7. Đóng góp của luận văn
3.1.1. Đặc trưng nghệ thuật của thể thơ Đường luật
Trong cuốn “Đặc điểm thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” tác giả Trần Thị Lệ Thanh đã phân tích và rút ra những kết luận xác đáng về Đặc trưng nghệ thuật của thể thơ Đường luật như sau: Trước hết “Nó là thể thơ tạo nên giá trị kết tinh trong nghệ thuật thơ thông qua con đường vượt hiểm, ở đây là vượt sự nghiêm ngặt, gò bó trong thi luật, thi pháp mang tính định hình cực đoan, cao độ. Chính đây là chỗ khác nhau giữa TĐL với các thể thơ khác, và trở thành tính đặc trưng gần như là độc nhất vô nhị của thể TĐL. Đây cũng là chỗ thể hiện sự kỳ diệu, kể cả sự bí hiểm trong tư duy sáng tạo nghệ thuật thơ ca mà mọi sự lý giải đơn giản đều là sự bất cập trước hiện tượng kì diệu và bí hiểm đó”. Bên cạnh đó, tác giả cũng nhận xét: “Nó cũng là thể thơ có tính ưu việt nhất trong việc thể hiện một nguyên tắc tối thượng và muôn đời của nghệ thuật văn chương nói chung, nghệ thuật thơ ca nói riêng là sự súc tích, cô đúc, lời ít ý nhiều. Xin được nói thêm: đây là một nguyên tắc thuộc yêu cầu của nghệ thuật không phải ở một thời, mà với muôn đời, và phải coi nó là tối
thượng trong muôn đời. Nói thế có nghĩa là thể TĐL tuy là sản phẩm mang tính lịch sử cụ thể của thời đại nó ra đời và tồn tại là đời nhà Đường ở Trung Hoa, nhưng cũng mang giá trị vĩnh hằng của lịch sử thơ ca” [48].
Từ hai nét đặc trưng trên, tác giả còn chỉ ra: “khả năng thích ứng đa dạng của thể TĐL trong việc thể hiện đời sống cảm xúc – thẩm mĩ của người làm thơ vốn cũng rất đa dạng và có liên quan đến các loại nhu cầu như: tính chặt chẽ, tính cân đối, tính tương phản... Thể TĐL ngoài khả năng trữ tình, vẫn có khả năng tự sự trào phúng, dĩ nhiên là trong phạm vi khả năng của nó. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, không chỉ thời trung đại mà cả thời hiện đại, loại hình thơ trào phúng đã kết duyên hơn bất cứ thể thơ nào khác với thể TĐL. Ấy là bởi trong thi pháp TĐL có luật đối đã cung cấp cho nó phương tiện đối lập tối ưu để gây cười, để lật tẩy cái xấu, cái lố bịch” [48].
Chúng tôi đặc biệt tán thành khi tác giả rút ra kết luận: “đã đến lúc không thể chỉ xem tính định hình nghiêm ngặt trong thi pháp là đặc trưng nghệ thuật duy nhất của thể TĐL mà phải nhìn đặc trưng nghệ thuật của thi pháp TĐL trong độ phức tạp, kỳ diệu của nó để từ đó có cơ sở cho việc nhận thức về khả năng tồn tại của thể TĐL trong phạm vi khu vực mà nó đã từng có sức sống phi thường”[48].
Những điều được nêu trên đây, chắc chắn là còn chưa thật hoàn chỉnh, nhưng thiết tưởng cũng đã có thể cho phép người viết luận văn này tin tưởng rằng: công việc đang được triển khai là có căn cứ – sự hiện diện của thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh là một sự thật cần được khám phá không thể bỏ qua.
Do khối lượng tác phẩm trào phúng của các tác giả trước và sau thế kỉ XX quá lớn, nên luận văn chỉ thống kê thể thơ Đường luật trào phúng của một số nhà thơ tiêu biểu như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ. Kết quả thống kê cho thấy, thể thơ được các nhà thơ sử dụng nhiều nhất là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật: Nguyễn Khuyến (45 bài chữ Hán), Tú
Xương (52 bài chữ Nôm), Tú Mỡ (06 bài chữ quốc ngữ); thể thơ thứ hai là thất ngôn tứ tuyệt: Hồ Xuân Hương (13 bài chữ Nôm), Nguyễn Khuyến (01 bài chữ Hán), Tú Xương (27 bài chữ Nôm), Tú Mỡ (03 bài chữ quốc ngữ); các thể thơ thất ngôn trường thiên, ngũ ngôn bát cú,… cũng được sử dụng nhưng tần số xuất hiện không nhiều.
Nhật ký trong tù gồm 135 bài (bao gồm cả bài đề từ ghi ở trang bìa và bài
Mới ra tù tập leo núi viết sau khi không phải giam cầm, được trả lại tự do) thì có 133 bài thơ Đường luật, 02 bài không làm theo thể Đường thi (bài thứ 11 có tựa là Lời hỏi gồm 12 câu, mỗi câu 5 chữ và bài thứ 103 với tiêu đề Bốn tháng rồi có 16 câu dài, ngắn khác nhau và sử dụng 3 từ ghép “Bởi vì”, “Cho nên”, “May mà” như những phụ từ, như vậy, hai bài thơ này được viết theo thể tự do, không phải là Đường thi). Vậy, ta có thể khẳng định, Nhật ký trong tù là một tập thơ Đường luật.
Trong 45 bài thơ trào phúng của Nhật kí trong tù, chúng tôi thấy có 44 bài Đường luật, 01 bài tự do (Bốn tháng rồi). Trong đó, có 03 bài ngũ ngôn tứ tuyệt (Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Cột cây số, Giải đi Vũ Minh), có 01 bài thất ngôn bát cú (Đêm thu), và có tới 40 bài tứ tuyệt (Đánh bạc, Dây trói, Tiền vào trại giam, Pha trò, Tiền công, Quán trọ...).
Đọc thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh, ta nhận ra sự ảnh hưởng đậm đặc của chất Đường thi, bút pháp cổ điển trong phong cách thơ của Người, nhất là trong thể thơ tứ tuyệt.
Thơ tứ tuyệt có đặc điểm ngắn gọn, hàm súc (20 chữ với thể ngũ ngôn tứ tuyệt, 28 chữ với thể thất ngôn tứ tuyệt), vì thế, nó đòi hỏi người sáng tác phải biết “nén” tối đa thông tin, ý nghĩa biểu đạt trong một số chữ tối thiểu. Màu sắc cổ điển trong thơ trào phúng Hồ Chí Minh cũng được tạo bởi thể thơ tứ tuyệt với các mối quan hệ tương đồng hoặc đối lập: động – tĩnh, khả biến – bất biến, vinh – nhục, ngoại cảnh – tâm cảnh, được – mất, không – có, xưa –
nay, tiên – tục…. Ta có thể bắt gặp đặc điểm đó qua một số bài tứ tuyệt như:
Quá trưa, Cái cùm, Chia nước, Đánh bạc, Bị hạn chế, Lai Tân…
Bên cạnh đó, thơ tứ tuyệt của Người còn kết hợp được tính trang nghiêm cổ kính của thơ Đường luật với tính chiến đấu nghị luận của thơ Tống. Các bài thơ được làm theo thể Đường thi của Người đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Quách Mạt Nhược - nhà phê bình người Trung Quốc - khi đọc Nhật ký trong tù phải thừa nhận rằng: “Có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào một tập các thi nhân Đường Tống thì cũng khó phân biệt”. Nhận xét này cho thấy, Hồ Chí Minh đã kế thừa và sử dụng thành công thể thơ Đường luật. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã có nhiều cách tân, sáng tạo về thể thơ.
Thứ nhất, đọc thơ Đường luật của Bác, ta thấy trong tập thơ có nhiều bài thơ phá thể trong thể thơ tứ tuyệt. Chẳng hạn như bài Tân Dương ngục trung hài (Cháu bé trong ngục Tân Dương), đây một bài thơ tứ tuyệt luật Đường nhưng lại mở đầu bằng một câu thơ phi Đường luật:
Tân Dương ngục trung hài 22 - 11
Oa…! Oa…! Oaa…!
Gia phạ đương binh cứu quốc gia; Sở dĩ ngã niên tài bán tuế,
Yếu đáo ngục trung căn trước ma.
Dịch thơ:
Oa…! Oa…! Oaa…!
Cha sợ sung quân cứu nước nhà; Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi, Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Nam Trân dịch)
Thay vì bẩy chữ ở mỗi dòng thơ thất ngôn, Người chỉ dùng 3 tiếng Oa...! Oa...! Oaa…!, để ghi lại tiếng khóc vì khát sữa của cháu bé trong nhà lao.
Câu thơ với ba chữ tượng thanh “Oa...! Oa...! Oaa...!” hoàn toàn thuần Việt đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về tiếng khóc của cháu bé sơ sinh – tiếng khóc trở thành tiết thét căm hờn, tố cáo sự tàn bạo, vô nhân tính của chế độ Tưởng Giới Thạch đương thời.
Hay trong bài Giải đi Vũ Minh, cả bài thơ có năm câu, sau bốn câu thơ ghi lại hành trình bị chuyển lao lòng vòng, Người thêm hai chữ Bất bình!, đứng tách riêng thành một dòng thơ độc lập thể hiện thái độ bất bình, bực tức đến cao độ của người tù trước việc chế độ nhà tù đày ải người tù vô cớ mà không cần xét xử:
Giải vãng Vũ Minh
Ký giải đáo Nam Ninh, Hựu giải phản Vũ Minh; Loan loan, khúc khúc giải, Đồ diên ngã hành trình. Bất bình!
Dịch thơ:
Đã giải đến Nam Ninh, Lại giải về Vũ Minh; Giải đi quanh quẹo mãi, Kéo dài cả hành trình. Bất bình!
(Văn Trực, Văn Phụng dịch)
Sự phá cách này là hiện tượng không có trong thơ Đường luật Trung Quốc, nhưng với Bác, sáng tạo nghệ thuật chính là phương thức nhằm biểu đạt tư tưởng một cách giản dị, chân thực, sâu xa.
Thứ hai, mặc dù viết thơ Đường luật nhưng Bác lại không tuân thủ các quy định về luật bằng trắc, các yêu cầu như niêm, dùng điển tích, điển cố cũng bị coi nhẹ. Có bài, Bác đã sử dụng một kết cấu độc đáo, không theo
trình tự, lớp lang kiểu khai, thừa, chuyển, hợp của tứ tuyệt luật Đường mà dùng cả ba câu đầu vào một nhiệm vụ, như ba mũi xung kích cùng giáp công một tiền đồn, bài Lai Tân là một ví dụ:
Câu 1: Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Câu 2: Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
Câu 3: Chong đèn huyện trưởng làm công chuyện,
Câu 4, bất ngờ hạ xuống: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, với bút pháp thâm thúy, thủ pháp nghệ thuật đối lập, kiểu câu lặp cú pháp mà chủ ngữ là những ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng cùng với những việc làm dơ dáy của họ, bài thơ Đường luật phá cách này đã vượt khỏi khuôn phép truyền thống bằng cách hướng đến miêu tả - phản ánh hiện thực khách quan. Thông qua việc ghi chép những điều bản thân đã mục sở thị, Hồ Chí Minh đã “đưa thời sự vào thơ”, vẽ nên một bức tranh hiện thực sáng rõ về lũ quan lại thối nát ở chốn lao tù và cả trong guồng máy chính trị đương thời của xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Đồng thời giúp ta nhìn được sâu hơn vào số phận khổ đau của nhân dân Trung Quốc cũng như tình cảnh khốn cùng của những phạm nhân chẳng may trót sa chân vào chốn ngục tù.
Thơ Đường luật, nhất là thơ tứ tuyệt, thì đa số là bày tỏ nỗi hoài cổ, nhớ tiếc về quá khứ đẹp đẽ. Ngược lại, thơ tứ tuyệt trong “Nhật kí trong tù” tuy có những bài trữ tình nhưng lại gửi gắm vào câu thơ sự giễu nhại đầy thâm thúy, ví dụ như bài: “Chia nước”, “Đánh bạc”, “Dây trói”, “Bị hạn chế”, “Viết hộ báo cáo cho các bạn tù”, “Lên xe lửa đi Lai Tân”, “Cuộc sống trong tù”… Như vậy, Hồ Chí Minh không chịu để cho hình thức thể loại trói buộc khi hình thức ấy tỏ ra bất lực trước những cảm xúc mạnh mẽ, những suy nghĩ sâu sắc của mình. Người đã mượn hình thức thơ Đường luật để diễn tả những điều tai nghe mắt thấy một cách sinh động, tự nhiên, giản dị trong những cấu trúc câu thơ gần với lời nói hàng ngày của con người. Sự sáng tạo này một lần nữa minh chứng tính hiện đại trong thơ Bác.