7. Đóng góp của luận văn
3.1.3. Hình ảnh thơ
Trong thơ ca cổ điển, những hình ảnh thiên nhiên đẹp với những cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã được Bác khái quát trong bài thơ “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”:
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.
Những hình ảnh ấy vẫn thường xuyên xuất hiện trong thơ Người tạo nên một nét cổ điển rất riêng. Thay vì những hình ảnh ước lệ, tượng trưng làm chuẩn mực cho vẻ đẹp con người, những hình ảnh giản dị, đời thường của cuộc sống cần lao, gian khổ với những hình ảnh cơm, nước, rau, canh tràn về trong thơ Bác:
Hỏa lò ai cũng có riêng rồi, Nhỏ nhỏ, to to mấy chiếc nồi; Cơm, nước, rau, canh đun với nấu,
Suốt ngày khói lửa mãi không thôi.
(Sinh hoạt trong tù - Nam Trân dịch)
Nói những hình ảnh trong thơ Hồ Chí Minh hiện đại là bởi, nó phản ánh khá chân thực bức tranh hiện thực cuộc sống của một thời đại nhiễu nhương với những bất công, tàn bạo dưới chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Trong thơ Người, ta bắt gặp hình ảnh đứa trẻ trong không gian ngục tù:
Oa...! Oa...! Oaa...!
Cha sợ sung quân cứu nước nhà; Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi, Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong ngục Tân Dương - Nam Trân dịch)
Tiếng khóc trẻ thơ là âm thanh của thực tại, của cuộc sống đương thời. Tiếng khóc ấy dường như mang trọn nỗi đau từ trong vô thức về một tương lai mờ mịt phải sống trong cảnh thiếu thốn tình yêu thương. Nỗi đau ấy là hệ lụy của chế độ nhà tù tàn ác và đồi bại – nơi những con người có chức quyền ngày đêm đắm mình vào trong những thú vui riêng, mặc cho con tạo xoay vần cuộc sống của nhân dân:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc, Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh; Chong đèn huyện trưởng làm công việc, Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
(Lai Tân - Nam Trân dịch)
Không còn những hình ảnh thiên nhiên đẹp, cũng vắng bóng hình ảnh của những con người đạo mạo với cốt cách sánh ngang tầm vũ trụ, bài thơ Lai tân thuần túy là những hình ảnh cuộc sống, là hình ảnh của những bộ mặt xấu xí, dơ bẩn của quan lại địa phương. Con người ở đây không còn được miêu tả qua hệ thống thi pháp ước lệ, tượng trưng mà hiện lên trần trụi qua ngòi bút miêu tả chi tiết, cụ thể của tác giả.
Theo từng hình ảnh, xã hội Lai Tân dần dần được lộ diện theo cách rất riêng: ở ngoài đánh bạc bị bắt, vào tù tha hồ đánh bạc,
Ðánh bạc ở ngoài quan bắt tội Trong tù đánh bạc được công khai Bị tù con bạc ăn năn mãi
Sao trước không vô quách chốn này.
(Đánh bạc - Nam Trân dịch)
Dưới chế độ xã hội trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch mục nát, nhà tù không còn là nơi giáo dục cải tạo, phục thiện mà là nơi tội ác phát triển, thậm chí tha hồ gây tội, tha hồ đánh bạc, vào đây có tiền thì mua cơm mà ăn, không có tiền thì chết đói:
Quan không cấp bữa cho tù bạc, Để họ mau chừa tội cũ hơn;
Tù "cứng" ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo, dãi với lệ cùng tuôn.
(Tù cờ bạc - Nam Trân, Huệ Chi dịch)
Nhà tù của bọn Tưởng đã trở thành nơi đầu cơ hối lộ. Vào tù phải nộp tiền giam, thổi cơm, đun nước cũng đều phải trả tiền cả:
Thổi một nồi cơm trả sáu hào Nước sôi mỗi chậu,một đồng trao Một đồng, của đáng sáu hào chỉ Giá cả trong tù định rõ sao!.
(Tiền công - Nam Trân dịch) Thơ ca cổ điển thường trọng tính thanh nhã - yếu tố này đã quyết định đến việc lựa chọn hình ảnh của các thi nhân xưa. Thế nhưng, những hình ảnh cầu tiêu, hố xí - vốn bị xem là thô tục trong văn học cổ lại hiện ra một cách trần trụi trong thơ Bác:
Phải nằm cạnh cầu tiêu; Muốn ngủ cho ngon giấc, Anh phải trả tiền nhiều.
(Quán trọ - Nam Trân dịch)
Hay:
Năm mươi ba dặm, một ngày trời, Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ban mai.
(Mới đến nhà lao Thiên Bảo - Nam Trân dịch)
Không chỉ phá vỡ những chuẩn mực thẩm mĩ cổ điển, Hồ Chí Minh còn thổi hồn thời đại vào trong tác phẩm bằng những hình ảnh bình dị đời thường như hình ảnh chiếc răng rụng, cái nốt ghẻ, chậu nước nhà pha,… Những hình ảnh đời thường ấy đã tạo ra một phong cách mới, một sự phá cách sáng tạo thể thơ vốn thuộc dòng thơ bác học, rất chặt chẽ về cấu trúc, niêm luật và tạo nghĩa văn bản. Đồng thời phản ánh thực trạng nhà tù Tưởng Giới Thạch thối nát, xấu xa đang gieo rắc cuộc sống đau thương lên cuộc sống lầm than của dân lành.