Giọng triết lý nhẹ nhàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 95 - 105)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.3. Giọng triết lý nhẹ nhàng

Sức hấp dẫn của văn chương Mã A Lềnh không nằm ở ấn tượng bề ngoài thoáng qua mà ở vĩ thanh cảm xúc khi tác phẩm đã khép lại. Để truyền tải điều đó, nhà văn đã đan cài vào trong tác phẩm những triết lý nhân văn, những thông điệp nhân bản về đời sống. Vì vậy, ta bắt gặp trong tác phẩm của ông giọng triết lý nhẹ nhàng cùng những suy ngẫm tinh tế gửi gắm qua câu chữ.

Trước tiên, những suy ngẫm về vai trò và tình cảm thiêng liêng đối với quê hương được diễn tả qua những câu văn bình dị: “Quê hương! Hai tiếng ấy như tiếng chuông ngân vang mãi trong lòng. Sẽ vô cùng vô nghĩa nếu ai đó đã nguội lạnh trong trái tim mình hai tiếng ấy…. Quê hương đồng nghĩa với mối tình trong trắng, bồng bột, nhân lên cho mỗi người ý chí, nghị lực phi thường để mà sống, sống có ý nghĩa” [31, tr5]. Những câu văn như lời ca từ trái tim cất lên. Nó được

mất trong đời. Quê hương không chỉ là điểm tựa tinh thần cho những tâm hồn bị thương tổn mà còn là đem đến cho người ta nguồn sức mạnh để sống nghị lực và mạnh mẽ. Những ai lãng quên, quay lưng lại với quê hương và nguồn cội là những kẻ bội bạc, vô tình.

Một số bài học sâu sắc về cuộc sống được nhà văn đúc kết một cách ngắn gọn. Lẽ sống ngay thẳng và bản lĩnh mà người cha nhắn nhủ đứa con: “Cho dù nghèo hèn, nhưng cái cốt là không được sợ sệt, không được yếu đuối! Điều đáng sợ nhất là mình làm sai, làm bậy” [56, tr289]. Lời dạy ngắn gọn nhưng truyền tải được bao điều ý nghĩa. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống mạnh mẽ, tự tin và kiêu hãnh. Không làm điều gì sai trái, xấu xa thì chẳng có gì phải hổ thẹn, sợ hãi.

Khát vọng lên đường để chinh phục những chân trời tri thức, khẳng định vị trí của mình trong cuộc đời được biểu lộ qua nỗi trăn trở: “Mỗi con đường có vô vàn người đi. Làm sao in giữ được dấu chân mình trên muôn dặm đường trường có mưa, có nắng?” [22, tr45]. Cặp hình ảnh biểu tượng: con đường và dấu chân đã truyền tải một cách hàm súc khát vọng sống có ý nghĩa, không mờ nhạt. Đó hẳn là thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến thế hệ trẻ - những người đang ở ngưỡng cửa vào đời còn nhiều băn khoăn, do dự trong việc lựa chọn con đường đi tới tương lai của mình.

Triết lý về sự hữu hạn của kiếp người, sự giới hạn của khả năng con người được đúc kết bằng câu nói của nhân vật Mo Chư: “Số phận! Định mệnh! Thầy mo làm sao chữa khỏi được cái mệnh! Làm sao chữa được cái nghèo khó thành cái giàu sang?” [56, tr278]. Câu nói của Mo Chư hướng tới đả phá vào suy nghĩ thiên lệch, ấu trĩ bấy lâu nay của người dân. Họ đã “phong thánh” cho thầy mo có một năng lực siêu nhiên, có thể thay đổi được số phận. Tuy nhiên, thực tế đời sống: giàu hay nghèo là do bản thân mỗi cá nhân nỗ lực lao động và tạo dựng. Qua đây, nhà văn Mã A Lềnh cũng gửi gắm một phần quan niệm của mình về cuộc đời, về sự sống.

Nhẹ nhàng mà thâm trầm, Mã A Lềnh không lên giọng khi chia sẻ những triết lý về đời sống. Bởi ông hiểu rằng để tác động đến nhận thức thì phải đi qua trái tim. Vậy nên, nhà văn thường gửi gắm những thông điệp nho nhỏ qua những

với con trong Chài cá đêm: “…Con cá chửa. Bụng đầy trứng. Để nó sống, nó còn đẻ thật nhiều nhiều con nữa…” [56, tr103]. Không phải người cha vẽ ra tương lai xa vời mà ông muốn con học được bài học về sự ứng xử với muôn loài: phải biết yêu và bảo tồn sự sống của những sinh vật trong tự nhiên để sự sống ấy không ngừng nhân lên mãi. Đó là lời chia sẻ hồn nhiên của Mê Tu về kinh nghiệm đi rừng với một cậu bé khác: “Đi đường trời mù sương, mày phải có một cây gậy dài nhá! Nhất là đuổi lợn, lại càng cần phải có gậy dài, hay một cây sào! Ít ra thì cũng phải có một cành cây có lá để xua sương cho khỏi ướt quần áo!” [56, tr325]. Hay sự so sánh để thấy được niềm hạnh phúc khi được tới trường và nỗi nhớ nhà được diễn tả qua lời lẽ hồn nhiên của Vênh trong truyện Cái đầu đất: “Nhất định đi học sướng hơn theo trâu rồi! Nhưng cháu nhớ nhà, nhớ trâu ngựa, nhớ bếp lửa quá!...” [22, tr56]. Trong lời giãi bày mộc mạc ấy, hé lộ định nghĩa giản đơn mà thấm thía về tình yêu quê hương. Đó không phải là thứ tình cảm cao xa mà chính là nỗi nhớ những vật giản dị thân quen gắn bó với bản thân và gia đình.

Bằng lối triết lý nhẹ nhàng, nhà văn Mã A Lềnh thể hiện nỗ lực trong việc chỉ ra những vẻ đẹp giản dị, bị che khuất trong đời sống. Đồng thời qua chiếc cầu nối ấy, tác giả còn mong muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ biết sống một cách giản dị, tự lập và nhân ái.

Tiểu kết chương 3

Là tác giả của gần mười tập truyện, Mã A Lềnh đã chứng tỏ được thế mạnh của một cây bút chuyên về truyện ngắn: “Tác phẩm của Mã A Lềnh đã thể hiện rất rõ con người, tâm hồn, tính cách và trí tuệ của một nhà văn trí thức DTTS - người con ưu tú của mảnh đất vùng cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc” [57,tr 5]. Truyện ngắn Mã A Lềnh đa dạng về đề tài, phong phú về thế giới nhân vật và đặc sắc về bút pháp. Các nhân vật được nhà văn khắc họa từ góc nhìn đời thường nhưng hiện ra không kém phần ấn tượng với những phẩm chất đáng yêu, đáng quý. Ngôn ngữ truyện ngắn của tác giả Tình cao đá núi vừa giản dị mộc mạc vừa tinh tế, uyển chuyển mang cái “hồn” của văn hóa Mông. Đặc biệt, Mã A Lềnh đã khẳng định được dấu ấn phong cách qua giọng điệu nghệ thuật đan xen nhiều sắc thái: trong trẻo hồn nhiên, tâm tình tha thiết, triết lý nhẹ nhàng.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu truyện ngắn của Mã A Lềnh một cách bao quát và toàn diện, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Văn học dân tộc thiểu số là “dòng riêng giữa nguồn chung” của văn học Việt Nam hiện đại - phong phú và đậm đà bản sắc. Trong khu vườn văn học đa sắc đa hương ấy, văn học dân tộc Mông nói chung và sáng tác của nhà văn Mã A Lềnh nói riêng đã góp vào những tác phẩm có giá trị. Bằng việc tiếp cận hiện thực ở cả bề rộng và bề sâu; các sáng tác đã phản ánh một cách chân thực bức tranh thiên nhiên, đời sống và phong tục tập quán của đồng bào vùng cao. Từ đó, góp phần đưa văn học và văn hóa Mông đến gần hơn với công chúng yêu văn học.

Giữa những gương mặt đại diện cho văn học Mông đương đại, chúng tôi chọn tìm hiểu về Mã A Lềnh và nghiên cứu về truyện ngắn của ông. Bởi lẽ, Mã A Lềnh không những là một cây bút kì cựu mà còn bởi ông đã tạo dựng được phong cách sáng tạo riêng: “Văn chương của ông vừa có cái chất thô mộc, xù xì, gân guốc, hồn nhiên - lại vừa có độ chau chuốt, tài hoa và giầu chất triết lý - cái lý của cuộc đời nói chung, cái lý của người HMông nói riêng” [57, tr 5].Tìm hiểu về truyện ngắn Mã A Lềnh là để khẳng định sự phát triển khởi sắc của thể loại này so với những thành tựu thơ ca đã có trong văn học Mông thời kì hiện đại.

2. Mã A Lềnh là cây đại thụ của văn học Mông - một cây bút đa tài và có ý thức trách nhiệm về việc dùng văn chương để quảng bá văn học và văn hóa dân tộc mình. Hơn một nửa thế kỉ hoạt động văn học không ngừng nghỉ, Mã A Lềnh không chỉ sáng tác mà còn làm công tác tư tưởng, truyền lửa cho thế hệ những người cầm bút trẻ tiếp nối.

Bên cạnh những thành công về bút ký và thơ ca, tác giả của Tình ca đá núi

cũng đã vun trồng được bao mùa quả ngọt về truyện ngắn. Truyện ngắn Mã A Lềnh khá đa dạng về lối viết và bút pháp: có truyện ngắn đậm chất hiện thực, có truyện nhuốm màu sắc huyền thoại và trữ tình. Thông qua những trang truyện ngắn, Mã A Lềnh đã vẽ lên bức tranh khá hoàn thiện về thiên nhiên cuộc sống và con người vùng cao nói chung, người Mông nói riêng.

3. Đa dạng về đề tài, truyện ngắn Mã A Lềnh đã phản ánh đầy đủ trọn vẹn cuộc sống của đồng bào Mông và vẻ đẹp của con người miền núi. Không gian

dáng núi, dòng suối, cái cây, con đường, nhành hoa rừng, thửa ruộng bậc thang… mang nét mộc mạc là vậy mà lại gây bao thương nhớ xao xuyến. Ngòi bút của tác giả phóng khoáng và thấm đẫm chất thơ trong những trang văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên sống động và lung linh. Tương xứng với thiên nhiên tươi đẹp, con người miền núi trong truyện ngắn của Mã A Lềnh hiện lên với bao nét đáng yêu, đáng quý. Nhà văn đã xây dựng một thế giới nhân vật khá đông đảo đủ mọi lứa tuổi. Đó là những đứa trẻ hồn nhiên, thật thà; những thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng; những chàng trai đầy ý chí và lý tưởng; những người già nhân hậu và thông tuệ. Trong đó, có một số nhân vật cá tính sắc nét - điển hình cho số phận, tính cách của con người miền núi. Khắc họa thiên nhiên và con người vùng cao từ cả điểm nhìn bên trong và bên ngoài; truyện ngắn Mã A Lềnh đã đem lại cho độc giả bao ấn tượng đẹp, khác với một số mặc định hoặc nhận thức sai lệch trước đây. Đặc biệt, qua mỗi sáng tác nhà văn gửi gắm vào đó tình yêu sâu sắc đối với mảnh đất và con người quê hương xứ sở của đá núi, mây trời.

4. Truyện ngắn Mã A Lềnh không chỉ truyền tải nội dung sâu sắc mà còn độc đáo về bút pháp nghệ thuật. Nhà văn chủ yếu sử dụng cốt truyện đơn tuyến với lối kể biên niên theo trình tự thời gian. Có một số truyện có kết cấu “truyện lồng trong truyện” tạo thêm sự bất ngờ và thú vị. Khi trần thuật, nhà văn phối hợp nhiều điểm nhìn trần thuật để dẫn dắt mạch truyện vừa mạch lạc, vừa tạo được sự bất ngờ. Xây dựng nhân vật, tác giả chọn lựa những chi tiết có giá trị biểu hiện cao để khắc họa vẻ đẹp ngoại hình, tính cách và tâm hồn của nhân vật. Ông thường đặt nhân vật vào những tình huống điển hình của đời sống để nhân vật có thể tự bộc lộ chân thật nhất những gì vốn có. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Mã A Lềnh vừa mộc mạc, giản dị vừa tinh tế. Đặc biệt, tác giả khá thành công trong việc vận dụng một số yếu tố ngôn ngữ mang sắc thái Mông vào miêu tả và dựng đối thoại. Ngoài ra, tác giả cũng đem được chất dân gian truyền thống vào những truyện ngắn một cách cách khéo léo và hợp lý qua những truyện cổ tích thần thoại, tục ngữ hay câu đố. Có thể nói, nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Mã A Lềnh vừa quen thuộc vừa hấp dẫn, giản dị mà tinh tế.

5. Trong sáng tác nói chung và truyện ngắn của Mã A Lềnh nói riêng còn rất nhiều vấn đề có thể tìm hiểu và nghiên cứu. Chẳng hạn như: dấu ấn truyền thống và hiện đại trong sáng tác của Mã A Lềnh, phong cách truyện ngắn Mã A

Lềnh trong cái nhìn đối sánh với các tác giả dân tộc thiểu số khác hay truyện ngắn Mã A Lềnh nhìn từ góc nhìn phê bình sinh thái... Đó là những vấn đề mới đang mời gọi những nghiên cứu tiếp theo. Hi vọng chúng tôi sẽ có dịp trở lại với những vấn đề này.

Bước đầu nghiên cứu Truyện ngắn Mã A Lềnh, luận văn của chúng tôi mới chỉ là một đóng góp khiêm tốn. Song đó sẽ là một đóng góp có ý nghĩa vào việc định giá và tôn vinh vị thế của một nhà văn - một nhà nghiên cứu giàu tâm huyết đã dành phần lớn cuộc đời mình cho văn hóa, văn học Mông, để nền văn hóa và văn học ấy được biết tới và vươn xa, vượt ra biên giới của văn học vùng miền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội 2. Sa Phong Ba (2003), Chuyện ở chân núi Hồng Ngài, NXB Văn hóa dân tộc. 3. Trịnh Bảng (1995), “Tôi thích truyện ngắn Đi chợ phố”, Tạp chí văn nghệ Lào

Cai, số 2.

4. Lê Huy Bắc (2001), Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại (in trong (Hợp tuyển công trình nghiên cứu) -Khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN -

NXB Giáo dục.

5. Trần Hòa Bình (1998), Lời bình về truyện ngắn Mo Chư, Tuyển tập Văn học Dân tộc & Miền núi số 6, NXB Giáo dục, 1998.

6. Nông Quốc Chấn (1995), Văn học thiểu số Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc. 7. Nông Quốc Chấn chủ biên (2007), Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi (2

tập), NXB Giáo dục.

8. Trần Trí Dõi, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

9. Nguyễn Anh Đào (2007), Chàng trai HMông xứ sở Mường Tiên Mã A Lềnh tuyển tập, NXB Đại học Thái Nguyên 2016.

10.Nguyễn Đăng Điệp, Truyện ngắn con cáo, (Mã A Lềnh tuyển tập), NXB Đại học Thái Nguyên.

11.Nam Giang (2016), Mã A Lềnh - người bỏ bùa mê vào trang viết, Mã A Lềnh tuyển tập, NXB Đại học Thái Nguyên.

12. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục

13. Cao Thị Hảo (2011), “Bước đầu phác thảo diện mạo văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10.

14. Cao Thị Hảo (2014), Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn”,

15. Cao Thị Hảo (2016), “Diện mạo văn học thiếu dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7.

16. Cao Thị Thu Hoài (2013), “Nửa thế kỉ phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam (Từ 1960 đến nay)”, Tạp chí khoa học công nghệ, số 80.

17. Cao Thị Thu Hoài, Bức tranh thiên nhiên màu vẻ trong văn xuôi các dân tộc thiểu số, http://vanhien.vn

18. Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ, Ngữ Văn nâng cao 12, NXB Giáo dục,

19.Vi Hoàng (1985), Mùa xuân đọc sách, Văn nghệ Hoàng Liên Sơn số xuân Ất Sửu. 20. Hội văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007), Văn học nghệ thuật các

dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, NXB Văn hóa dân tộc.

21. Mã A Lềnh (1996), Chuyện bây giờ mới kể (tuyển tập truyện ngắn), NXB Văn hóa dân tộc.

22. Mã A Lềnh (1996), Dấu chân trên đường, NXB Kim Đồng.

23. Mã A Lềnh (1997), Rừng xanh,(tuyển tập truyện ngắn), NXB Văn hóa dân tộc. 24. Mã A Lềnh (1999), Người từ trên trời xuống, NXB Kim Đồng.

25. Mã A Lềnh (2000), Thằng bé củ mài, NXB Kim Đồng.

26. Mã A Lềnh (2003), Chuyện xưa ở Mường Tiên (tập truyện song ngữ), Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai.

27. Mã A Lềnh (2008), Làng mình (tập truyện song ngữ) NXB Kim Đồng. 28. Mã A Lềnh (2010), Chuyện con suối Mường Tiên NXB Kim Đồng. 29. Mã A Lềnh (2014), Truyện cổ HMông, NXB Kim Đồng.

30. Mã A Lềnh - Từ Ngọc Vụ (2014), Tiếp cận văn hóa HMông, NXB Văn hóa dân tộc.

31. Mã A Lềnh (2015), Dòng suối dân ca(Truyện ngắn chọn lọc),NXB Hội nhà văn. 32. Mã A Lềnh (2015), Tình ca đá núi, NXB Hội nhà văn.

33.M.Bakhtin (1993), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.

34. Hải Minh, Nhà văn Mã A Lềnh: Người viết lời tiên tri số mệnh của một dân tộc, http:// phaply.net.

35. Đào Thủy Nguyên (2010), Cội nguồn văn hóa dân tộc trong truyện ngắn Cao Duy Sơn, Nghiên cứu văn học số 6, http://vienvanhoc.vass.gov.vn.

36. Đào Thủy Nguyên - Dương Thu Hằng (2015), Bản sắc dân tộc trong văn xuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 95 - 105)