Giọng điệu xót xa, thương cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 90 - 102)

8. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Giọng điệu xót xa, thương cảm

Trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai không chỉ ca ngợi nhân vật lịch sử mà còn có sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về số phận con người lịch sử. Ba tiểu thuyết là những suy ngẫm với giọng điệu xót xa, thương cảm của các nhà văn về cuộc đời và số phận của người anh hùng Trần Nguyên Hãn.

Là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhưng vì là dòng dõi tôn thất nhà Trần nên Trần Nguyên Hãn không tránh khỏi sự đề phòng của vua Lê. Tin dùng Trần Nguyên Hãn nhưng Lê Lợi đã có những toan tính cho riêng mình và cho triều Lê. Trong đêm tâm sự với người cháu Đinh Liệt ở làng Bồ Đề, Bình Định vương đã tỏ rõ sự lo lắng với Trần Nguyên Hãn nói riêng và với những sĩ phu Bắc Hà nói chung: “Sao đêm ngủ chung giường ta thấy ông cứ nhất thiết phải loại bỏ sớm các tướng Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo? Cái đêm trước hội nghị tướng lĩnh, ta nghe ông Hãn phân tích về thất bại của nhà Hậu Trần rất thành tâm, chí lý và ông cũng sung sướng tự hào vì được theo về dưới trướng của cậu Lê Lợi, sao cậu vẫn ngờ vực?” [52, tr.124-125]. Đinh Liệt thương cảm, xót xa cho tương lai của người anh hùng trung nghĩa, nặng lòng vì nước vì dân. Đồng thời, đó còn là sự tra vấn, đối thoại với người đọc của tác giả về những vấn đề của lịch sử để cùng nghiền ngẫm, suy nghĩ. Cả cuộc đời, người con họ Trần luôn phấn đấu hi sinh vì khát vọng, hoài bão cao đẹp. Chàng không hề có những toan tính, tư lợi cho bản thân và gia đình. Nhưng Lê Lợi lại không nghĩ như vậy. Lai lịch của chàng làm cho vua Lê phải bận tâm: “Sao với ông Hãn, thầy Trãi thì ta vẫn băn khoăn, không hiểu cậu mình còn muốn gì ở họ? Chẳng lẽ lai lịch của hai vị đại thần đó làm cậu khó

chịu đến mức thế ư? Nếu ta là cậu lê Lợi, có lẽ ta sẽ làm ngược lại, cậu muốn là giời muốn. Dường như lên ngôi Hoàng đế rồi, cậu chẳng tin ai ngoài bản thân mình và đứa cháu non dại này” [52, tr.241-242]. Những lời dặn dò của Lê Lợi đã làm cho chàng trai trẻ Đinh Liệt đắm chìm trong suy tư, dằn vặt. Chàng nhức nhối, ai oán cho số phận của người anh hùng có công lập quốc: “Ngẫm lại toàn bộ câu chuyện trong cái đêm ngủ chung giường với cậu ở tòa nhà gỗ bên làng Bồ Đề ta đã ngầm hiểu rằng, cậu sợ ông Hãn cướp ngôi Nguyên Long nên tự mình ra tay diệt trước, còn bộ tứ quyền lực Sát, Ngân, Vấn, Hoành thì cậu yên tâm phó thác cho ta” [52, tr.242].

Chiến tranh kết thúc, một vương triều mới được hình thành nhưng không tránh khỏi những cơn sóng ngầm dữ dội. Ở nơi triều chính ngổn ngang công việc, Trần Nguyên Hãn luôn cảm thấy có một lực cản vô hình cản trở mình trong công cuộc tái thiết nước nhà. Tác giả đã lục lọi đến tận thẳm sâu tâm hồn nhân vật để người đọc thấy được sự vật vã tâm can của người anh hùng, đồng thời cũng là sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời: “Ôi, bao chuyện xưa cứ dồn nhau kéo về trong đêm nay để vò xé đến tan nát trái tim người anh hùng bách chiến. Lúc con người đó mang gươm ra trận lấy đầu tướng giặc thì thanh thản và nhẹ tênh. Còn bây giờ, khi bóng giặc không còn, nước đã có vua, triều đình bề thế, vậy mà sao nhân tâm rối loạn, phải trái, trắng đen khó phân biệt làm vậy?” [9, tr.205]. Chưa bao giờ, trái tim người anh hùng bách chiến bách thắng lại tan nát, rụng rời đến vậy. Ranh giới giữa phải và trái, trắng và đen dường như bị xóa nhòa và khó phân biệt. Trần Nguyên Hãn cảm thấy mình chơi vơi giữa dòng nước mà không biết đâu là bờ bến. Những dòng miêu tả tâm lý tinh vi, tế nhị cho thấy sự xót xa, uất hận xen lẫn triết lý, chiêm nghiệm sâu sắc trước sự đổi thay của thế thái nhân tình: “Ôi, sao con người ta, lúc hoạn nạn thì hòa vào nhau, nương tựa lẫn nhau, mà khi công danh phú quý thì cách nhau một trời một vực, lại không thể cùng chung sống” [9, tr.200]. Xuất thân là dòng dõi tôn tộc nhà Trần nên Trần Nguyên Hãn luôn cảm thấy mình “đã gây bao nhiêu điều phiền toái, khó xử cho Lê Lợi” [37, tr.224].

Từ bỏ chốn quan trường, Trần Nguyên Hãn cáo quan về Sơn Đông để thực hiện lý tưởng còn dang dở mà chàng chưa thực hiện được nơi triều chính. Bóng dáng Trần Nguyên Hãn không còn nhưng vua Lê chưa khi nào yên tâm về chàng. Mong muốn cuộc sống bình dị của Tả tướng quốc nơi quê nhà cũng không thành hiện thực trước sự đề phòng của vua Lê và sự gièm pha của những kẻ xu nịnh: “Đang ở vương triều ta xin về chốn cũ là muốn được sống yên ổn, hạnh phúc mãi bên nàng và các con. Nào ngờ cái mong ước giản dị đó của ta cũng không thành” [37, tr.286-287]. Ngày Trần Nguyên Hãn rời quê hương theo những tên lực sĩ xá nhân về kinh thành là một ngày buồn của nhân dân Sơn Đông. Người anh hùng mà họ tôn kính đã tự trầm tại bến Đông Hồ trên dòng Lô giang. Biết tin Trần Nguyên Hãn “tuẫn tiết trên sông Lô, cả thôn Đa Cai nhớn nhác như kiến vỡ tổ. Từ đầu thôn đến cuối thôn đâu đâu cũng có tiếng con khóc cha, vợ khóc chồng và tiếng hờ gọi, kêu gào thảm thiết” [37, tr.293]. Tiếng khóc của nhân dân Đa Cai cũng là tiếng khóc của cả dân tộc tiếc thương cho cuộc đời, số phận của người anh hùng lừng lẫy. Đó không phải là tiếng khóc của cá nhân mà là của Tổ quốc khóc thương cho một tâm hồn lớn, nhân cách lớn. Và như vậy, tiếng khóc mang tầm vóc sử thi sâu sắc.

Cái chết của Tả tướng quốc đã để lại niềm thương tiếc vô bờ cho nhân dân Đại Việt. Đinh Liệt, người học trò vẫn luôn cảm phục Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn cũng không tránh khỏi đau đớn, dằn vặt khôn nguôi: “Ông Hãn ơi, đừng oán trách! Ta chỉ là quân xe nằm im trong góc bàn cờ, chờ đến nước cờ cậu Lê Lợi cần thì bất ngờ xuất xe giam quân xe, quân pháo đối phương hay ăn quân tượng, quân sĩ cho cậu đánh thắng ván cờ quyền lực. Bao năm qua, ta coi cậu Lê Lợi thực là vị thánh. Giờ ở tuổi này, trải bao biến cố ta mới ngộ ra cậu mình cũng chỉ vì ngai vàng quyền lực mà mê muội, tàn nhẫn nào có hơn gì bộ tứ Sát, Ngân, Vấn, Hoành bỉ lậu, vô học!” [52, tr.328]. Xen lẫn chất giọng xót xa là giọng điệu tra vấn, “nhận thức lại” lịch sử tưởng chừng như đã “khép kín”. Phải chăng, bên cạnh một lãnh đạo xuất chúng, phi thường, Lê Lợi cũng

mang trong mình sự ích kỷ, hẹp hòi của một con người bình thường? Phải chăng, chính điều đó đã dẫn tới cái chết bi thảm, oan khuất của Tả tướng quốc trên dòng sông Lô? Thời gian đã đi qua, dòng Lô vẫn miệt mài chảy theo năm tháng và chứng kiến những thăng trầm, biến thiên trong lịch sử dân tộc. Gấp lại trang sách, ta lại thấy trào dâng nước mắt, xót xa đến quặn lòng trước cuộc đời bi kịch của một trang anh hùng tuấn kiệt ưu thời mẫn thế.

Có thể thấy, ba tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến),

Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào), Người về chốn cũ (Xuân Mai) có sự đa dạng về giọng điệu. Bên trong giọng điệu xót xa thương cảm, ta thấy có sự đan xen của giọng điệu triết lý, tra vấn (Sóng hận sông Lô), giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm (Người con trang Sơn Đông) và giọng điệu lo âu khắc khoải (Người về chốn cũ). Điều đó đã tạo nên màu sắc đa thanh, đa giọng điệu cho tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là nét riêng biệt trong giọng điệu, thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn khi xây dựng nhân vật lịch sử.

Tiểu kết chương 3

Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào và Xuân Mai đã có sự thành công xuất sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử của văn học Việt Nam đương đại. Bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi nhà văn cũng có những nét sáng tạo riêng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, từ miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ đến giọng điệu. Những nét khác biệt đó đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn và phong cách riêng của mỗi tác giả trong ba tiểu thuyết lịch sử.

Từ một nguyên mẫu với những tư liệu chính sử để lại không nhiều, ba nhà văn đã có sự hư cấu nghệ thuật khi xây dựng nhân vật lịch sử. Sự hư cấu đó tạo nên một hình tượng nghệ thuật sinh động, đặc sắc. Nhân vật được soi chiếu, nhìn nhận một cách đa diện, đa chiều. Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã làm nổi bật mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Hư

cấu, sáng tạo nhưng không đi ngược với chân lý lịch sử, không phản lịch sử mà vẫn làm hiện lên chân lý và nhân cách của lịch sử. Với những tác phẩm về đề tài lịch sử, đã có nhiều nhà văn phát huy vai trò của yếu tố hư cấu nghệ thuật. Trong tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú (Hồ Thủy Giang), nhân vật Lưu Nhân Chú được tác giả hư cấu và có những kiến giải riêng - người anh hùng tài trí, mưu lược nhưng cũng hiện lên dung dị với tất cả giá trị Người phổ quát mà nó vốn có. Trong Phẩm tiết (Nguyễn Huy Thiệp), nhân vật Quang Trung được tác giả hư cấu và tiếp cận ở góc độ mới, không phải ở góc độ một anh hùng, vĩ nhân mà là con người của đời thường, thế sự. Nhân vật hiện lên với những tâm tư, tình cảm của một thân phận con người trong đời sống.

Karl Popper - một nhà triết học người Áo cho rằng lịch sử cần được viết lại, vì mỗi thế hệ mới lại đặt ra trước nó những vấn đề mới, nghĩa là không có lịch sử như trong quá khứ mà chỉ có những cách giải thích lịch sử khác nhau và không có cách giải thích lịch sử nào là cuối cùng. Vì vậy, sự hư cấu và cách tân, đổi mới của các nhà văn là điều cần thiết. Từ sự cách tân đó, tác giả đặt ra những vấn đề mới để người đọc lý giải, suy ngẫm, chiêm nghiệm.

KẾT LUẬN

1. Trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại, tiểu thuyết lịch sử ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong đời sống văn học. Với bộ ba tiểu thuyết lịch sử (Sóng hận sông Lô, Người con trang Sơn Đông,

Người về chốn cũ), nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng. Tìm đến đề tài truyền thống nhưng ba nhà văn đã có sự tìm tòi, cách tân trong những tác phẩm nghệ thuật của mình. Các nhà văn không kể lại lịch sử, đi tìm sự thật lịch sử mà có cách cắt nghĩa, kiến giải riêng để giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ, chân thật về cuộc đời, số phận của người anh hùng Trần Nguyên Hãn. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã đi sâu vào khai thác con người lịch sử với đời sống tư tưởng, tâm hồn phong phú, đa diện, đa chiều.

2. Ba tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào), Người về chốn cũ (Xuân Mai) đã có những sáng tạo thành công và làm nổi bật vẻ đẹp của người anh hùng Trần Nguyên Hãn. Qua ba tiểu thuyết lịch sử này, độc giả thấy hiện lên vẻ đẹp của một người con trung hiếu, nặng lòng với gia đình, quê hương và dòng tộc; một trang nam nhi với lý tưởng, khát vọng và nhân cách lớn; một người anh hùng mưu lược, tài trí trong chiến trận mà tài năng quân sự đã nâng đến tầm nghệ thuật. Trần Nguyên Hãn hiện lên với vẻ đẹp cả về tài năng, nhân cách và đức độ. Là bậc đại công thần khai quốc nhưng cuộc đời của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn lại kết thúc bi thảm và oan khuất. Tuy nhiên, với những đóng góp và cống hiến cho non sông đất nước, Trần Nguyên Hãn xứng đáng được coi là anh hùng dân tộc, được nhân dân ngợi ca, ngưỡng vọng và chiêm bái.

Bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi tác giả cũng có sự sáng tạo khác nhau khi xây dựng nhân vật anh hùng lịch sử. Ba nhà văn đã thiên về phản ánh và chú ý tô đậm những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của nhân vật chính.

Câu nói và cái chết bi kịch của Trần Nguyên Hãn cũng được các tác giả hư cấu và có những sáng tạo riêng. Xây dựng nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn, bên cạnh những kiến thức về mặt lịch sử, các tác giả đã khéo léo lồng vào đó những kiến thức về địa lý, triết học, tôn giáo (Sóng hận sông Lô) và những kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của nhân dân Đại Việt (Người con trang Sơn Đông, Người về chốn cũ). Nét khác biệt đó đã tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn riêng của từng tác phẩm khi viết về đề tài và nhân vật lịch sử.

3. Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã có sự thành công xuất sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Xây dựng nhân vật Trần Nguyên Hãn, ba nhà văn đã thành công trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình để làm nổi bật vẻ đẹp gân guốc, khỏe khoắn cũng như thần thái, khí chất của một trang anh hùng tuấn kiệt. Qua ba tiểu thuyết lịch sử này, người đọc còn thấy được biệt tài của các nhà văn khi phân tích và miêu tả tâm lý nhân vật. Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã làm nổi bật những trăn trở, suy tư, giằng xé của một tâm hồn luôn khắc khoải, ưu tư vì quê hương, gia đình, dòng tộc và giang sơn xã tắc Đại Việt. Thành công của ba nhà văn khi xây dựng nhân vật còn được thể hiện qua ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Qua hai dạng thức ngôn ngữ này, các tác giả đã để cho nhân vật tự bộc lộ vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách cũng như những tâm sự về cuộc đời, về sự đổi thay của nhân tình thế thái. Giọng điệu khi xây dựng nhân vật cũng là biện pháp nghệ thuật làm nên thành công của ba tác phẩm. Xuyên suốt ba tiểu thuyết lịch sử, chúng ta nhận thấy giọng điệu ngợi ca phẩm chất, nhân cách, tài năng của Trần Nguyên Hãn. Đồng thời, đó còn là giọng điệu xót xa, thương cảm trước cuộc đời và số phận bi thảm, oan khuất của người anh hùng có công lập quốc.

Bên cạnh những điểm tương đồng, nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn trong ba tiểu thuyết cũng có những điểm khác biệt. Sự khác nhau đó được thể hiện trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ cũng như giọng điệu... Chính điều đó đã tạo nên nét độc đáo và phong cách

riêng của mỗi nhà văn trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử của văn học Việt Nam đương đại.

4. Sáng tạo nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử (Sóng hận sông Lô, Người con trang Sơn Đông, Người về chốn cũ) vẫn còn nhiều điều cần quan tâm và đưa ra bàn luận, nghiên cứu. Trong khuôn khổ của Luận văn, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề trên. Từ đó, khẳng định vị trí, tài năng và đóng góp của mỗi nhà văn trong dòng chảy chung của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN

1. Nguyễn Quang Duy (2018), “Sáng tạo nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử của Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào và Xuân Mai”, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, (278), tr. 30-34.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Tuấn Anh (2013), “Lịch sử như là hư cấu - Quan điểm sáng tạo mới về đề tài lịch sử”, Tạp chí Sông Hương, (298), tr. 82-89.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 90 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)