7. Đóng góp của luận văn
3.2. Những đặc điểm về ngôn ngữ trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh
mới cho tập thơ Nhật kí trong tù: nhân vật trữ tình với những nét mới mẻ, hiện đại, mang dấu ấn của một thời đại mới - thời kì cách mạng sục sôi của kháng chiến.
3.2. Những đặc điểm về ngôn ngữ trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh Chí Minh
Ngôn ngữ thơ là một phương tiện nghệ thuật quan trọng, góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Ngôn ngữ thơ của Hồ Chí Minh không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, trong nội dung phần này, chúng tôi không đi quá sâu và nghiên cứu kỹ tất cả những đặc điểm về ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh, mà chỉ tìm hiểu những đặc trưng cơ bản về từ ngữ và cú pháp để làm rõ cái hay của Bác khi sử dụng ngôn ngữ trong thơ Đường luật trào phúng.
3.2.1. Đặc điểm về từ ngữ
Khác với chất “nôm na” dân dã của ngôn ngữ thơ Nôm, ngôn ngữ Hán trong thơ Đường luật là một ngôn ngữ trang trọng, thanh nhã, hàm súc, ước lệ và tinh luyện. Vì thế, cùng là sáng tác của một tác giả, nhưng thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm cũng khác nhau về phong cách. Hồ Xuân Hương là một ví dụ. nếu trong thơ Nôm, bà thoải mái sử dụng nhiều lớp từ thuần Việt mang sắc thái bình dân, vừa tự nhiên dễ hiểu, vừa sinh động cụ thể… nhưng sang địa hạt thơ chữ Hán, Hồ Xuân Hương phải “chững lại” với lối chơi chữ tao nhã, với những từ ngữ cầu kì sang trọng dồn nén của các bậc thánh hiền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhiều ngoại ngữ, nhưng tiếng Hán là ngoại ngữ duy nhất Người dùng để làm thơ. Trừ một số rất ít chữ là tên riêng như Ung (Nam Ninh), Dụ (Thượng Hải)… hầu hết chữ Hán Hồ Chí Minh sử dụng đều nằm trong bảng chữ Hán tối thiểu, thuộc số những chữ có tần số sử dụng cao nhất (theo thống kê của nhà ngôn ngữ học Phan Văn Các, Hồ Chí Minh đã sử dụng 1332 chữ Hán trong tổng số có ngót 5 vạn chữ Hán hiện có). Đối tượng khảo sát của chúng tôi trong phần này là cách sử dụng từ ngữ Hán trong những bài thơ Đường luật trào phúng của Hồ Chí Minh.
Là người am hiểu ngôn ngữ thơ Luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sành sỏi trong việc sử dụng ngôn từ mang phong cách bác học này. Khảo sát 45 bài thơ trào phúng trong tập Nhật kí trong tù, chúng tôi nhận thấy, nhiều bài được viết theo lối văn ngôn (văn ngôn văn - hệ thống ngôn ngữ sách vở trên cơ sở tiếng Hán cổ, đây là hình thức ngôn ngữ chính thống, “cao quý” trong một thời kỳ lịch sử kéo dài mấy ngàn năm, văn ngôn trở nên khó hiểu, xa lạ với hoạt động nói năng phổ thông của toàn dân. Người Trung Hoa, trừ những người được đào tạo chuyên, không dễ dàng gì hiểu nổi các thư tịch, văn bản viết bằng thứ ngôn ngữ sách vở cổ kính ấy) chặt chẽ như: Dạ lãnh, Bán lộ đáp thuyền phó Ung, Lại sang, Thanh minh, Thu dạ… Đọc những bài thơ này, ta không chỉ thấy sắc thái biểu cảm mang màu sắc Đường thi mà phong cách trang nhã của lớp ngôn từ trong thơ cổ cũng in đậm trong từng câu chữ của
Bác. Những từ, những chữ xuất hiện với tần số cao trong thơ chữ Hán của người xưa cũng thường gặp trong thơ trào phúng của Người, ví như ngã - quân, vân - nguyệt, du du… bản thân những chữ ấy đã toát lên chất cổ điển.
Ngục trung nhân dã thưởng trung thu, Thu nguyệt thu phong đới điểm sầu. Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt, Tâm tuỳ thu nguyệt cộng du du!
(Trung thu, II - Nam Trân dịch)
Bên cạnh lớp từ ngữ Hán học cầu kỳ, sang trọng, dồn nén, thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh còn xuất hiện lớp từ mang tính bình dân như: “bị lạp” (con bạc), “ngạnh phạm” (tù cứng), “xí khanh” (hố xí), “xuất cung” (đi ỉa), “mộc sắt” (rệp bò), “mân trùng” (muỗi lượn)…
Tuy tỷ lệ bài có những từ loại này không nhiều, nhưng việc sử dụng hàng loạt từ bình dân trong thơ Đường luật trào phúng cho thấy, Hồ Chí Minh đã có ý thức trong việc bình dân hóa ngôn ngữ bác học. Thật ra, không phải thơ Đường luật trào phúng “không phù hợp để miêu tả những diễn biến phong phú đa dạng của đời sống thường nhật bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc dễ hiểu. Cái chính là người sáng tác đã không tạo cho nó một sức sống mới bằng ngôn từ để nó có thể phát huy tối đa ưu thể thể loại của nó” [48]. Đọc những bài như: “Cước áp” (Cái cùm), “Lại sang” (Ghẻ lở), “Bang” (Dây trói)… ta thấy có sự thay đổi trong cảm xúc, trong cách diễn đạt, trong hệ thống từ vựng mà ở thơ Đường luật thời trung đại còn chưa thấy. Chính sự thay đổi này đã tạo nên trong Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh chất hiện đại.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn sử dụng những từ ngữ rất hiện đại, mang đậm tính khẩu ngữ, thành ngữ. Trong bài “Chia nước” (Phân thủy) có hai câu: “Thùy yếu tẩy diện vật phanh trà, Thùy yếu phanh trà vật tẩy diện” (Ai muốn rửa mặt chớ pha trà, Ai muốn pha trà chớ rửa mặt). Chữ “yếu” chữ “tẩy” đều là từ hiện đại. Đặc biệt trong câu Quyết tâm, khổ cán dữ ngạnh cán, ở bài
“Độc Tưởng huấn công từ” (Lời giáo huấn của ông Tưởng) có hai từ khẩu ngữ: “khổ cán” và “ngạnh cán”. “Khổ cán” là chấp nhận gian khổ mà làm. “Ngạnh cán” nghĩa là làm mạnh, làm rắn, làm tới, không dao động.
Còn có mấy trường hợp trong tập thơ chữ “ngạnh” nữa mà nghĩa khác nhau. Chữ “ngạnh” trong bài “Đổ phạm” (Tù đánh bạc) chỉ tù nhân giàu có “Ngạnh phạm hào soạn thiên thiên hữu, Cùng phạm cơ diên cộng lệ thùy” (Tù cứng ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo dãi với lệ cùng tuôn)… Nhưng chữ “ngạnh” trong bài “Nhất cá đổ phạm “ngạnh” liễu” lại chỉ cái “chết” của người tù cờ bạc: Một người tù cờ bạc chết cứng. Như vậy, các từ này vừa có tính khẩu ngữ vừa có tính chất tiếng lóng.
Trong bài Lai Tân, hai chữ thiêu đăng ở câu thơ Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự chính là tiếng lóng người Trung Quốc hay dùng để chỉ việc hút thuốc phiện. Hay cụm từ xa đại pháo tài trong bài Nạn hữu họ Mạc có câu: Xa đại pháo tài chân vĩ đại cũng là cách nói mang tính khẩu ngữ có nghĩa là tài nói phét, khoác lác, chém gió.
Nghiên cứu sâu thêm chút nữa, chúng ta còn thấy, thành công của Hồ Chí Minh không chỉ ở việc đưa lớp từ ngữ bình dân vào thơ Đường luật mà còn ở khả năng sử dụng một cách tinh xác lối bạch thoại (bạch thoại văn - hệ thống ngôn ngữ viết của tiếng Hán hiện đại. Nó được hình thành trên cơ sở khẩu ngữ từ thời Đường Tống (thế kỷ VII-XIII) đến nay).
Nếu câu thơ cổ điển thường được danh ngữ hóa và tỉnh lược các hư từ thì câu thơ bạch thoại lại thường được động ngữ hóa, điều đó kéo theo việc sử dụng phổ biến các giới từ, hư từ - đây là một điều rất hiếm gặp trong thơ cổ. Hồ Chí Minh đã đưa vào thơ Đường luật trào phúng rất nhiều câu bạch thoại với các hư từ, giới từ như: bả, bị, tài, dã…; các giới từ phương hướng như tòng, hướng…; các đại từ giá, na… làm cho câu thơ trở thành câu văn xuôi với cách diễn đạt nôm na như lời nói thông thường.
Ví dụ bài “Đổ bác” (Đánh bạc) mấy chữ “bị quan la” trong câu “Dân gian đổ bác bị quan la” tức là bị quan bắt, vừa bạch thoại, vừa khẩu ngữ. Hay bài “Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo” (Ngày tết song thập giải đi Thiên Bảo) cũng hoàn toàn là ngôn ngữ văn xuôi bạch thoại. Nhất là hai tiếng thế mà trong câu: “Thế mà hôm nay ta bị trói giải đi” (Ngã khước kim thiên bị bang giải) mang sắc thái khẩu ngữ, kể chuyện rất rõ.
Bài Cước áp số 1 cũng vậy, chữ “bả” là câu văn xuôi, “thôn liễu” chỉ kết quả hành động trong Hán ngữ hiện đại:
Tranh ninh ngạ khẩu tự hung thần, Vãn vãn trương khai bả cước thôn; Các nhân bị thôn liễu hữu cước, Chỉ thặng tả cước năng khuất thân.
Dịch thơ:
Dữ tựa hung thần miệng trực nhai, Đêm đêm há hốc nuốt chân người; Mọi người bị nuốt chân bên phải,
Co duỗi còn chân bên trái thôi. (Nam Trân dịch)
Hán ngữ hiện đại dùng rất nhiều từ “đích” chỉ quan hệ sở hữu, phụ thuộc. Chữ “đích” trong bài “Dạ bán” làm cho câu thơ thành văn xuôi:
Thiện, ác nguyên lai vô định tính, Đa do giáo dục đích nguyên nhân.
Dịch thơ:
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên.
(Nửa đêm - Nam Trân dịch)
Ngôn ngữ bạch thoại cũng xuất hiện trong bài “Cấm yên” (Cấm thuốc lá), chữ “đích” thêm mấy chữ “Chỉ yên” thành “Chỉ yên đích”, nghĩa là “thuốc lá cuốn thành điếu”.
Cũng theo ngôn ngữ bạch thoại, bài thơ “Đáp hỏa xa vãng Lai Tân”(Đáp xe lửa đi Lai Tân) có câu:
Tuy nhiên chỉ đắc tọa thán thượng, Tất cánh tỉ đồ bộ phiếu lượng.
Dịch thơ:
Tuy nhiên chỉ được ngồi trên đống than,
Rốt cuộc so với đi bộ thì đẹp chán. (Nam Trân dịch)
Các hư từ “tuy nhiên”, “chỉ đắc tọa thán thượng”, “tất cánh”, “tỉ”, “phiếu lượng” đều là các từ ngữ văn xuôi đã được sử dụng tự nhiên, thú vị. Khi dịch ra tiếng Việt các sắc thái ngữ nghĩa này đều biến mất, người Việt hầu như không cảm thấy được sự phân biệt này, đã lầm tưởng thơ Bác viết hoàn toàn theo phong cách thơ cổ điển.
Điều đáng nói là, có những bài tác giả đã sử dụng kết hợp tài tình cả hai hệ thống văn ngôn và bạch thoại một cách tài tình, hài hòa. Trong bài “Lại sang” (Ghẻ lở), Bác viết:
Mãn thân hồng lục như xuyên cẩm, Thành nhật lao tao tự cổ cầm; Xuyên cẩm, tù trung đô quý khách, Cổ cầm, nạn hữu tận tri âm.
Dịch thơ:
Đầy mình đỏ tím như hoa gấm, Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn; Mặc gấm, bạn tù đều khách quý,
Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm. (Văn Trực, Văn Phụng dịch) Bài thơ Luật tuyệt với 4 câu và 25 từ, nhưng không có từ nào là từ thông tục, hay từ lóng, trong khi đó, những từ thuộc lớp từ Hán Việt lại xuất hiện khá nhiều và giữ vị trí trung tâm trong các câu như: “cổ cầm”; (gảy đàn), “xuyên cẩm” (hoa gấm), “quý khách” (khách quý), “tri âm” (bạn lòng).
Thông thường, với hệ thống từ vựng như thế, bài thơ ắt sẽ mang màu sắc trang nhã, cổ kính. Vậy mà ở đây, Bác đã đem đến một phong vị gần như ngược lại. Những từ gảy đàn, hoa gấm, khách quý, tri âm đều được Người dùng theo nghĩa bóng: “hoa gấm” chỉ những nốt ghẻ, “gảy đàn” chỉ hành động gãi ghẻ, trong đó “hoa gấm” (nốt ghẻ) được coi là khách quý, còn “gảy đàn” (gãi ghẻ) được coi là “tri âm”... Việc kết hợp nhuần nhuyễn cả hai hệ thống văn ngôn và bạch thoại như vậy đã đem đến cho thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh một màu sắc tự nhiên, hóm hỉnh.
Những ví dụ nêu trên đã chứng tỏ cách sử dụng ngôn ngữ rất dân chủ của Người, điều này đã phá vỡ tính quy phạm, trang nhã và sùng cổ của thơ Đường nói riêng, thơ cổ nói chung. Lối hành văn này cũng thuận tiện cho tác giả và cho người đọc bình dân hiện đại, mà không hề ảnh hưởng tới cấu tứ bài thơ.
3.2.1.2. Lớp từ ngữ phiên âm tiếng La-tinh
Trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh, đôi lúc, ta thấy Người còn phá cách trong việc sử dụng các từ ngữ phiên âm tiếng La-tinh. Đây là một hiện tượng đặc biệt tạo nên tính hiện đại đậm nét trong cách sử dụng ngôn từ của Bác.
Trong bài Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, câu mở đầu lại không dùng kí tự tượng hình của chữ Hán mà lại dùng kí tự phiên âm la tinh: Oa…! Oa…!...Oa…!. Đây rõ ràng không thuộc thủ pháp giễu nhại, bởi thủ pháp giễu nhại thường đem lại cho người đọc tiếng cười với ý nghĩa hài hước, phê phán. Cái tình sâu đậm của bài thơ là đồng cảm, xót thương cho người vợ, đặc biệt là đứa trẻ mới nửa tuổi cùng mẹ ở nhà lao.
Trong tập thơ, đôi lần tác giả tập thơ dùng tiếng Anh song đã phiên âm sang tiếng Hán “Ngục đinh thiết ngã chi sĩ – đích” (Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta), “sĩ – đích” là phiên âm tiếng Anh của chiếc gậy: stick. Hay từ “ma – đăng” trong câu thơ “Giam phòng kiến trúc đính “ma đăng” (Nhà
lao xây dựng kiểu tân thời) trong bài “Nam Ninh ngục” (Nhà ngục Nam Ninh), “ma- đăng” là phiên âm của từ tiếng Anh modern.
Trong bài Ngày 11 tháng 11, Bác lại phiên âm theo tiếng La – tinh chữ Nazi trong câu thơ “Tội khôi tựu thị ác Na-zi” (Bọn quỷ Na-zi tội đứng đầu). Cách phiên âm này làm cho bài thơ vừa mang tính thời sự, vừa phù hợp với nội dung giễu nhại.
Như vậy, Nhật kí trong tù nhiều có thi phẩm phỏng cổ, là thơ làm theo thi pháp thời trung đại, nhưng mang đậm tinh thần hiện đại. Bằng chi tiết đời thực trong hoàn cảnh lao tù, bằng ngôn ngữ đời thường, Nhật kí trong tù ghi lại nhiều tình huống, nhiều hình ảnh của đời sống trong tù ngục, đầy bi hài, chua chát, u mua, hóm hỉnh. Đây là phong cách thơ bình dị rất đặc trưng cho văn phong của Hồ Chí Minh.