Tiểu thuyết lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 26 - 29)

8. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Tiểu thuyết lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945

Đầu thế kỷ XX là giai đoạn diễn ra quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Nó đưa văn học dân tộc rời khỏi phạm trù trung đại đến với phạm trù hiện đại. Từ đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết lịch sử bắt đầu có những chỗ đứng vững chắc trong nền văn học và trở thành lực lượng nòng cốt cho sự phát triển

của văn học Việt Nam hiện đại. Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Có thể kể đến các tác phẩm như Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu); Vua Hàm Nghi, Vua Quang Trung, Bánh xe khứ quốc

(Phan Trần Chúc); Tiếng sấm đêm đông, Đinh Tiên Hoàng, Vua Bố Cái, Trần Nguyên chiến kỉ, Hai Bà đánh giặc, Mai Hắc Đế, Lý Nam Đế (Nguyễn Tử Siêu); Hòm đựng người, Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh Khải (Nguyễn Triệu Luật);

Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, Ai lên Phố Cát (Lan Khai); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Lịch sử Đề Thám (Ngô Tất Tố); Đêm hội Long Trì, An (Nguyễn Huy Tưởng); Giọt máu chung tình, Gia Long phục quốc (Tân Dân Tử); Lê Thái Tổ (Chu Thiên)...

Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này mang nội dung yêu nước sâu sắc. Các tác phẩm đã ca ngợi những tấm gương yêu nước, căm thù giặc, những trang anh hùng, những liệt nữ đã hi sinh cho sự nghiệp giữ gìn non sông đất nước. Những nhân vật lịch sử đều đẹp một cách lý tưởng, thể hiện sự sùng bái, ngưỡng vọng của cả cộng đồng. Các tác phẩm tiêu biểu cho nội dung này có thể kể đến

Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu); Tiếng sấm đêm đông (Nguyễn Tử Siêu);

Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử); Trần Nguyên chiến kỉ, Hai Bà đánh giặc

(Nguyễn Tử Siêu)... Đây là thời kỳ đất nước ta đang chịu cảnh áp bức, đô hộ của thực dân Pháp. Trước thực tại đất nước, đã có nhiều phong trào yêu nước nổi lên mạnh mẽ như phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội... Những phong trào yêu nước đó đã tác động tới các nhà viết tiểu thuyết lịch sử để họ cho ra đời những tác phẩm có nội dung yêu nước sâu sắc.

Bên cạnh nội dung yêu nước, tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này còn mang nội dung thế sự. Nhà văn lựa chọn viết về những giai đoạn lịch sử đầy biến động, phức tạp của đất nước. Các tác giả đã đi sâu khai thác nhằm phơi bày thực trạng xã hội: số phận bất hạnh của những người dân thường, quan lại phong kiến dâm loạn, tàn ác... Các tác phẩm tiêu biểu cho nội dung này có thể

kể đến như Đinh Tiên Hoàng (Nguyễn Tử Siêu); Cái hột mận, Ai lên phố cát

(Lan Khai); Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng)...

Tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XX đến năm 1945 có sự vận động đa dạng, phong phú và nổi bật ở một số xu hướng chính:

Thứ nhất là “xu hướng thông qua việc khắc họa hình ảnh những người anh hùng yêu nước để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khích lệ ý thức trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh đất nước” [39, tr.45]. Nhà Nho, nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu là người tiêu biểu cho cách viết này.

Thứ hai, xu hướng “khai thác những chuyện thật của lịch sử đan xen với truyền thuyết” [39, tr.45]. Nguyễn Tử Siêu, Tân Dân Tử... là những người tiêu biểu cho xu hướng này.

Thứ ba, “xu hướng khai thác những câu chuyện thế sự, đời tư trong đề tài lịch sử, cách viết in đậm màu sắc lãng mạn, đã li khai hoàn toàn với tiểu thuyết chương hồi” [39, tr.45]. Tiểu biểu cho xu hướng này là các tác giả Phan Trần Chúc, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật...

Thứ tư, “xu hướng xem lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn triển khai những băn khoăn, trăn trở về thân phận con người, về ý thức công dân và sứ mệnh của nghệ thuật” [39, tr.45]. Người viết đã phát huy khả năng sáng tạo, hư cấu nghệ thuật. Tiêu biểu cho xu hướng này là lối viết của Nguyễn Huy Tưởng. Xu hướng này đặt nền móng và được phát huy rất mạnh ở giai đoạn sau, đặc biệt là từ năm 1986 đến nay với nhiều tiểu thuyết lịch sử có tiếng vang lớn của văn học Việt Nam.

Tóm lại, tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XX đến năm 1945 bước đầu đã có những cách tân về nghệ thuật nhằm hiện đại hóa thể loại. Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi hệ thống thi pháp của văn học trung đại. Tiểu thuyết lịch sử vẫn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi, kết cấu thời gian đơn tuyến. Nhân vật chủ yếu được khắc họa qua hành động. Tâm lý nhân vật ít được miêu tả và chưa rõ nét. Yếu tố độc thoại nội tâm

đã bắt đầu xuất hiện nhưng vẫn còn mờ nhạt. Lối diễn đạt còn chịu ảnh hưởng của câu văn biền ngẫu, sử dụng nhiều điển tích, điển cố...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)