7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Hình tượng người trần thuật triết luận
Người trần thuật triết luận là người trần thuật sử dụng tư duy nghệ thuật có sự kết hợp của tư duy hình tượng của nhà thơ với tư duy chính luận của một nhà viết ký văn học để thông qua những sự vật, hiện tượng xuất hiện trong phạm vi thế sự và đời tư của con người mà phân tích đối thoại, lí giải, ngợi ca hoặc phê phán một cách logic, sắc sảo đầy thuyết phục trong đó tư duy chính luận mang tính duy lí chiếm ưu thế. Tư duy hình tượng của nhà thơ bao giờ cũng gắn bó với chất thơ bay bổng lãng mạn lại được kết hợp với tư duy chính luận, bao giờ cũng xây dựng nên một hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rồi phân tích lí giải chúng một cách tường minh. Trong hàng loạt tản văn của Nguyễn Quang Thiều, hình tượng người trần thuật triết luận đã xuất hiện với sự kết hợp của hai kiểu tư duy nghệ thuật kể trên. Trong tản văn: Những hạt giống của những cơn mơ, Đức tin và lối thành thiên đường, Như là một ngày sám hối, Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất, Một đất nước cần sáng tạo lại, Những sát thủ ở thành phố hòa bình…v.v.., chúng tôi đều thấy hình tượng người trần thuật triết luận xuất hiện, sau một vài hình ảnh nghệ thuật đậm chất
thơ gắn với những kỉ niệm, những sự vật, hiện tượng bất ngờ bắt gặp trên đường đời. Là sự phân tích, lí giải, khẳng định, phê phán thật sắc bén của một tư duy chính luận. Tản văn “Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất” cũng bắt đầu bằng cảm xúc về tháng Giêng gắn với bao lễ hội nổi tiếng: Chùa Hương, chợ Viềng, Bia Bà… , cũng phải là cái nhìn sắc sảo mới phát hiện và nhận ra phương thức “hối lộ thánh thần” của một số lượng không nhỏ du khách đang vãn cảnh, đầu xuân. Đây là một dấu hiệu đáng buồn cho thấy sự suy vi của văn hóa, sự xuống cấp của đạo đức xã hội khi công danh tài lộc thành cái đích cao cả nhất mà bao người sẵn sàng giẫm đạp lên tất cả để vươn tới. Có lẽ rất nhiều người nhận ra thực trạng này nhưng không có ai có thể viết được như Nguyễn Quang Thiều về điều ấy: “Cho dù tôi có muốn một cái bỉ chức nào đó
thì tôi cũng không bao giờ đến để xin ngài điều ấy. Vì đến cũng phải dâng lễ cho dù lễ to hay lễ nhỏ… Các ngài làm sao chịu nổi những cảnh ấy. Vì thế, các ngài có đâu mà biết đến những trò “hối lộ Thánh Thần”” [37,tr 32]. Bằng giọng trào lộng, mỉa mai chua cay, bằng cách luận giải vấn đề rất logic và không thể bác bỏ, người trần thuật triết luận trong đoạn văn kể trên đã triển khai nội dung bài luận của mình có ba luận điểm: Thứ nhất nếu tôi muốn một chức tước nào đó thì phải dâng lễ rồi khấn rằng: “Con có chút lễ mọn dâng Ngài, xin Ngài cho con năm nay được lên chức đội phó” [37,tr 32]. Thật hài
hước, thật mỉa mai trong cuộc “mặc cả” với thần linh này khi mà bằng hình thức tao nhã hơn để diễn tả nội dung trần tục đã được dân gian Việt Nam nói rất hay bằng câu thành ngữ: “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Nhưng nếu mặc cả giữa những người phàm tục với nhau thì có lẽ thường tình nhưng khi người trần thế mặc cả với thần linh thì chẳng lẽ thần linh cũng Tham, sân, si như người trần thế? và như thế đâu còn là thần linh nữa? ở đây còn hàm ẩn sự châm biếm và thương hại cho ước mơ tầm thường của những con người tầm thường khi mặc cả với thần linh để xin chức “đội phó”.
Ở luận điểm thứ hai, để nói về vai trò của thần thánh trong việc sắp xếp, ban phát cái chức vụ béo bở cho người trần thế đang cầu xin: “Thế hóa ra ngài
là trưởng ban tổ chức của thế gian ư?” [37,tr 32]. Một chân lí đã xuất hiện -
những thánh thần uy nghi tận trời xanh kia chẳng lẽ lại chìa tay nhận lễ mọn của đám người tham lam, sau đó sẽ làm thay nhiệm vụ của trưởng ban tổ chức của thế gian? Sự hài hước và chua cay được nâng lên ở một cấp độ cao hơn trong luận điểm này, để chỉ rõ sự phi lí và vô nghĩa cho những cuộc “hối lộ” thánh thần này.
Ở luận điểm thứ ba phê phán cảnh mua thần bán thánh, cảnh mê tín dị đoan, cảnh lừa nhau để kiếm chác nơi sân đền phủ thánh “các ngài làm sao chịu nổi những cảnh ấy”. Thần thánh là cao cả và thiêng liêng trong tín ngưỡng
dân gian và tâm thức của người Việt, hầu hết họ là những nhân thần có công hộ quốc an dân. Vậy thì làm sao những đấng bậc uy nghi kia có thể chịu đựng nổi những cuộc mặc cả, dù bằng hình thức khéo léo đến đâu, và những cảnh lừa đảo mà những người u mê là nạn nhân đang diễn ra trước mặt mình? Chỉ cần ba luận điểm sắc sảo, vài minh chứng sáng rõ, cách luận giải phản bác, phê phán thật logic và thuyết phục, người trần thuật triết luận không chỉ bày tỏ chính kiến và thái độ phê phán của mình về những việc “hối lộ thánh thần”, mà còn khiến người đọc như bừng tỉnh để nhận ra sự thảm hại và vô nghĩa của những cảnh chen lấn, xô đẩy để xin ấn đền Trần, cướp lộc đền Gióng, mà chúng ta đều biết trong những năm vừa qua. Ở đoạn kết của tản văn này, triết lí nhân sinh được trình bày ở phần đầu của tác phẩm được nâng lên ở một tầm cao mới - chúng ta nô nức đến với đình chùa để cầu công danh tài lộc mà lại bỏ quên ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất trong chính lòng mình, chỉ khi nào ngôi đền, ngôi chùa vô hình thờ cái thiện cái đẹp mang lại bình yên cho mỗi chúng ta thì cuộc sống của chúng ta mới vươn tới hạnh phúc đúng nghĩa của nó: “Ngôi đền, ngôi
chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không
yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông…lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh” [37, tr34].
Tản văn “Đức tin và lối tới Thiên đường” bắt đầu từ một bộ phim kể về một cậu bé đi một chuyến tàu trong giấc mơ đi phương Bắc, được gặp ông già Noel và được tặng chiếc chuông, cậu lắc khẽ chuông và một âm thanh kì diệu mà đã từng nghe thấy trong giấc mơ xuất hiện, nhưng cha mẹ cậu không tin vào giấc mơ kia. Họ lắc thử chiếc chuông và không nghe thấy âm thanh nào. Từ câu chuyện trong bộ phim kia, người trần thuật triết luận đã bàn luận về vấn đề đức tin và tôn giáo. Vấn đề tôn giáo và đức tin là vấn đề cực kì phức tạp và không dễ lí giải. Sự phân chia thế giới theo những tôn giáo khác nhau, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu đã và đang xảy ra khắp thế giới., vậy thì Chúa Giê - su, Thánh A La và Đức Phật có thật hay không, nếu họ có thật thì sao không bằng quyền năng của mình để xua tan mọi đói rét, bệnh tật, hận thù và đau khổ trên thế gian này? Câu hỏi rất khó trả lời này đặt ra như một chủ đề để bàn luận và lí giải. Người trần thuật triết luận đã lí giải nó theo cách riêng của mình đầy thuyết phục: “Tôi đã nói với bạn tôi rằng câu trả lời ở đây chính là
vấn đề đức tin và ý nghĩa đích thực của hạnh phúc …Họ không có lí do gì để hiển hiện trong một hình thức nào đó trên thế gian này nữa hoặc họ phải dời đến một nơi chốn nào đó trong vũ trụ” [37, tr 16]. Thì ra hạnh phúc cho mỗi con người là khi họ có đức tin vào những điều tốt đẹp đã và sẽ ngự trị trên thế gian này. Nhờ đức tin ấy mà con người trở nên lương thiện, dũng cảm hơn để vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong hiện tại. Chúa Giê-su, Thánh A La và Đức Phật cùng những tôn giáo của họ mang lại cho nhân loại đức tin và hạnh phúc ấy. Bởi nếu con người không có đức tin vào những điều tốt đẹp kia thì con người ấy có khác gì quỷ dữ? Tôn giáo là kết tinh những giấc mơ đẹp đẽ của con người, là con đường để con người đi tới đức tin, sẽ như cậu bé có chiếc
chuông kì diệu kia, có thể cậu chỉ tưởng tượng ra những âm thanh của chiếc chuông ấy, nhưng chính nhờ nó mà cậu bé hạnh phúc, tin rằng nếu mình sống tốt đẹp thì sẽ gặp ông già Noel và được tặng quà, còn cha mẹ cậu bé là tượng trưng cho những người không có đức tin. Họ không bao giờ có những giấc mơ ngọt ngào, khi không còn tin vào bất cứ điều gì thì tâm hồn con người trở nên cằn cỗi và đáng sợ biết bao. Như vậy chẳng nên bàn luận xem chúa Giê-su, Thánh A La và Đức Phật có thật hay không? Bởi họ có lẽ chỉ là biểu tượng cho giấc mơ vĩnh hằng của con người về một thế giới tốt đẹp khi ta lương thiện và dũng cảm. Người trần thuật triết luận sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” không chỉ phân tích, lí giải thật sắc sảo về điều kể trên mà còn thổ lộ cảm xúc và tình cảm thắm thiết của mình trong một đoạn văn trữ tình. Người đọc không chỉ dược bừng sáng về trí tuệ mà còn thổn thức trong trái tim: “Nhưng trong đêm khuya
khoắt này, cho dù tôi đang viết những lời đầy buồn bã và thất vọng này thì trên thế gian chúng ta có bao nhiêu ngôi nhà ấm áp và lấp lánh ánh lửa…Chúng sẽ mang theo đức tin ấy để từng ngày xây dựng một thế giới tốt lành trên thế gian còn quá nhiều bóng tối và máu chảy của chúng ta” [37, tr 17].
Nhưng có lẽ tản văn thể hiện rõ nhất hình tượng người trần thuật triết luận trong tản văn Nguyễn Quang Thiều là tác phẩm “Một đất nước cần sáng tạo
lại”. Ở đây, yếu tố chính luận “đậm đặc” và chất thơ mờ đi, với kết cấu bốn
phần: Phần một đặt vấn đề với những câu hỏi: Vì sao người Mỹ lại chọn và bầu cho tổng thống Obama - câu hỏi được lồng vào mẩu chuyện nhà văn Mỹ Toni Morison được giải Nobel văn học, ông đã trò chuyện với Obama trước cuộc bầu cử tổng thống và nhận được lời đề nghị ủng hộ từ Obama. Phần thứ hai là giải quyết vấn đề nêu lí do vì sao nhà văn Mỹ Toni Morison nổi tiếng và người dân Mỹ ủng hộ Obama. Lý do thật đơn giản như nhà văn Toni Morison từng viết: “Bởi gì Obama đúng là một nhà thơ” với trí tưởng tượng đầy sáng tạo. Ở phần này, bằng tư duy duy lí sắc sảo, luận cứ luận chứng xác đáng và tường minh, người trần thuật triết luận đã phân tích và chứng minh đầy thuyết phục
về hành động bỏ phiếu cho Obama làm tổng thống là hoàn toàn hợp lí. Và thứ ba là phần kết thúc vấn đề với yếu tố chính luận đan xen với những biểu hiện chất thơ trong ngôn ngữ: “Chính trong hoàn cảnh nguy kịch này, sự xuất hiện
của một vị lãnh đạo đầy quyền lực mang tâm hồn thi ca (sự sáng tạo) đã phát huy đầy đủ ý nghĩa của nó. Bởi lẽ chúng ta đang rất cần đến những phát ngôn phức tạp và sáng suốt, mà nhờ đó dần dần con người sẽ biết lo lắng trước những gì đang xảy ra ngày hôm nay để lường trước được những giải pháp cần thiết cho những năm tháng khó khăn sắp tới” [37, tr55].
Như vậy với hai kiểu loại hình tượng người trần thuật mang những phẩm chất thẩm mĩ trái ngược nhau nhưng lại kết hợp hài hòa và bổ sung tuyệt vời cho nhau, tản văn của Nguyễn Quang Thiều vừa làm rung động trái tim vừa thuyết phục lí trí người đọc.