8. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Người anh hùng với lý tưởng, khát vọng lớn lao
Trần Nguyên Hãn là người anh hùng có lý tưởng và khát vọng lớn. Lý tưởng, khát vọng đó được hun đúc từ truyền thống của gia đình, dòng tộc và mối thù sâu sắc với giặc Minh xâm lược.
Chứng kiến tội ác man rợ của giặc Minh gây ra cho nhân dân Đại Việt, Trần Nguyên Hãn bầm gan, tím ruột. Mỗi lần đi chợ bán dầu, chàng đều “tranh thủ tìm hiểu, nghe ngóng tình hình đất nước qua những câu chuyện bàn dân thiên hạ đang bàn tán xôn xao” [37, tr.105]. Là một trang thanh niên lớn lên giữa thời tao loạn, Trần Nguyên Hãn mang trong mình bầu nhiệt huyết và khát vọng tráng chí mãnh liệt. Chàng ý thức được muốn diệt thù, báo quốc cần phải học tập, rèn luyện để thực hiện lý tưởng và hoài bão cao đẹp. Với lý tưởng cứu dân, cứu nước, Trần Nguyên Hãn đêm ngày nghiền ngẫm binh thư, ra sức rèn luyện võ nghệ. Càng học, chàng càng bộc lộ tài năng thiên bẩm về võ thuật. Ngày ngày, Trần Nguyên Hãn “sớm tối ra gò cao cạnh bờ sông tập luyện. Hãn rủ thêm một số bạn bè cùng trang lứa trong làng tập luyện. Đám trẻ bảo nhau chặt cây chuối ghép làm thuyền cùng đua bơi trên ao Tó” [9, tr.18]. Chàng nhắc nhở những người bạn đồng trang lứa “đã là trai nước Việt thì phải nuôi chí đánh đuổi giặc thù, không để cho chúng ngang nhiên giày xéo” [9, tr.19].
Tuổi trẻ Trần Nguyên Hãn gắn liền với gánh dầu, thanh gươm và những đêm thức trắng nghiền ngẫm binh thư. Thanh gươm thể hiện lý tưởng, khát vọng và chí làm trai của chàng. Khác với tiểu thuyết Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), trong hai tiểu thuyết Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào) và Người về chốn cũ (Xuân Mai), mỗi tác giả đã có sự hư cấu, sáng tạo khác nhau để làm nên những giai thoại ly kỳ, hấp dẫn về thanh gươm của người anh hùng. Trong tiểu thuyết Người con trang Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn cuốc đất ngoài vườn thì tìm được một lưỡi gươm cũ. Trong tác phẩm Người về
chốn cũ, khi cày trên nương “chàng đang định cho trâu nghỉ một lúc thì không may lưỡi cày lại cày bật lên một thanh sắt, dài bằng một thanh gươm” [37, tr.60]. Lau sạch lưỡi gươm còn dính đầy bùn đất, Trần Nguyên Hãn mang về và đêm hôm ấy “lưỡi gươm bỗng tỏa ra muôn ánh hào quang lấp lánh, sáng rực cả góc nhà” [9, tr.22]. Phải chăng đây chính là cơ duyên mà trời đất linh thiêng đã trao cho người con trai họ Trần để chàng đi đánh giặc, đòi lại non sông gấm vóc Đại Việt. Nhân một lần đi bán dầu, cơ duyên lại đưa chàng tìm thấy một chuôi gươm bỏ không của ông lão hàng chài vớt ở dưới sông. Vừa cắm lưỡi gươm vào chuôi thì “lạ quá, lưỡi và chuôi vừa khin khít và chặt cứng như cùng do một người nào đó mới làm ra” [9, tr.23].
Hằng ngày, Trần Nguyên Hãn vẫn miệt mài với công việc nào là “đi lấy hạt dọc, ép dầu dọc, nào cày ruộng, làm nương, nào đi chợ, nào đêm đêm lại vùi đầu vào đọc sách với mài gươm” [37, tr.67-68]. Thanh gươm như tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho người con Sơn Đông trang. Cứ mỗi khi đêm xuống, “ngồi bên tảng đá, chàng lại tiếp tục mài. Tiếng mài gươm “xoèn xoẹt” siết vào màn đêm nghe vừa hối hả, vừa kiên nhẫn” [37, tr.72]. Hình ảnh Trần Nguyên Hãn mài gươm dưới trăng thật đẹp, như tạc vào không gian một người con đang nung nấu tâm can, khát vọng diệt thù. Lòng căm thù giặc và khát vọng vì dân vì nước đều được Trần Nguyên Hãn gửi gắm vào lưỡi gươm. Tiếng mài gươm như xé tan không gian tịch mịch của một vùng quê nghèo, như báo hiệu sắp có một người anh hùng xuất hiện để cứu giúp muôn dân thoát khỏi thảm cảnh lầm than.
Để nuôi khát vọng diệt thù, báo quốc, Trần Nguyên Hãn đã lập ra căn cứ Rừng Thần. Rừng Thần là nơi để chàng “chiêu tập các trai đinh trang Sơn Đông đến cùng mình luyện tập võ nghệ” [37, tr.101]. Chàng và những người bạn cùng chí hướng ra sức “múa gươm và đi những bài quyền. Trang Sơn Đông từ đó bỗng trở nên náo nhiệt và như chờ đón một sự thay đổi lớn lao sắp sửa xảy ra” [9, tr.38]. Vừa trông coi doanh trại ở Rừng Thần, Trần Nguyên Hãn còn vận động bà con nhân dân “đóng góp lương thảo, vũ khí và cho trai làng gia
nhập nghĩa binh. Nhân dân quanh vùng hưởng ứng rất đông. Chẳng mấy chốc mà cái tên Rừng Thần đã bay ra khắp nơi, thanh thế nghĩa quân ngày càng lên cao” [9, tr.42]. Rừng Thần đã trở thành căn cứ chiến lược ban đầu mà chàng tâm huyết xây dựng. Nó thôi thúc chí trai, khát vọng của một trang nam nhi yêu nước luôn đặt ra câu hỏi “phải làm gì để cứu nước, cứu dân” [9, tr.50]. Lý tưởng, hoài bão của chàng không phải là lý tưởng của một con người tầm thường. Đó là hoài bão, khát vọng của một chàng trai trẻ tràn đầy bầu nhiệt huyết, muốn thay đổi “càn khôn”. Với Trần Nguyên Hãn, đã là trang nam nhi thì sống “phải lạ” ở trên đời. Chàng không muốn để cho tạo hóa xoay vần thời cuộc. Chàng muốn khẳng định tài năng của mình trước cuộc đời. Sống đối với chàng là phải sống sao cho phi thường, hiển hách, để không hổ thẹn với gia đình và truyền thống dòng tộc.
Trần Nguyên Hãn lớn lên trong hoàn cảnh xã hội có những biến động dữ dội. Nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã sụp đổ. Là dòng dõi tôn thất nhà Trần, chàng trai trẻ Trần Nguyên Hãn đã nhìn rõ được quy luật thịnh - suy, bĩ - thái của sự vận động xã hội. Một số tôn thất nhà Trần như Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng... đã dấy binh để khôi phục triều đại đã mất. Trần Nguyên Hãn không đi theo và bị lôi cuốn bởi các cuộc khởi nghĩa đó. Với lý tưởng vì dân vì nước, chàng đã đi tìm một minh chủ đủ đức, đủ tài có khả năng tập hợp lực lượng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trần Nguyên Hãn đã đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình và dòng họ. Trước sự thôi thúc của thời đại và khát vọng chí làm trai, Trần Nguyên Hãn đã từ biệt quê hương tìm vào Lam Sơn để tụ nghĩa cùng Lê Lợi và anh em tướng sĩ. Dưới ngọn cờ nghĩa, Trần Nguyên Hãn nói lời thề sắt son sẽ “một lòng tận tụy dưới trướng Đại vương, cùng anh em đồng cam cộng khổ, quyết dâng xương máu để rửa hận non sông, báo đền xã tắc. Nếu có lòng dạ nào khác, xin được rơi đầu đền tội” [9, tr.83]. Lời thề của Trần Nguyên Hãn thể hiện lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Chàng lặn lội tìm vào
Lam Sơn vì mục đích và lý tưởng cao cả, đó là đánh đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi Đại Việt, đem lại cuộc sống thái bình cho nhân dân: “Đúng! Ta là cháu nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, hậu duệ của Thái sư Trần Quang Khải nhưng ta đầu quân cho nghĩa quân Lam Sơn không phải với mục đích khôi phục lại một vương triều đã sụp đổ, mà cũng như các đệ, là để cứu dân cứu nước thoát khỏi ách đô hộ vô cùng tàn bạo, dã man của giặc Minh!” [37, tr.148-149].
Lý tưởng, khát vọng lớn của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là còn giúp nhân dân có đời sống ấm no, thịnh vượng. Từ bỏ chốn quan trường với những toan tính của người đời, Trần Nguyên Hãn xin vua Lê được cáo quan về Sơn Đông để thực hiện tâm nguyện làm giàu cho quê hương, đất nước: “Kính xin bệ hạ Hoàng đế rủ lòng ban ân cho kẻ hạ thần hèn mọn này được cáo quan để về quê cũ. Thần xin nguyện đem hết lòng dựng xây xứ sở quê hương, để xứng đáng là thần dân Đại Việt được sống dưới ân đức mưa nhuần của bệ hạ” [9, tr.206]. Về quê hương nơi mình gắn bó như máu thịt, nhân dân Sơn Đông trang náo nức rủ nhau ra đón quan Tả tướng quốc. Bến Đông Hồ trên dòng Lô giang “chật cứng người lớn, trẻ con và cả những cụ già râu tóc” [9, tr.211]. Họ đón chào người con quê hương trở về như một người anh hùng “mà giờ họ cung kính gọi là đức ông” [52, tr.248].
Trần Nguyên Hãn “xuất thế” nhưng cũng chính là lúc ông “nhập thế” sâu sắc nhất, gắn bó sâu nặng với đời sống của nhân dân. Với tài năng và cả lòng say mê, nhiệt huyết, Trần Nguyên Hãn có những dự định và việc làm cụ thể để giúp cho đời sống nhân dân ngày càng thay da đổi thịt. Ý định của Tả tướng quốc là sẽ “đi thăm vùng chợ Gốm, giúp dân mở mang nghề làm gốm sành nâu và sứ da lươn, nghề ép dầu lạc để trả nghĩa những người dân đã cưu mang mình thuở hàn vi, đóng vai anh bán dầu đi tìm minh chủ” [52, tr.238]. Trần Nguyên Hãn muốn làm đa dạng, phong phú thêm những mặt hàng cho nhân dân chợ Gốm, “không chỉ có đồ gốm sành, gốm da lươn mà còn mở rộng ra, làm cả đồ gốm sứ trắng với nước men như ngọc, nhiều hoa văn tuyệt tác” [52, tr.247]. Đó
không chỉ là khát vọng làm giàu cho quê hương mà còn là mong ước để lại tinh hoa và nét đẹp văn hóa cho dân tộc. Ông mong sao nghề gốm sứ quê hương sẽ mang những nét đẹp trác tuyệt như nghề gốm của làng Bát Tràng dưới xuôi. Với hoài bão đó, “ông sai người gánh theo cả mấy bồ đựng đầy đồ sứ Bát Tràng làm mẫu tặng bà con trong làng nghề gốm sành, cậy nhờ ba nghệ nhân cùng đi ở lại một năm hướng dẫn cho dân làm thêm mặt hàng gốm sứ trắng như nguyên mẫu của làng Bát Tràng. Ông chân tình nói với mọi người rằng, mình mong muốn hàng gốm sứ ở đây sẽ được đưa ra bến Kim Xuyên, rong ruổi xuôi ngược để dân giàu nước mạnh” [52, tr.258]. Bên cạnh nghề gốm, Trần Nguyên Hãn còn vận động bà con nhân dân làm “sống lại nghề đan thuyền”, “tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi” [37, tr.273]. Biết được tiềm năng của vùng đất quê hương, Trần Nguyên Hãn tận tâm tận lực xây dựng bến Kim Xuyên bởi nơi đây “sẽ phải là đầu mối giao thương hỗ trợ đắc lực cho dân khai quặng thiếc, đãi vàng chở về xuôi. Vàng thô sẽ được thợ kim hoàn của triều đình nâng tuổi, đóng góp vào cho quốc khố. Thiếc rất cần làm phụ gia cho các lò luyện sắt của triều đình để rèn gươm, giáo và làm giáp trụ chống giặc phương Bắc” [52, tr.237]. Mong muốn, khao khát của ông là được chứng kiến những người dân nghèo đổi đời và cùng mọi người “chung tay gắng sức gây dựng Kim Xuyên thành nơi đô hội, sầm uất như phố Hiến dưới xuôi” [52, tr.249]. Với những đóng góp, cống hiến trên mà “Đa Cai như cô gái đến tuổi dậy thì, mỗi ngày một khởi sắc, một thay da đổi thịt. Thôn làng như béo đẫy ra trong mùa thu hoạch” [37, tr.273]. Chỉ trong một thời gian ngắn Tả tướng quốc về hưu, công cuộc khuyến nông, khuyến công, khuyến thương ngày càng phát triển và làm thay đổi bộ mặt của một vùng quê nghèo. Cả một vùng Sơn Đông “đời sống nhân dân được nâng cao, xóm làng hòa thuận, không có nạn trộm cắp hoặc người dân bỏ làng phiêu bạt kiếm sống như trước đây” [9, tr.218-219]. Những lời tâm sự của Trần Nguyên Hãn với thiền sư Kiến Phúc đã thể hiện tâm huyết chấn hưng Đại Việt của chàng: “Đệ sẽ lập đội thương thuyền nhằm khuấy động việc giao thương
khắp cả nước Đại Việt thì mới giúp Hoàng thượng nhanh chóng tái thiết đất nước thời hậu chiến” [52, tr.261]. Đó là ý tưởng táo bạo, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Tả tướng quốc.
Cáo quan về hưu, Trần Nguyên Hãn vẫn luôn canh cánh một tấm lòng vì giang sơn xã tắc. Ông không uống rượu, bình thơ, thưởng nguyệt, không hưởng thụ cuộc sống an nhàn mà vẫn chung tay cùng nhân dân bảo vệ đất nước. Trần Nguyên Hãn vẫn miệt mài truyền đạt cho mọi người về binh pháp, về Tứ thư ngũ kinh, về những kinh nghiệm trận mạc mà mình có được. Ông thuê một tốp thợ tới đóng thuyền, đóng chải tại nhà để “bà con tham gia hội thi bơi chải vào mùa xuân tới, sau là để các trai đinh Đa Cai luyện tập, thi thố tài năng trên sông nước” [37, tr.270]. Đất nước đã sạch bóng quân thù nhưng trên khu Rừng Thần huyền thoại, các môn sinh trang Sơn Đông vẫn “tìm về học võ, tập đua ngựa, nghe giảng Binh thư, Tứ thư, Ngũ kinh do Trần Nguyên Hãn truyền giáo” [37, tr.272]. Đó chính là lý tưởng bảo vệ giang sơn Tổ quốc thời hậu chiến, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài ba, uyên bác.
Có thể thấy, cả cuộc đời mình, Trần Nguyên Hãn đều sống và chiến đấu vì lý tưởng và hoài bão cao đẹp, nhân văn. Trong thời loạn lạc, đó là khát vọng đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Trần Nguyên Hãn vẫn luôn khắc khoải với khát vọng canh tân đất nước và bảo vệ giang sơn Đại Việt.