Dấu ấn phân tâm học trong tiểu thuyết của một số nhà văn trẻ Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nguyễn đình tú từ góc nhìn phân tâm học (Trang 27 - 31)

7. Đóng góp của luận văn

1.3. Dấu ấn phân tâm học trong tiểu thuyết của một số nhà văn trẻ Việt Nam

Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, Phân tâm học đã tác động không nhỏ tới lĩnh vực sáng tác và phê bình văn học. Ở phương Tây những năm đầu thế kỉ XX, Phân tâm học chủ yếu xoay quanh các phương diện vô thức, bản năng tính dục, cấu trúc nhân cách và bản năng giấc mơ. Mục đích nghiên cứu của trào lưu này là tìm hiểu những biểu hiện vô thức và những ẩn ức tâm lý dồn nén của nhà văn được biểu hiện qua hệ thống biểu tượng của tác phẩm, cấu trúc tâm lý nhân vật, tâm lý độc giả.

Ở Việt Nam, dấu ấn Phân tâm học ít nhiều đã tác động đến các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, cùng một số tác giả Tự lực văn đoàn. Từ năm 1975, Phân tâm học vào Việt Nam tuy chưa trở thành một hệ hình lý thuyết hoàn chỉnh song nó đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt đối với sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam. Qua quá trình thử thách, chọn lọc, nó ngày càng trở nên gần gũi hơn với nhà văn, độc giả và cả giới phê bình và trở thành một khuynh hướng phê bình văn học.

Trong lĩnh vực sáng tác, các nhà văn đã có ý thức vận dụng lý thuyết Phân tâm học đặc biệt là các nhà văn đương đại với tinh thần dấn thân, dám tìm tòi, đổi mới, dám thử thách chính mình. Đó là những cây bút trẻ tiêu biểu như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà…

Nguyễn Bình Phương là một trong số những nhà văn Việt Nam hiện đại có hành trình bền bỉ đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của con người, đó cũng là một hành trình đi xa nhất vào cõi vô thức của con người. Hiện thực và con người trong tác phẩm của nhà văn là hiện thực của tiềm thức, giấc mơ…Nguyễn Bình Phương quan niệm thế giới là “Tất cả đang tồn tại”, tức là: “Quá khứ, hiện tại và tương lai cùng là một. Nó cùng tồn tại vào một thời điểm.” [4, tr. 15]. Và thế giới hỗn mang đó là thế giới của cả hiện thực và giấc mơ, thế giới được mộng hoá hay cả thế giới của những hỗn mang, phi lý cùng những điều đa dạng và phức tạp của nó, nhà văn thể hiện những điều này rõ nét qua Người đi vắng, Những đứa trẻ

chết già, Ngồi, Thoạt kỳ thuỷ… Trong cái nhìn về thế giới đó, nhà văn đã đặt con người vào vị trí trung tâm, con người bị giằng xé bởi sự ám ảnh quá khứ, hiện tại, tương lai, luôn phải đối diện với chính mình và thế giới xung quanh, sống trong các lực hút đó là sống trong các cảm giác của đời sống, để từ đó biết trân trọng từng giây từng phút. Trong thực tế sáng tác, Nguyễn Bình Phương đã lang thang, trôi dạt vào nội tâm, tìm đến vô thức, phần sâu kín nhất của con người, phơi bày ra ánh sáng những góc khuất, những ẩn ức, ám ảnh, những cơn mộng mị để thấy được bản chất con người. Nguyễn Bình Phương thường quan tâm đến những đối tượng có vấn đề trong tâm hồn, những trục trặc cả công khai lẫn thầm kín. Chú ý tới những con người này là chú ý tới sự bùng nổ trong vô thức, là lựa chọn cho mình một mảnh đất để khai phá, đào sâu, thăm dò. Nhà văn cho rằng: “những người điên cho tôi cảm giác lạ lùng về cuộc sống. Tôi không đánh giá điên là một tính thiện “thoạt kỳ thuỷ” dù ở nghĩa bóng. Nếu cần nói tới vấn đề điên của một người điên thì tôi nghĩ thoạt kỳ thuỷ họ không điên, sau đó có cái gì đấy làm họ điên” [419, tr.19]. Trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, người điên chiếm một tỷ lệ khá lớn, họ trực tiếp nói ra sự điên loạn, tâm thần của mình hoặc có những biểu hiện phức tạp, khó lường với chiều sâu của ẩn ức, những chấn thương đã được giữ kín, bị che giấu. Hầu hết, họ đều mang dục tính mạnh mẽ, họ chất chứa những khao khát, có lúc biểu hiện ra ngoài một cách mãnh liệt, cũng có lúc nó bị kìm nén và hiện ra dưới hình thức khác một cách gián đoạn tiêu biểu như nhân vật Tính, Hưng (Thoạt kỳ thuỷ), mụ Quản, Bảo mù (Những đứa trẻ chết già), ông Điều (Người đi vắng). Nhà văn không chỉ viết về người điên mà còn quan tâm đến những người có dấu hiệu tâm thần bởi người có dấu hiệu thần kinh phức tạp hơn người điên vì họ có sự hoà đồng với xã hội và thế giới xung quanh, chưa bị tách biệt ra, do vậy việc soi chiếu và đánh giá họ là cực khó, đòi hỏi sự tinh tế và sắc sảo. Viết về người điên là viết về những người đã rõ ràng bệnh lý, nhưng viết về những người có dấu hiệu tâm thần thì cần dùng đến “kính chiếu yêu” mới

soi thấy vùng giáp ranh giữa tỉnh táo với bệnh hoạn. Đó là những nhân vật như Khẩn trong Ngồi, nhân vật Em trong Trí nhớ suy tàn, Hoàn trong Người đi vắng… Từ lý thuyết Phân tâm học, chúng ta thấy được hành trình sáng tác của Nguyễn Bình Phương là hành trình tìm tòi, khám phá thế giới con người từ nhiều chiều. Trong kiếp nhân sinh dằng dặc mà ngắn ngủi, con người đã không ngưng đấu tranh với chính bản thân mình để chiến thắng hay gục ngã. Nguyễn Việt Hà là nhà văn “nghiêm túc, có bản lĩnh, có trách nhiệm nghề nghiệp” (Tạ Duy Anh). Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Việt Hà luôn quan niệm “văn chương bị lặp lại đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo”. Bởi vậy, Nguyễn Việt Hà đã luôn cố công tìm tòi, sáng tạo những thể nghiệm mới, phá bỏ những nguyên tắc hình thức bất biến. Chính những đóng góp đó đã giúp nhà văn tự làm mới mình, đưa văn chương xích lại gần cuộc sống.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, độc giả bị thu hút bởi hiện thực cuộc sống phong phú hiện lên qua từng trang giấy từ chủ đề về tình yêu, tình bạn, vấn đề về tôn giáo, văn hoá, kinh tế… Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Việt Hà còn vận dụng lý thuyết Phân tâm học để khám phá thế giới con người đầy phức tạp. Có thể bắt gặp trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà kiểu khai thác “cá nhân hoá tâm hồn” con người, những giấc mơ tính dục, bạo lực trong quá trình xây dựng chiều sâu tâm lý nhân vật. Trong hai cuốn tiểu thuyết Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đã xây dựng nên kiểu nhân vật bất lực và chấp nhận thực tại. Đó là những con người bất lực trong cuộc vật lộn với cái tôi cá nhân, loay hoay trong câu hỏi “mình đang sống hay chỉ tồn tại”. Cuộc sống hối hả, phức tạp tạo cho con người nhiều sức ép, hiện trạng này kéo dài, nặng nề khiến cho con người dần chìm vào sự cô đơn, tinh thần bị bào mòn bởi dục vọng vật chất. Đổ vỡ niềm tin, bất lực trước thực tại, con người không cân bằng được đời sống tinh thần, chấp nhận dấn thân vào trò chơi cuộc sống với luật chơi nghiệt ngã là

cào bằng cảm xúc. Các nhân vật thường rơi vào vòng luẩn quẩn không biết mình đi tới đâu, họ trăn trở day dứt bởi mang trong mình khát vọng và niềm tin nhưng ngày một trở nên tầm thường trong kiếp “sống mòn”. Họ “bải hoải, bàng hoàng rồi bừng tỉnh, đột nhiên thấy mình trống rỗng, vô nghĩa. Mà vô nghĩa nhất là thấy cuộc đời nhạt nhẽo của mình cũng có một ý nghĩa. Đó là khi sống gần hết với nó thì mới biết là nó vô nghĩa đến chừng nào”

[430, tr 30]. Song, Nguyễn Việt Hà cũng tìm thấy ở con người những suy tư, khát vọng vượt thoát mà trước hết là khát vọng văn chương. Văn chương là phương tiện giải thoát, nó giúp người viết có thể xây dựng thế giới tưởng tượng, qua đó thoả mãn khát vọng của riêng mình. Nguyễn Việt Hà luôn để nhân vật của mình trong trạng thái đấu tranh giữa thiện – ác nhưng con người vẫn luôn ý thức được giá trị của niềm tin. Họ tha thứ, ân hận, sám hối. Bởi có một toà án tự vấn luôn tồn tại trong mỗi bản thân con người, tiềm tàng khả năng gây ra tâm bệnh. Mỗi trang viết của Nguyễn Việt Hà lấp lánh sự tin tưởng, niềm hi vọng vào cái đẹp, thiên lương “rằng tất cả những người thiện lương đều có thể mắc lỗi lầm, nhưng không bao giờ rơi vào sự quá quắt đểu giả, đê tiện” (Cơ hội của chúa). Chính bởi vậy mà bên trong mỗi nhân vật đều có sự đấu tranh không ngừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nguyễn đình tú từ góc nhìn phân tâm học (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)