8. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai còn tập trung khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại, để từ đó thâm nhập vào thế giới tâm hồn của nhân vật. Độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [20, tr.122].
Trong ba tiểu thuyết lịch sử, ngôn ngữ độc thoại với những tâm tư, suy nghĩ, trằn trọc của nhân vật được nhà văn khắc họa sinh động, cụ thể và chân thực. Mỗi lời độc thoại của nhân vật, người đọc lại thấy hiện lên hình ảnh một con người luôn đau đáu tâm can về lẽ sống, về giang sơn xã tắc.
Sau bao năm nếm mật nằm gai, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đã kết thúc thắng lợi trong niềm hân hoan vô bờ của nhân dân Đại Việt. Đất nước độc lập, nhân dân được sống trong cảnh thái bình nhưng “bão táp cung đình” lại nổi lên. Chứng kiến cảnh tượng đó, một công thần dựng
nước như Trần Nguyên Hãn không tránh khỏi bùi ngùi, xót xa: “Nhưng ở Khu mật viện ta biết làm thế nào để được Thân hòa. Giữa chốn quan trường hiểm ác, nếu ta đem Thân hòa bằng sự trong trắng, liêm khiết đôi khi thành vật cản, ngứa mắt đám người cơ hội, gian manh, hiểm ác. Làm người lương thiện để có Thân hòa thực khó lắm thay!” [52, tr.169]. Lời dạy của thầy được Trần Nguyên Hãn khắc cốt ghi tâm. Trong những năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chàng đã đem thân mình hòa vào đại nghiệp, hòa hợp với tất cả mọi người để tạo nên khối đại đoàn kết. Đất nước hòa bình, lời dạy của thầy mà Trần Nguyên Hãn muốn thực hiện cũng không dễ dàng. Giữa chốn quan trường, chàng đã nhìn thấy được sự gian ác, hiểm độc của con người: “Ta đâu biết giữa muôn loài thì loài người vốn đa phức, đa mưu trong sự tranh giành quyết liệt. Con thú hoang tàn sát nhau chỉ bằng sức mạnh và nanh vuốt, chứ con người tàn sát, hủy hoại nhau lấy mưu gian, quỷ kế làm đầu, sau mới dùng đến vũ khí. Vậy thì thầy ơi! Trong cõi nhân sinh liệu con có làm được như thầy theo triết lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông “vạn sự thủy lưu thủy, bách niên tâm dĩ tâm” được không, thưa thầy?” [52, tr.169]. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật mang đậm lối sống, triết lý nhà Phật: Vạn sự ở đời cứ trôi chảy, như nước đẩy nước xuôi. Là người sống theo triết lý nhà Phật, thì không nên vướng bận chuyện tầm thường thế tục. Trần Nguyên Hãn muốn sống với triết lý đó nhưng giữa sự đảo lộn của thời thế, chàng cũng không dễ gì thực hiện được. Trong chốn quan trường nhiều toan tính, tư lợi, Trần Nguyên Hãn đã cố nhẫn nhịn để chung sức cùng vua Lê “chấn hưng Đại Việt”. Chữ “Nhẫn” mà thầy Cúc Khê dặn dò, chàng “đã cố làm theo, nhưng người đời chắc gì đã cho thế là đủ. Giữa chốn quan trường, ta phải tiếp tục chữ Nhẫn của thầy đến mức nào, đến bao giờ” [52, tr.187].
Dẫu có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh nhưng Trần Nguyên Hãn thấy rằng mình cũng “chỉ là những hạt cát trên bãi biển, góp công sức vào cùng với muôn vạn quân sĩ đánh đuổi giặc thù cho vẹn đạo làm người, thỏa chí làm trai” [9, tr.200-201]. Những lời độc thoại cho thấy
trái tim đau đớn, rụng rời của người anh hùng: “Còn ta? Không biết ta chính là Phạm Lãi hay Văn Chủng đây? Phạm Lãi đã đến được Ngũ Hồ để sống những ngày cuối đời thảnh thơi, ngao du cùng mây nước. Còn ta? Ta sẽ đến được nơi đâu trên mảnh đất chật hẹp này?” [9, tr.205]. Phạm Lãi và Văn Chủng là hai mưu sĩ đại tài của Việt vương Câu Tiễn ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc. Họ là người có công lớn trong việc giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Tuy nhiên, kết cục số phận của hai người họ lại hoàn toàn khác nhau. Phạm Lãi đã thoát chết nhờ con thuyền nhỏ trên Thái Hồ (Ngũ Hồ rộng lớn như biển cả, còn gọi là Thái Hồ), đưa ông cùng nàng Tây Thi xinh đẹp chạy trốn, sống một cuộc đời phóng khoáng, tự do. Văn Chủng vì muốn thăng quan tiến chức mà cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm. Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi cũng như Phạm Lãi, Văn Chủng giúp Việt vương Câu Tiễn. Vì lòng trung quân ái quốc, Trần Nguyên Hãn trở về quê nhà Sơn Đông với mong muốn chung tay gắng sức cùng Hoàng thượng chấn hưng nước nhà thời hậu chiến. Nhưng khi vua Lê đã để bụng nghi ngờ, liệu chàng sẽ sống ra sao? Tả tướng quốc sẽ có một cuộc sống tự do, tự tại như Phạm Lãi hay chịu kết cục bi thảm như Văn Chủng đây? Câu hỏi như vò xé, bóp nát trái tim của người anh hùng bách chiến bách thắng đang cảm thấy bơ vơ, bế tắc nơi triều chính.
Về với quê hương là dịp để ông góp sức mình thay đổi đời sống nhân dân. Ngôn ngữ độc thoại cho thấy một người anh hùng với tấm lòng trung quân, ái quốc và một tâm hồn luôn khắc khoải, da diết để chấn hưng nước nhà: “Hoàng thượng lên ngôi, không muốn ta nắm binh quyền thì ta cáo lão về quê, đem phần đời còn lại góp vào công cuộc tái thiết đất nước cũng là hạnh phúc của kẻ thần tử vì vua và cũng vì dân. Ông nghĩ vậy, thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm” [52, tr.245-246]. Tìm về chốn cũ, ông hăm hở bắt tay xây dựng cuộc sống ấm no cho bà con. Với những đóng góp của Tả tướng quốc vào công cuộc khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, quê nhà như căng tràn một sức sống mới.
Tuy đã cáo quan nhưng bè lũ gian thần triều Lê luôn tìm đủ mọi cách hãm hại Tả tướng quốc. Ông xót xa, uất hận khi tấm lòng trung quân, ái quốc của mình bị nghi ngờ: “Hỡi ôi! Vì thiếu chút bình tâm mà nhà vua tin lời xúi bẩy, ra lệnh bắt ta. Bởi vậy, dẫu ta có trở thành anh hùng cũng vẫn không là một công thần trọn vẹn của triều Lê. Việc đã đến nông nỗi này, ta còn sống làm gì nữa? Ta tự chết là để nhà vua khỏi mang tội lớn giết một công thần khai quốc, giết một tướng tài đã cùng mình làm nên sự nghiệp nhà Lê đó!” [37, tr.290]. Đến lúc sắp rời xa trần thế, Tả tướng quốc vẫn nghĩ cho vua Lê. Trần Nguyên Hãn tự trầm tại bến Đông Hồ để giữ lại danh tiết cho bản thân cũng như “tiếng thơm” cho vua Lê khi không phải ra tay giết hại một công thần lập quốc.
Có thể thấy rằng, cả ba tiểu thuyết lịch sử đã thể hiện biệt tài của các nhà văn trong nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ độc thoại nhân vật. Ngôn ngữ độc thoại đã góp phần đi sâu vào nội tâm, chiều sâu tâm lý, những góc khuất ẩn tàng trong tâm hồn nhân vật. Nhân vật được soi chiếu, nhìn nhận một cách đa diện, đa chiều. Nhân vật hiện lên không chỉ mang “quân phục lịch sử” mà chân thực, sống động, gần gũi với con người ngoài đời.
Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ (đối thoại và độc thoại), ba nhà văn đều có nét tương đồng khi sử dụng lớp ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, phù hợp với nhân vật và thời đại lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh lớp ngôn ngữ trang nghiêm cổ kính, người đọc còn thấy được nét riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ của các tác giả. Trong Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), ngôn ngữ nhân vật, đặc biệt là ngôn ngữ độc thoại mang đậm tinh thần, giáo lý nhà Phật. Trong tác phẩm, người đọc thấy dấu ấn rõ nét của Phật giáo. Đến với Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào), người đọc nhận thấy sự đan xen của ngôn ngữ suồng sã với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, sử dụng những điển tích, điển cố văn học. Với tiểu thuyết Người về chốn cũ (Xuân Mai), người đọc thấy hấp dẫn bởi lớp ngôn ngữ dung dị, gần gũi, đời thường pha lẫn màu sắc triết luận.