8. Cấu trúc luận văn
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình
Ngoại hình là một khái niệm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, tác phong, cử chỉ... của nhân vật. Miêu tả ngoại hình nhân vật là thủ pháp nghệ thuật không thể thiếu trong các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng. Nhà văn có thể khắc họa ngoại hình nhân vật một cách trực tiếp qua ngôn ngữ người kể chuyện hoặc miêu tả gián tiếp qua cái nhìn của nhân vật khác.
Ngay từ khi mới sinh ra, chân dung Trần Nguyên Hãn đã mang những nét khác thường. Vẻ đẹp nhân vật hiện lên bằng nét vẽ của bút pháp hiện đại: “Trần Nguyên Hãn mới được hơn tháng tuổi mà dài rộng như con nhà người ta ba bốn tháng. Tóc bé xanh ngần. Miệng bé rộng. Tai bé to. Mắt bé sáng và xếch. Có người tỏ ra biết xem tướng khen thằng bé có quý tướng, sau này ắt phải làm quan” [37, tr.26]. Tác giả dường như báo trước một con người phi phàm, có thể làm được những việc lớn làm rạng danh tổ tông. Lớn lên, “Trần
Nguyên Hãn đã ra dáng một trang thanh niên. Mái tóc Hãn xanh dày, lông mày Hãn rậm, mắt Hãn sáng, bắp chân, bắp tay Hãn nổi lên cuồn cuộn” [37, tr.53]. Đó là chân dung của một trang nam nhi khỏe khoắn, gân guốc sinh ra để lo toan gánh vác việc nhà, việc nước. Vẻ đẹp của chàng giống như vẻ đẹp của những dũng sĩ bước ra từ câu chuyện cổ tích: “Chăm chỉ tập luyện nên chẳng bao lâu Trần Hãn đã ra dáng một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng hơn người” [9, tr.18]. Qua con mắt sắc sảo của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn là một trang anh hùng tuấn kiệt, một trang nam nhi tràn đầy lý tưởng và khí phách: “Nguyễn Trãi khoan thai đứng dậy, nheo mắt ngắm nhìn chàng trai cao lớn, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, kém mình chừng mười tuổi” [9, tr.45]. Vẻ đẹp của Trần Nguyên Hãn là vẻ đẹp của một trang anh hùng “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Chàng mang vẻ đẹp “vạm vỡ, quắc thước” [52, tr.305] của một người đầu đội trời, chân đạp đất. Trong trận chiến nhổ đồn Hà Khương nằm cạnh sông Bố Chính, Trần Nguyên Hãn hiện lên như một viên dũng tướng uy nghi, khí chất bất phàm: “Nhậm Năng giương mắt nhìn viên tướng Lam Sơn còn trẻ măng nhưng đầy khí phách... Gần mười năm nay trấn trị xứ Tân Bình, Thuận Hóa, Nhậm Năng chưa phải đối mặt với một tướng Đại Việt nào như lần này gặp Trần Hãn” [9, tr.103]. Đó là khí chất của người anh hùng đầy bản lĩnh, có niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng.
Trong ba tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào, Xuân Mai tuy không chú trọng nhiều đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật Trần Nguyên Hãn những cũng đã làm nổi bật chân dung một trang nam nhi tuấn tú, rắn rỏi, tràn đầy khí phách và lý tưởng. Đó là hình ảnh, chân dung của một trang anh hùng. Qua ba tác phẩm, độc giả còn thấy sự khác nhau trong bút pháp miêu tả ngoại hình của ba nhà văn. Trong tiểu thuyết Người về chốn cũ, nhà văn Xuân Mai chịu ảnh hưởng của bút pháp hiện đại khi miêu tả ngoại hình nhân vật. Đến với tiểu thuyết Sóng hận sông Lô, Người con trang Sơn Đông, Vũ Ngọc Tiến và Nguyễn Anh Đào miêu tả ngoại hình nhân vật mang những
đặc điểm của bút pháp văn học trung đại: Chỉ bằng vài nét phác thảo đã làm nổi bật thần thái, khí chất nhân vật lịch sử.