8. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Người anh hùng mưu lược, tài trí trong chiến trận
Trần Nguyên Hãn là người anh hùng “hữu học thức, tinh binh pháp”. Mang trong mình dòng máu của tôn tộc nhà Trần, tài năng của Trần Nguyên Hãn đã sớm được bộc lộ. Ngay từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn đã là một người thông minh, sáng dạ. Lớn lên, Trần Nguyên Hãn theo học những người thầy đáng kính, học vấn uyên bác. Có lần thầy nhận xét “Hãn là người có chí khác thường, học lực giỏi giang. Nhưng có một điều lạ, là thầy chỉ dạy Tứ thư, Ngũ kinh mà sao cả sách binh thư Hãn cũng thuộc làu” [9, tr.12]. Với lý tưởng và
khát vọng lớn, Trần Nguyên Hãn luôn luôn “miệt mài với cuốn Binh gia diệu lý yếu lược và cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Cả hai cuốn sách đều đã nhàu cũ, bìa gáy bóng lên bởi thấm mồ hôi tay qua không biết bao nhiêu lần gấp, mở” [9, tr.13]. Đó đều là những cẩm nang binh pháp gia truyền của dòng họ nhà Trần. Miệt mài đọc sách binh thư, Trần Nguyên Hãn còn ra sức rèn luyện võ nghệ. Với tư chất thiên bẩm cùng với khả năng học tập không ngừng, Trần Nguyên Hãn hội tụ đầy đủ phẩm chất của người anh hùng mưu lược, tài trí.
Từ khi còn trẻ, Trần Nguyên Hãn đã mang tư chất của một trang tuấn kiệt. Chàng lập ra căn cứ Rừng Thần để cùng những người bạn đồng trang lứa rèn luyện võ nghệ. Tầm nhìn của chàng về Rừng Thần như mang tầm nhìn của một nhà quân sự, một nhà chiến lược: “Thế đất chỗ này có thể xây dựng thành căn cứ lâu dài, vừa che mắt địch, vừa có thể trồng lúa, trồng khoai, tăng gia sản xuất để lấy lương thực nuôi quân. Khi chiến sự xảy ra thì tất đó là nơi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, thật là đắc địa cho một nhà quân sự” [9, tr.41]. Rừng Thần chính là nơi chắp cánh cho khát vọng lớn của một nhân cách lớn. Nó thể hiện khí phách, lý tưởng của một người luôn vì dân, vì nước.
Tài năng quân sự kiệt xuất, lỗi lạc của Trần Nguyên Hãn được tỏa sáng trong những năm theo Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược. Hiểu được tài năng binh pháp của Trần Nguyên Hãn, Bình Định vương đã phong cho chàng làm Tư đồ - chức quan võ cao nhất của nghĩa quân Lam Sơn. Được giao nhiệm vụ quan trọng, Trần Nguyên Hãn ngày đêm cùng quân sĩ tập luyện để chờ ngày xuất trận đánh đuổi giặc thù. Những chiến thắng lừng lẫy của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đều gắn liền với tên tuổi Trần Nguyên Hãn và quyết định đến sự tồn vong của dân tộc.
Thắng lợi quan trọng đầu tiên thể hiện tài năng quân sự tuyệt vời của Trần Nguyên Hãn là giải phóng Tân Bình - Thuận Hóa. Giải phóng vùng đất phía Nam rộng lớn, đất đai phì nhiêu chính là bàn đạp để nghĩa quân tiến đánh ra Bắc, đập tan những căn cứ quân sự chiến lược cuối cùng của giặc Minh.
Bình Định vương Lê Lợi “hiểu rõ đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì địa hình hiểm trở, cách quá xa hậu cứ an toàn của nghĩa quân” [52, tr.40] nên đã cử Trần Nguyên Hãn cầm quân triệt hạ hai thành trì quan trọng này. Nhiệm vụ nặng nề đó, ngoài Trần Nguyên Hãn ra, “thật khó tìm ai thay thế” [52, tr.40].
Để tiến tới được Tân Bình, Thuận Hóa, chướng ngại và thách thức đầu tiên với Trần Nguyên Hãn và nghĩa quân đó là phải nhổ được đồn Hà Khương - một tiền đồn nằm án ngữ trên con được Nam chinh xa xôi. Và nơi đây cũng là nơi ghi dấu đậm nét tài thao lược của Trần Nguyên Hãn. Nắm được tình hình của giặc và địa hình sông núi, Trần Nguyên Hãn đã phân tích tỉ mỉ cho anh em tướng sĩ cách đánh phù hợp nhất để giành thắng lợi. Dựa theo địa thế đồn giặc nằm ở Bắc sông Bố Chính, là vùng đất liền với bờ sông có núi non hiểm trở nên “theo kế sách và theo lệnh của chủ tướng Trần Nguyên Hãn, nghĩa quân nhanh chóng được chia làm hai. Một nửa theo Thượng tướng Doãn Nỗ đi làm nhiệm vụ phục binh, còn một nửa theo Trần Nguyên Hãn nhận nhiệm vụ đi nhử địch” [37, tr.151-152]. Với địa hình hiểm trở như vậy, kế hoạch nhử địch quả là một mưu lược đúng đắn. Binh pháp đánh giặc của những bậc tiền nhân đã được chàng vận dụng linh hoạt. Theo đúng kế hoạch, trong lúc giao chiến “Trần Nguyên Hãn quay gươm, ra hiệu cho nghĩa quân quay đầu, rút chạy. Nhậm Năng đắc thắng, ngửa mặt lên trời, ha hả cười, rồi thúc ngựa, thúc quân thừa thắng đuổi theo, quyết bắt sống Trần Nguyên Hãn” [37, tr.154]. Truy kích Trần Nguyên Hãn, đạo quân của Nhậm Năng đã bị quân ta phục kích và chặt đứt làm đôi. Tướng Nhậm Năng dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã thất bại đau đớn trước người anh hùng trẻ tuổi. Với mưu kế nhử địch, nghĩa quân Lam Sơn đã nhổ được đồn Hà Khương. Chiến thắng đó đã làm cho tên tuổi của Trần Nguyên Hãn bước đầu được khẳng định. Nó đã đặt nền móng đầu tiên chứng tỏ tài năng cầm quân thiện chiến của chàng: “Có thể nói, đây là chiến công vang dội đầu tiên của đội quân Lam Sơn do Trần Hãn chỉ huy, trên con đường tiến về phía Nam giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Tin vui đến với Lê Lợi, củng cố
thêm cho ông một niềm tin vào tài thao lược của chàng trai đất Sơn Đông. Và việc ông lựa chọn Trần Hãn làm tướng trong cuộc Nam chinh này là hoàn toàn đúng” [9, tr.106]. Thắng lợi đó cũng đã củng cố niềm tin cho chàng trai trẻ. Nó là cơ sở, bàn đạp để Trần Nguyên Hãn mở đợt tổng công kích vào hai thành trì quan trọng của giặc là Tân Bình và Thuận Hóa.
Để hạ hai thành Tân Bình, Thuận Hóa, “binh pháp cổ truyền của dòng họ Đông A mà Trần Hưng Đạo tổng kết: Dĩ đoản binh, chế trường trận, được Trần Nguyên Hãn vận dụng một cách sáng tạo với phương châm hành động: Lấy ít địch nhiều: Thường dùng mai phục - Lấy yếu chống mạnh: Hay đánh bất ngờ” [37, tr.157]. Cuộc chiến ở thành Tân Bình đã thể hiện sức mạnh như vũ bão của nghĩa quân Lam Sơn. Quan Tư đồ cho quân ta “công phá thành Tân Bình từ bốn mặt. Chỉ ít ngày sau, tường thành nhiều chỗ bị sạt lở bởi chày, vồ tới tấp nện vào. Cổng thành phía Bắc, rồi phía Đông bị bật tung, quân ta ào ạt xông vào trong thành. Quân giặc hoảng loạn, nháo nhác, đứa tháo chạy, đứa quỳ gối xin hàng. Những tên chống trả đều bị lưỡi gươm của Trần Hãn và mũi giáo của quân Lam Sơn giết chết” [9, tr.107]. Thành Tân Bình đã bị tan tành trước sức tấn công mãnh liệt của nghĩa quân. Thành Thuận Hóa do quân Ngô chiếm đóng trở nên trơ trọi, đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước thanh thế quá lớn của nghĩa quân ở chiến dịch công phá Tân Bình, quân giặc ở thành Thuận Hóa hoảng loạn. Quân ta tiến vào Thuận Hóa như chỗ không người. Quân giặc “đã được lệnh rút về thành để sẵn sàng hạ khí giới khi đại quân Lam Sơn kéo đến” [9, tr.109]. Với tài mưu lược của quan Tư đồ, nghĩa quân đã làm chủ một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu của Tân Bình - Thuận Hóa. Nhân dân hân hoan trong niềm vui chiến thắng bởi từ nay họ đã thoát khỏi ách đô hộ tàn bạo của quân xâm lược phương Bắc. Chiến thắng này đã làm nức lòng nghĩa quân Lam Sơn, củng cố niềm tin vững chắc của Lê Lợi và tướng sĩ đối với người anh hùng trẻ tuổi, đa mưu túc trí, ứng biến linh hoạt.
Sau khi chiếm giữ được những vùng quan trọng, thanh thế nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lên cao. Trước sức mạnh đó, Lê Lợi đã quyết định tiến
công ra Bắc để công phá thành Đông Quan bằng ba mũi tiến công. Mũi cánh quân thứ ba bằng thủy quân đánh vào cửa Nam thành Đông Quan được giao cho Trần Nguyên Hãn. Là dòng dõi tôn thất nhà Trần vốn giỏi nghề sông nước, Lê Lợi đã đặt niềm tin vào người con đất Sơn Đông: “Quan Tư Đồ tinh binh pháp, lại sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, bên bờ con sông Lô, có dòng ăn thông vào tới tận đầu làng... Bố trí cho Trần Nguyên Hãn phụ trách 100 chiến thuyền, tấn công vào cửa Nam là hợp lẽ” [37, tr.168].
Với nhiệm vụ quan trọng này, tài năng thủy chiến của Trần Nguyên Hãn lại có dịp được tỏa sáng. Trên hành trình tiến quân ra Bắc để vây giáp Đông Quan, Trần Nguyên Hãn đã cho “các đội thủy binh vừa đi vừa tập luyện cách đánh dưới nước hay đổ bộ lên bờ [52, tr.59]. Chính vì vậy, chàng đã có những chiến thắng quan trọng, giòn giã tại cửa Ba Lạt, cửa Bạch Đằng và Lục Đầu Giang. Trên các bến sông, sau khi đánh tan thủy binh của quân xâm lược phương Bắc, thuyền binh Lam Sơn đang “chia thành đội hình theo đúng binh pháp bí truyền của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn năm xưa, neo đậu rất quy củ” [52, tr.61]. Với tài năng thống lĩnh, huấn luyện thủy binh của Trần Nguyên Hãn, những chàng trai ngư phủ trẻ tuổi “vừa buông tay chèo tay lưới gia nhập nghĩa quân, mới chỉ vừa được mình trực tiếp huấn luyện những điểm cơ bản của Vạn kiếp tông bí truyền thư rồi trên đường ra Bắc ôn tập thực hành, nhưng họ đã nhanh chóng thuần thục. Trận đánh đầu tiên ở cửa Ba Lạt khiến quân Minh nháo nhác, ngỡ thiên binh, thiên tướng từ trên trời xuống giáng cho chúng một đòn khủng khiếp, không kịp trở tay. Đến trận lớn ở cửa Bạch Đằng, nhất là trận Lục Đầu Giang thì đội hình thủy binh của ông đã trở nên thiện chiến, không khác gì thủy binh lão luyện của Trần Khánh Dư năm nào đánh với bọn Nguyên - Mông, hay Trần Khát Chân dong buồm vượt biển đi cứu người yêu ở nước Chiêm Thành là công chúa Huyền Trân sắp bị hỏa táng theo chồng bởi một tục lệ man rợ” [52, tr.61-62]. Theo dòng Lục Đầu Giang, Trần Nguyên Hãn vừa đánh địch, vừa tiến thẳng ra sông Hát, thuận dòng chàng cho quân
đánh thẳng xuống sông Nhị Hà và chiếm bến Đông Bộ Đầu giáp thành Đông Quan. Tại Đông Bộ Đầu, đội thủy quân do Trần Nguyên Hãn thống lĩnh đã “đánh chìm của chúng nhiều chiến thuyền. Hàng nghìn tên giặc chết chìm xuống lòng sông Nhị. Cầu phao do Trương Phụ bắc qua sông cách đây mấy năm chỗ bến Đông Bộ Đầu bị thủy quân của Trần Hãn phá sập. Quân ta làm chủ hoàn toàn đoạn sông nằm sát thành Đông Quan, cắt đứt mọi liên lạc giữa Đông Quan với các thành Thị Cầu, Điêu Diêu ở phía Đông Bắc” [9, tr.137]. Sức mạnh ngút trời của đội thủy binh khiến cho chúng ta nhớ lại những trận chiến nổi tiếng năm xưa của dòng họ nhà Trần, làm sống lại hào khí Đông A một thời mà nay chỉ còn “vang bóng”. Với chiến thắng này, đội thủy quân của ông cũng đã “góp phần cùng với nghĩa quân tiến vây hãm thành Đông Quan, buộc tướng Vương Thông của quân Minh phải co cụm lại, cố thủ ở trong thành” [37, tr.169]. Như vậy, ba cánh quân của nghĩa quân Lam Sơn đã bao vây, cô lập thành Đông Quan. Trước tình thế đó, nhà Minh đã cử hai đạo viện binh sang nước ta để cứu nguy cho Đông Quan đang bị vây hãm, kìm kẹp.
Để đối phó với viện binh của quân Minh, Trần Nguyên Hãn đã nắm bắt tình hình một cách nhạy bén để đưa ra được những nhận định đúng đắn về thời cuộc chiến sự: “Thần nhận thấy rằng, trong hai đạo viện binh của nhà Minh thì đạo quân do tướng Liễu Thăng chỉ huy lắm quân, nhiều ngựa hơn. Vì vậy, chúng ta cần dốc sức tấn công trước. Mà muốn diệt được đạo quân này, thần nghĩ, trước hết chúng ta phải hạ được thành Xương Giang. Bởi Xương Giang nằm trên đường từ Lạng Sơn về Đông Quan. Đánh thành Xương Giang là đánh thông đường để đại binh của ta tiến lên Lạng Sơn dành thế chủ động chặn đường viện binh của giặc” [37, tr.174]. Đây đúng là tầm nhìn trí tuệ của một nhà chiến lược, một nhà quân sự đại tài bởi nếu tiêu diệt được thành Xương Giang, quân ta sẽ làm chủ được tuyến đường huyết mạch nối với thành Đông Quan. Và như vậy, nghĩa quân sẽ giành được thế chủ động trong việc tiêu diệt
viện binh của Liễu Thăng. Một khi đội quân viện binh bị tiêu diệt, thành Đông Quan sẽ trơ trọi và việc Vương Thông quy hàng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Là người “hữu học thức, tinh binh pháp”, Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi giao cho là chủ tướng chỉ huy đánh thành Xương Giang. Trước khi đánh thành, “Bình Định vương đã phong cho Hãn chức Thái úy, đứng đầu hàng quan võ” [9, tr.143]. Hạ được một thành trì kiên cố, hiểm yếu như Xương Giang là nhiệm vụ không hề đơn giản, có thể nói là thử thách lớn nhất trong cuộc đời cầm quân của Trần Nguyên Hãn. Với nhiệm vụ quan trọng này, Trần Nguyên Hãn “ngày đêm vắt óc suy nghĩ, quên ăn quên ngủ” [9, tr.146]. Nhưng càng khó khăn lại càng chứng tỏ tài trí, mưu lược tuyệt vời của người anh hùng. Trước trận chiến lớn, Thái úy đã bỏ thời gian đi thị sát xung quanh thành để đề ra chiến lược và phương pháp đánh phù hợp. Sau khi quan sát, tìm hiểu địa thế, Thái úy đã phân tích những điểm mạnh của thành Xương Giang với các anh em tướng sĩ: “Thành Xương Giang là đối tượng chiến lược duy nhất mà nghĩa quân phải tiêu diệt trước khi viện binh của nhà Minh kéo sang nước ta. Để đạt được mục tiêu này không phải là chuyện đơn giản. Là bởi vì, đây là thành đã được quân Minh và máu xương của nhân dân ta xây đắp và bồi trúc gần hai mươi năm nên rất kiên cố. Hơn thế, thành lại nằm ở một địa thế rất hiểm yếu. Các anh em biết không, ba phía Đông, Tây, Nam thành đều có sông bao bọc. Riêng phía Bắc lại có núi như một bức tường thành ngăn cách. Bên cạnh nào núi, nào sông còn có nhiều khe sâu nối tiếp nhau, đan xen chằng chịt, tạo cho Xương Giang có cái vẻ vừa kín đáo, vừa bí hiểm. Thành nằm trên một vùng đất tương đối cao. Tường thành vừa cao, vừa dày. Trong thành là doanh trại, là kho tàng, là các bệ đất đặt pháo. Ngoài thành được bao bọc bởi ba bên bốn bề đều có hào sâu” [37, tr.181-182]. Với tài năng quân sự lão luyện, thích ứng một cách linh hoạt với mọi loại địa hình, Thái úy đã chỉ ra rằng “muốn thắng địch, mà phải thắng nhanh chóng, ta phải thực hiện một kế sách khác, nghĩa là phải hết sức sáng tạo và táo bạo” [37, tr.182]. Kế hoạch “sáng tạo và táo bạo” ở đây chính là “sử dụng hai phương pháp đánh.
Đánh với mọi thứ chiến cụ và hỏa lực mà nghĩa quân đang có. Đồng loạt nội công, ngoại kích cả bốn bên thành, cả trên mặt thành và dưới hầm sâu” [37, tr.183]. Để công phá thành, Thái úy đã “cho người quan sát địa thế, vẽ bản đồ rồi tìm chỗ thuận lợi để đào hầm, đánh độn thổ, mở đường đột nhập vào thành Xương Giang” [9, tr.146]. Trước kế hoạch bất ngờ nhưng quyết đoán, tự tin của Thái úy, khắp mặt trận hào hứng, sục sôi chờ ngày giết giặc. Mọi người ai nấy cũng đều vui mừng, phấn khích sẵn sàng báo đền nợ nước.
Trận tổng công kích thành Xương Giang dưới sự chỉ huy của Thái úy Trần Nguyên Hãn đã thể hiện sức mạnh “xuất quỷ nhập thần” của nghĩa quân Lam Sơn. Giữa lúc quân Minh đang “chập chờn thức ngủ thì bỗng có hàng loạt tên lửa, súng lửa từ các quả đồi xung quanh thành bắn tới tấp vào thành. Hai loại vũ khí hiện đại nhất của nghĩa quân Lam Sơn là hỏa tiễn, hỏa pháo này, ngay từ đầu đã gây sức phá hủy rất lớn! Nhà cháy, kho quân lương cháy. Lửa, khói bốc lên ngùn ngụt. Bầu trời sáng rực. Quân tướng nhà Minh nhớn nhác chưa kịp hiểu đầu đuôi sự kiện dữ dội xảy ra từ đâu thì từ bốn phía thành lại rộ