7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Hình tượng người trần thuật
Có nhiều định nghĩa về hình tượng người trần thuật nhưng chúng tôi chọn khái niệm người trần thuật trong Từ điển Thuật ngữ văn học của nhiều tác giả làm cơ sở lí luận cho việc nghiên cứu của mình về phương diện này: “Người
trần thuật là một nhân vật hư cấu và có thật mà văn bản tự sự do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong khi kể chuyện, người trần thuật là một người sống sinh động (…) Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự” [6, tr221].
Tản văn là một thể loại đặc biệt vì nó có khả năng thu hút vào trong đó rất nhiều phẩm chất nghệ thuật của các thể loại văn học khác. Đọc những tản văn xuất sắc của tản văn Việt Nam đương đại, chúng tôi nhận thấy trong những tác phẩm ấy có xung đột giàu kịch tính của kịch, các yếu tố người thật, việc thật của ký văn học, chất thơ của tác phẩm trữ tình, tính hàm súc cao độ của truyện ngắn…v.v... Chính vì đặc điểm này mà tản văn, một thể loại văn học tưởng chừng rất nhỏ bé lại có sức hấp dẫn đặc biệt và ngày càng tạo được tiếng vang
lớn trong văn đàn hôm nay. Tản văn của Nguyễn Quang Thiều cũng mang đặc điểm ấy và thể hiện sức mạnh và khả năng giao thoa thể loại trước hết ở phương diện hình tượng người trần thuật. Trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều dù hình tượng người trần thuật sử dụng đại từ nhân xưng “ta”, “tôi” hay sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (dù rất ít) thì bao giờ đó cũng là một hóa thân của chính cái tôi tác giả, liên tục xuất hiện với những dòng hoài niệm về văn hóa làng quê Bắc Bộ với bao nhiêu thương nhớ, ngậm ngùi tiếc nuối. Nhưng hình tượng trần thuật trong tản văn Nguyễn Quang Thiều xuất hiện chủ yếu với hai kiểu loại cơ bản sau đây:
Hình tượng người trần thuật thi sĩ kể những câu chuyện của mình từ cái nhìn nghệ thuật của một nhà thơ với chất thơ “đậm đặc”. Trong hình tượng nghệ thuật này, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật và đặc biệt góc nhìn khám phá và tạo dựng chân dung của các nhân vật mang lại vẻ đẹp trữ tình cho các tác phẩm; đó còn là hình tượng của người trần thuật triết luận luôn nghiền ngẫm, phân tích, lí giải, với cái nhìn sắc sảo mang tính chính luận về các vấn đề nhân sinh được đúc kết sau mỗi tản văn. Có sự kết hợp hài hòa giữa hai kiểu loại hình tượng người tràn thuật này để từ đó đem lại những trang văn vừa thấm đẫm vẻ đẹp trữ tình vừa bừng sáng vẻ đẹp trí tuệ của những triết lí nhân sinh sâu sắc.