7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Người dân quê Bắc Bộ chủ thể tiếp nhận, thưởng thức, lưu giữ và
bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Những giá trị văn hóa truyền thống dù đẹp đến đâu nếu không được lưu giữ, bảo tồn sẽ mãi mãi không còn nữa. Làng Chùa như đã nói ở trên là một ngôi làng điển hình cho làng quê Bắc Bộ. Ở đó, lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa
truyền thống. Chính những người dân quê Bắc Bộ đã làm ra giá trị văn hóa đó và cũng chính họ lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị đó.
Từ khi ngôi làng ra đời cho đến nửa đầu thế kỉ XX, người dân làng Chùa sinh sống, làm ăn trên mảnh đất này. Để tồn tại và phục vụ cho cuộc sống của mình họ tự có những nề nếp, thói quen… phù hợp với cuộc sống của họ. Trải qua rất nhiều đời, thói quen đó, nề nếp đó trở thành nền văn hóa có bề dày lịch sử. Họ sáng tạo ra và chính họ truyền lại cho đời sau, nghĩa là chính họ bảo tồn lưu giữ những giá trị văn hóa đó.
Trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều, nhân vật người trần thuật, xưng “tôi” là một nhân vật vừa là hóa thân của tác giả, vừa mang tính điển hình khi đại diện cho thế hệ trẻ làng Chùa nói riêng, của xã hội Việt Nam hôm nay nói chung. Được bà, mẹ và những người dân làng Chùa yêu thương dạy bảo, nhân vật ấy không chỉ tiếp thu những nét tinh tế, tài hoa trong nghệ thuật ẩm thực của làng Chùa, mà còn học tập được những bài học cao đẹp về đạo lí làm người, về tình yêu quê hương xứ sở, về thái độ nghiêm túc và lòng say mê trong công việc. Những trang viết về các món ăn do bà và mẹ truyền dạy có sự tỉ mỉ, chi tiết cùng những bí quyết không nhiều người biết, điều ấy chứng tỏ nhân vật “tôi” phải có một tình yêu máu thịt với quê hương mình mới có thể ghi nhớ và truyền lại cho chúng ta những nét đẹp văn hóa đặc sắc ấy. Bên cạnh đấy, hành động luôn trở về quê hương, luôn biết ơn và ngưỡng vọng các bậc sinh thành, yêu quý, tự hào về những người dân quê dù ít học nhưng lại có nhân cách cao đẹp, trí tuệ minh triết…đã chứng minh nhân vật “tôi” là chủ thể tiếp nhận, lưu giữ và truyền lại các giá trị văn hóa của làng quê cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, nhân vật chú Thiệu cũng là nhân vật điển hình cho thế hệ trẻ “tiếp lửa truyền thống”, để ngọn lửa văn hóa làng quê không bị tắt. Chú Thiệu đã mang văn hóa ẩm thực ra nước ngoài để bạn bè quốc tế biết và thêm yêu quý đất nước Việt Nam của chúng ta.
Và với Nguyễn Quang Thiều qua các tản văn này đã trở thành một “đại sứ văn hóa” đặc biệt đưa văn hóa làng Chùa - văn hóa Việt Nam đến với thế giới.
Những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, theo xu hướng đô thị hóa, ngôi làng Chùa cũng dần thay đổi và ngày càng hiện đại hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng sống trong sự hiện đại và quên đi quá khứ. Nhưng thật may mắn, vẫn còn những con người như Nguyễn Quang Thiều, mặc dù sống trong cuộc sống đô hội nhưng ông luôn trăn trở và hoài niệm về văn hóa làng quê. Như vậy chúng ta có một lớp người mang trong mình tình yêu làng quê sâu nặng, luôn trân trọng bảo tồn và truyền lại văn hóa làng quê cho thế hệ trẻ trước cảnh đổi thay một cách nhanh chóng của xã hội. Chính họ sẽ là những con người lưu giữ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho làng quê.
Ngày nay, ở Hà Nội chúng ta vẫn thấy những con phố cổ, mặc dù không cổ hoàn toàn nhưng dấu vết xưa vẫn còn. Chúng ta không lạ gì khi thấy những ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu xưa, những ngôi nhà có rêu phong phủ kín. Đôi khi chúng ta thấy ở cổng làng vẫn còn những hàng chữ cổ, những thảm có xanh…v.v… Dù đất nước có đổi thay nhưng con người vẫn luôn ý thức phải giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tiểu kết chương 2
Trong Chương 2, chúng tôi tập trung nghiên cứu hai vấn đề lớn: - Tình yêu và sự luyến tiếc giá trị văn hóa truyền thống của làng quê đang mai một; tình yêu và niềm tự hào cho những người dân quê - chủ thể sáng tạo, bảo tồn và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống.
Ở vấn đề thứ nhất, trong dòng hoài niệm về những kỉ niệm thời thơ bé, nhà văn bày tỏ tình yêu, niềm tự hào và sự luyến tiếc với những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam vùng Bắc Bộ đang dần phai nhạt trước mặt trái của quá trình đô thị hóa. Đó là hệ thống giá trị nằm trong văn hóa kiến trúc, văn hóa ẩm thực, văn hoa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt đẹp của làng Chùa nói riêng, của làng quê Bắc Bộ nói chung.
Ở vấn đề thứ hai, nhà văn bộc lộ tình yêu, sự ngưỡng mộ dành cho những người dân quê tài hoa và nhân ái. Họ vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể tiếp nhận thưởng thức, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Nội dung trong tản văn của nguyễn Quang Thiều với chủ đề hoài niệm về văn hóa làng quê kể trên đã mang lại cho người đọc những bài học nhẹ nhàng mà thấm thía về thái độ, tư tưởng, tình cảm và ứng xử có văn hóa của mỗi chúng ta với di sản văn hóa của ông cha ta để lại.
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TỰ SỰ ĐẶC SẮC TRONG TẢN VĂN CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU.
Tản văn của Nguyễn Quang Thiều có một vị trí đặc biệt trong tản văn Việt Nam đương đại, được bạn đọc yêu mến và nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học quan tâm tìm hiểu. Vì sao tản văn của Nguyễn Quang Thiều đạt được những thành công ấy? Bên cạnh những thành công ở phương diện nội dung thì nghệ thuật tự sự đặc sắc trong tản văn của nhà văn này cũng là một điều kiện quan trọng để những trang tản văn hấp dẫn, sinh động ấy làm rung động rồi ở lại lâu bền trong trái tim bạn đọc. Nhưng do khuôn khổ của luận văn thạc sĩ, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu một số phương diện đặc sắc nhất trong nghệ thuật tự sự của cây bút tản văn Nguyễn Quang Thiều.