Giọng hồn nhiên, trong trẻo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 88 - 92)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Giọng hồn nhiên, trong trẻo

Viết cho thiếu nhi, Mã A Lềnh tự đặt mình vào vị trí của trẻ em để quan sát, cảm nhận đời sống. Vì vậy, giọng điệu chủ đạo trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi là giọng hồn nhiên, trong trẻo. Giọng điệu này thể hiện cái nhìn trìu mến, yêu quý của nhà văn dành cho thiếu nhi Mông - những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nhưng có ý chí và mơ ước đẹp.Trong truyện ngắn của Mã A Lềnh nhiều tác phẩm viết cho lứa tuổi măng non.

Bằng giọng văn trong sáng và hồn nhiên như chính cách nghĩ, cách nói của trẻ thơ, nhà văn Mã A Lềnh đã kể lại bao tâm tình buồn vui của những đứa trẻ. Đó là những lời vừa hồn nhiên vừa sâu sắc của cậu bé củ mài nói với mẹ: “Con không chịu! Đi đâu thì cả bốn người cùng đi! Mọi khi đi làm nương, cả nhà vẫn cùng đi! Đến nương, bố dựng lều, mẹ nhóm lửa. Bố mẹ cuốc rẫy, con chơi với em! Nhà mình không xa được nhau đâu, mẹ ạ!” [56, tr308]. Qua hồi tưởng ngắn, cậu bé vẽ ra hình ảnh gia đình cùng đi nương với niềm tin rằng: không có gì chia cắt được các thành viên trong gia đình. Những lời nói ấy còn hé lộ sự thơ ngây của cậu bé khi chưa hiểu được bệnh tình của người mẹ và sự ly biệt sắp xảy đến.

Ấn tượng về những lần được đi thăm bà ngoại của cậu bé Mê Tu được kể thật tỉ mỉ với giọng tươi vui, náo nức: “Cất bước ra khỏi nhà, thế nào Mê Tu cũng dành đi trước. Nhưng chỉ đi một đoạn, đôi chân ngắn tũn của Mê Tu đã mỏi. Thấy Mê Tu đi chậm lại, là bố lại chìa cái lưng bè lấm láp mồ hôi ra cho Mê Tu leo lên. (…). Từ con suối, leo một hồi mướt mồ hôi lên đến sống núi là đã nhìn thấy nhà bà ngoại lợp gỗ thông đen sì như tảng đá mãi tít phía chân rừng. (…). Trông thấy nhà bà rồi, nhưng phải đi một hồi lẩu lầu lâu mới tới” [56, tr88]. Trong cảm nhận hồn nhiên của Mê Tu, đường tới nhà bà ngoại rất xa. Bởi xa nên chỉ đi được một đoạn mà đôi chân của em đã thấy mỏi và phải nhờ đến sự trợ giúp của bố. Cũng vì xa nên dù cho đã trông thấy ngôi nhà của bà nhưng vẫn phải đi một hồi nữa mới

tới. Cụm từ “lẩu lầu lâu” diễn tả cách ước lượng khoảng cách theo kiểu nhận định của trẻ con.

Tình cảm thân quí của Thạch Mã dành cho con ngựa Mun được thể hiện qua những đối thoại trong tưởng tượng: “Gía như tao được chăn dắt mày hàng ngày, hàng giờ, mày sẽ trở nên thơm tho, tuấn tú chứ không thể bê bết cứt đái, rỉ mắt nhoèn cứt chim thế này đâu!” [56, tr333] và qua nỗi nhớ cùng ao ước khi đi học xa nhà: “Ở trường, tôi nhớ nhà thì ít, nhớ con Mun thì nhiều. Tôi ước ao cháy bỏng làm sao có được nó. Học xong, về làm một chiến sĩ an ninh sống tại làng bản, có con Mun làm bạn, công việc của tôi sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn” [56, tr335]. Ý niệm so sánh: nhớ Mun nhiều hơn nhớ gia đình cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của ngựa Mun đối với Thạch Mã. Em không coi Mun như là một vật nuôi đơn thuần mà xem nó như một người bạn đồng hành. Cũng bởi yêu quý và coi Mun như “ruột thịt” mà Thạch Mã rất hiểu Mun. Em cảm nhận được “tiếng lòng” của Mun qua từng biểu hiện nhỏ nhất: “Đến địa phận đất nhà tôi, bỗng dưng nó cất tiếng hí vang trời” [56, tr339]. Đối với Thạch Mã, thanh âm ấy biểu lộ niềm vui sướng khi Mun gặp lại được “cố nhân” và biết rằng từ đây nó được tự do.

Nếu Thạch Mã thấy nhớ ngựa Mun nhiều hơn nhớ gia đình thì nỗi nhớ chị Ư Ju khiến cô bé Oa Ly thấy trong lòng “như có lửa đốt”. Nỗi nhớ ấy còn hiện hữu qua một loạt câu hỏi tự vấn của Oa Ly về sự vắng mặt của mình: “… bây giờ ai làm bạn với chị? Ai xay ngô giã gạo cùng chị? Chị bắt châu chấu cho ai ăn?” [56, tr255]. Những băn khoăn trong lòng của Oa Ly cho thấy tình cảm sâu sắc của cô bé dành cho người chị họ nhân hậu. Đồng thời, nó cũng hé lộ lối suy nghĩ, tư duy hồn nhiên và đáng yêu của lứa tuổi.

Bên cạnh niềm vui, nỗi buồn đau của những đứa trẻ cũng được nhà văn khắc tả rất chân thực. Nỗi đau mất mẹ của cậu bé củ mài được diễn tả qua giấc chiêm bao lạ lùng: “Nó mơ thấy mẹ trưng diện bộ quần áo thật mới, thật đẹp. Mẹ hôn lên trán nó, rồi địu em lên lưng đi ra khỏi nhà. Nó gọi mà mẹ chẳng đáp. (…). Nó gào lên, tiếng khóc gào của nó không thoát ra được. Đến lúc mẹ khuất hẳn sang phía núi bên kia, tiếng khóc gào của nó mới vỡ ra. Nó bần thần ngồi dậy, trên mặt còn đang đầm đìa nước mắt” [56, tr311]. Thay vì cái chết được miêu tả trực tiếp sẽ tạo

nên “chấn thương” tâm lý. Nhà văn đã để nhân vật mơ một giấc mơ về sự đi xa của người mẹ. Ở đó, có cử chỉ tiễn biệt yêu dấu, rồi mới đến tiếng khóc nghẹn ứ trong cổ họng không thoát ra được. Cảm giác “bần thần”, ý niệm “hiểu ra tất cả” và hành động “đổ vật xuống” đã tái hiện tinh tế từng giai đoạn của nỗi đau: từ mơ hồ thảng thốt đến đau đớn hiện hữu như có thể chạm vào. Nỗi đau ấy, vừa chất chứa sự hồn nhiên của lứa tuổi, vừa có sự sâu thẳm của tình yêu thương.

Nỗi mất mát khi em trai Hồ Mã qua đời trong cảm nhận của nhân vật Sơn Mã: “Sau khi đưa em Hồ Mã ra nằm bìa rừng, cả nhà như vừa đánh mất một vật gia bảo. Thỉnh thoảng bố lại tần ngần ra đứng ngoài sân nhìn xa xăm xuống phía thung lũng có nấm mồ của em. Đang ăn, bác gái thẫn thờ buông bát, miệng quên nhai, nâng tà áo lên lau giọt nước mắt” [26, tr34]. Tuy còn nhỏ, chưa có cái nhìn thấu suốt về sự sống và cái chết nhưng Sơn Mã cũng phần nào hiểu được khoảng trống mà nó gây ra. Cả gia đình Sơn Mã chìm ngập trong đau thương. Mỗi người có một vẻ buồn đau riêng: dáng điệu tần ngần cùng ánh nhìn xa xăm của người cha, vẻ thẫn thờ cùng những giọt nước mắt ứa ra bất chợt của người bác. Tất cả những biểu cảm đó được soi chiếu qua cái nhìn hồn nhiên của Sơn Mã.

Tái hiện thế giới nội tâm của những đứa trẻ, Mã A Lềnh hoàn toàn từ bỏ nhãn quan của người lớn. Ngược dòng thời gian về với tuổi thơ, nhà văn đã lấy tâm tình của bản thân để làm chất liệu cảm xúc cho những câu chuyện viết ở hiện tại. Tác giả kể lại sự xúc động của cậu bé Jùa trước cử chỉ quan tâm ăn cần của Vênh: “Chao ôi! Lần đầu tiên xa nhà, tới một nơi lạ lẫm, tôi thật sung sướng khi có người ruột thịt bên cạnh. Người ta lúc ốm đau, mới thấy thèm tình yêu thương của người ruột thịt, người thân” [25, tr55 - 56]. Sự thấm thía về giá trị của tình thân giữa nơi xa lạ được diễn tả qua từ “sung sướng”, cụm từ gợi cảnh huống “lúc ốm đau” cho thấy sự am tường tâm lý trẻ thơ của Mã A Lềnh. Phải chăng thời đi học, ông đã từng nhận được sự quan tâm ân cần ấy và rồi tái hiện nó trong những trang văn.

Mã A Lềnh ngợi ca tấm lòng nhân hậu của những đứa trẻ bằng lối viết giàu cảm xúc. Đó là sự đồng cảm hồn nhiên thể hiện qua câu nói của Thồng - sau hành động bế con gấu con và bị gấu mẹ vồ khiến mình mẩy đầy thương tích: “Nó rét run lên, em tưởng nó mồ côi!- Nó nói giọng xa xôi” [31, tr314]. Sự trăn trở, lo

lắng của cậu bé Mê Tu nếu phải nghỉ học khi buổi sáng ấy lũ về: “Mưa như trút nước đã mấy ngày đêm. Sáng sớm hôm ấy, mưa vẫn không ngớt. Gay go thật! Đường đi học còn phải qua con suối dưới thung lũng nữa. Nếu bỏ học thì mình sẽ không theo kịp các bạn. Làm thế nào bây giờ ” [56, tr29]. Cụm từ “gay go thật”

cộng với câu hỏi: “làm thế nào bây giờ?” phản ánh nét bối rối thật hồn nhiên của những đứa trẻ ham học”.

Từ cái nhìn bên trong, nhà văn không chỉ tái hiện những cảm xúc hồn nhiên thơ ngây mà còn cho thấy những suy nghĩ, đánh giá sâu sắc của những đứa trẻ vùng cao. Ví như, sự hiểu biết về thời tiết và đặc tính của những chú trâu được kể qua suy nghĩ: “… trâu vùng cao chúng tôi lanh lợi, tinh khôn hơn trâu vùng lũ, vùng xuôi. Khi gió bấc sắp tràn về, chúng tự biết chui vào hang khe hoặc đi xuống chân núi. Nếu sắp có băng tuyết, chúng sẽ về tụ tập quanh nhà tìm hơi ấm”

[56, tr160-161]. Hay tập tính, đặc điểm khác biệt của bọ sừng được giới thiệu qua lời của những đứa trẻ: “Thông thường, bọ sừng sống thành đàn… Con bọ sừng trông giống hệt con bọ hung. Nhưng con đực thì có sừng, con cái thì đầu trơn, mình đen bóng và to hơn con bọ hung… trẻ con người HMông gọi bọ sừng là trâu” [22, tr21]. Trận đấu giữa hai con bọ sừng qua cái nhìn của đám trẻ con, chẳng khác nào một cuộc thư hùng: “Trống đất nổi lên vang động cả một vùng làm rung cả mặt đất. Hai cái sừng ngoắc vào nhau, va nhau, phát thành tiếng kích cách. Bỗng nhiên, con trâu mộng lừa được con trâu măng hất con trâu măng lên. […] Vừa lúc con trâu mộng đang chúc sừng xuống, chuẩn bị cho cuộc tấn công mới, thì không hiểu sao, một tiếng “cắc” phát ra lạnh tanh. Chỉ trong chốc mắt, chiếc sừng nhọn của con trâu măng đã cắm ngập một nửa vào tấm trán cứng như sắt của con trâu mộng” [22, tr22 - 23]. Những dòng văn như mở ra trước mắt người đọc thước phim cận cảnh đầy kì thú. Từng câu chữ gợi lên không khí căng thẳng, khẩn trương và quyết liệt trong cuộc đua tài giữa “trâu mộng” và “trâu măng”. Phía sau trò chơi dân dã và quen thuộc ấy cho thấy một nét độc đáo trong sinh hoạt đời thường của trẻ em vùng cao. Chẳng có những đồ chơi hiện đại đắt tiền, chúng biết tự tạo ra trò chơi và niềm vui cho mình cùng bạn bè.

Sự cảm nhận hồn nhiên của những đứa trẻ về hương vị của những món ăn cũng được nhà văn miêu tả bằng giọng văn trong sáng, háo hức. Mê Tu lần đầu

tiên được đi chợ tỉnh với bố, đã nhớ mãi hương vị “Canh miến ngọt đến tận ruột gan” [56, tr126]. Tới thăm nhà bà ngoại, Mê Tu được nhường cho bao thức ăn ngon. Nào là “cái còng gà to, vàng đuộm như quả chuối hột chín”, nào những quả chuối hột chín đen “thơm lừng” và “ngọt như là mật ong”. Đối với đám trẻ, thứ quả dại mọc trong rừng có một hương vị thật hấp dẫn: “Những quả ngõa to tròn như núm vú trâu chin đỏ chi chít lan theo rễ cây, vị ngọt và thơm lừng” [56, tr117]. Ngoài cảm nhận về hương vị ngọt ngào của những thức ăn; đôi khi chúng cũng trầm ngâm trước cảnh mất mùa đói kém: những cây ớt “Chỉ thu được chút ít quả cong queo, teo tóp, chẳng cay tí nào” [56, tr131]. Các từ “cong queo”, “teo tóp” cùng nhận định “chẳng cay tí nào” vừa hé lộ sự hồn nhiên vừa có cái gì đó xa xót trong cảm nhận.

Ngoài ra, nhà văn còn tái hiện một số suy nghĩ có phần “già dặn” trước tuổi của những đứa trẻ. Đó là sự biết ơn, thấu hiểu tình mẹ cậu con trai khi “Chợt nhận ra rằng suốt đêm qua mẹ đã thao thức bên ngọn đèn dầu khâu cho tôi chiếc áo mới này” [56, tr159]. Đó còn là tình thương bố của cậu bé Mê Tu: “Lần đầu tiên Mê Tu thấy thương bố vô cùng, thương đau hết trong lòng” [56, tr78]. Cụm từ “thương đau hết trong lòng” gần với thành ngữ “thương đứt ruột” đánh dấu một bước trưởng thành trong nhận thức và tình cảm của cậu bé Mê Tu. Không chỉ cảm nhận sâu sắc về tình thân, Mê Tu còn nhận ra thứ mùi riêng của quê hương xứ sở kết đọng ở hương màng, hương đỗ tương hăng hắc theo vào cả giấc ngủ.

Có thể nói giọng hồn nhiên và trong trẻo là giọng chủ đạo xuyên suốt trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Mã A Lềnh. Nó cũng là biểu hiện sinh động của cảm hứng trữ tình. Sử dụng giọng điệu này, nhà văn đã tái hiện được khá trọn vẹn thế giới nội tâm trong sáng của trẻ em vùng cao. Những đứa trẻ sớm lam lũ và chịu nhiều thua thiệt nhưng vẫn vui tươi rạng rỡ như những đóa hoa rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 88 - 92)