8. Cấu trúc luận văn
3.4.1. Giọng điệu ngợi ca
Giọng điệu ngợi ca là giọng điệu xuyên suốt trong ba tiểu thuyết Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào) và Người về chốn cũ (Xuân Mai). Đây là giọng điệu rất phù hợp với những tác phẩm thiên về ca ngợi chiến công của nhân vật anh hùng trong lịch sử.
Tìm vào Lam Sơn với chí nguyện của trang nam nhi thời loạn, Trần Nguyên Hãn đã nhanh chóng khẳng định được tài năng của người con mang dòng dõi tôn thất nhà Trần. Trên hành trình đi tìm minh chủ, một mình Trần Nguyên Hãn đã tiêu diệt một toán giặc Minh đang đuổi theo cận vệ của võ tướng Đinh Lễ. Tài năng của Trần Nguyên Hãn khiến Đinh Lễ cũng phải cảm phục: “Xin tráng sĩ đừng quá khiêm nhường. Việc tráng sĩ lấy đầu bọn giặc dễ như giở bàn tay vừa rồi, quả là trong thiên hạ xưa nay hiếm” [9, tr.77]. Đinh Lễ đã đánh giá rất cao tài năng bất phàm của chàng trai đất Sơn Đông. Đó là một người anh hùng mà trong thiên hạ không dễ gì gặp được. Không chỉ tài năng mà nhân phẩm, đức độ của Trần Nguyên Hãn cũng được võ tướng Lam Sơn
tấm tắc ngợi khen: “Cháu tin Trần Hãn là người trung nghĩa. Hôm đó, nếu không có người này ra tay thì cháu đã không còn mạng sống để trở về gặp được Đại vương. Một đấng hào kiệt như thế, nhất thiết phải có mặt trong hàng ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân” [9, tr.81]. Phải chăng tạo hóa sắp đặt “đã mang đến cho Chúa công Lam Sơn một võ tướng dũng mãnh, kiệt xuất, không ai sánh kịp” [9, tr.76].
Với tầm nhìn sâu rộng của một nhà chỉ huy, Lê Lợi đã giao cho Trần Nguyên Hãn những nhiệm vụ quan trọng trong nghĩa quân Lam Sơn. Trần Nguyên Hãn chính là cánh tay đắc lực trong hàng ngũ tướng lĩnh để giúp Lê Lợi thực hiện khát vọng độc lập của dân tộc Đại Việt. Giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa là một trong những chiến công đầu tiên của Trần Nguyên Hãn. Nhiệm vụ quan trọng là vậy, nặng nề là vậy nhưng chàng đã hoàn thành xuất sắc nhờ tài thao lược, điều binh khiển tướng: “Chỉ sau vài trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, quân Minh đã nhanh chóng bị tan rã. Lính và dân thuộc giặc Minh trước đây ở khắp nơi đều quy thuận. Quân, tướng nhà Minh phải rút chạy vào thành cố thủ. Thế là cùng với cả một vùng rộng lớn của Tân Bình - Thuận Hóa được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn cũng trưởng thành vượt bậc: Từ chỗ chỉ chống vây quét, tiến lên những trận tiến công lớn như hạ thành, vây thành, tiêu diệt quân chủ lực địch. Công lao cũng như uy tín của Trần Nguyên Hãn từ đấy càng tăng thêm. Quan Tư Đồ càng được Bình Định vương trọng dụng, tin yêu. Các tướng lĩnh càng cảm phục và quân sĩ càng tin tưởng vào tài thao lược của chủ tướng Trần Nguyên Hãn” [37, tr.157]. Với chiến thắng này, Trần Nguyên Hãn đã góp phần mở rộng căn cứ của nghĩa quân xuống dải đất phía Nam Đại Việt chứ không còn quẩn quanh ở một vài vùng đất nhỏ bé xứ Thanh. Đại công của chàng xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh. Chàng đã trở thành tấm gương sáng ngời cho các tướng sĩ noi theo.
Với sự thông thạo binh thư và tài năng thiện chiến trong chiến đấu, Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi tin tưởng và giao cho nhiệm vụ là chủ tướng trận
chiến hạ thành Xương Giang. Đó là một thành trì kiên cố, tưởng chừng như không thể công phá và được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương của nhân dân lao động. Nhưng với cách đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ, Xương Giang thành đã bị hạ chỉ trong một thời gian ngắn. Trận chiến “long trời lở đất” đã làm cho tên tuổi của chàng bay cao. Chiến thắng Xương Giang khiến Lê Lợi cảm phục và ngợi ca tài năng quân sự đỉnh cao của Thái úy Trần Nguyên Hãn: “Đối phương đã tử thủ nhưng dưới sự chỉ huy tài ba của Thái úy, nghĩa quân vẫn thành công. Trong lịch sử chống ngoại xâm trước đây, cha ông ta đã đánh thắng nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Thanh... nhưng cũng mới chỉ phá được trại, phá được đồn, hoặc phá lũy phòng thủ, chứ triệt hạ được một thành trì quan trọng với một số quân đông như Xương Giang thì chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu mà thôi” [37, tr.187-188].
Sau khi hạ thành, những “vàng bạc, lụa là, châu báu mà bọn giặc vơ vét được của nhân dân chưa kịp đem về nước còn chất đầy trong kho, Thái úy lấy ra đem chia cho các tướng sĩ, những người có công trong việc phá thành, giết giặc” [9, tr.156]. Tiền bạc và công danh, Trần Nguyên Hãn không hề màng tới. Đối với chàng, ra trận giết giặc và cứu giúp muôn dân mới là chí nguyện và lý tưởng của trang nam nhi thời loạn. Trần Nguyên Hãn hiện lên với vẻ đẹp sáng ngời - vẻ đẹp của tài năng lớn, nhân cách lớn. Người con đất Sơn Đông thật xứng đáng với hai tiếng anh hùng trong tâm thức của nhân dân Đại Việt: “Hãn là người có công chống giặc Minh được vua Lê phong tới chức Tả tướng quốc mà chàng không màng tới danh lợi, người như vậy không đáng gọi là anh hùng sao?” [37, tr.240]. Với chiến thắng Xương Giang và sự thất bại thảm hại của đội quân cứu viện, Vương Thông ở thành Đông Quan buộc phải quy hàng. Buổi hội thề đã diễn ra trong niềm tự hào của nghĩa quân và nỗi nhục nhã ê chề của Vương Thông cùng các tướng sĩ nhà Minh. Trong buổi hội thề, Trần Nguyên Hãn được vinh dự đứng ở vị trí thứ hai sau Lê Lợi: “Trong hàng ngũ chư tướng Lam Sơn, Hãn là người rất trẻ, lại đứng đầu hàng quan võ, nổi lên
với những chiến tích phi thường. Vì vậy, sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Bình Định vương đã để Trần Hãn ngồi cạnh mình ở vị trí thứ hai. Đó cũng là cách để Vương Thông mục sở thị bằng xương bằng thịt, một vị tướng lừng danh của Đại Việt đang đối mặt với hắn trong cuộc chiến ngoại giao này” [9, tr.179-180].
Trong những võ tướng của nghĩa quân Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn là người lập được nhiều chiến công vang dội, làm nức lòng nghĩa quân và nhân dân. Những chiến thắng quan trọng, đánh dấu bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến đều mang đậm dấu ấn, tài năng thao lược của Trần Nguyên Hãn cũng như quyết định đến sự tồn vong của xã tắc: “Mười năm qua đệ đã tham gia chỉ huy bốn trận: Nào là chiến dịch Tân Bình - Thuận Hóa; Nào là tiến vây Đông Quan; Nào là hạ thành Xương Giang; Rồi chủ tướng tổng công kích trận Chi Lăng - Xương Giang. Trong bốn trận ấy, đánh bộ có, đánh voi có, đánh ngựa có, đánh thủy có, phục kích có, bình định có, công thành có, truy kích cũng có... Nghĩa là đệ đã phải đương đầu với đủ các lực lượng, đủ các loại binh chủng, đủ các loại địa hình. Thế mà trận nào đệ cũng giành chiến thắng giòn giã. Là người trong cuộc, có thể đệ chưa biết đâu, mọi người đều thừa nhận đệ là người nổi bật nhất trong hàng các võ tướng của Lê Lợi đấy. Uy tín của đệ trong quân sự thật tuyệt vời” [37, tr.220]. Lời nhận xét của Nguyễn Trãi tràn đầy niềm tự hào xen lẫn cảm phục đối với người huynh đệ thân thiết. Nó đã khái quát được những chiến thắng lừng lẫy cùng tài năng cầm quân đánh giặc với đủ phương pháp đánh trên mọi loại địa hình phức tạp của Trần Nguyên Hãn. Tài năng, nhân phẩm của chàng cũng được Nguyễn Thị Lộ - người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, có học vấn ngợi ca, trân trọng: “Tôi vẫn thường nghe tiên sinh nhà tôi nói về Tướng quốc, một võ tướng tài ba, mưu lược, từng Nam chinh Bắc chiến lập nhiều công trạng, thật xứng đáng với truyền thống gia phong” [9, tr.187]. Theo Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn “thật là một cặp trời phú cho hai dạng tài năng hiếm có ở đời. Một người anh hùng vung gươm xông pha giữa muôn trùng trận mạc, trăm trận trăm thắng; còn một người thư thái,
ung dung nơi thư phòng, dùng bút lông đẩy lui hàng vạn quân giặc cướp nước đến từ phương Bắc, lời văn nhẹ nhàng, uyển chuyển mà ngời sáng lên sức mạnh của đại nghĩa thắng hung tàn” [52, tr.156]. Quả thật, hai người cháu của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là những tài năng kiệt xuất mà ông trời đã ban cho Lê Lợi. Họ là nhà văn hóa, nhà quân sự được nhân dân ngợi ca và tôn kính. Có duyên gặp gỡ và trò chuyện với họ là niềm tự hào, hạnh phúc của tất cả mọi người: “Chia tay Trần Nguyên Hãn, dắt tay Thào Mỵ ra về, Tư Tề thấy lòng nhẹ nhõm, sung sướng lâng lâng. Chàng thầm nhủ: Đời ta có được hai người như ông Hãn và thầy Trãi bên mình, hỏi còn có hạnh phúc nào hơn!” [52, tr.215].
Trở về quê nhà Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn được vua Lê Thái Tổ ban thưởng cho 100 mẫu ruộng làm của riêng. Với một người không ham quyền chức, lợi lộc cho nên Trần Nguyên Hãn luôn trì hoãn việc đi nhận ruộng: “Theo quy định của nhà vua, Trần Nguyên Hãn được đi ngựa một ngày để nhận đủ 100 mẫu ruộng. Ngựa đi tới đâu thì những thửa ruộng nằm ở bên tay trái đều thuộc về chàng cả. Biết vậy, nhưng vì tính không tham lam nên Trần Nguyên Hãn cứ nhẩn nha uống nước, hút thuốc mãi, đợi đến lúc mặt trời lên cao đến con sào chàng mới cùng mấy người tùy tùng rời khỏi Đa Cai” [37, tr.260]. Được cô gái đang cắt cỏ trên đồng (Chúa Lối) mời về nhà, chàng không ngần ngại nhận lời mà quên mất mình đi nhận ruộng trong một ngày. Chia tay cô gái cắt cỏ xinh đẹp, duyên dáng, Trần Nguyên Hãn bèn cho ngựa quay trở về Đa Cai. Điều đó thể hiện nhân cách lớn của người anh hùng luôn lo lắng, trăn trở với đời sống của nhân dân lao động. Chàng không ham ruộng đất vua ban mà quất ngựa đi đến tối ngày cho dù mình xứng đáng được hưởng sau những năm tận hiến cho giang sơn xã tắc. Nhân dân cảm phục, biết ơn sâu sắc đối với Tả tướng quốc cũng là bởi ở nhân cách cao đẹp đó.
Cáo quan về quê nhà, Trần Nguyên Hãn không đắm mình vào những cuộc vui của một bậc đại công thần triều Lê. Chàng luôn suy tư, trăn trở với mong muốn làm thay đổi đời sống của nhân dân: “Sau khi xuống ngựa, buông
kiếm, cởi bỏ giáp trụ, ông muốn làm một việc gì lớn lao, có ích cho nước nhà thời hậu chiến. Ông mong muốn cả một vùng đất trải dài dọc theo sông Lô, từ châu Tam Đới đến trấn Tuyên Hóa sẽ mau trở nên giàu có, nghề nông, nghề thủ công và giao thương với miền xuôi bằng đường thủy trên sông Lô mỗi ngày thêm sầm uất” [52, tr.236-237]. Trần Nguyên Hãn muốn đem hết tài năng, trí lực để cùng Hoàng thượng chấn hưng nước nhà thời hậu chiến. Việc làm của Trần Nguyên Hãn được người thầy đáng kính - thầy Nguyễn Thái An cảm phục. Thầy tự hào với cốt cách, nhân phẩm hơn người của học trò: “Không ở lại triều đình là tôi biết cái cốt cách của anh khác với đời thường nhiều lắm. Nói thật là, thầy rất mừng. Bởi quyền lực là thứ làm cho con người ta hư hỏng nhanh nhất... Anh khất quy hưu về với dân làng, mong làm giàu cho Đa Cai, thú thật thầy không còn cái mừng nào mừng hơn” [37, tr.253]. Làm đến chức Tả tướng quốc triều Lê nhưng quyền lực, danh vọng không níu chân được Trần Nguyên Hãn ở lại triều đình. Về quê không phải là sự kết thúc mà là tiếp tục một hành trình mới - hành trình thúc đẩy sự phát triển của công cuộc khuyến nông, khuyến công, khuyến thương cho nhân dân, đất nước. Sơn Đông như thay da đổi thịt khi quan Tả tướng quốc về quê. Đời sống no ấm, không khí tưng bừng rộn rã đang len lỏi khắp vùng. Nhân dân “từ trẻ thơ đến cụ già, ai nấy đều tươi rói vẻ mặt, trong lòng thầm cảm ơn quan Tả tướng, nhờ có Ngài mà dân chúng được như hôm nay thân phận đổi đời” [9, tr.225]. Trong lòng nhân dân, Tả tướng quốc không chỉ là anh hùng trên chốn sa trường mà còn cả trong cuộc sống đời thường.
Như vậy, xuyên suốt ba tiểu thuyết lịch sử, người đọc thấy được giọng điệu ngợi ca tài năng, phẩm chất và nhân cách người anh hùng Trần Nguyên Hãn. Đóng góp và cống hiến của Tả tướng quốc thật xứng đáng với câu đối mà Trần Danh Xí viết về Người:
Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa, Lô thủy thần tâm đối nghĩa thiên.
Có nghĩa là:
Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này, Lòng trung quân của Người bầy tôi trên dòng sông Lô là có trời biết
[Dẫn theo 2, tr.11].