8. Cấu trúc luận văn
2.2.4. Cái chết bi kịch của người anh hùng
Sau khi tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải quy hàng và cam kết rút quân về nước. Đất nước sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối. Công cuộc xây dựng đất nước thời hậu chiến đặt ra nhiều khó khăn và thách thức với một vương triều vừa mới được thành lập.
Đất nước hòa bình, Trần Nguyên Hãn được vua Lê gia phong Tả tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự. Đối với Trần Nguyên Hãn, mặc dù là công thần triều Lê nhưng vì xuất thân xứ Bắc, lại là dòng dõi con cháu nhà Trần nên chàng không tránh khỏi sự đề phòng của vua Lê và sự đố kỵ của những kẻ xu nịnh. Mặc dù luôn tận trung báo quốc nhưng Lê Lợi chưa khi nào yên tâm về lai lịch của Tả tướng quốc. Vì chiếc ngai vàng của nhà Lê mà Lê Lợi đã có những toan tính nhằm loại bỏ dần những bậc trung thần có công với đất nước: “Lại nói riêng về nhóm công thần gốc sĩ phu Bắc Hà, các ông võ tướng như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú nên loại bỏ sớm, còn như Nguyễn Trãi, Bùi Cầm Hổ, Bùi Ư Đài là quan văn ít nguy hiểm nên giữ lại dùng vào việc kiến quốc một thời gian, chờ khi triều đình nhà Lê ta trực tiếp đào tạo, kén chọn được lớp người sĩ phu kiểu mới, chỉ biết có Lê Lợi và triều Lê như đã nói khi nãy thì cho các ông ấy cáo lão về quê” [52, tr.103].
Trước chốn quan trường nhiều âm mưu, thủ đoạn, Trần Nguyên Hãn đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà Sơn Đông. Khất quy hưu, Trần Nguyên Hãn đã tận tâm tận lực góp sức vào công cuộc khuyến nông, khuyến công của quê hương đất nước. Chàng muốn đem tài năng, trí lực của mình để giúp nhân dân thoát nghèo.
Trên mảnh đất quê hương, Trần Nguyên Hãn đã dựng lại căn nhà mới gọn gàng, đẹp đẽ cho gia đình. Tuy có khang trang hơn những ngôi nhà tranh, vách đất ở Sơn Đông nhưng nó vẫn rất đỗi giản dị, bình thường so với một bậc khai quốc công thần có nhiều cống hiến cho đất nước. Bên cạnh việc làm giàu
cho quê hương, Trần Nguyên Hãn còn “cho đóng những chiếc thuyền, kiểu dáng như thuyền chiến có hình đầu rồng, đuôi én để tổ chức cho mọi người cùng thi bơi, cùng đọ kiếm trên mặt nước, diễn lại những trận đánh của quân ta ở bến Đông Bộ Đầu, từng gây khiếp đảm cho quân giặc” [9, tr.217]. Bè lũ gian thần như Trịnh Bá Hoành, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản... vì ganh ghét với tài năng của Trần Nguyên Hãn nên luôn tìm cách để tiêu diệt cái gai trong mắt chúng. Chúng vu khống nói ông xây phủ đệ lớn, đóng thuyền to, tuyển tráng binh, chở binh khí, luyện tập thủy quân để làm phản. Chúng tô vẽ, phóng đại những việc làm của Tả tướng quốc để khép người anh hùng vào tội bất trung. Theo chúng, những việc làm của Trần Nguyên Hãn “đâu chỉ làm ra dáng một sứ quân, nghênh ngang một cõi mà làm vậy là rõ ràng Hãn có ý thoán nghịch, phản lại triều đình” [37, tr.280].
Từ sự nghi kỵ của mình cộng với “mưu hèn, kế bẩn” của bọn gian thần, vua Lê đã ban chiếu sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều đình hỏi tội. Sóng gió bất ngờ ập đến gia đình. Mọi người đều khuyên chàng chống lại lệnh vua nhưng Trần Nguyên Hãn can ngăn: “Cho dù ta biết trước là ta không thể sống được với nhà vua nên ta mới xin khất quy hưu nhưng nay nếu ta ra mặt chống lại, viện vào cái cớ này, nhà vua sẽ tàn sát, sẽ giết hại hết con cháu, dòng dõi nhà Trần mất. Tốt hơn hết là chỉ để một mình ta chịu chết thôi!” [37, tr.287-288]. Chàng không muốn vì mình mà làm ảnh hưởng đến gia đình, dòng tộc. Trần Nguyên Hãn luôn là người lấy việc trung quân báo quốc làm đầu. Cả cuộc đời mình, chàng sống và chiến đấu cũng vì lý tưởng đó. Chàng tin thời gian sẽ chứng minh cho tấm lòng thanh sạch, hiếu trung của mình: “Người quân tử, lấy việc trung với vua, hiếu với nước làm đầu. Ta dẫu có bị đức vua xử tội chết thì cũng là để giữ trọn hai chữ hiếu trung. Nếu có sự oan khiên thì cuối cùng sẽ được minh giải. Đời nay không giải được thì đời sau, đời sau nữa sẽ giải được” [9, tr.227].
Trên dòng sông Lô xuôi về kinh thành, Trần Nguyên Hãn đã chọn cho mình cái chết để chứng minh cho sự thanh sạch của một bậc công thần khai quốc luôn vì nước, vì dân. Cái chết bi kịch của Trần Nguyên Hãn được mỗi tác giả sáng tạo một cách khác nhau.
Trong tiểu thuyết Sóng hận sông Lô (Vũ Ngọc Tiến), Trần Nguyên Hãn bị bọn gian thần sát hại. Chúng âm mưu đục thủng đáy thuyền của Tả tướng quốc: “Thuyền đi qua bến Kim Xuyên, đến vũng nước xoáy dưới chân mỏm đá nhô ra lòng sông, viên quản gia chợt hốt hoảng phát hiện đáy thuyền bị đục thủng, nước ùa vào, còn hai tên cai ngục biến mất từ lúc nào không biết” [52, tr.317]. Trần Nguyên Hãn bế người quản gia đang ngất xỉu nhảy xuống dòng sông Lô. Chứng kiến cái chết của người anh hùng, “đất trời bỗng nhiên nổi cơn sấm chớp bão bùng, mưa rơi xối xả. Dòng Lô cuộn lên từng đợt sóng hận, bọt tung trắng xóa, hối hả trôi nhanh về phía hạ lưu” [52, tr.318]. Thiên nhiên như đang cất lên tiếng khóc tiễn đưa, uất hận cho cuộc đời của người anh hùng đời đời hiếu trung.
Trong tiểu thuyết Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào), khi thuyền vừa rời bến Đông Hồ, Trần Nguyên Hãn dùng mũi gươm đâm xuống đáy thuyền. Nước ào ào tràn vào, “con thuyền lật đật, chao nghiêng, rồi chìm dần, chìm dần...” [9, tr.232]. Dòng Lô mênh mang đã đón lấy người con của trang Sơn Đông cùng với những gia thần nội thủ trung nghĩa. Ngài đã ung dung đi vào “cõi thiên thu bất diệt, mang theo báu vật truyền đời, để lại niềm thương nhớ đời đời cho người dân ven sông Lô cũng như muôn dân Đại Việt” [9, tr.232]. Trần Nguyên Hãn đón nhận cái chết một cách thanh thản, nhẹ nhàng như đi vào cõi bất tử, vĩnh hằng.
Đến với tiểu thuyết Người về chốn cũ (Xuân Mai), Trần Nguyên Hãn cùng các huynh đệ đã tự trầm tại thác Đông Hồ trên sông Lô. Khi đến sát ghềnh Đông Hồ, những người cầm lái đồng loạt gác mái dầm lên. Không có lái, con thuyền quay ngang, lao đánh “rầm” xuống ghềnh. Thuyền chở Tả tướng quốc và những anh em trung nghĩa vỡ tan trên sông. Sóng nước Lô giang “chồm tới
ào ạt cuốn những cánh tay chới với, những mái đầu nhấp nhô vào lòng, rồi mất hút!” [37, tr.291].
Thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức như thấu hiểu công lao và tấm lòng son sắt của Trần Nguyên Hãn mà có làm bài thơ vịnh Tả tướng quốc:
Việt vương kỳ tướng dĩ tiên tri, Ủy chất quân môn khước bất nghi. Khả tích biển chu tùy Phạm Lãi, Ngũ Hồ bất đáo tại giang mi.
Bản dịch của Phạm Tú Châu:
Việt vương tướng lạ biết từ lâu, Yết kiết quân môn chẳng ngại cầu. Đáng tiếc là thuyền theo Phạm Lãi,
Ngũ Hồ không tới, tới dòng sâu [Dẫn theo 2, tr.10].
Câu nói của Trần Nguyên Hãn trước khi chết cũng được các nhà văn sáng tạo một cách khác nhau.
Trong tiểu thuyết Sóng hận sông Lô, Trần Nguyên Hãn nhìn về làng Sơn Đông lần cuối như từ biệt quê hương, chàng ngửa cổ lên mà than rằng: “Trời ơi! Hoàng thượng ở ngôi cao có biết, đến tận lúc này thần thà đem cái chết để tỏ dạ trung thành với triều đình? Thần đi đây! Hoàng thượng hãy ngồi vững trên ngai vàng của mình!...” [52, tr.317]. Trần Nguyên Hãn quả xứng đáng là bậc trung thần của triều Lê. Tấm lòng trung quân của Tả tướng quốc thật khiến người đời ngợi ca, khâm phục.
Với tiểu thuyết Người con trang Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn giơ cao gươm báu, chỉ lên trời và nói lớn: “Tôi với vua cùng lo cứu dân, cứu nước, nay việc lớn đã thành, sao nhà vua lại mưu hại tôi? Trời cao có thấu chăng!” [9, tr.232]. Câu nói của người anh hùng như một câu hỏi lớn để đi tìm lời đáp: Tại sao một người luôn vì dân vì nước lại phải chết một cách oan uổng. Ông trời liệu có thấu cho nỗi oan khiên của người anh hùng? Đáp lại câu hỏi
của Trần Nguyên Hãn “chỉ có tiếng vọng của Ngài âm vang trong sóng nước, lan truyền khắp cả một khúc Lô Giang lúc này đang chau mày sóng lớp...” [9, tr.232].
Trong tiểu thuyết Người về chốn cũ, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời mà dõng dạc nói: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời gièm pha mà hại tôi, Hoàng thiên có biết không?” [37, tr.289]. Đáp lại câu hỏi nhức nhối của chàng “chỉ có bốn bề im lặng. Bầu trời cuối mùa xuân ngổn ngang mây đen, mây trắng mịt mù dường như thấu hiểu nỗi lòng của Hãn nhưng lại không thể lên tiếng” [37, tr.289]. Câu hỏi thể hiện sự uất hận đến nghẹn ngào của người anh hùng dân tộc. Vua Lê đã nghe theo lời gièm pha của bọn gian thần mà giết hại một công thần lập quốc. Tuy nhiên, trời đất linh thiêng và nhân dân Đại Việt luôn thấu hiểu cho tấm lòng cúc cung tận tụy, vì dân vì nước của Tả tướng quốc.
Như vậy, cái chết của Trần Nguyên Hãn được mỗi nhà văn hư cấu, sáng tạo riêng. Trần Nguyên Hãn chết để khẳng định sự trong sạch và tấm lòng trung quân, ái quốc của mình. Trong sử sách, cái chết của Tả tướng quốc là một “khoảng trống”. Chính “khoảng trống” này đã giúp cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo khi xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử.
Tiểu kết chương 2
Ba tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô, Người con trang Sơn Đông,
Người về chốn cũ đã tái hiện sinh động bức tranh đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XV. Đó là một thời kỳ bi thương, tang tóc nhưng cũng đầy hào hùng của một dân tộc anh dũng, kiên cường. Bức tranh đời sống của nhân dân, bức tranh văn hóa hiện lên với đầy đủ sắc màu làm cho người đọc thêm yêu Tổ quốc, yêu những giá trị văn hóa dân tộc.
Sáng tạo nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào và Xuân Mai đều tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng nhân vật lịch sử. Xuyên suốt ba tiểu thuyết, người đọc thấy hiện lên một người
con trung hiếu, nặng lòng với quê hương, gia đình và dòng tộc; một người anh hùng với lý tưởng lớn, khát vọng lớn và tài năng lỗi lạc, kiệt xuất trong nghệ thuật quân sự.
Bên cạnh những điểm tương đồng, ba nhà văn đã có sự sáng tạo khác nhau khi xây dựng nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn. Các tác giả đã thiên về những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của nhân vật chính. Tiểu thuyết
Người con trang Sơn Đông (Nguyễn Anh Đào) và Người về chốn cũ (Xuân Mai) đã thể hiện trọn vẹn cuộc đời người anh hùng Trần Nguyên Hãn từ lúc sinh ra, lớn lên cho đến lúc chết. Đến với Sóng hận sông Lô, Vũ Ngọc Tiến lại tập trung vào giai đoạn khi Trần Nguyên Hãn đã là một thanh niên trưởng thành. Cuộc đời lúc nhỏ của Trần Nguyên Hãn không được nhà văn chú ý tô đậm mà chỉ được hiện lên qua một vài hồi ức của nhân vật khi sống cùng thiền sư Cúc Khê trên núi rừng Tam Đảo. Câu nói và cái chết bi kịch của Trần Nguyên Hãn được tác giả hư cấu, sáng tạo khác nhau. Những nét khác biệt đó thể hiện sự sáng tạo riêng, độc đáo của mỗi tác giả khi xây dựng nhân vật lịch sử.
Từ một nguyên mẫu có thật trong lịch sử, các nhà văn đã có những sáng tạo thành công khi xây dựng nhân vật Trần Nguyên Hãn. Các tác giả không minh họa lịch sử, không kể lại các sự kiện lịch sử một cách cứng nhắc mà đã thi vị hóa con người đóng vai trò trong các sự kiện đó. Bởi vì, “nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn nhân vật lịch sử, vì nhân vật tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn nhân vật lịch sử thì đã sống” (Lucasc). Các nhà văn đã làm sống lại và đem đến cho người đọc hình ảnh một Trần Nguyên Hãn “bằng xương bằng thịt”. Bên cạnh một anh hùng, một vĩ nhân, Trần Nguyên Hãn hiện lên thật gần gũi, chân thực, đời thường.
Chương 3
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT ANH HÙNG TRẦN NGUYÊN HÃN QUA BA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ:
SÓNG HẬN SÔNG LÔ; NGƯỜI CON TRANG SƠN ĐÔNG; NGƯỜI VỀ CHỐN CŨ
Nhân vật “là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác” (Tô Hoài). Nhân vật là đứa con tinh thần, là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Xây dựng thành công nhân vật trong tác phẩm tự sự đòi hỏi nhà văn cần phải có vốn sống, kinh nghiệm, bản lĩnh sáng tạo và kĩ thuật viết điêu luyện. Qua ba tiểu thuyết lịch sử (Sóng hận sông Lô, Người con trang Sơn Đông, Người về chốn cũ), nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Anh Đào và Xuân Mai đã sử dụng thành công nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Trong khuôn khổ Luận văn, chúng tôi sẽ tập trung vào một số biện pháp nghệ thuật nổi bật, tiêu biểu nhất, từ đó khẳng định được tài năng và phong cách độc đáo của mỗi nhà văn khi xây dựng nhân vật anh hùng Trần Nguyên Hãn.