8. Cấu trúc luận văn
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý
Miêu tả tâm lý là một trong những biện pháp nghệ thuật quan trọng khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật. Nó chính là linh hồn làm nên sức sống cho nhân vật. Tâm lý nhân vật là những tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, phản ứng tâm lý của nhân vật trước cảnh ngộ mà nhân vật chứng kiến hoặc thể hiện trên bước đường đời của mình. Tiểu thuyết Việt Nam, đặc biệt là tiểu thuyết hiện đại, các tác giả thường hướng ngòi bút của mình vào thế giới bên trong nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, gần gũi và chân thực.
Miêu tả tâm lý nhân vật là một trong những biện pháp nghệ thuật thành công và đặc sắc nhất trong ba tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai. Các tác giả đã làm nổi bật những suy tư, trăn trở, giằng xé... của Trần Nguyên Hãn để người đọc thấy được hình ảnh một người con nặng lòng với gia đình, quê hương và một người anh hùng luôn vì dân vì nước, vì non sông xã tắc Đại Việt.
Từ biệt quê hương, Trần Nguyên Hãn tìm vào Lam Sơn với lý tưởng và khát vọng của một trang anh hùng thời loạn. Tụ nghĩa cùng Lê Lợi và nghĩa quân, người con Sơn Đông trang luôn tâm niệm “sẽ chứng tỏ cho Đại vương biết, Trần Hãn này chỉ có một lòng diệt thù, báo quốc, chứ không bao giờ nghĩ đến việc đem công trạng để đổi lấy vương vị” [9, tr.67]. Trong lòng Trần Nguyên Hãn chỉ có một lý tưởng vì dân vì nước chứ không có mưu đồ, tư lợi. Chàng lên đường một phần vì chứng tỏ chí trai, một phần muốn làm rạng danh cho gia đình, quê hương và dòng tộc. Trong thâm tâm Trần Nguyên Hãn, ý nghĩ khôi phục một triều đại đã sụp đổ không bao giờ xuất hiện.
Những năm tháng binh đao khói lửa, nếm mật nằm gai cùng nghĩa quân, hình ảnh Trần Nguyên Hãn hiện lên với những suy tư, trăn trở được ba nhà văn khắc họa rõ nét. Trước trận chiến hạ đồn Hà Khương trên đường thiên lý xuống
phương Nam, “Trần Hãn ngồi tựa lưng vào thân cây, hai mắt lim dim, nghĩ ngợi. Giá có ai trong lúc này cùng ngồi với ta để bàn luận, tìm ra kế sách thì hay biết mấy” [9, tr.97]. Chàng luôn tìm cách để thắng nhanh nhất và ít tổn thất lực lượng nhất. Đối với Trần Nguyên Hãn, sinh mạng của nghĩa quân cũng như sinh mạng của anh em ruột thịt. Họ cũng có vợ con, gia đình. Chứng kiến sự hi sinh của những người chiến binh mà trong lòng Trần Nguyên Hãn uất hận, nghẹn ngào. Chàng cảm thấy mình là người có lỗi khi những đồng đội thân thiết lần lượt ngã xuống: “Trần Nguyên Hãn còn có nỗi buồn riêng... Một người tướng tài là phải biết quý từng giọt máu của người lính. Vậy mà Hãn đã để quân sĩ trên chiến thuyền nhà Minh giết mất họ. Máu của họ đã đổ xuống sông. Thân xác họ đã chìm xuống đáy sông!” [37, tr.192-193].
Hình ảnh về quê hương, gia đình, dòng tộc luôn ở trong tâm trí người con viễn chinh xa xứ. Những trạng thái tâm lý tinh vi, tế nhị của nhân vật đã được ba nhà văn thể hiện một cách điêu luyện. Ở nơi chiến trận xa xôi, Trần Nguyên Hãn luôn “nao nao nhớ nhà. Vào lúc gà lên chuồng này, vợ con chàng ở Đa Cai đang làm gì nhỉ? Vắng chàng, Lê Thị Tuyển xoay xỏa ra sao?” [37, tr.123]. Đó là tâm tư của một chàng trai giàu tình thương yêu gia đình, vợ con. Hình ảnh người vợ tảo tần, kiên trinh chờ đợi luôn thường trực trong trái tim của người anh hùng. Dù đã nhiều năm chinh chiến xa nhà nhưng “lòng chàng vẫn luôn nhớ về bóng dáng vợ con cùng với gánh dầu dọc trên vai rong ruổi các chợ xa, chợ gần trong những ngày kiếm sống” [9, tr.126]. Gia đình có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn người con Sơn Đông trang. Họ là nguồn động lực tinh thần để chàng thực hiện hoài bão và làm tròn chí nguyện của trang nam nhi thời loạn: “Chàng nghĩ về cha mẹ, hai đấng sinh thành ra chàng đã phải sống cả một cuộc đời nghèo khổ để nuôi dưỡng chàng và đặt bao nhiêu hy vọng, niềm tin vào nơi chàng. Chàng nghĩ về vợ Lê Thị Tuyển, người luôn luôn động viên cổ vũ chàng trong cuộc sống đầy những khó khăn, thiếu thốn. Chàng nghĩ về con trai Trần Trung Khoản, chú bé mới hơn một tuổi mà
kháu khỉnh, thông minh. Nó là chắt đích tôn của Trần Nguyên Đán, lớn lên liệu có làm được gì rạng danh cho tổ tông?” [37, tr.107]. Khi được cụ Tú nhắc lại quá khứ huy hoàng của dòng tộc - dòng họ Trần anh hùng, chàng không tránh khỏi bùi ngùi với tâm trạng buồn, vui lẫn lộn: “Trong lòng Hãn lúc này cũng không rõ nỗi buồn vui. Đúng hơn là chàng không có một giây phút ngẫm nghĩ cho thật sâu lắng để mà nên buồn hay vui, khi cụ Trần Tú nhắc lại thời vàng son của dòng tộc” [9, tr.120]. Nhìn dòng sông nơi xứ người, chàng nôn nao nhớ về dòng Lô quê nhà: “Dòng sông đen sẫm lại. Sóng nước ì oạp vỗ vào bờ ào ạt. Nơi đây sao giống dòng sông Lô đến thế! Trần Nguyên Hãn lại nôn nao nhớ quê. Chàng nhớ từ những buổi chiều cùng bọn trẻ thôn Đa Cai tắm cho trâu ngoài bến Đông Hồ, những hôm đem quang gánh ra đón cha mẹ đi hái dọc mãi trên Phú Thọ, Tuyên Quang ngoài bến sông đến những lần hẹn Tuyển bên bãi ngô non” [37, tr.146-147]. Tiếng ngựa trong tàu hí vang cũng “nhắc chàng nhớ đến những ngày chăn trâu trên Rừng Thần cùng Bờ và bạn bè cùng trang lứa vừa phi trên lưng trâu, múa gươm là những cây sắn, đánh nhau không phân thắng bại. Ai mà ngờ được những trò chơi từ thuở thiếu thời ấy lại giúp cho Trần Nguyên Hãn sau này, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, nhảy lên lưng ngựa chiến là phi như gió được ngay. Ai cũng khen chàng cưỡi ngựa giỏi, múa gươm tài” [37, tr.140-141]. Những trò chơi thuở thiếu thời cùng với bạn bè là hình ảnh rất đỗi thân thương, giản dị. Bao năm xa nhà, những hình ảnh mộc mạc, đơn sơ ấy chàng không thể nào quên. Đắm mình trong không khí lễ hội cùng bà con nhân dân, Trần Nguyên Hãn “lại da diết nhớ về những ngày ở Đa Cai với những hội đánh Phết, hội thi nấu cơm [37, tr.165]. Đó đều là những hội thi chàng tham gia nơi quê nhà. Giữa không gian lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa đó, là nơi chàng hò hẹn, gặp gỡ người vợ tảo tần. Uống bát nước của người dân nghèo, lòng chàng lại cồn cào nhớ đến mẹ, đến quê hương: “Uống liền một hơi hết bát nước, Trần Nguyên Hãn thật lòng khen và nôn nao nhớ về Đa Cai, nhớ đến những buổi tối mùa đông cả nhà ngồi bên bếp lửa. Những tối ấy bao giờ
mẹ cũng cho cha con Hãn ăn sắn nướng, uống với nước vối” [37, tr.177-178]. Nhìn cảnh nhân dân nô nức đón Tết độc lập, “càng khiến Trần Nguyên Hãn chạnh lòng nhớ quê da diết” [52, tr.133]. Ở Trần Nguyên Hãn, người đọc thấy được hình ảnh một người con luôn đau đáu, khắc khoải nỗi nhớ về quê hương, xứ sở.
Người thầy dạy dỗ Trần Nguyên Hãn cũng trở đi trở lại trong tâm trí chàng. Hình ảnh những người thầy đáng kính gắn với cuộc đời Trần Nguyên Hãn được các nhà văn hư cấu, sáng tạo một cách khác nhau. Đó là thiền sư Cúc Khê (Sóng hận sông Lô), thầy Tú (Người con trang Sơn Đông), thầy Nguyễn Thái An (Người về chốn cũ). Dù có đi đến đâu thì hình ảnh những người thầy tài, đức luôn sống trong tâm khảm người con trai họ Trần: “Chàng nghĩ về thầy Nguyễn Thái An, người đã thắp lên trong tâm hồn Hãn, ngay từ thuở thiếu thời, những khát khao đền nợ nước, trả thù nhà” [37, tr.107]. Trước mỗi lần xuất chinh hay những trận thắng của nghĩa quân, chàng đều giành một ngăn trong trái tim cho người thầy mà mình trân trọng, tôn kính: “Riêng Trần Nguyên Hãn chợt ứa nước mắt, nôn nao nhớ thiền sư Cúc Khê ... trên núi rừng Tam Đảo linh thiêng và huyền bí gắn bó với mình suốt 20 năm giữa thời tao loạn, thế cuộc đảo điên” [52, tr.56]. Thiền sư Cúc Khê chính là “người thầy và người cha nuôi dạy ông lớn khôn, tinh thông võ nghệ, hiểu thấu đạo lý trong Nho - Phật - Lão giáo” [52, tr.58]. Thầy là người giáo dục cho chàng phẩm chất, nhân cách của một bậc chính nhân quân tử và truyền cho chàng ước mơ, hoài bão về chí làm trai. Với mỗi chiến công lập được, Trần Nguyên Hãn luôn xốn xang nghĩ về thầy: “Giờ đây, trên khoang thuyền vững chãi mới cướp được của giặc, ông đắm chìm vào quá khứ xa xăm, với bao hoài niệm về một thời ẩn mình trên núi Tam Đảo, được thiền sư Cúc Khê dạy văn, luyện võ. Ở đó, ông đã có với bà Đào biết bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, hái hoa, bắt bướm. Rồi khi ông vừa tròn 20 tuổi, thầy lại chiểu theo di huấn của ông nội, xe kết duyên nồng cho hai người. Trong gian nhà nhỏ sau chùa, đôi vợ chồng trẻ đã sống những năm tháng đẹp nhất của đời người. Làm sao quên được mỗi sáng luyện võ hay đêm
về đọc binh thư, ông được nàng săn sóc, động viên bằng củ khoai, mẩu sắn nặng sâu tình nghĩa. Những đêm thanh vắng, giữa non xanh Tam Đảo thiêng liêng và kì vĩ, ông đã được thỏa thê tận hưởng hạnh phúc vợ chồng” [52, tr.62-63]. Không chỉ dạy văn, luyện võ cho chàng, thầy Cúc Khê còn kết nối con tim chàng trai trẻ với người con gái xinh đẹp, nết na. Thầy là người để chàng gửi gắm những tâm tư, lý tưởng, hoài bão của một thời trai trẻ tràn đầy bầu nhiệt huyết.
Đất nước sạch bóng quân thù, nhân dân được sống trong cảnh thái bình. Vương triều mới được thành lập nên không tránh khỏi những kẻ xu nịnh để chúng mưu quyền, đoạt vị. Những sĩ phu Bắc Hà có tài, có tâm đều bị bọn gian thần đố kỵ, ganh ghét. Cùng với sự đố kỵ của bọn gian thần, Trần nguyên Hãn cũng không tránh khỏi sự nghi kỵ của vua Lê bởi nguồn gốc xuất thân danh gia vọng tộc. Một mình bơ vơ chốn quan trường, Trần Nguyên Hãn cảm thấy mình lẻ loi, đơn độc, “cảm thấy mình chơi vơi như người đang bơi giữa dòng nước xoáy, nhìn ra xung quanh bốn phía, không thấy đâu là bến bờ. Mọi sự ở chốn cung đình hình như đang ngấm ngầm một cơn giông tố, báo hiệu những đảo lộn, trắng thành đen, đen thành trắng sẽ xảy ra bất cứ lúc nào” [9, tr.199]. Nỗi niềm suy tư, giằng xé về thế cuộc đảo điên trong tâm hồn nhân vật được nhà văn thể hiện tinh tế. Nỗi giằng xé như chạm, như khắc vào trái tim làm người anh hùng quặn đau, rỉ máu trước nhân tình thế thái. Rời xa triều chính với những cơn sóng ngầm, Trần Nguyên Hãn cáo quan về quê bởi “mảnh đất quê hương, nơi chôn rau cắt rốn lại hiện lên như vẫy gọi chàng. Về thôi! Về với Sơn Đông Trang, với Rừng Thần yêu dấu. Về với sông Lô hiền hòa như lòng mẹ muôn phương, với bến Đông Hồ nước trong và mát” [9, tr.205]. Quyết định cáo quan hồi hương khiến chàng “thấy trong lòng thanh thản, nhẹ nhõm như bầu trời đang đầy mây vần vũ bỗng trong sáng hẳn ra” [37, tr.229]. Trở về với nguồn cội, Trần Nguyên Hãn thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, gột rửa. Những lo toan, vướng bận, toan tính của người đời đã được rũ bỏ. Tả tướng
quốc vui sống cùng bà con nhân dân, đóng góp công sức với khát khao làm thay đổi đời sống còn nghèo khó của vùng đất quê hương.
Qua hình tượng nhân vật Trần Nguyên Hãn, người đọc thấy được biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật của ba nhà văn. Từ những trang viết với ngôn ngữ điêu luyện, chắt lọc, người đọc thấy được một tâm hồn, một nhân cách luôn khắc khoải, ưu tư vì gia đình, quê hương, vì giang sơn xã tắc.