Phân tâm học với nghiên cứu, phê bình văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nguyễn đình tú từ góc nhìn phân tâm học (Trang 25 - 27)

7. Đóng góp của luận văn

1.2. Phân tâm học với nghiên cứu, phê bình văn học

Phân tâm học của Freud đã ảnh hưởng rộng rãi đến lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật. Trào lưu phê bình Phân tâm học ra đời và rất thịnh hành ở Phương Tây những năm đầu thế kỉ XX. Nội dung chủ yếu của các khuynh hướng phê bình không nằm ngoài các phương diện vô thức, bản năng tính dục, cấu trúc nhân cách và giải thích giấc mơ. Mục

đích nghiên cứu của trào lưu này là tìm hiểu những biểu hiện vô thức và những ẩn ức tâm lý dồn nén của nhà văn được thể hiện qua hệ thống biểu tượng trong tác phẩm, cấu trúc tâm lý nhân vật, tâm lý độc giả. Theo tiến trình nghiên cứu của Freud về những xung động bản năng như đã nói ở trên, những gì thuộc về ham muốn, nếu không được giải toả sẽ bị dồn nén và nếu không được giải thoát sẽ là nguyên nhân gây bệnh tâm thần. Có hai con đường cơ bản để giải thoát những ham muốn tính dục mà không sợ vi phạm đạo đức xã hội, đó là giấc mơ và những sáng tạo nghệ thuật. Nếu như giấc mơ vượt qua sự kiểm soát của bản ngã và siêu ngã để bộc lộ những ham muốn thầm kín bằng cách nguỵ trang bằng những hình ảnh biểu tượng, nó thể hiện một cách tự do, cởi mở như những thông điệp vô thức. Thông qua việc giải mã các biểu tượng trong giấc mơ người ta có thể hiểu rõ hơn tận cùng hồn con người với những ẩn khuất trong thế giới tâm linh. Còn sáng tạo nghệ thuật lại là phương tiện giải thoát, sự thăng hoa của những ham muốn trong vô thức, những ẩn ức tính dục bị dồn nén của nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật- sản phẩm của sự thăng hoa tính dục cũng giống như một giấc mơ nhưng là giấc mơ tỉnh chứa đựng trong đó những ham muốn, những ẩn ức tính dục của cả nghệ sĩ và của cả nhân vật. Ngoài ra, nó còn là sự vượt qua kiểm soát của nhận thức biểu hiện qua những hành vi sai lạc, những câu nói và sự đãng trí. Lý luận Freud cho rằng, nghệ sĩ chính là những người mà trong tâm lý luôn luôn bị ám ảnh bởi tính dục, những người mất khả năng hoặc những người quá thoả mãn về phương diện tính dục sẽ không thành đạt trong sáng tạo nghệ thuật, chỉ những người nào, nhất là nữ giới không thoả mãn được nhu cầu mạnh mẽ về tính dục thì mới có điều kiện để phát huy tài năng về mặt nghệ thuật. Tính dục của họ không được thoả mãn trong thực tế sẽ bị dồn nén và chuyển hoá sang hoạt động khác. Là một bác sĩ tâm thần, Freud đã quá nhạy cảm về tính dục. Ông đưa ra các ví dụ như thơ của W.Shakespeare, tiểu thuyết của P.Roust... đều có sự thăng hoa của tình dục.

Freud dễ dàng tìm thấy trong tác phẩm nghệ thuật những cảnh, những người, những hình ảnh...phần nhiều đều là tượng trưng cho tính dục.

Phân tâm học cũng đặt nền tảng cho sự nở rộ của hàng loạt các tác phẩm khai thác tâm lý đời sống bản năng, hoạt động tính dục, đời sống tâm linh, những bí ẩn khó nhận biết của con người. Từ những năm 60, Phân tâm học đã hiện diện qua sang tác của nhiều nhà văn thế giới với chủ đề tình dục, về những biểu hiện đa dạng và nhiều màu sắc của đời sống bản năng con người như Trăm năm cô đơn của G.Marquez, Rừng Na-uy của Haruki Murakami, Kỉ nguyên ngờ vực của Nathalie Sarraute, Kẻ sát nhân đang ở trong buồng của Tony Laine và Daniel Karlin… Phản ánh đời sống bản năng con người nhưng các tác phẩm này không rơi vào dung tục, thô thiển mà vẫn trở nên ám ảnh sâu sắc, giàu giá trị nhân văn, lột tả được các góc cạnh của đời sống con người cho đến tận cùng những bi kịch thân phận của họ.

Ở Việt Nam, độc giả biết đến Phân tâm học gần một thế kỉ nay qua sang tác của Vũ Trọng Phụng, một số tác giả của Tự lực văn đoàn qua hai bài phê bình của Trương Tửu. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Phân tâm học vẫn còn bị kì thị, lên án gay gắt và chưa được nhìn nhận đúng mức. Trước năm 1975, Phân tâm học vào Việt Nam chủ yếu do lớp trí thức được học tập và nghiên cứu tại nước ngoài đưa về nước, nhưng do nhiều yếu tố chi phối nên dù xuất hiện mà Phân tâm học chưa thành một hệ hình lý thuyết hoàn chỉnh. Cùng một vài nguyên nhân khác nên Phân tâm học chưa có sức hấp dẫn với các ngành khoa học thực nghiệm, đặc biệt là với văn học nghệ thuật. Qua thời gian, lý thuyết này đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng của nó và trở nên gần gũi hơn với nhà văn, độc giả và giới nghiên cứu phê bình ở Việt Nam. Nó trở thành một khuynh hướng nghiên cứu phê bình văn học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nguyễn đình tú từ góc nhìn phân tâm học (Trang 25 - 27)