Thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh – một hình thái phê phán đặc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ đường luật trào phúng hồ chí minh (Trang 75 - 83)

7. Đóng góp của luận văn

2.2. Thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh – một hình thái phê phán đặc

đặc biệt có cảm xúc

Thơ xưa thường dùng hình thái tư tưởng, triết lí nhân sinh để lên án, phê phán các đối tượng. Xin dẫn thơ trào phúng Nguyễn Bỉnh Khiêm làm ví dụ với mong muốn làm nổi bật hình thái phê phán đặc biệt có cảm xúc trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh.

Vẫn biết sự đời thay đổi là một quy luật khách quan, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiên nhận ra rằng, trong thời đại mà ông đang sống, sự biến đổi ấy quá lớn. Tất cả những giá trị đạo đức trước kia không còn nữa, thay vào đó là quyền lực vạn năng của đồng tiền: “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”. Trước sự đổi thay ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ biết cất tiếng than:

Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười, Có của thì hơn hết mọi lời.

Trước đến tay không, nào thốt hỏi Sau vào gánh nặng, lại vui cười. Anh anh, chú chú, cười hơ hải, Rượu rượu, chè chè, thết tả tơi. Người của, lấy cân ta thử nhắc, Mới hay rằng của nặng hơn người.

(Thơ Nôm, bài 74)

Sức mạnh đồng tiền thật khủng khiếp, nó khiến lẽ đời đổi trắng thay đen tráo trở khôn cùng, mới phút trước “đến tay không, nào thốt hỏi”, phút sau quay lại có tiền “lại vui cười”, “anh anh, chú chú” cười nói vui vẻ. Trước sự thay đổi chóng vánh ấy, nhà thơ nghi ngờ “người của, lấy cân thử nhắc”, để

rồi giật mình “mới hay” rằng “của nặng hơn người”. Cái giật mình thảng thốt của tác giả đánh dấu sự đổi thay quá lớn về sự suy đồi đạo đức của xã hội.

Để có cái nhìn triết lí ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đứng trên tư cách một triết nhân để chiêm nghiệm, suy ngẫm tìm ra quy luật cuộc đời và phát hiện ra quy luật bên trong nó, từ cái nhìn ấy, ông mới lên tiếng phê phán những con người hám lợi, bán rẻ anh em bè bạn “thớt có tanh tao ruồi đậu đến, ang không mật mỡ kiến bò chi” (Nhân tình thế thái bài 19). Tóm lại, thơ trào phúng Nguyễn Bỉnh Khiêm đậm chất triết lí, bởi đó là sự chiêm nghiệm của ông trong bao nhiêu năm quan sát cuộc đời. Đọc thơ ông, ta phát hiện được một Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ, và một Nguyễn Bỉnh Khiêm - triết nhân.

Nếu như hình thái phê phán trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về tính triết lí, về chất trí tuệ thì hệ hình phê phán trong thơ Đường luật trào phúng Hồ Chí Minh là những trạng thái có cảm xúc: cảm xúc lên án, phê phán, tố cáo những bất công, ngang trái trong tù; cảm xúc xót thương cho những số phận bị đày đọa trong nhà tù Tưởng Giới Thạch; cảm xúc ung dung tự tại của vị “khách tiên” trong chốn lao tù… Vì thế, sau khi đọc xong tập Nhật kí trong , ta thấy thật thoải mái, thỏa mãn về tinh thần: từ chỗ bi quan thành lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi, vào tương lai.

Với giọng điệu nhỏ nhẹ, dí dỏm, Hồ Chí Minh đã lên án, tố cáo chế độ xã hội đầy rẫy những bất công, vô nhân đạo. Đó là xã hội mà quyền sống của con người không được đảm bảo, người lương thiện bị bắt giam bừa bãi, kể cả những nạn nhân đáng thương, vô tội:

Oa…! Oa…! Oaa…!

Cha trốn không đi lính nước nhà; Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi, Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Cảnh người phụ nữ với đứa con thơ vừa nửa tuổi phải đi tù thay chồng hẳn không thể gây cười. Nhưng chi tiết gây cười nằm ở câu thơ thứ hai: “Gia phạ đương binh cứu quốc gia”, trong hình ảnh tương phản đầy mỉa mai giữa “gia” và “quốc gia”. Vấn đề cần phải xem xét là ở chỗ: người đàn ông hèn nhát không tham gia đi lính cứu quốc hay chính quyền thi hành chính sách trưng binh gia quyến cho chính sự phi nghĩa? Giọng điệu mỉa mai của bài thơ còn ẩn hiện trong tiếng khóc cùng lời tố cáo “gia” và “quốc gia” của em bé sơ sinh chưa biết nói.

Bài thơ Gia quyến người bị bắt lính có cấu trúc nhân quả giống bài Cháu bé trong ngục Tân Dương:

Biền biệt anh đi không trở lại, Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu; Quan trên xót nỗi em cô quạnh, Nên lại mời em tạm ở tù.

(Nam Trân dịch)

Vì chồng (cha) trốn lính nên nhà chức trách bắt vợ (con) đi tù. Cứ coi như trốn lính là một tội, thì theo lôgíc thông thường: ai có tội người ấy chịu, nhưng ở đây thật phi lý, lại bắt người thân chịu tội. Ý nghĩa thứ nhất là sự mỉa mai, đả kích xã hội thật bất công bằng, thiếu công minh; ý nghĩa thứ hai là phê phán cách đối xử bất công đối với phụ nữ; ý nghĩa thứ ba là lên án đả kích xã hội phi nhân tính bắt cả hài nhi mới nửa tuổi vào tù.

Nhật kí trong tù tố cáo cái tính chất phi lí, bất công, vô nhân đạo vốn là bản chất của chế độ xã hội thối nát Tưởng Giới Thạch. Theo những bài thơ, ta bước vào thế giới cửa quan, nơi những người vô tội trở thành phạm nhân, nơi cai tù vi phạm pháp luật hơn cả tù nhân. Thậm chí, nhà tù, nơi giam giữ, cải tạo người đánh bạc biến thành sòng bạc:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội, Trong tù đánh bạc được công khai;

(Đánh bạc - Nam Trân dịch)

Người tù than thở hối hận rằng, sao mình không vào nơi này từ sớm để được chơi bạc công khai. Cũng như ở ngoài xã hội, trong ngục cũng có kẻ thống trị và người bị trị. Kẻ thống trị thì được phạm pháp – dù là phạm pháp nhỏ như việc hút thuốc:

Nó thì kéo tẩu tha hồ hút, Anh hút, còng đây, tay ké vào.

(Cấm hút thuốc - Nam Trân dịch)

Ngòi bút trào phúng sắc sảo của Hồ Chí Minh đã phơi bày mặt trái của của xã hội qua bức tranh tả thực có sức khái quát lớn: nhà tù như một cái quán trọ nhếch nhác và quái gở: nếu muốn cố giấc ngủ ngon và không phải nằm cạnh cầu tiêu, người tù phải chịu “luật rừng”:

Lệ thường tù mới đến, Phải nằm cạnh cầu tiêu; Muốn ngủ cho ngon giấc, Anh phải trả tiền nhiều.

(Quán trọ - Nam Trân dịch)

Bác phê phán nhà tù giống như một cái chợ - nơi diễn ra mọi trò mua bán, đổi trác, nơi thế lực đồng tiền giữ nguyên hiệu lực của nó:

Thổi một nồi cơm, trả sáu hào, Nước sôi mỗi chậu, một đồng trao; Một đồng của đáng sáu hào chỉ, Giá cả trong tù định rõ sao!

(Tiền công - Nam Trân dịch)

Trong cái nhà tù này, tù nhân phải bỏ một đồng để mua hàng chỉ đáng sáu hào, bởi giá cả trong tù đã định rõ. Có lẽ, trên thế giới, chẳng đâu có thứ nhà tù lạ lùng đến vậy – nhà tù “giống tiểu gia đình”:

Nhà lao mà giống tiểu gia đình, Gạo, củi, muối, dầu tự sắm sanh; Trước mỗi phòng giam bày một bếp, Suốt ngày lụi hụi với cơm canh.

(Nhà lao Quả Đức – Huệ Chi dịch)

Trong tập nhật kí, nhiều bài thơ phản ánh chân thực đời sống khắc nghiệt trong tù ngục. Những điều kiện sống tối thiểu của con người đều bị tước bỏ đến mức tối thiểu. Cảnh đói khát của tù nhân và cảnh hành hạ tù nhân bằng cái đói từ nhà tù này đến nhà tù khác được Bác ghi chép lại một cách tỉ mỉ, chi tiết. Ở nhà lao Tĩnh Tây, tù nhân phải chịu cảnh:

Không rau, không muối, canh không có, Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là.

(Cơm tù - Nam Trân, Băng Thanh dịch)

Đến nhà lao Điền Đông, Đồng Chính, người tù cũng rơi vào cảnh đói triền miên, mỗi bữa, họ chỉ được lưng bát cháo lót bụng:

Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát, Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu; Cơm nhạt ba đồng ăn chẳng đủ, Củi thì như quế, gạo như châu.

(Điền Đông - Nam Trân, Huệ Chi dịch)

Bình Mã thế nào Đồng Chính vậy, Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào;

(Đồng Chính - Nam Trân dịch)

Nhà lao Nam Ninh tuy xây dựng rất “mô-đéc”, nhưng mỗi bữa tù nhân cũng chỉ được lưng bát cháo. Cái đói thường xuyên đe dọa người tù, thậm chí, người tù phải chịu cảnh:

Bốn tháng cơm không no, Bốn tháng đêm thiếu ngủ,

Bốn tháng áo không thay, Bốn tháng không giặt giũ.

(Bốn tháng rồi - Nam Trân dịch)

Bằng bút pháp vừa tả thực vừa trào phúng, nhà tù Tưởng Giới Thạch hiện lên thật bẩn thỉu, chật chội, tù túng, điều kiện sinh hoạt thì khó khăn, thiếu thốn, không gian sống đầy muỗi, rệp...

Rệp bò ngang dọc như xe cóc, Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay;

(Đêm thu - Nam Trân dịch)

Đầy mình đỏ tím như hoa gấm, Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn; Mặc gấm, bạn tù đều khách quý, Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm.

(Ghẻ lở - Văn Trực, Văn Phụng dịch)

Sống trong lao khổ, tù nhân phải chịu đựng những đêm dài cô đơn lạnh lẽo nơi khổ ải đọa đày:

Đêm thu không đệm cũng không chăn, Gối quắp lưng còng ngủ chẳng an;

(Đêm lạnh - Nam Trân dịch)

Phải sống trong cảnh: từ ăn, ngủ, đi lại, hít thở… đều bị hạn chế, thậm chí, người tù còn bị hạn chế cả những chuyện nhỏ nhất:

Đau khổ chi bằng mất tự do, Đến buồn đi ỉa cũng không cho; Cửa tù khi mở không đau bụng, Đau bụng thì không mở cửa tù.

(Bị hạn chế - Nam Trân dịch)

Mỗi ngườinửa chậu nước nhà pha, Rửa mặt pha trà,tự ý ta...

(Chia nước - Nam Trân, Trần Đắc Thọ dịch)

Không những thế, với chi phối của đồng tiền, sự bất công ngang trái diễn ra thường xuyên trong nhà tù bởi:

Tù cứng ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo, dãi với lệ cùng tuôn.

(Tù cờ bạc - Nam Trân, Huệ Chi dịch)

Không đánh giá cao về nhân phẩm của người tù cờ bạc, cũng không mỉa mai châm biếm cái chết của họ, nhưng đọc hai bài thơ Bác viết về cái chết của tù cờ bạc, ta vẫn thấy ý phê phán bao hàm trong đó, một người chết vì “không ăn cháo Nhà nước” (Lại một người nữa), một người chết vì đói rét, khổ đau vì không gian ngục tù ấy:

Thân anh da bọc lấy xương, Khổ đau,đói rét, hết phương sống rồi;

Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sáng nay anh đã về nơi suối vàng!

(Một người tù cờ bạc “chết cứng” - Nam Trân dịch) Đâu chỉ có vậy, Người tù Hồ Chí Minh bị bọn tay sai Tưởng giới Thạch giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác với cảnh ngộ:

Năm mươi ba cây số một ngày, Áo mũ dầm mưa, rách hết giày; Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

(Mới đến nhà lao Thiên Bảo - Nam Trân dịch)

Bị giải đi giải lại trong thân phận tù nhân, khi tù nhân bị dắt đi (“Khiêng lợn, lính cùng đi một lối, Ta thì người dắt, lợn người khiêng” - Cảnh binh khiêng lợn cùng đi), lúc bị giải đi bằng thuyền:

Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh, Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh- Nam Trân dịch) Người tù bị giải đi cả ngày, cả tối, đi trong giá rét với gông cùm, xiềng xích: “Gió sắc tựa gươm mài đá núi,/Rét như dùi nhọn chích cành cây” (Hoàng hôn). Tất cả những sự đày đọa ấy đủ biến một con người khỏe mạnh trở thành một người gầy gò, tiều tụy:

Răng rụng mất một chiếc, Tóc bạc thêm mấy phần, Gầy đen như quỷ đói, Ghẻ lở mọc đầy thân.

(Bốn tháng rồi - Nam Trân dịch)

Dường như trong mỗi lời thơ đều là một hình ảnh sống động, phê phán cuộc sống thiếu thốn trong chốn lao tù thời Tưởng Giới Thạch. Một trong những bài thơ phản ánh sâu sắc nhất sự thối nát của chính quyền Trung Quốc đương thời là bài “Lai tân”:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc, Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh; Chong đèn, huyện trưởng lo công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. (Nam Trân dịch)

“Lai tân” được đánh giá là một trong những bài có nghệ thuật đặc sắc nhất của “Nhật ký trong tù”. Ba câu đầu với câu cuối hình thành hai hình ảnh đối lập: một bên là sự xuống cấp của bộ máy nhà nước, một bên là cảnh Lai Tân tưởng chừng như thái bình, yên ấm. Bên cạnh đó còn có phép nhấn ở cuối mỗi câu, nhấn mạnh vào hành động cờ bạc của ban trưởng, việc ăn hối lộ của cảnh trưởng và huyện trưởng thì… hút thuốc phiện. Với giọng điệu mỉa mai, châm biếm ấy, ta thấy được nội dung toàn bài: phê phán chế độ Tưởng Giới Thạch suy đồi, bát nháo.

Sức tố cáo phê phán, lên án nhà tù chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch của thơ Đường luật trào phúng là hết sức mạnh mẽ. Nhưng chiều sâu ý tưởng nghệ thuật của thơ trào phúng Đường luật Hồ Chí Minh còn là ở chỗ: từ những bài thơ trào phúng, người đọc cảm nhận được sâu sắc và sinh động “chân dung tinh thần tự họa của một thi sĩ - chiến sĩ hài hòa chất thép và tình của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng”. Sở dĩ Bác làm được điều ấy chính vì Bác đã sử dụng một hình thái phê phán đặc biệt có cảm xúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ đường luật trào phúng hồ chí minh (Trang 75 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)