Một số đặc điểm về tư duy, ngôn ngữ và văn hóa biểu thị qua các thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ có yếu tố mặt trong tiếng việt (có đối chiếu với tiếng thái) (Trang 76 - 84)

6. Cấu trúc của luận văn

3.4. Một số đặc điểm về tư duy, ngôn ngữ và văn hóa biểu thị qua các thành

a) Từ mặtthành ngữ có yếu tố “mặt” góp phần phản ánh sự phát triển của tư duy, ngôn ngữ ở hai cộng đồng Việt Nam, Thái Lan

Như đã nói ở mục 3.3.1.2, từ mặt trong tiếng Việt đến 7 nghĩa chuyển, trong đó, có đến 4 nghĩa biểu thị một phần hay một phía liên quan đến các đối tượng không phải là con người. Các nghĩa này có thể có liên quan đến đồ vật (nghĩa 5: phần thẳng ở phía trên hoặc phía ngoài của vật, phân biệt với phần bên dưới hoặc bên trong), đến không gian (nghĩa 6: phía nào đó trong không gian, trong quan hệ với một vị trí xác định), đến khái niệm trừu tượng (nghĩa 7: phần trước trừu tượng hóa khỏi chỉnh thể để xem xét, phân biệt với phần đối lập hoặc những phần còn lại; phương diện), và cả đến những khái niệm của lĩnh vực khoa học (nghĩa 8: hình được vẽ nên bởi một điểm mà vị trí phụ thuộc liên tục vào hai tham số).

Điều này phần nào biểu hiện khả năng liên tưởng phong phú trong tư duy người Việt Nam cùng sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt.

Từ mặt trong tiếng Thái, như đã trình bày ở mục 3.2.1., chỉ có 5 nghĩa được xác định ở từ điển. Trong đó, 4 nghĩa chỉ một phần hay một phía liên quan đến các đối tượng không phải là con người nói trên không được xác định (dù trong thực tế sử dụng vẫn phần nào có thể hiện). Nhưng, từ mặt trong tiếng Thái có một nghĩa rất độc đáo, không hề có trong nghĩa của từ mặt tiếng Việt, đó là nghĩa 5 (dùng với thời gian như ngày sau, tháng sau, lần sau). Nghĩa 2 (cơ thể phần trước của con người, hay phần phía trước của con vật) thì về phần nào cũng có trong nghĩa của từ mặt tiếng Việt nhưng vẫn có vẻ riêng biệt ở việc nhìn con người, con vật trong chỉnh thể hình thức, trong tính khái quát về không gian.

Hai nghĩa này phần nào giúp phản ánh khả năng tư duy khái quát, trừu tượng và việc sử dụng từ mặt để biểu thị những nội dung mang tính khái quát, trừu tượng đó của người Thái.

Các nghĩa chuyển nói trên của từ mặt trong tiếng Việt đã khiến vốn thành ngữ có được một số câu mà từ mặt biểu thị một bộ phận của đồ vật hay một phía của hiện tượng thiên nhiên như mặt nước chân mây; căng như mặt trống; mặt trăng mặt trời; thò lò sáu mặt; trơ như mặt thớt. Đây là các câu được người Việt dùng để gián tiếp biểu thị những vấn đề như tình trạng; tình hình cuộc sống, hay quan hệ; tính cách của con người. Như vậy, nếu nghĩa của từ

mặt chuyển từ nghĩa đen biểu thị bộ phận con người sang nghĩa bóng biểu thị bộ phận của đồ vật hay vị trí trong không gian của hiện tượng thiên nhiên; thì nghĩa các câu thành ngữ có yếu tố “mặt” lại chuyển từ nghĩa đen nói về những cái không phải là con người sang nghĩa bóng biểu thị những vấn đề thuộc về con người.

Đây là sự biểu hiện lối tư duy uyển chuyển, cùng con đường vận dụng từ ngữ vô cùng linh hoạt, phong phú và rất tinh tế của người Việt. Sự linh hoạt, phát triển của thành ngữ tiếng Việt còn có thể thấy được qua tính đa nghĩa của một số thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt.

Trong tiếng Thái, từ mặt không có các nghĩa trên nên cũng không có các câu thành ngữ biểu thị một bộ phận của đồ vật hay một phía của hiện tượng thiên nhiên; các câu thành ngữ có yếu tố “mặt” cũng không đa nghĩa. Do đó, các câu thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Thái hạn chế biểu thị gián tiếp những vấn đề của con người thông qua những đối tượng không phải là con người. Tuy nhiên, do từ mặt trong tiếng Thái có một nghĩa là dùng biểu thị thời gian kế tiếp nên thành ngữ tiếng Thái có câu หวังน ้ำบ่อหน้ำ (chờ ao nước tiếp theo) để biểu thị tình trạng của những kẻ không hài lòng với những điều mình đã có, vẫn chờ đợi mãi về những điều chưa bao giờ đến. Đây là một nghĩa chuyển thú vị không có trong thành ngữ tiếng Việt.

b) Thành ngữ có yếu tố “mặt” góp phần phản ánh thế giới nội tâm và cách biểu lộ thế giới nội tâm của hai cộng đồng Việt Nam, Thái Lan

Như đã nói ở mục 3.3.2.2. nhóm nghĩa biểu thị phẩm chất, tính cách của con người là nhóm nghĩa phổ biến nhất của thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Thái và là nhóm nghĩa tương đối phổ biến của thành ngữ có yếu tố “mặt”

trong tiếng Việt. Đặc điểm này cho thấy, đối với người Thái Lan và người Việt Nam, mặt (người) đều được nhìn nhận như một nơi thể hiện thế giới nội tâm, trong đó có phẩm chất, tính cách của con người.

Cả hai dân tộc đều tìm thấy ở thành ngữ các phương tiện để biểu thị con người với những phẩm cách khác nhau. Đó là con người có năng lực, điều kiện vượt trội (có máu mặt; มีหน้ำมีตำ - có mặt có mắt), người có tính cách cương quyết hay quá cứng rắn (khô chân gân mặt; หน้ำหนำเหมือนถนนลำดยำงมะตอย - mặt cứng như đường xi măng), người không đàng hoàng, thiếu tự trọng (vục mặt xuống như chó; ขำยหน้ำวันละห้ำเบี ้ย - bán mặt mỗi ngày 5 bạc), kẻ tráo trở

(trở mặt như bàn tay; สองหน้ำ - hai mặt), kẻ độc ác, nham hiểm, dã man (mặt người dạ thú; หน้ำเนื้อใจเสือ - mặt thịt lòng con hổ). Bên cạnh đó, thành ngữ có yếu tố “mặt” của người Thái Lan còn phản ánh về kiểu người vui vẻ (หน้ำเป็นมัน - mặt vui cười), người giàu lòng tự trọng (เป็นหน้ำดั้ง - bảo vệ mặt, tức danh dự), kẻ xăng xái giành việc của người khác (เจ้ำหน้ำเจ้ำตำ - mượn mặt mượn mắt / người thích làm công việc của người khác). Thành ngữ có yếu tố “mặt” của người Việt Nam thì dành sự quan tâm đặc biệt cho việc phản ánh về những kẻ người trơ lì, không biết hổ thẹn (mặt dạn mày dà; mặt trơ trán bóng; mặt dày như mặt mo; trơ như mặt thớt).

Còn nghĩa biểu thị tình cảm, thái độ là nhóm nghĩa phổ biến nhất của các

thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt, nhưng lại là nhóm nghĩa ít phổ biến nhất của thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Thái.

Ở các thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt, thế giới tình cảm chủ yếu biểu lộ qua sắc mặt hoặc nét mặt.

Rất nhiều sắc thái cảm xúc đã được biểu lộ trên khuôn mặt qua các màu: xanh (mặt xanh nanh vàng; mặt xanh như đít nhái; mặt xanh lét như tàu lá; mặt như chàm đổ), đỏ, tía (mặt đỏ như gà chọi; mặt đỏ như gấc; đỏ mặt tía tai), thâm, xám (mặt thâm mày xám), tím (tím mặt tím gan), đen (mặt sắt đen sì),

vàng (mặt vàng như nghệ); trắng (mặt trắng bệch như sáp; mặt cắt không còn giọt máu );... Sự biểu thị màu sắc ở đây có thể trực tiếp bằng tính từ, hoặc gián tiếp bằng sự gợi tả (mặt cắt không còn giọt máu). Trong 34 câu thành ngữ có yếu tố “mặt” biểu thị tình cảm, thái độ của tiếng Việt, có đến 13 câu thành ngữ biểu lộ tình cảm, thái độ qua sắc mặt với nhiều màu vẻ phong phú.

Tiếp đó là sự biểu lộ tình cảm, thái độ qua nét mặt với những biểu hiện không kém phần đa dạng. Đó là những cảm xúc bộc lộ khi cơ mặt nở ra (nở mày nở mặt),sưng lên (mặt sưng mày xỉa) hay chảy xuống (mặt nặng mày nhẹ; nặng mặt sa mày; mặt nặng như chì; mặt nặng như đá đeo; mặt như đưa đám; mặt cối đá). Và những cảm xúc, thái độ biểu lộ khi cơ mặt đơ ra (mặt ngay (ngây) cán tàn; mặt ngây như ngỗng ỉa); nhăn vào (mặt ủ mày chau; xụ mặt chau mày; mặt nhăn như bị; mặt nhăn như mặt hổ phù), hay đanh lại (mặt chai mày đá; mặt lạnh như tiền). Có đến 16 câu thành ngữ có yếu tố “mặt” đã biểu lộ tình cảm, thái độ qua nét mặt.

Như vậy, chỉ còn 5 câu thành ngữ thuộc nhóm này không biểu lộ tình cảm, thái độ qua biểu hiện trực tiếp trên sắc mặt, nét mặt. Và với sự quan sát tinh tế, với những phát hiện phong phú và sự miêu tả sắc nét qua ngôn ngữ về các biểu hiện, những tình cảm thái độ của con người được miêu tả trong thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt là hết sức đa dạng. Đó là những tình cảm: yêu, vui, sợ, buồn, giận, tức, căm; thái độ: ngạc nhiên, xấu hổ, dứt khoát, lạnh lùng, xa cách, bực dọc, khó chịu, bất như ý; và có thể kèm theo những thể trạng không tốt.

Việc có đến 29/34 câu biểu thị tình cảm, thái độ qua những biểu hiện quan sát được trên gương mặt cho thấy một nét tâm lí của người Việt là thường biểu thị thế giới tình cảm của mình một cách trực tiếp, công khai, không che giấu.

Ngược lại, thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Thái ít được dùng để biểu thị tình cảm thái độ, chỉ có 5 câu. Trong 5 câu đó, có 2 câu biểu lộ tình cảm, thái độ qua sắc mặt (เลือดขึ ้นหน้ำ - máu chảy lên mặt / như mặt đỏ tía tai; หน้ำซีดเป็นไก่ต้ม - mặt trắng như gà luộc / mặt trắng vì sợ hãi hoặc ốm yếu), và 3 câu có thể coi như đã biểu lộ tình cảm, thái độ qua nét mặt (หน้ำบูดเป็นตูดเป็ด - mặt nhăn như đuôi vịt; หน้ำตำบ้องแบ๊วเหมือนแมวครำว - mặt, mắt như con mèo giật mình; หน้ำเป็นม้ำหมำกรุก - mặt như con ngựa / mặt không hài lòng). Các câu này ít trực tiếp nói đến sắc mặt, nét mặt mà chỉ gợi ra qua miêu tả quá trình (máu chảy lên mặt; mặt, mắt như con mèo giật mình). Tức chúng ít nói đến biểu hiện trực tiếp của tình cảm, thái độ trên gương mặt. Hơn nữa, các tình cảm, thái độ được biểu hiện ở đây cũng không phong phú và về cơ bản không phải là những cảm xúc mạnh.

Thực ra, về cơ bản cộng đồng người nào cũng có thể trải qua tất cả các cung bậc của tình cảm, thái độ; chỉ có điều họ có biểu hiện với tần suất như thế nào và có công khai, trực tiếp hay không. Người Thái Lan chủ yếu theo đạo Phật. Họ có niềm tin tôn giáo sâu sắc, luôn sùng bái những lời dạy của Phật. Vì vậy, đại đa số người dân Thái Lan đều đề cao lối sống hiền hòa, thân thiện, lịch sự, coi trọng nền dân chủ và tôn trọng lẫn nhau. Khi tất cả đều sống với nhau như vậy thì những xung đột ít xảy ra, các cảm xúc tiêu cực sẽ không quá nhiều. Điều này lí giải vì sao tỉ lệ các thành ngữ có yếu tố “mặt” biểu thị những nội dung mang tính tiêu cực trong tiếng Thái thấp hơn tỉ lệ đó trong tiếng Việt.

Và các cảm xúc, thái độ tiêu cực nếu có xảy ra, thì thường không quá gay gắt. Bởi khi gặp những gì bất như ý, họ thường chịu đựng, ít phản ứng lại. Nếu có những cảm xúc dâng trào, họ thường cố gắng kìm nén. Các câu

ก้มหน้ำก้มตำ (cúi mặt để làm, tức phải làm những điều gì đó mà mình không muốn làm); แบกหน้ำ (buộc phải quay lại, tức phải quay lại nói hoặc làm việc với người mình không thích) cho thấy thói quen che dấu cảm xúc, nhất là cảm xúc tiêu cực (cúi mặt để không ai nhìn thấy), thái độ nhẫn nhịn, chịu đựng (vẫn làm việc mình không muốn làm, quan hệ với người mà mình không thích) của người Thái Lan. Điều này thống nhất với nhận định của tác giả Nguyễn Thị Vân Chi trong bài báo của mình [6]: Con người Thái Lan với tính cách hiền hòa, linh hoạt, mềm dẻo giúp cho mọi người giữ được hòa khí nhưng cũng có mặt hạn chế là sự không thành thật, thẳng thắn, hay có thái độ né tránh khiến cho đối phương không hiểu được thực chất và dễ hiểu lầm. Đây là tính hai mặt trong tính cách và lối sống của người Thái Lan.

Tóm lại, việc nghĩa biểu thị tình cảm, thái độ là nhóm nghĩa phổ biến nhất của các thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt, song lại là nhóm nghĩa ít phổ biến nhất của thành ngữ có yếu tố mặt trong tiếng Thái đã góp phần biểu thị những nét khác biệt về tần số xuất hiện của tình cảm, thái độ; mức độ của cảm xúc; cùng cách thức biểu lộ tình cảm, thái độ của người Việt Nam và người Thái Lan.

c) Thành ngữ có yếu tố “mặt” góp phần phản ánh môi trường sống của người Việt Nam và người Thái Lan

Qua các câu thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt, có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiều loại quả, cây, con, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên quen thuộc với người Việt. Đó là trái xoan, quả gấc, cây tre (trong mặt trái xoan mặt; mặt đỏ như gấc; chém tre dè đầu mặt); là con lươn, con nhái, con chuột, con hổ, tổ ong (trong mặt cú da lươn; mặt rỗ như tổ ong bầu; mặt xanh như đít nhái; nhăn như mặt hổ phù; mặt dơi tai chuột). Đó là cái thuổng, cối đá, cái trống, cái thớt (trong mặt ngay (ngây) cán thuổng; mặt cối đá; căng như mặt trống; trơ như mặt thớt), là nước, đất, trời (trong mặt nước cánh bèo; bán mặt cho đất bán lưng cho trời).

Người Thái Lan cũng gửi gắm thế giới thiên nhiên của mình trong các câu thành ngữ có yếu tố mặt. Đó là sự góp mặt của cây nấm, cây rau mùi (trong หน้ำบำนเป็นดอกเห็ด - mặt dầy như mũ nấm; ผักชีโรยหน้ำ - rau mùi che mặt ), của con chuột, con ngựa, con vịt, con voi (trong จรกำหน้ำหนู - mặt khác người như mặt chuột; หน้ำเป็นม้ำหมำกรุก - mặt như mặt ngựa; หน้ำบูดเป็นตูดเป็ด - mặt nhăn như đuôi vịt; ช ้ำงเท้ำหน้ำ - chân voi (mặt) trước ). Và sự góp mặt của cái giỏ, tấm vải, cái bàn sản (trong หน้ำบำนเป็นกระจำด - mặt to như cái giỏ; ขำยผ้ำเอำหน้ำรอด - bán vải để giữ mặt; หน้ำงอเป็นกระจ่ำ - mặt như cái bàn sản), của đất và nước (trong ดินไม่กลบหน้ำ - đất chưa lấp mặt; หวังน ้ำบ่อหน้ำ - chờ ao nước tiếp theo). Đặc biệt, trong số các biểu tượng được đem ra để so sánh, biểu lộ các vấn đề của cuộc sống người dân có cả các biểu tượng về chính con người như kẻ trộm, ông khổng lồ, (trong หน้ำบำนเหี ้ยมรำวกับมหำโจร - mặt đáng sợ như kẻ trộm; หน้ำยู่ยี่เหมือนหน้ำยักษ์ - mặt như khổng lồ). Sở dĩ có các biểu tượng này là do xã hội Thái Lan vốn ít trộm cắp, kẻ làm việc trộm cắp là rất đặc biệt và rất đáng sợ với cộng đồng. Ông khổng lồ cũng là một biểu tượng quan trọng với người Thái Lan bởi nhân vật kiểu này đã được nói đến nhiều trong các truyện cổ dân gian Thái Lan, gắn với những hành vi đáng sợ như bắt cóc người, ăn thịt người.

Hầu hết thế giới thiên nhiên và vật dụng được nói tới là không xa lạ giữa hai dân tộc. Nhưng như vậy không có nghĩa là thế giới môi trường xung quanh hai cộng đồng dân tộc không có vẻ riêng. Vẻ riêng đó chính là sự xuất hiện của cây tre (với người Việt Nam) và con voi (với người Thái Lan).

Lũy tre xanh bình yên mang hồn quê hương xứ sở gắn bó thủy chung với dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho tính tự trị - một trong hai đặc trưng cơ bản trong văn hóa tổ chức cộng đồng của người Việt Nam trong truyền thống. Cây tre xanh nhũn nhặn mà dẻo bền, cứng cáp, hiên ngang là biểu tượng cho cốt cách và các phẩm chất đặc sắc của con người và văn hóa Việt Nam.

Loài voi, với sức mạnh, sức bền bỉ và tuổi thọ dai dẳng, bằng sự gắn bó với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, đã trở thành loài vật linh thiêng, biểu tượng của đất nước Thái Lan. Đối với người Thái, voi tượng trưng cho tôn giáo, dân tộc và hoàng gia; là biểu tượng của sức mạnh, sự thịnh vượng và hạnh phúc.

Hay nấm và giỏ được nói tới ở đây chính là thứ cây và đồ vật rất phổ biến, gắn bó với cuộc sống của người dân Thái Lan.

Tóm lại, thành ngữ có yếu tố “mặt” cũng góp phần phản ánh cái chung cũng như vẻ riêng trong môi trường sống của người Việt Nam và người Thái Lan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành ngữ có yếu tố mặt trong tiếng việt (có đối chiếu với tiếng thái) (Trang 76 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)