung lạc (Lai tân, Tiền vào trại giam…). Bởi có những sự việc tưởng như có lý nhưng hoá ra vô lý:
Hút thuốc nơi này cấm gắt gao, Thuốc anh nó tịch, bỏ vào bao; Nó thì kéo tẩu tha hồ hút,
Anh hút, còng đây, ghé tay vào.
(Cấm hút thuốc – Nam Trân dịch)
Như vậy, cảm hứng đả kích, châm biếm không chỉ dừng lại ở việc mỉa mai, châm chọc, phê phán chế độ nhà tù thối nát của Tưởng Giới Thạch mà nhằm vào cả thể chế chính trị thối nát đương thời. Sự vận dụng và kết hợp nhuần nhuyễn các cấp độ của giọng đả kích, châm biếm đã góp phần gia tăng hiệu quả phê phán, tố cáo của tập thơ. Song sự giễu nhại nhẹ nhàng, thâm thúy ấy lại gợi lên bao suy nghĩ về chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch, về thực trạng của xã hội Trung Hoa.
1.3.3.2. Cảm hứng tự trào
Trong lịch sử văn học trào phúng, nhà thơ nào cũng có vài bài để tự thuật, tự trào. Cảm hứng tự trào trong thơ trào phúng thường xuất hiện khi các nhà thơ tự cười mình, tự chế giễu mình để tự răn mình.
Xưa kia, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... cũng tự trào, nhưng đa phần tiếng cười ở họ chứa đựng nỗi u hoài, chua xót buông xuôi, thấy đời vô nghĩa, thấy mình vô ích, cười ra nước mắt. Đó là tiếng cười tự trào ý nhị, kín đáo của Nguyễn Khuyến: Vịnh tiến sĩ, Thân già, Ông ngỗng đá; là tiếng cười Tú Xương tự cười, tự chế giễu sự bất lực của mình trước hoàn cảnh thực tại một cách chua xót: Tự cười mình, Quan tại gia, Ta chẳng ra chi, Thương vợ… Đọc thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy có cái gì đó
thật đắng cay, chua chát trong nụ cười tự trào của “Bà chúa thơ nôm”, tự ví mình như quả mít đầy gai:
“Thân em như quả mít trên cây Vỏ nó xù xì, múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay” (Hồ Xuân Hương)
Hay, cái cười trong thơ Tản Đà có cái ngông của kẻ chán đời, mơ thoát ly lên cõi tiên:
“Để rổi mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”. (Tản Đà)
Còn tiếng cười tự trào trong thơ Hồ Chí Minh vừa sắc ngọt, vừa thâm thúy, là kết tinh văn hóa Đông Tây, là nụ cười chiết xuất từ cảm xúc trí tuệ, vừa sâu lắng suy tư, vừa bồi hồi xao xuyến.
Đọc 45 bài thơ trào phúng trong Nhật ký trong tù, chúng tôi nhận thấy rõ: hạt nhân của tiếng cười tự trào không phải là mối căm hờn hay uất hận, bi quan như các nhà thơ trào phúng khác, mà tiếng cười ấy xuất phát từ chính lòng yêu cuộc sống và tính chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong chốn lao tù Tĩnh Tây ấy, Hồ Chí Minh tự nhận mình là “khách tiên”, “khách tự do”, “khách quý”!
“Trong lao từ cũ đón tù mới, Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa; Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết, Còn lại trong tù khách tự do”
(Vàonhà ngục huyện Tĩnh Tây – Nam Trân dịch) Trong lao tù, cảnh bị trói, bị đói khát hành hạ, bị áp bức cả thể xác lẫn tinh thần, thế mà, “từ những sinh hoạt đời thường rất đỗi bình dị ấy, tiếng cười nhẹ nhàng đã cất lên phá bỏ mọi xiềng xích, xua tan mệt nhọc, buồn lo, xua đi cái u ám, nặng nề của địa ngục trần gian với bốn bức tường xám xịt. Đôi khi tiếng cười tự trào có chút cay đắng:
“Trong tù khoan khoái giấc ban trưa, Một giấc miên man suốt mấy giờ; Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, Tính ra trong ngục vẫn nằm trơ.”
(Buổi trưa – Nam Trân dịch)
Hồ Chí Minh mơ thấy mình “cưỡi rồng lên thượng giới”, không phải Người muốn muốn thoát ly lên cõi trời, mà vì khát vọng tự do luôn thường trực trong tâm thức, Người luôn mong ngóng đến ngày “Nhà lao mở cửa ắt rồng bay”. Ta hãy nghe người làm thơ tự cười khi thân thể được “trang điểm” bằng dây trói:
Rồng quấn vòng quanh chân với tay, Trông như quan võ đủ tua, đai; Tua đai quan võ bằng kim tuyến Tua của ta là một cuộn gai.
(Dây trói – Nam Trân, Băng Thanh dịch)
Tiếng cười tự trào vừa thâm thúy vừa sắc ngọt của Bác như muốn phá tan cái đạo mạo giả dối, cái không khí lễ nghi kiểu cách trái tự nhiên của xã hội phong kiến.
Chất hài hước, tự trào của Bác cũng được cài đặt vào trong bài thơ “Mới đến nhà lao Thiên Bảo”:
Năm mươi ba cây số một ngày Áo mũ dầm mưa, rách hết giày Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.
(Nam Trân dịch)
Sự tự trào của Bác thể hiện ở câu thơ thứ tư. Nguyên tác của nó là: Xí khanh thượng tọa đãi triêu lai. Nhưng ta không không xét theo mặt chữ (chữ Hán thì “ xí” là nơi đi vệ sinh, “khanh” là cái hố, cái hầm), mà quan tâm ở
cách phát âm. Nếu phát âm ra hai tiếng “xí khanh”, ta có thể khai thác phép đồng âm dị nghĩa: Xí là trù tính việc xã hội (như xí nghiệp…); khanh là một chức quan to (như quan thượng khanh, quốc vụ khanh). Gộp hai tiếng “xí khanh” lại, nó có dị nghĩa là một chức quan to đảm nhận việc trù tính đại sự cho xã hội, cho đất nước, mà vị quan to này lại được “thượng tọa” trên cái “hố xí”. Sau khi đọc xong cả câu thơ, sự tự trào lại được chuyển sang ý nghĩa nghiêm túc, lạc quan, tin tưởng “đợi ngày mai” (đãi triêu lai), trời sẽ sáng.
Như vậy, cảm hứng tự trào trong thơ trào phúng Hồ Chí Minh là kết quả của sự quan sát tinh tường, của cảm xúc trí tuệ, nụ cười ấy phá bỏ mọi xiềng xích và nhà tù trở nên bất lực trước phong thái u của người làm thơ. Tiếng cười vút lên từ người có tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, biết trào lộng, hóm hỉnh ngay trong hoàn cảnh khốn khổ nhất khơi gợi trong tiềm thức chúng ta niềm vui, niềm tin tưởng lạc quan vào sự thành công của cách mạng.
1.3.3.3. Cảm hứng lạc quan
Mượn việc ngâm thơ, làm thơ với tác giả Nhật ký trong tù là để “khuây khỏa” phút giây “nhàn rỗi” nơi chốn lao tù. Tiếng cười trong tập bắt nguồn từ những sự việc, hiện tượng hết sức đời thường, nhưng lại chứa đựng niềm vui rất đỗi lạc quan, trẻ trung. Tiếng cười ấy vang lên thoải mải, thể hiện sự yêu đời, yêu cuộc sống của Hồ Chí Minh. Điều đó giúp chúng ta hiểu vì sao Người có thể cười vui trong hoàn cảnh nhà tù, nơi ngự trị của bóng tối và cái ác vô cùng tàn bạo của bọn phản động Quốc dân đảng Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh cực khổ, thiếu thốn của nhà tù Tưởng Giới Thạch, người tù ở bẩn, bị ghẻ lở là điều không tránh khỏi, mà ghẻ thì gãi. Có điều, chuyện gãi ghr đi vào thơ Bác với giọng điệu bông đùa vui, thoải mãi:
Đẩy mình đỏ tím như hoa gấm, Sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn; Mặc gấm, bạn tù đều khách quý, Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm.
(Ghẻ lở – Văn Trực, Văn Phụng dịch)
Tiếng cười đã làm nổi bật không khí lạc quan yêu đời, lấp đầy mọi khoảng trống, vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã mà Người phải hứng chịu. Với cái nhìn hóm hỉnh, người tù biến thành hào kiệt phong lưu:
Ăn cơm nhà nước, ở nhà công, Lính tráng thay phiên đển tháp tùng; Non nước dạo chơi tùy sở thích, Làm trai như thể thật hào hùng.
(Pha trò – Văn Trực, Văn Phụng dịch)
Tiếng cười lạc quan còn vang lên trong bài “Chia nước”, Bác cứ lặp đi lặp lại một ý “pha trà” và “rửa mặt” một cách hóm hỉnh:
Mỗi người nửa chậu nước nhà pha, Rửa mặt pha trà tự ý ta;
Ai muốn pha trà, đừng rửa mặt, Ai cần rửa mặt, chớ pha trà.
(Chia nước - Nam Trân, Trần Đắc Thọ dịch) Tiếng cười có lúc được bật ra từ những chi tiết rất đời thường:
Đau khổ chi bằng mất tự do, Đến buồn đi ỉa cũng không cho; Cửa tù khi mở, không đau bụng, Đau bụng thì không mở cửa tù.
(Bị hạn chế - Nam Trân dịch)
Tiếng cười hồn nhiên, trong sáng, đầy niềm tin đã giúp người tù vượt lên những cuộc chuyển lao đầy gian khổ:
Hôm nay xiềng xích thay dây trói, Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung; Tuy bị tình nghi là gián điệp,
(Đi Nam Ninh - Nam Trân dịch)
Bác từng khẳng định: “Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng” (Đi đường). Vì thế, với cái nhìn lạc quan, tiếng xiềng xích leng keng theo mỗi bước chân, Bác nghe như “tiếng ngọc rung”. Cũng trong nguồn cảm hứng đó, bài Đáp xe lửa đi Lai Tân cho thấy, dù chỉ ngồi trên đống than trên xe lửa, nhưng còn sung sướng gấp nhiều lẩn so với cảnh trèo đèo, lội suối với xiềng xích, cùm gông.
Cuốc bộ mấy mươi ngày vất vả, Hôm nay được bước lên xe hỏa; Dù rằng chỉ ngồi trên đống than, Sang gấp mấy lần khi cuốc bộ.
(Đáp xe lửa đi Lai Tân - Nam Trân dịch)
Tiếng cười lạc quan của Bác luôn thể hiện sự làm chủ tình huống, nắm chắc chân lý. Tiếng cười ấy còn hàm chứa chất “thép” và chất “tình” để đem lại niềm hứng khởi cho người đọc, người nghe và ngược lại kẻ bị cười khó tìm đường chối cãi, nguỵ biện. Tiếng cười ấy có khi nhắm vào kẻ thù, có khi tự diễu bản thân, hoặc ngụ ý khuyên răn người khác để họ vươn tới cái đẹp, cái cao cả, xoá đi cái xấu, cái lạc hậu, thấp hèn. Tiếng cười trong Nhật ký trong tù càng làm sáng đẹp hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chủ nghĩa nhân đạo cao cả trong con người Hồ Chí Minh.
Tiểu kết Chương 1
Trong chương này, chúng tôi khái quát khái niệm về “Thơ trào phúng” và “Thơ Đường luật trào phúng”; tìm hiểu sự vận động và phát triển của thơ Đường luật trào phúng Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XX. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh để qua đó có những nhận định về bối cảnh và cảm hứng sáng tác thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG 2
NÉT MỚI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT TRÀO PHÚNG HỒ CHÍ MINH