Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 75 - 80)

8. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại

Trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đều tập trung xây dựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Qua ngôn ngữ đối thoại, nhà văn đã thổi linh hồn vào nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, chân thực như từ cuộc đời bước vào trong trang văn.

Từ khi còn là chàng thanh niên với gánh dầu dọc trên vai, Trần Nguyên Hãn đã nuôi khát vọng, lý tưởng của một trang anh hùng. Trước sự xâm lăng, giày xéo của giặc phương Bắc, chàng trai trẻ căm phẫn đến tột cùng. Cuộc đối thoại với tên giặc Minh đóng ở thành Tam Giang đã thể hiện rõ bản lĩnh, khí phách và lòng căm thù giặc sâu sắc của Trần Nguyên Hãn: “- Tao không muốn làm Quốc vương. Tao muốn đánh đuổi chúng mày ra khỏi nước Nam!” [9, tr.26]. Đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi để đem lại cuộc sống no ấm, thái bình cho nhân dân chính là mục đích, lẽ sống của chàng trai họ Trần.

Ở nơi rừng núi xa xôi, Trần Nguyên Hãn ngày đêm nghiền ngẫm binh thư để mong một ngày tìm được minh chủ. Cuộc đối thoại với ông lão chài lưới ven sông đã thể hiện khát vọng và tráng chí bốn phương của người con Sơn Đông trang: “- Ấy chết! Xin ông đừng nói thế. Khi nước loạn thì mọi người đều phải ra tay cứu nước. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, chứ cứ gì ai. Việc dựng cờ là việc to tát, phải theo ý giời. Còn đối với cháu, chỉ mong có một minh chủ cùng chí hướng, dù ở đâu dưới gầm trời Nam này thì cháu cũng tìm đến và xin làm một tên tiểu tốt, dốc lòng phò tá” [9, tr.33]. Chàng đã phân tích cho ông tình hình đất nước một cách tỉ mỉ, thấu đáo. Dù còn trẻ tuổi nhưng Trần Nguyên Hãn đã có cái nhìn sâu sắc về thời cuộc: “- Ông nên biết rằng, giặc Ngô kéo sang, đưa ra chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, nhưng thực chất là để cướp nước ta, lập làm quận huyện của chúng, giống như thời nhà Đường đô hộ. Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng là tôn thất nhà Trần thật, nhưng không đủ tài đức, dẫu có xưng là hoàng đế thì thiên hạ cũng không còn mấy ai theo nữa. Vì họ Trần đã suy. Hào khí Đông A đã tắt. Đại Việt lúc này cần có một người khác làm minh chủ, phất cao ngọn cờ kháng Minh thì mới thu phục được muôn dân, hào kiệt bốn phương mới tụ hội” [9, tr.34]. Chàng hiểu rõ âm mưu thâm độc của giặc Minh khi kéo quân sang nước ta. Chàng cũng thấy được sự suy vi của nhà Trần và lúc này đất nước cần một anh hùng đủ tài, đủ đức để kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Trước hiện thực đau thương, tang tóc của cả dân tộc, Trần Nguyên Hãn đã bộc bạch những lời tâm huyết của mình với thầy Nguyễn Thái An: “- Bẩm thầy! Đúng là như vậy ạ. Chỉ có điều xin thầy hãy hiểu cho con, bấy lâu nay con nuôi chí cứu dân, giúp dân không có nghĩa là con muốn khôi phục lại cơ nghiệp nhà Trần. Con có ý thức dẹp giặc, muốn lo cho dân, muốn cứu dân khỏi ách lầm than, không có nghĩa là con muốn dựng lại một vương triều đã sụp đổ” [37, tr.96]. Đánh đuổi giặc thù, cứu giúp muôn dân Đại Việt thoát khỏi ách lầm than là lý tưởng của chàng trai trẻ. Trần Nguyên Hãn không

hề có ý nghĩ khôi phục một vương triều đã mất. Với chàng, triều Trần và hào khí Đông A đã là ánh hào quang của quá khứ. Còn hiện tại, cứu nước cứu dân là trách nhiệm của muôn dân Đại Việt.

Cảm phục trước tài năng, uy đức bao trùm của chủ tướng Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn đã vượt một chặng đường dài đến xin tụ nghĩa. Chàng lặn lội tìm vào Lam Sơn một phần để thỏa chí tang bồng, một phần là vì đại nghiệp của giang sơn xã tắc: “- Bẩm Đại Vương! Cơ nghiệp nhà Trần đã mất vào tay họ Hồ. Trần Ngỗi rồi Trần Quý Khoáng dấy binh nhưng đều đã thất bại. Tôi chỉ là người dân bán dầu ở Sơn Đông trang không hề có mong muốn khôi phục Trần triều. Trong lúc xã tắc không có chủ, nòi giống điêu linh do ách đô hộ của giặc Ngô, là con dân Đại Việt ai cũng mong chờ một ngọn cờ dấy nghĩa để đánh đuổi giặc thù. Nay Chúa công đã có hịch truyền, là đấng nam nhi, tôi không thể vì vợ bìu con ríu mà ngày ngày gánh hai thùng dầu trên vai, giương mắt nhìn tội ác của quân giặc đang giày xéo non sông Đại Việt” [9, tr.65]. Trần Nguyên Hãn nhận thức rõ được thực tại và hoàn cảnh đất nước: Những người dân Đại Việt yêu nước hãy cùng nhau tìm một minh chủ tài năng, nhân nghĩa để thống nhất quần hùng đánh đuổi giặc ngoại bang. Người con Sơn Đông ngày đêm rèn luyện võ nghệ, nghiền ngẫm binh thư cũng chỉ mong được một lần báo đền nợ nước: “- Thưa chúa công và các đại huynh... Riêng tôi, mười năm mài gươm chờ thời đánh giặc để đền nợ nước, trả thù nhà nay đã tìm được minh chủ, nếu được tin dùng, Hãn tôi sẽ quên mọi riêng tư mà hết lòng vì nghiệp lớn” [37, tr.133].

Là người thông thạo binh thư, Trần Nguyên Hãn đã được Lê Lợi giao cho nhiệm vụ quan trọng trong cuộc chinh phạt xuống dải đất phía Nam Đại Việt: Giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa. Trước trận đánh hạ đồn Hà Khương ở Bố Chính, chàng đã bồi dưỡng những kiến thức mình có được với Thượng tướng Doãn Nỗ. Đó là những kiến thức binh pháp mà đạo làm tướng cần phải có được khi đối mặt với kẻ thù: “- Phàm cái nguồn để biến đổi quân kì quân, chính là ở chỗ: Đến thì không nói. Dùng binh thì bí mật. Cho nên việc thì nắm

trước, động thì lặng im, dùng thì người ta không ngờ, mưu thì người ta không biết. Phàm muốn thắng thì trước tỏ cho địch biết là ta yếu rồi mới đánh. Vì thế, quân ít mà công nhiều. Chưa thấy thắng mà đã đánh thì quân tuy nhiều cũng thua! Người đánh giỏi thì bình tĩnh mà không rối. Thấy thắng thì đánh. Thấy không thắng thì dừng” [37, tr.149]. Cách tiến thoái, đóng quân, quan sát trận địa cũng là những điều quan trọng mà người làm tướng cần phải nắm vững: “- Vào trận, nếu thấy đường tiến dễ, đường lui khó thì nên săn ở phía trước. Nếu đường tiến khó, đường lui dễ thì nên đến sát mà đánh. Đóng quân ở nơi thấp, nước không có chỗ thông, lại hay mưa dầm thì nên tháo nước vào cho ngập. Đóng quân ở nơi chằm hoang, cây cỏ um tùm, gió thổi lồng lộng thì nên đốt mà tiêu diệt. Quân đóng mãi một nơi, tướng sĩ trễ nải, quân không đề phòng thì nên lẻn mà đánh úp” [37, tr.150]. Tài năng của người làm tướng, của những “bậc thánh võ trị đời” còn là ở việc “đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận. Nhẹ nhàng như mưa rơi trên không mà dựng lên cuộc đời vô sự” [37, tr.150]. Có thể thấy, những kiến thức binh thư gia truyền của dòng họ nhà Trần đã được Trần Nguyên Hãn vận dụng, nắm vững một cách thuần thục. Nó thể hiện sự đúng đắn, tài tình trong binh pháp đánh giặc: tránh điểm mạnh mà đánh vào điểm yếu của giặc; biết phát huy điểm mạnh, lợi thế của đất nước, của quân và dân, buộc quân giặc phải đánh theo cách đánh của ta đã chuẩn bị trước; buộc giặc từ thế mạnh chuyển sang thế yếu, từ chủ động thành bị động để rồi tiêu diệt chúng.

Với Thái tử Tư Tề, Trần Nguyên Hãn cũng dành cho chàng những đặc ân. Là người nhân nghĩa lại sẵn sàng xả thân vì đại nghiệp nên Tư Tề được Trần Nguyên Hãn yêu mến, cảm phục. Những lúc rảnh rỗi, Trần Nguyên Hãn thường truyền đạt cho Tư Tề những kiến thức binh thư. Trần Nguyên Hãn đã phân tích tình thế giữa ta và địch trong chiến dịch Thuận Hóa cho Tư Tề nghe để từ đó quân ta chọn cách đánh phù hợp trong chiến dịch ấy: “Mấy năm trước ta đem quân vào Thuận Hóa trong thế ta yếu, địch mạnh, lại đang kiểm soát

lãnh thổ toàn vùng, khi cần có thể cố thủ trong thành cao, hào sâu, khí giới và lương thực đầy đủ. Ta chỉ hơn giặc ở hai chữ Đại Nghĩa nên lòng dân ủng hộ. Vì thế ta phải mất công đưa quân chui lủi trong rừng, vào tận chân đèo Hải Vân đánh ra; trước là giải phóng làng quê để có thêm sức người sức của; sau mới đánh thành bằng công kiên chiến, giải quyết dứt điểm chiến dịch” [52, tr.213]. Khi được Tư Tề hỏi về kế sách chống giặc Minh nếu chúng lại sang xâm lược, Trần Nguyên Hãn đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng là xây dựng lực lượng hùng hậu, thiện chiến và quy củ: “Ngay từ bây giờ, Tư Tề phải giúp Hoàng thượng gây dựng binh lực hùng mạnh, biên ngũ chặt chẽ để kiểm soát quân lương. Binh lực triều đình gồm có: nhỏ nhất 1 Ngũ là 5 người; 10 Ngũ là 1 Tốt 50 người, 10 Tốt là 1 Lữ 500 người; 10 Lữ là 1 Thê 5 ngàn người, do một tướng giỏi chỉ huy; 10 Thê là 1 Đạo 5 vạn người do một đại tướng chỉ huy, giỏi binh pháp, văn võ song toàn, trung quân ái quốc; cả nước cần 10 Đạo là đủ chống giặc phương Bắc. Binh lực lại chia ra Chính binh và Du binh. Chính binh trang bị đầy đủ, chốt ở nơi xung yếu để đánh giặc những đòn quyết định. Du binh là quân cơ động, trang bị gọn nhẹ, không đóng mãi ở một chỗ mà luôn di chuyển. Du binh đi đến đâu hòa lẫn vào dân, cùng giúp dân cấy lúa, trồng rau hay vỡ đất trồng khoai. Mặt khác, Du binh trong lúc lưu trú ở nơi nào thì huấn luyện dân binh nơi đó, cứ một Ngũ Du binh thì huấn luyện được ba Ngũ Dân binh để khi có giặc dùng đến. Làm được như vậy thì mạnh như giặc Mông Thát ta cũng chẳng sợ” [52, tr.215]. Đó là những lời tâm huyết, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài ba, uyên bác. Với Thượng tướng Doãn Nỗ và Thái tử Tư Tề, cơ hội được trò chuyện với Trần Nguyên Hãn là bài học quý báu như ngàn vàng. Trước những lời gan ruột của Trần Nguyên Hãn, Doãn Nỗ cũng như Tư Tề ngồi nghe như “nuốt từng lời” của vị đại tướng lão luyện binh pháp, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.

Trở về nơi chôn nhau cắt rốn, Trần Nguyên Hãn mang trong mình khát vọng cháy bỏng đến tột cùng là giúp đời sống nhân dân thay da đổi thịt. Với Tả

tướng quốc, chức tước chẳng qua chỉ là hư danh. Điều chàng tâm huyết nhất vẫn là làm được điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương xứ sở: “- Phải rồi! Đừng gọi ta là Tả tướng quốc nữa. Với ta, chức tước chẳng qua là cái nhãn mác người ta gắn cho ai thì người đó được. Nay gắn cho người này, mai gắn cho người khác. Xem vậy nó có gì quan trọng đâu. Cái qúy nhất của cuộc đời mỗi con người, theo ta nghĩ, là mình đã làm được việc gì có ích cho thiên hạ” [37, tr.242]. Ngôn ngữ đối thoại với người dân Sơn Đông thật gần gũi, thân tình, thể hiện vẻ đẹp của một nhân cách luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân.

Có thể nói, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai đã xây dựng thành công nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại. Qua mỗi cuộc đối thoại, nhân vật hiện lên mang vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách cũng như tài năng binh pháp trong nghệ thuật quân sự. Trần Nguyên Hãn là người anh hùng dân tộc với tấm lòng trung quân, ái quốc và căm thù giặc cháy bỏng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáng tạo nhân vật anh hùng trần nguyên hãn qua ba tiểu thuyết lịch sử sóng hận sông lô người con trang sơn đông; người về chốn cũ​ (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)