Tản văn Nguyễn Quang Thiều Một tiếng nói độc đáo trong tản văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn của nguyễn quang thiều (Trang 27 - 31)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Tản văn Nguyễn Quang Thiều Một tiếng nói độc đáo trong tản văn

Việt Nam hôm nay

Tản văn Nguyễn Quang Thiều đặt trong hệ thống tản văn hôm nay đã trở thành một tiếng nói độc đáo. Cái độc đáo trong tản văn của ông thể hiện trong cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

Sự độc đáo trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều trước hết là ở vấn đề đề tài. Đề tài của tản văn đặc biệt rộng lớn. Tất cả những vấn đề như: lịch sử, hiện tại, tương lai, tự nhiên, xã hội, nhân sinh, sự kiện, cảnh vật, tình cảm, tinh thần, ngôn luận, thiên văn, địa lí, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, triết học, có thể là những vấn đề rộng như biển, nhỏ như cây cỏ, không có gì là không thể đưa vào ngòi bút của người viết tản văn, do đó người ta gọi tản văn là “viện bảo tàng của cuộc sống”. Trước vô vàn đề tài như vậy, Nguyễn Quang Thiều chọn riêng cho mình một phong cách độc đáo, đó là sự giao thoa, kết hợp hai khuynh hướng: Khuynh hướng thứ nhất là khuynh hướng thế sự - đời tư, khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng văn hóa. Hai khuynh hướng thế sự - đời tư và khuynh

hướng văn hóa thực ra được rất nhiều nhà văn khai thác. Tuy nhiên điều đặc biệt cần nhấn mạnh đó là ở tản văn của Nguyễn Quang Thiều sự kết hợp hai khuynh hướng này rất “đậm đặc”. Văn hóa hay chuyện thường nhật đều có hết trong đề tài làng quê. Ông chọn cho mình đề tài về làng Chùa “Một thế giới hoang dã”. Bản chất làng Chùa cũng giống bao làng quê khác ở Việt Nam,

nhưng qua ngòi bút nhà văn làng Chùa lại trở thành một làng quê ngời sáng vẻ đẹp, vẻ đẹp mang màu sắc huyền thoại, cổ tích, thơ mộng, yên ả, thanh bình với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ông đã dựng lại cho chúng ta - những con người sống trong xã hội hiện đại, chưa từng thấy hoặc mới chỉ nghe qua trong sách vở được biết về bức tranh làng quê, nông thôn Việt Nam xưa có vẻ đẹp văn hóa như thế nào. Nguyễn Quang Thiều- người con của làng Chùa đã dùng con mắt của ký ức, của trí tưởng tượng phong phú để phục dựng lại nét đẹp của làng quê một thời, phục dựng lại hình bóng của những người thân đã khuất, phục dựng lại cả hồn vía của tổ tiên... Đọc những trang viết của ông hẳn người đọc chỉ ước được một lần quay về nơi đó, trở về với quá khứ tuy nghèo khó mà giàu có nghĩa tình ấy để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Đáy, vẻ đẹp mùa hoa cải, được trèo khế, trèo me những buổi trưa hè, bắt cua, bắt ốc, tìm trứng vịt trứng gà, được ăn món ngon của làng quê. Không chỉ khai thác vấn đề ẩm thực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ông còn đi sâu vào thế giới tâm linh của con người. Vẫn khai thác đề tài chung nhưng ông có cái nhìn và cách thể hiện độc đáo. Ông viết bằng cả nỗi niềm, cảm xúc trào dâng và bằng nỗi nhớ quê xưa da diết với một bút pháp nghệ thuật tài hoa. Chỉ bằng tấm lòng và nghệ thuật tự sự đặc sắc ấy, tản văn của ông nổi lên trong dòng tản văn của nước nhà. Không chỉ là kí ức về làng Chùa, ông còn viết về quá trình đô thị hóa, sự thay đổi của con người trong nhịp sống hiện đại. Như vậy đề tài ông lựa chọn là một đề tài gần gũi, thân thuộc với chính bản thân mình, đồng thời qua đó nói lên tâm sự, nỗi lòng của những con người yêu quê hương, đất nước khi

thấy mặt trái của quá trình đô thị hóa làm thay đổi tất cả. Chỉ trong một đề tài nhưng lại có sự kết hợp nhuần nhuyễn hai khuynh hướng thế sự - đời tư và văn hóa, đồng thời làm say đắm người đọc nhưng cũng lấy đi không ít nước mắt, gợi bao suy nghĩ nơi độc giả về cuộc sống của con người hôm nay.

Không chỉ độc đáo ở nội dung, tản văn của Nguyễn Quang Thiều còn đặc sắc ở nghệ thuật. Như đã nói ở trên, tản văn mang đậm dấu ấn của tác giả, mang cái “tôi” cá nhân tác giả, chính vì vậy đọc tản văn chúng ta thường thấy giàu cảm xúc, đậm chất trữ tình và mang quan điểm, ý kiến cá nhân tác giả. Tản văn của Nguyễn Quang Thiều có sự giao thoa giữa chất thơ, chất văn xuôi và chất chính luận. Đọc hai tập tản văn “Mùi của kí ức”, “Có một kẻ rời bỏ thành phố” của ông, chúng ta ngỡ như đang đọc những bài thơ, nhẹ nhàng đằm

thắm, nhưng cũng giống như đang đọc một câu chuyện kể về đời sống thôn quê, và hơn nữa lại là những bài tiểu luận mang quan điểm, ý kiến, sự lí giải, phân tích của nhà văn trước các vấn đề nóng bỏng về cuộc sống thường nhật.

So với các tác giả cùng viết tản văn, chẳng hạn như Nguyễn Hữu Quý thì tản văn của Nguyễn Quang Thiều có khá nhiều điểm khác biệt. Nguyễn Hữu Quý cũng viết về đề tài làng quê, cũng khai thác những nét đẹp văn hóa truyền thống tín ngưỡng, tập tục, văn hóa nhưng đồng thời ông đi sâu vào các vấn đề lịch sử, cách mạng, truyền thống, về quê hương miền Trung gió Lào cát trắng, về người lính trong nhịp sống hiện đại. Còn bản thân Nguyễn Quang Thiều, tản văn của ông viết về làng quê với vẻ vừa yên bình vừa “giông tố”. Giông tố này xuất phát từ sự đổi thay ít niềm vui và nhiều nỗi buồn của làng quê. Giông tố nổi lên trong lòng ông, khiến ông lang thang trong những giấc mơ tìm kiếm về quá khứ, giống như hình tượng con người trốn chạy trong tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố.

Như vậy trong bộ phận tản văn ngày hôm nay, trước khối lượng tác phẩm tản văn đồ sộ với sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi thì Nguyễn Quang Thiều có một tiếng nói riêng, có những tản văn độc đáo, ghi dấu ấn trong lòng độc giả.

Tiểu kết Chương 1

Trong Chương 1, chúng tôi giới thiệu khái quát về tiểu sử, quá trình sáng tác, quan điểm sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Chúng tôi đi sâu vào bức tranh tản văn Việt Nam đương đại, khái lược về hai khuynh hướng sáng tác chính trong bộ phận sáng tác này: - Khuynh hướng Thế sự - Đời tư và khuynh hướng các vấn đề văn hóa. Đặt tản văn của Nguyễn Quang Thiều vào dòng chảy ấy, chúng tôi khẳng định sự độc đáo của tản văn Nguyễn Quang Thiều: Đó là sự kết hợp biến ảo, tài hoa khi vừa khai thác phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi Thế sự - Đời tư vừa nghiền ngẫm, làm nổi bật những vấn đề nóng bỏng thuộc phạm trù văn học của đất nước ta hiện nay. Qua đó nhà văn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật giàu tính nhân văn.

Chương 2

HOÀI NIỆM VỀ VĂN HÓA LÀNG QUÊ VIỆT NAM VÙNG BẮC BỘ TRONG TẢN VĂN CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

Văn hóa đồng bằng Bắc Bộ có từ rất lâu đời. Bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau là bấy nhiêu tuổi của nền văn hóa. Văn hóa làng quê Bắc Bộ thực chất là hệ thống những quan niệm, chuẩn mực đạo đức, hành vi những phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần được hình thành trong quá trình tổ chức, giữ gìn cuộc sống của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng bằng Bắc Bộ được hình thành từ lâu đời và suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người dân sống theo xóm, làng, xã, tạo thành một thể thống nhất gọi là cộng đồng làng xã. Cộng đồng đó cùng sinh sống, ăn, ở và có những thói quen, phong tục, tập quán riêng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên một bản sắc văn hóa. Văn hóa đồng bằng Bắc Bộ được bộc lộ trong lối sống, phong tục, tâm tính con người, trong kho tàng văn hóa dân gian, tín ngưỡng - tôn giáo, hương ước... Nó thể hiện ra ở đình, chùa, miếu, lũy tre, cây đa, bến nước... Những yếu tố vật thể và phi vật thể trên không đứng đơn lập mà hòa quyện vào nhau, tích hợp lại thành bản chất, đặc trưng văn hóa làng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng ngày ngay, khi đất nước thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng quê dần bị đô thị, chính vì vậy con người thay đổi thói quen, nếp sống và văn hóa làng cũng dần thay đổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn của nguyễn quang thiều (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)