8. Cấu trúc luận văn
1.2.3. Tiểu thuyết lịch sử từ năm 1945 đến 1985
Cách mạng Tháng Tám thành công, lịch sử dân tộc bước sang một trang mới. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra một bước ngoặt mới cho nền văn học dân tộc. Từ năm 1945 đến năm 1985, đất nước ta đã trải qua nhiều biến cố lịch sử trọng đại. Trong vòng 30 năm (1945-1975), dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến với thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Sau 1975, đất nước được giải phóng và đứng trước những nhiệm vụ không nhỏ: bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn học Việt Nam đã nảy nở, phát triển trong bối cảnh lịch sử ấy. Chính vì vậy, văn học đã gắn bó chặt chẽ với từng bước đi của lịch sử, với vận mệnh dân tộc và đời sống nhân dân. Văn học đi sâu phục vụ Cách mạng, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Trước bối cảnh hiện thực của đất nước thời kỳ này, thơ trữ tình, kí, truyện ngắn là những thể loại phát triển mạnh.
Trước yêu cầu thúc bách của thời đại, tiểu thuyết lịch sử vẫn duy trì được một quá trình phát triển liên tục. Các tiểu thuyết lịch sử vẫn thực hiện sứ mệnh cao cả của văn học nghệ thuật đó là cổ vũ, ca ngợi cuộc chiến đấu, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý chí đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Nhân vật quần chúng được các nhà văn chú ý khắc họa, mang vẻ đẹp tiêu biểu của cộng đồng. Do đó, tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này mang đậm âm hưởng sử thi. Các tác phẩm tiêu biểu như Quận He khởi nghĩa, Tổ quốc kêu gọi, Người Thăng Long (Hà Ân); Hùng khí Thăng Long, Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên); Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động (Thái Vũ); Núi rừng Yên Thế (Nguyên Hồng); Sao Khuê lấp lánh
(Nguyễn Đức Hiền); Đô đốc Bùi Thị Xuân (Quỳnh Cư); Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung (Nguyễn Huy Tưởng) ...
Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này đã hoàn toàn được hiện đại hóa, thoát khỏi lối viết của tiểu thuyết chương hồi, trong diễn đạt không còn kiểu câu văn biền ngẫu. Đồng thời, các nhà văn đã có sự sáng tạo, hư cấu nghệ thuật ở một chừng mực nhất định để tạo nên những hình tượng nghệ thuật sinh động, đặc sắc.
Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn 1945 - 1985 nổi bật ở một số xu hướng như sau: Thứ nhất, “khắc họa những sự kiện trọng đại nhằm lý giải dấu mốc bi tráng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc” [39, tr.51]. Tiểu biểu là tác phẩm Cờ nghĩa Ba Đình (Thái Vũ), Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên)...
Thứ hai, “khắc họa kiểu nhân vật quần chúng nhân dân, qua đó làm sống dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc” [39, tr.52]. Đây là xu hướng phát triển rất mạnh ở giai đoạn này. Tiêu biểu là những tác phẩm như Quận He khởi nghĩa (Hà Ân), Núi rừng Yên Thế (Nguyên Hồng)...
Thứ ba, “khắc họa những vĩ nhân, danh nhân trong lịch sử” [39, tr.52]. Xu hướng này phát triển mạnh ở cả hai chặng đường trước và sau năm 1985. Tiêu biểu là các tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng),
Người Thăng Long (Hà Ân)... Tuy nhiên, việc khắc họa những anh hùng lịch sử ở hai giai đoạn trước và sau năm 1985 của các nhà văn cũng có sự khác nhau. Trước năm 1985, các nhà văn xuất phát từ điểm nhìn của lịch sử khi miêu tả nhân vật. Các tác giả nhìn nhận nhân vật trong mối quan hệ với cộng đồng, với vai trò xã hội. Sau năm 1985, các nhà văn đặt nhân vật dưới nhiều điểm nhìn khác nhau như điểm nhìn lịch sử, điểm nhìn văn hóa... khi miêu tả nhân vật lịch sử. Nhân vật một mặt được nhìn nhận trong mối quan hệ với cộng đồng và xã hội, một mặt được chú ý ở góc độ con người đời thường. Bên cạnh vẻ đẹp của một anh hùng, vĩ nhân, các nhân vật lịch sử còn hiện lên gần gũi, chân thực, đời thường.
Tóm lại, tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này đã tạo dựng được một bức tranh hoành tráng về lịch sử và khắc họa được những nhân vật lịch sử có tính cách đa dạng, có chiều sâu nội tâm. Tuy nhiên, so với các thể loại khác (thơ trữ tình, kí,
truyện ngắn) thì tiểu thuyết lịch sử phát triển kém sôi động hơn. Thời gian này, số nhà văn quan tâm đến thể loại văn học lịch sử chưa có nhiều. Nền văn học nước nhà đang phải đảm nhiệm vai trò phục vụ trước mắt hai cuộc chiến tranh cứu nước và giải phóng dân tộc, cho nên thể loại văn học lịch sử hiện đại của chúng ta chưa phát triển mạnh. Mặc dù chưa có được những tác phẩm thật sự xuất sắc, gây được tiếng vang lớn nhưng tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này vẫn có những tìm tòi, thể nghiệm riêng so với giai đoạn trước đó.