Người con trung hiếu, nặng lòng với quê hương, gia đình và

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 41 - 45)

8. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Người con trung hiếu, nặng lòng với quê hương, gia đình và

Ở trang Sơn Đông, gia đình Trần Nguyên Hãn làm nghề ép dầu dọc. Cha mẹ Trần Nguyên Hãn vất vả, tần tảo sớm hôm để lo cho cuộc sống gia đình. Vào mùa dọc chín, vợ chồng Trần Nguyên Án bơi thuyền dọc sông Lô lên mãi vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, vào rừng hái dọc. Từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn đi thu lượm dọc để chia sẻ nỗi vất vả cùng cha mẹ: “Thuyền vừa cập bến, Trần Nguyên Hãn nhảy xuống thuyền cùng cha mẹ đưa dọc lên bờ xong lại nhặt dọc xếp sang hai chiếc rổ” [37, tr.39]. Ngày ngày, Trần Nguyên Hãn theo cha ra chợ bán dầu. Nỗi vất vả nhọc nhằn của cha mẹ cùng với thảm cảnh đời sống nhân dân dưới ách áp bức của giặc Minh đã hằn sâu trong tâm trí Trần Nguyên Hãn. Bố mất, Trần Nguyên Hãn đã là một chàng trai trưởng thành. Chàng lấy vợ và thay mẹ chăm lo quán xuyến công việc gia đình. Công việc “ruộng nương, ép dầu dọc đều một tay Hãn làm” [37, tr.54]. Theo học thầy Nguyễn

Thái An, Trần Nguyên Hãn thông minh, sáng dạ. Thầy giảng giải cho Hãn về

Tứ thư ngũ kinh, về cách làm người để trở thành người “quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân” [37, tr.53]. Chàng trai Trần Nguyên Hãn đã trưởng thành để thầy gửi gắm, kí thác những mong mỏi của mình. Trước những lời dạy bảo của thầy, Trần Nguyên Hãn biết bản thân cần làm gì để người cha “ở dưới suối vàng không phải tủi hổ” [37, tr.53] vì mình. Đó là lẽ sống của một người con trung hiếu, hết lòng thương yêu cha mẹ. Là dòng dõi con cháu nhà Trần, Trần Nguyên Hãn luôn tâm niệm phải sống sao để không làm hoen ố danh tiếng của dòng tộc. Được mẹ trao thanh bảo kiếm gia truyền của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải, chàng xúc động, nghẹn ngào: “Thưa mẹ. Con hiểu ý nguyện của mẹ. Xin mẹ hãy tin con. Nếu còn một ngày sống trên đời này, con sẽ không bao giờ để danh tiếng của thanh bảo kiếm bị mai một. Con sẽ dùng nó vào việc đại nghĩa” [37, tr.89]. Lời nói vừa thể hiện một lý tưởng lớn, vừa thể hiện một nhân cách lớn. Đó là một người con hiếu trung, nặng lòng với gia đình và dòng tộc anh hùng. Nghe thiền sư Cúc Khê kể về sự suy vong và những cái chết thảm của cha, chú, thân tộc nhà Trần mà “lòng chàng như có dao đâm, muối xát” [52, tr.140]. Nhà Trần đã suy vi nhưng ký ức hào hùng về dòng tộc không khi nào nguội tắt trong tâm trí người con Sơn Đông trang.

Cha mẹ mất, hai vợ chồng Trần Nguyên Hãn vẫn “lo cày cuốc, trồng trọt ở khu đất Gò Rạch ven sông, kiêm nghề ép dầu. Những lúc rảnh rỗi, vợ ở nhà lo cơm nước, Hãn mang cần câu ra bờ sông chỗ bến Đông Hồ cuốc giun làm mồi thả xuống nước để kiếm con chày, con dói về nấu canh dọc. Đôi khi vào mùa nước lũ còn kéo lên được cả cá anh vũ” [9, tr.21]. Tuổi trẻ Trần Nguyên Hãn gắn bó với quê hương, đồng ruộng, với dòng Lô mênh mang mà sau này ra trận chàng không thể nào quên. Với Trần Nguyên Hãn, Sơn Đông thật thân thương và bình dị. Chàng luôn cảm nhận được hương vị của cuộc sống quê hương mình: “Trong làn sương mỏng tang lành lạnh, từ đâu đó đưa tới mùi thơm ngan ngát. Trần Nguyên Hãn hít căng lồng ngực” [37, tr.80] để cảm nhận

mùa thu của mùa gặt ở Đa Cai. Đó là sự cảm nhận của người con gắn bó sâu sắc, nặng tình nặng nghĩa với quê hương. Đồng thời, đó còn là tình yêu quê hương đất nước nồng nàn và thâm trầm, sâu kín.

Tham gia nghĩa quân Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ về gia đình, về quê hương. Gia đình và quê hương luôn ở trong trái tim, lồng ngực của chàng trai Sơn Đông. Nó như mạch máu trong cơ thể mà chàng không thể tách rời: “Không ngủ được, Trần Nguyên Hãn trằn trọc trở mình sang bên trái. Tiếng gà đâu đó eo óc gáy nhắc chàng nao nao nhớ về trang Sơn Đông? Mấy năm trời rồi không có tin tức gì về vợ con, làng xóm. Không biết ở Đa Cai có gì thay đổi? Lê Thị Tuyển, vợ chàng, Trần Trung Khoản, con chàng, hiện ra sao? Nỗi nhớ gia đình, quê hương lắm lúc làm chàng rưng rưng hai con mắt” [37, tr.140]. Nhiều năm chiến đấu xa nhà, chàng mới có dịp hiếm hoi về thăm gia đình. Gặp lại người vợ tảo tần sớm hôm nơi quê nhà, Trần Nguyên Hãn “vùng dậy, chạy ra sân giang tay ôm chặt vợ con, giàn giụa nước mắt. Ông cay đắng cầm tay bà, mân mê những chỗ nứt nẻ, chai sạn” [52, tr.145]. Trên chiến trận, Trần Nguyên Hãn là người anh hùng bất khuất, kiên cường. Đứng trước vợ con, ông hiện lên mang vẻ đẹp thật bình dị, đời thường. Bên cạnh hình ảnh một trang anh hùng, ta còn thấy một Trần Nguyên Hãn hiện lên nặng sâu tình nghĩa.

Sơn Đông là nơi chàng sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm thuở thiếu thời. Sau bao năm chiến đấu đánh đuổi giặc Minh xâm lược, Trần Nguyên Hãn trở về chốn cũ. Chàng ngắm trời ngắm đất quê hương đến no nê. Chàng đắm mình vào dòng sông Lô yêu dấu, hiền hòa sau bao năm xa cách vì binh lửa: “Như muốn trút hết bụi đường, Trần Nguyên Hãn liền nhào xuống sông. Chàng lặn một hơi thật dài, thật sâu rồi bất ngờ ngoi lên ở giữa dòng sông. Hai tay vuốt mặt, vuốt đầu, miệng nhổ nước phì phì một chặp đoạn lại dang tay bơi sải. Bơi đi bơi lại chán, chàng lại bơi ngửa. Hết bơi ngửa lại bơi ếch. Vẫy vùng, ngụp lặn thỏa thuê với con sông quê cho tới khi mười đầu ngón tay nhăn lại,

Trần Nguyên Hãn mới chịu lên bờ” [37, tr.233]. Mỗi dấu chân ở vùng đất quê hương lại gợi cho chàng biết bao kỉ niệm của thời thơ ấu: “Kia là nơi Hãn hay cùng lũ bạn thả diều mỗi mùa hạ tới. Kia là chỗ Hãn hay đánh đáo, đánh khăng. Và, kia là nơi tập trận giả, mỗi bên một phe rồi lấy đất ném nhau, có khi biêu trán, chảy cả máu đầu” [37, tr.234]. Dù đã là quan Tả tướng quốc, Trần Nguyên Hãn vẫn là người con của Sơn Đông. Những kỷ niệm, những hình ảnh từ thuở hàn vi cứ hiện lên vẹn nguyên trong tâm hồn chàng. Đi đến đâu, hình bóng quê nhà vẫn cứ xốn xang trong ký ức. Từng nhành cây, ngọn cỏ của mảnh đất Sơn Đông đều ăn sâu vào máu thịt của người con nặng lòng với quê hương xứ sở: “Chỉ còn đêm nay nữa thôi, sáng mai Trần Hãn sẽ rời mảnh đất Sơn Đông thân yêu mà bấy lâu chàng gắn bó. Từ con đường nhỏ hai bên cỏ mọc đến những bậc lên xuống ở bến Đông Hồ, những đám bèo lênh đênh trên mặt ao Tó rải tím màu hoa, những ngọn cây dọc hình con thoi vươn thẳng trên Gò Rạch phía sau nhà... Tất cả đều tan trong máu thịt chàng” [9, tr.228].

Cáo quan hồi hương, Trần Nguyên Hãn tìm đến nơi an nghỉ của cha mẹ. Chàng đến mộ của những bậc sinh thành để thắp nén nhang thành kính, để báo cáo với gia đình và dòng tộc chàng đã sống và chiến đấu hết mình vì lý tưởng cao cả: “Con kính lạy hương hồn cha mẹ! Cha mẹ ơi! Sau mười năm theo Lê Lợi giết giặc, con lại về với cha mẹ đây. Ở dưới suối vàng, xin cha mẹ hãy yên lòng. Đất nước đã sạch bóng quân thù rồi. Gươm báu mẹ trao cho con ngày ấy, con đã không làm hổ thẹn với dòng tộc” [37, tr.235]. Trước khi vào Lam Sơn tụ nghĩa, Trần Nguyên Hãn đã được mẹ trao cho thanh bảo kiếm gia truyền - thanh kiếm mà Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đã dùng để giết giặc Nguyên Mông. Gia đình và dòng tộc nhà Trần có quyền tự hào về Trần Nguyên Hãn. Chàng đã viết tiếp những trang sử vẻ vang của dòng họ anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Cả cuộc đời mình, Trần Nguyên Hãn luôn sống để xứng đáng với hai tiếng hiếu trung. Dù ở bất cứ nơi đâu, chàng đều khắc khoải, nặng lòng với gia

đình và quê hương xứ sở. Ở Trần Nguyên Hãn, ta thấy hiện lên một phẩm chất lớn, nhân cách lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)