8. Cấu trúc luận văn
1.2.4. Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ đổi mới (Từ năm 1986 đến nay)
Với phương châm đổi mới để tồn tại và phát triển, Đại hội Đảng lần VI (1986) đã mở ra bước ngoặt, đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhiều mặt. Tinh thần “đổi mới tư duy” đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học phát triển mạnh mẽ. Xu hướng dân chủ hóa được biểu hiện trên nhiều bình diện của sáng tác văn học, từ đề tài, chủ đề, cốt truyện, kết cấu cho đến giọng điệu và ngôn ngữ. Tinh thần đổi mới, dân chủ đã khơi dậy những suy nghĩ, những tìm tòi, sáng tạo mới trong giới văn nghệ sĩ. Nó đã truyền được cảm hứng, tạo dựng không gian văn hóa mới cho những khao khát của người nghệ sĩ thăng hoa để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ. Để đem lại sự chuyển biến sâu sắc, mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật tiểu thuyết, các tác giả tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này đã có những thể nghiệm, tìm tòi và cách tân độc đáo.
Với việc tự do sáng tác được mở rộng, đề tài lịch sử bắt đầu sống lại và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học. Tiểu thuyết lịch sử nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng với những bộ tiểu thuyết cỡ lớn, như muốn chứng minh cho tiềm năng bị bỏ quên của nó. Quả thực, văn học giai đoạn này đang chứng kiến sự xuất hiện của một loạt tiểu thuyết lịch sử có tiếng vang. Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử đang lên ngôi trên văn đàn Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu như: Gươm thần vạn kiếp (Ngô Văn Phú); Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ (Hoàng
Quốc Hải); Danh tướng Trần Hưng Đạo, Vằng vặc sao Khuê (Hoàng Công Khanh); Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác); Gió lửa (Nam Dao); Mười hai sứ quân, Hào kiệt Lam Sơn, Bắn rụng mặt trời (Vũ Ngọc Đĩnh); Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh); Quân sư Nguyễn Trãi (Trần Bá Chí); Lê Lợi, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Nam Đế (Hàn Thế Dũng); Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); Trần Quốc Toản (Lưu Sơn Minh); Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh); Đàn đáy (Trần Thu Hằng); Hội thề (Nguyễn Quang Thân); Sóng hận Sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), Người về chốn cũ (Xuân Mai); Tể tướng Lưu Nhân Chú (Hồ Thủy Giang), Người con trang Sơn Đông
(Nguyễn Anh Đào)...
Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ đổi mới đã thể hiện khát vọng vượt thoát cái cũ, truy tìm cái mới trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử. Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, giờ đây văn học không chỉ là tiếng nói của dân tộc, cộng đồng mà còn là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương thức tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về xã hội và con người. Nhà văn có quyền bày tỏ công khai sự nhận thức của cá nhân trước những chân lý tưởng như bất di bất dịch, giải thiêng các thần tượng, nghi ngờ những tín điều, đề xuất những chuẩn mực mới. Cái nhìn của nhà văn giai đoạn này mang màu sắc và kinh nghiệm cá nhân rõ nét. Các tác giả thiên về luận giải lịch sử hơn là mô tả, minh họa lịch sử.
Chẳng hạn trong Người về chốn cũ, nhà văn Xuân Mai đã đưa ra một cách nhìn nhận, luận giải mới về người anh hùng Trần Nguyên Hãn. Bên cạnh một Trần Nguyên Hãn anh hùng, còn có một Trần Nguyên Hãn gần gũi, đời thường, luôn có những suy tư trăn trở để giữ đạo trung hiếu, để đem lại cuộc sống no ấm cho nhân dân. Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), nhân vật Hồ Quý Ly cũng được nhà văn xây dựng “với những kiến giải rất riêng, lý giải theo một góc độ mới, đó là một vị anh hùng đa mưu túc trí, nhiều
tham vọng, lắm toan tính, một nhà tư tưởng lớn, một con người có đời sống nội tâm phong phú” [53].
Có thể nhận diện tiểu thuyết lịch sử ở giai đoạn này có một số xu hướng chính như sau:
Thứ nhất, “tái hiện những sự kiện lịch sử theo lối biên niên, kết cấu theo kiểu chương hồi của truyền thống” [39, tr.57]. Đây là xu hướng phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 do ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi truyền thống thời trung đại. Từ năm 1945 đến 1985, khi công cuộc hiện đại hóa văn học đã hoàn tất thì xu hướng này không còn nữa. Từ sau 1985, các nhà tiểu thuyết đã mượn mô hình kết cấu chương hồi quen thuộc để làm mới truyền thống từ cái nhìn hiện đại về cách khắc họa nhân vật, ngôn ngữ. Số lượng những tác phẩm viết theo hướng này không nhiều, tiêu biểu như Mười hai sứ quân, Hào kiệt Lam Sơn, Bắn rụng mặt trời (Vũ Ngọc Đĩnh); Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh).
Thứ hai, “khắc họa những nhân vật lịch sử nổi tiếng và suy tư về các vấn đề đương đại” [39, tr.58]. Xu hướng tiểu thuyết lịch sử này phát triển mạnh ở thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI bởi nó thể hiện đủ nhất những đặc trưng của thể tài khi viết về những nhân vật có vai trò quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Tiêu biểu cho xu hướng này là những tác phẩm: Danh tướng Trần Hưng Đạo,
Vằng vặc sao khuê (Hoàng Công Khanh); Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh);
Lê Lợi, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh (Hàn Thế Dũng)...
Thứ ba, “khắc họa cả một thời đại lịch sử lớn với nhiều sự kiện, nhiều nhân vật” [39, tr.59]. Ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, xu hướng này chưa phát triển. Đến giai đoạn 1945-1985, xu hướng này bắt đầu xuất hiện và sau 1985 thì xu hướng này phát triển mạnh. Tiêu biểu cho xu hướng này là bộ tiểu thuyết về triều Trần của Hoàng Quốc Hải (Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ); trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác...
Thứ tư, “mượn lịch sử để gửi gắm những vấn đề thế sự” [39, tr.59]. Xu hướng này đã xuất hiện trước năm 1945 với những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng (Đêm hội Long Trì), Nguyễn Triệu Luật (Bà Chúa Chè), Lan Khai (Cái hột mận). Từ năm 1945 đến 1985, xu hướng này tạm thời bị gián đoạn và sau 1985 thì tiếp tục phát triển mạnh.
Thứ năm, “tái hiện những vấn đề về lịch sử - văn hóa” [39, tr.59]. Xu hướng này chỉ xuất hiện sau năm 1985. Những tác phẩm viết theo xu hướng này có sự hòa trộn giữa văn hóa, phong tục và lịch sử. Tiêu biểu là các tác phẩm Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Đất trời (Nam Dao)... Trong bầu không khí dân chủ và tự do sáng tạo, các nhà văn đã có những tìm tòi, cách tân trong thể tài lịch sử. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng điểm nhìn văn hóa, triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.
Thứ sáu, “tái hiện những phần khuất lấp và “xét lại” nhân vật lịch sử” [39, tr.60]. Đây là xu hướng chỉ phát triển từ sau năm 1985. Tiêu biểu là Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Mạc Đăng Dung (Lưu Văn Khuê), Vua Minh Mạng (Hoài Anh). Tiểu thuyết lịch sử đã thể hiện những suy tư về đời sống của các nhà văn. Các cây bút tiểu thuyết đã thoát khỏi những ràng buộc trong sáng tạo nghệ thuật để trình bày những suy ngẫm, chiêm nghiệm của cá nhân.
Tóm lại, trong không khí dân chủ của thời kỳ đổi mới, các nhà văn đã có sự đổi mới, cách tân mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật. Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều xu hướng và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.
Tiểu kết chương 1
Hiện nay, có nhiều ý kiến và quan niệm khác nhau về tiểu thuyết lịch sử. Xuất phát từ đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nên quan niệm về tiểu thuyết lịch sử rất phong phú, linh hoạt, mỗi quan niệm thường nhấn mạnh vào một đặc điểm nào đó của thể loại. Tuy chưa có sự thống nhất nhưng các quan niệm về
tiểu thuyết lịch sử chung quy vẫn đề cập đến yếu tố lịch sử và yếu tố tiểu thuyết, giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật.
Trải qua những giai đoạn khác nhau, tiểu thuyết lịch sử vẫn duy trì được một quá trình phát triển liên tục. Ở mỗi giai đoạn, tiểu thuyết lịch sử đều có những thành tựu trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Những tác phẩm về đề tài lịch sử ngày càng khẳng định được vị trí trên văn đàn và đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn học dân tộc.
Chương 2
BỨC TRANH ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ SÁNG TẠO NHÂN VẬT ANH HÙNG TRẦN NGUYÊN HÃN QUA BA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ:
SÓNG HẬN SÔNG LÔ; NGƯỜI CON TRANG SƠN ĐÔNG; NGƯỜI VỀ CHỐN CŨ
2.1. Hình ảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XV qua ba tiểu thuyết lịch sử:
Sóng hận sông Lô; Người con trang Sơn Đông; Người về chốn cũ
Lịch sử là đề tài truyền thống của nền văn học dân tộc. Viết về đề tài này, mỗi nhà văn đều tìm về một thời kỳ và một giai đoạn lịch sử khác nhau để thể hiện sự chiêm nghiệm về con người, về thời đại. Bức tranh đời sống xã hội ở từng giai đoạn lịch sử được các nhà văn dựng lên sinh động, hấp dẫn, giúp người đọc như được sống lại thời kỳ quá khứ xa xưa.
Qua ba tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào), Người về chốn cũ (Xuân Mai), các nhà văn đã tái hiện cho chúng ta thấy phần nào hình ảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XV. Đó là thời kỳ với những biến động xã hội dữ dội và là một trong những trang sử bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sau khi nhà Hồ sụp đổ, đất nước ta rơi vào thảm cảnh chịu sự áp bức, đô hộ của giặc Minh. Những nơi chúng chiếm đóng, bốn bề đều “tua tủa những cung tên, giáo mác trông như một con ác thú ngày đêm rình rập, bất ngờ nuốt chửng con mồi” [9, tr.24]. Đi đến đâu cũng thấy bóng dáng, tội ác của kẻ thù: “Dọc đường đi, chỗ nào cũng thấy cảnh quân Ngô ức hiếp dân lành, săn bắt gà lợn, cưỡng bức con gái” [9, tr.53]. Sự hiện diện của chúng đã gây bao cảnh tang tóc, đau thương cho nhân dân Đại Việt: “Phía trước mặt hai người, sau lũy tre làng có mấy cột khói đang cuồn cuộn bốc cao. Từ nơi ấy rất nhiều tiếng nổ “đùng, đoàng” rộ lên liên tiếp. Không cần hỏi Trần Nguyên Hãn cũng biết, bọn giặc Minh đang đốt nhà, cướp của của nhân dân. Dọc đường vào Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn không còn nhớ đây là lần thứ mấy phải chứng kiến cảnh
tượng này?” [37, tr.117-118]. Tội ác của chúng đối với nhân dân ta không thể nào mà kể hết được. Chúng đốt phá, cướp bóc, bắt đàn bà con gái để thỏa mãn dục vọng tầm thường: “Giặc Minh đi đến đâu thì chó, gà vắng đến đấy. Của tha hồ chúng cướp, người chúng tha hồ giết. Đàn bà, con gái chúng bắt vào đồn làm hầu hạ, làm đồ chơi” [37, tr.119]. Nỗi đau của chúng gây ra cho nhân dân Đại Việt là quá lớn. Bàn tay chúng nhúng đầy máu và tội ác. Chúng đã gây ra biết bao cảnh bất nhân, bất nghĩa trên mảnh đất Đại Việt.
Giặc Minh sang xâm lược nước ta với chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”. Thực chất, âm mưu của chúng là để vơ vét tài nguyên của đất nước, để làm chủ một vùng đất phía Nam với nhiều sản vật quý hiếm mà cha ông chúng đã nhòm ngó từ lâu: “Quan lại nhà Minh đã thi hành chính sách triệt để cướp bóc, vơ vét từ trâu bò, voi ngựa, thóc gạo, thuyền bè đến vàng bạc, châu báu. Tất cả các nghề thủ công, buôn bán đều bị bọn chúng đánh thuế. Nhân dân khắp nơi còn bị chúng cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc; Xuống biển mò ngọc trai; Lên rừng khai thác lâm thổ sản cùng các hương liệu quý. Rồi đi lao dịch. Thợ thủ công, dân phu, phụ nữ, trẻ em, đào hát, phường nhạc cùng nhiều người khác bị bắt đem về Trung Quốc làm nô tì, phục vụ cho bọn quan lại nhà Minh. Quân Minh còn cướp ruộng đất của nông dân xung quanh Trại đóng quân của chúng, biến thành đồn điền cho quân lính đi cày, cấy” [37, tr.95]. Chúng đã thi hành chính sách vơ vét đến tận cùng khiến đời sống của nhân dân ta điêu đứng, làng xóm hoang tàn. Tội ác chồng chất của chúng đến “trúc Lam Sơn không ghi hết tội”, “nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Tác giả cũng đã để cho nhân dân lao động cất lên tiếng nói căm phẫn đến đau đớn, tột cùng: “Dân tình chúng tôi khổ lắm ông ơi! Cùng với phải đóng sưu cao thuế nặng, bà con còn phải vào rừng sâu tìm sa nhân, bẫy bắt hươu đen, rồi thì đi xây nhà, đắp lũy. Làm không được, bọn chúng đánh đập rất dã man: Người lớn bị thiêu sống, trẻ con bị chôn sống” [37, tr.145]. Giặc Minh gieo rắc tội ác trên khắp mọi miền. Hễ ở đâu có bóng dáng chúng thì ở đó nhân dân không được hưởng yên vui, no ấm. Đời
sống của nhân dân lao động chông chênh như đang đứng trên miệng bờ vực thẳm. Để xây dựng thành Xương Giang vững chắc, chúng đã huy động hết sức người, sức của khiến bà con điêu đứng, lầm than. Bà con “khắp vùng Lạng Giang này, từ người trẻ đến người già đều phải đến Xương Giang làm lao dịch. Nào khoét đồi lấy đất, nào đào hầm hào, nào đóng gạch, nào nung gạch ngói, nào xây thành, nào xây dinh thự. Thôi thì, việc gì dân cũng phải làm. Biết bao người dân hiền lành đã ngã xuống làm nền móng cho thành Xương Giang cao chất ngất như bây giờ” [37, tr.179].
Không chỉ đốt phá, vơ vét tài sản của nhân dân, chúng còn tàn phá những công trình văn hóa, tâm linh của người Việt. Ngôi chùa Thiên Ân “có tòa chính điện bằng gỗ đã bị giặc Minh đốt trụi, chỉ còn trơ lại nền gạch vỡ nát, loang lổ những dấu vết ám khói, mọc đầy cỏ dại. Tăng đường và trai đường phía sau tòa chính điện cũng đổ nát, hoang tàn theo phong hóa của thời gian” [52, tr.134]. Nhiều “đình chùa miếu mạo bị triệt phá” [37, tr.159] bởi âm mưu thâm độc của kẻ thù. Những nơi chúng đến, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đã bị xóa sạch. Chúng tàn phá không thương tiếc tất cả những gì thuộc về sản phẩm trí tuệ của dân tộc ta, nó là biểu trưng cho văn minh, văn hóa.
Điều còn làm nên thành công của ba tiểu thuyết là các tác giả đã tái dựng không khí chiến trận hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà người đứng đầu là anh hùng Lê Lợi. Trước cảnh nước mất, nhà tan, người anh hùng xứ Thanh đã kêu gọi hào kiệt bốn phương tụ nghĩa để đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Những buổi đầu, nghĩa quân còn gặp nhiều khó khăn do lương thực, binh lính còn ít, lại chỉ làm chủ một vùng đất nhỏ hẹp. Dưới sự lãnh đạo xuất chúng của Lê Lợi, cùng với sự đoàn kết đồng lòng của anh em tướng sĩ và sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân Lam Sơn ngày một lớn mạnh và làm chủ một vùng đất đai rộng lớn. Đó chính là cơ sở giúp cho Lê Lợi và nghĩa quân tấn công triệt hạ những nơi trọng yếu cuối cùng của giặc để giải phóng đất nước. Những trận
chiến đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía: “Đoàn quân Bắc tiến dũng mãnh của Bình Định vương chia làm ba cánh quân ào ạt tràn về bao vây thành Đông Quan. Từng cánh quân theo kế sách của Nguyễn Trãi trên đường ra Bắc lại chia nhiều mũi nhỏ tỏa ra chiếm giữ các vùng quê trù phú ở đồng bằng và trung du Bắc Hà nên khi hợp quân thành ba hướng bao vây Đông Quan thì cả một vùng lãnh thổ rộng lớn đã rợp bay cờ nghĩa Lam Sơn” [52, tr.66]. Chiến thắng của quân ta trước kẻ thù xâm lược ngày càng giòn giã: “Lúc này, thế quân ta như chẻ tre, vừa đánh vừa reo hò khoa trương thanh thế. Quân địch chống cự một cách yếu ớt, nhiều tên bó giáo xin hàng, còn lại, sẵn sàng chờ cho quân ta bắt sống để mong toàn được tính