6. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Miêu tả các nhóm nghĩa
3.1.2.1. Nhóm nghĩa biểu thị vẻ bề ngoài của con người
Nhóm này gồm 11 câu, ví dụ: (1) mặt hoa da phấn (2) mặt cú da lươn (3) mặt mốc chân phèn (4) mặt vuông chữ điền (5) mặt bủng da chì (6) mặt búng ra sữa / mặt bấm ra sữa
Trong các trường hợp này, yếu tố mặt đều có nghĩa là “phần phía trước, từ trán đến cằm của đầu người”. Đây là nghĩa đen, nghĩa gốc của từ mặt trong tiếng Việt. Nghĩa biểu thị bộ phận cơ thể của từ mặt đã khiến cho các câu thành ngữ chứa nó đều trước hết có nghĩa biểu thị vẻ ngoài của con người.
Câu (1) nói về khuôn mặt, nước da thể hiện vẻ đẹp, nền nã, tươi tắn thường là của các thiếu nữ. Ngược lại, câu (2) lại nói đến tướng mạo xấu xí, thể hiện sự ranh ma, hay dòm ngó để ý người khác của ai đó. Câu (3) nói đến hình thức xấu do lao động nông nghiệp vất vả. Câu (4) lại đặc tả khuôn mặt vuông vức, phúc hậu. Câu (5) miêu tả gương mặt nhợt nhạt bủng beo xanh xám do ốm yếu. Câu (6) nói đến khuôn mặt non choẹt, trẻ măng.
Như vậy, các câu thành ngữ có yếu tố “mặt” nói về hình thức con người có thể đề cập đến vẻ xấu đẹp, hình dáng khuôn mặt, thể trạng sức khỏe, tuổi tác. Trong số 11 câu biểu thị vẻ ngoài của con người chỉ có 2 câu biểu thị tuổi tác mang tính trung hòa, 4 câu biểu thị hình thức đẹp mang tính tích cực, 5 câu còn lại đều biểu thị vẻ ngoài xấu xí mang tính tiêu cực.
3.1.2.2. Nhóm nghĩa biểu thị tâm trạng và thái độ của con người
Đây là nhóm có số lượng lớn nhất trong số các nhóm thành ngữ có yếu tố “mặt”. Nhóm này gồm 34 câu, ví dụ:
(1) nở mày nở mặt (2) phải lòng mặt (3) ba mặt một lời (4) mặt ủ mày chau (5) nặng mặt sa mày (6) đỏ mặt tía tai (7) mặt lạnh như tiền (8) mặt ngay (ngây) cán tàn
Câu (1) nói tới sự sung sướng, hãnh diện qua nét mặt hân hoan rạng rỡ. Câu (2) biểu hiện tình yêu, thấy yêu ai đó một cách khó cưỡng lại nổi. Câu (3) biểu thị thái độ thẳng thắn, dứt khoát thể hiện qua hành động nói trực tiếp, công khai. Câu (4) nói về vẻ mặt buồn, u sầu, khổ đau. Câu (5) biểu hiện vẻ bực dọc, giận dỗi qua nét mặt. Câu (6) nói đến khuôn mặt đỏ gay thường do tức giận, do xấu hổ hoặc chất men kích thích. Câu (7) miêu tả bộ mặt bộc lộ thái độ rất lạnh lùng đối với người đối thoại hoặc những người xung quanh. Câu (8) nói đến thái độ ngạc nhiên khiến mặt thuỗn ra, đờ đẫn, không biết nói gì.
Tóm lại, đây là nhóm nghĩa cơ bản của các thành ngữ có yếu tố “mặt”
trong tiếng Việt. Chúng có thể biểu thị tâm trạng vui, buồn, yêu, ghét, sợ hãi, tức giận,…và thái độ lạnh lùng, thẳng thắn dứt khoát, ngạc nhiên,... Trong số 34 câu biểu thị t́nh cảm, thái độ có 1 câu có nội dung mang tính trung hòa; có 3 câu mang tính tích cực, 30 câu biểu thị những tình cảm, thái độ mang tính tiêu cực.
Trong các trường hợp này, từ mặt có nghĩa chuyển, biểu thị “những nét trên mặt người, thể hiện thái độ, tâm tư, tình cảm”.
3.1.2.3. Nhóm nghĩa biểu thị phẩm chất, tính cách, trí tuệ của con người
Nhóm này gồm 18 câu, ví dụ:
(1) mặt dạn mày dày; trơ như mặt thớt (2) mặt sứa gan lim
(4) mặt hùm da beo; mặt người dạ thú (5) khô chân gân mặt
(6) tai to mặt lớn (7) mặt nạc đóm dày
Ví dụ (1) gồm 2 câu nói về tính cách trơ lì, không biết hổ thẹn, bất chấp tất cả. Câu (2) nói về tính cách lì lợm, ương gàn, bướng bỉnh, không xúc cảm, không dễ lung lạc tinh thần. Ví dụ (3) gồm 2 câu nói đến loại người lật lọng, tráo trở, không trung thực. Ví dụ (4) gồm 2 câu nói về loại người có tướng mạo xấu, độc ác, nham hiển, dã man như thú vật. Câu (5) nói đến người có vẻ bên ngoài cương quyết, được chuộng. Câu (6) nói về hạng người có quyền thế, địa vị cao trong xã hội. Câu (7) nói đến vẻ mặt bì bì, da mặt dày vẻ ngu độn.
Đây là nhóm nghĩa của các thành ngữ có yếu tố “mặt” trong tiếng Việt biểu thị khí chất, tính cách và trí tuệ của con người. Chúng thể hiện các tính cách trơ trẽn, lì lợm, tráo trở, độc ác,… hay vẻ cương quyết, đàng hoàng, đĩnh đạc,… và trí tuệ thấp kém.
Nhóm biểu thị khí chất, tính cách chỉ có 3 câu mang tính tích cực (biểu thị vẻ đàng hoàng, đĩnh đạc; vẻ vượt trội so với cộng đồng chung; và vẻ cương quyết). 15 câu còn lại đều biểu thị những khí chất, tính cách mang tính tiêu cực. Trong các trường hợp này, yếu tố mặt chủ yếu có nghĩa là “mặt con người, hiện ra trước mọi người, coi là biểu trưng cho thể diện, danh dự, phẩm giá”. Riêng trong các câu trơ như mặt thớt; mặt dày như mặt mo; lá mặt lá trái
thì yếu tố mặt có nghĩa “phần thẳng ở phía trên hoặc phía ngoài của vật, phân biệt với phần bên dưới hoặc bên trong”.
3.1.2.4. Nhóm nghĩa biểu thị hoạt động, trạng thái của con người
Nhóm này cũng tương đối lớn, gồm 21 câu, ví dụ:
(1) chọn mặt gửi vàng (2) tay bắt mặt mừng (3) vạch mặt chỉ tên
(4) chém tre dè đầu mặt (5) chó liếm mặt người (6) nói như đổ mẻ vào mặt (7) căng như mặt trống (8) gần lửa rát mặt
Câu (1) nói đến hoạt động chọn người tốt, có khả năng, đáng tin cậy để giao phó, trao gửi công việc quan trọng. Câu (2) biểu thị hoạt động gặp gỡ vui vẻ, mừng rỡ, hân hoan. Câu (3) nói về hoạt động vạch rõ, chỉ rõ bộ mặt thật xấu xa, gọi đích danh thủ phạm, kẻ lừa bịp. Câu (4) biểu thị hoạt động né tránh, không muốn làm liên lụy đến một người, mà người đó là cấp trên hoặc có quan hệ gần gũi với mình, khi đang xem xét một việc hay một người có liên quan đến người đó. Câu (5) nói đến những biểu hiện suồng sã, mất cả lễ nghĩa với người trên. Câu (6) thể hiện hoạt động nói xa xả, chửi mắng, xỉ vả. Câu (7) nói đến trạng thái hết sức căng thẳng. Câu (8) biểu thị trạng thái bị vạ lây khi chơi với con cái nhà quyền thế hoặc bị soi xét, đòi hỏi, hạch sách nhiều khi ở gần những kẻ có quyền thế.
Tóm lại, nhóm này có thể biểu thị các hoạt động của chủ thể tác động tới đối tượng được nói tới qua từ mặt hoặc trạng thái nào đó. Trong 21 câu của nhóm thành ngữ có yếu tố “mặt” biểu thị hoạt động, trạng thái của con người chỉ có 2 câu biểu thị trạng thái, còn lại là các câu biểu thị hoạt động. Trong 19 câu biểu thị hoạt động, chỉ có 2 câu biểu thị hoạt động mang tính tích cực, còn lại đều biểu thị hoạt động mang tính tiêu cực.
Trong nhóm trên, ở câu căng như mặt trống, yếu tố mặt có nghĩa là “phần thẳng ở phía trên hoặc phía ngoài của vật, phân biệt với phần bên dưới hoặc bên trong”. Trong các câu còn lại, yếu tố mặt có thể có nghĩa “mặt người làm phân biệt người này với người khác; dùng để chỉ từng cá nhân khác nhau”
(chọn mặt gửi vàng; gần lửa rát mặt;…); hoặc có nghĩa “phần phía trước, từ trán đến cằm của đầu người, hay phần phía trước của đầu con thú” (tay bắt mặt mừng; chó liếm mặt người;…).
3.1.2.5. Nhóm nghĩa biểu thị hoàn cảnh, tình trạng của con người
Thành ngữ có yếu tố “mặt” có thể biểu thị hoàn cảnh hoặc là tình trạng của con người cũng gồm 11 câu như nhóm thứ nhất. Ví dụ:
(1) mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu (2) mở mày mở mặt
(3) vua biết mặt chúa biết tên (4) mặt nước cánh bèo
(5) mặt nước chân mây
(6) ngập đầu ngập mặt / lút mày lút mặt (7) cháy nhà ra mặt chuột
Câu (1) nói đến hoàn cảnh sống nhàn nhã không phải lao động vất vả ngoài trời. Câu (2) thể hiện một hoàn cảnh sống được hãnh diện tự hào với những người xung quanh. Câu (3) đề cập điều kiện của một con người có chức vụ địa vị được nhiều người biết đến. Câu (4) biểu thị hoàn cảnh sống phiêu bạt, trôi nổi, vùi lên dập xuống, không yên thân. Câu (5) gợi đến hoàn cảnh sống trôi giạt, phiêu bạt đến nơi xa xôi. Câu (6) đề cập hoàn cảnh của những con người có quá nhiều việc, bận rộn suốt ngày không được nghỉ ngơi. Câu (7) miêu tả tình trạng do có một sự việc nào đó xảy ra thì một sự thật mới được phơi bày.
Như vậy, nhóm này tập trung biểu thị hoàn cảnh sống may mắn tốt đẹp hoặc tình trạng vất vả, phiêu bạt,… của con người. Biểu thị hoàn cảnh tốt là nội dung của 4 câu thành ngữ; biểu thị hoàn cảnh, tình trạng xấu là nội dung của 7 câu còn lại.
Trong trường hợp này yếu tố mặt trong các thành ngữ có thể có nghĩa là “mặt người làm phân biệt người này với người khác”; dùng để chỉ từng cá nhân khác nhau (vua biết mặt chúa biết tên). Yếu tố mặt trong nhóm này cũng có thể mang nghĩa “mặt con người, hiện ra trước mọi người, coi là biểu trưng cho thể diện, danh dự, phẩm giá” (mở mày mở mặt).