Những lễ hội mang đậm bản sắc Mông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 67 - 72)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Những lễ hội mang đậm bản sắc Mông

Bên cạnh phong tục, những lễ hội độc đáo cũng góp phần làm nên nét đặc sắc riêng của một dân tộc. Giống như đa số các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S, lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của người Mông chính là ngày Tết. Trước đây, nhà văn miền xuôi Tô Hoài đã từng tái hiện phần nào quang cảnh ngày Tết của người Mông bằng những nét vẽ đẹp lãng mạn: “Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên các mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. (…) Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. (…) Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy…” [18, tr7]. Nhưng phải đến những trang văn của Mã A Lềnh, không khí rộn ràng, đầm ấm trong ngày Tết của người Mông mới được tái hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.

Truyện Bánh giày ngày Tết trong tập Làng mình như một trang nhật ký ghi lại những ấn tượng đẹp của cậu bé Mê Tu về ngày Tết. Đầu tiên, Mê Tu bị đánh thức bởi tiếng khèn réo rắt của một anh khách. Tiếng khèn như thay cho lời chào hay còn ẩn chứa một điều gì trong đó khiến cho cậu thiếu niên ấy ngẩn ngơ mãi. Thức dậy rồi, Mê Tu lặng lẽ quan sát mọi người chuẩn bị đón Tết thật tất bật, rộn

ràng. Công việc thứ nhất là giã gạo nếp rồi nặn bánh giày. Những chiếc bánh với đủ kích cỡ từ to tới nhỏ đều mang trong nó ý nghĩa riêng. Chiếc to bằng cái sàng thì tượng trưng mặt đất phì nhiêu và bầu trời bao la. Chiếc to bằng cái đĩa tượng trưng cho mảnh đất quê hương, cho nền nhà. Cuối cùng mới là những chiếc bánh nhỏ bằng miệng bát để ăn và làm quà tặng Tết. Xong việc làm bánh thì đến mổ lợn, rồi tới dọn dẹp trang trí lại bàn thờ. Tất cả những công cụ lao động được đem lại sắp xếp gần bàn thờ. Những tờ giấy ghi ơn được dán lên khắp nơi, kể cả nơi chuồng gia súc, gia cầm… Vật nuôi được uống nước bánh giày pha thêm chút muối. Mê Tu cùng người nhà sửa soạn mọi việt theo trình tự bởi cậu biết rằng: “Tất cả đều thân thiết, tất cả hòa thành một đại gia đình sung túc. Tất cả đều có hồn thiêng. (…) Mấy ngày Tết, tất cả đều được nghỉ ngơi, kể cả đất đai, ruộng nương, để rồi lại tất bật với mùa vụ bội thu” [56, tr49]. Suy nghĩ của Mê Tu đã gián tiếp nói thay những ý niệm tốt đẹp của người Mông về ngày Tết. Họ không chỉ sửa soạn để đón Tết cùng những người thân, hàng xóm trong bản làng mà còn muốn chia niềm vui ấy cho những đồ vật, vật nuôi gắn bó thường ngày. Năm hết, Tết đến cũng là dịp để họ bỏ qua những cái cũ, hướng về tương lai phía trước. Điều đó được thể hiện qua hành động quét bồ hóng của người phụ nữ miền núi. Vừa quét, họ vừa lầm rầm khấn những câu khấn ngắn gọn, thể hiện mong ước một cuộc sống bình an và sung túc: “Năm cũ qua đi, năm mới đến, tôi đổ rác rưởi về hướng mặt trời lặn để các thánh thần mang cái ốm, cái đau đi cùng, mang theo cả những lời xấu, đem lại cho cả gia đình tôi, cả làng xóm một năm mới hạnh phúc mạnh khỏe, ăn nên làm ra, ngô thóc đầy bồ, lợn gà đầy chuồng cùng tiếng thơm lời hay với một cuộc sống thanh bình yên ả, lên dốc có lòng, xuống dốc có sức…” [56, tr49]. Sau công việc quét dọn, trang trí nhà cửa; Mê Tu thấy người lớn trong nhà bày mâm cỗ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Nhìn mâm cỗ cúng mà Mê Tu hiểu hết ý nghĩa truyền thống qua mẹt bánh ba tầng: tượng trưng cho vũ trụ, đất nước; loài người và muông thú, cây cỏ. Rồi bữa cơm tất niên diễn ra thật tươi vui, đầm ấm với đầy đủ các thành viên trong gia đình, những người trong xóm và cả khách xa: “mọi người ăn thỏa thích, no nê”. Vui nhất là Mê Tu đã được diện quần áo mới: “Mặc cả chiếc áo khoác bóng mới óng ánh như mặt nước soi dưới ánh trăng, đầu cuốn khăn mới bện tấm điều thành múi hình quả trám” [56, tr50]. Đêm giao thừa là khoảng thời gian lắng đọng trong tâm tưởng cha con Mê Tu khi nghĩ

về người mẹ đã khuất. Người cha thủ thỉ tâm tình và chuẩn bị cho Mê Tu cây khèn để đi chơi hội gầu tào. Câu chuyện khép lại ở mơ ước trong sáng của Mê Tu về một năm mới tốt đẹp và ấm no.

Ngày Tết truyền thống là lễ hội kéo dài và lớn nhất trong năm thì lễ mừng cơm mới vào tháng chín âm lịch có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Mông. Vào mùa cốm, nhà nào cũng đầy ắp “Những nong cốm xanh tươi, óng ánh như muôn ngàn vì sao” [56, tr265]. Ngay trong mùa cốm, người Mông cũng tổ chức luôn lễ ăn cơm mới. Công việc chuẩn bị tuy không cầu kì nhưng lại chu đáo với những sản vật mà họ có: “Có nhà mổ vịt béo, có nhà mổ gà sống thiến, có nhà có thể mổ cả con lợn mời bà con xóm làng đến ăn; nhà nào càng đông khách thì càng tốt phúc” [56, tr266]. Vào ngày chính lễ, “Gia chủ bày một mâm cỗ thật thịnh soạn để cúng ông bà tiên tổ và Sí Zi, tức là ông thần nông. Sau lễ khấn cầu trong nhà, gia chủ lại ra ngoài hè khấn cầu thần linh ma quỷ và hương hồn những kẻ xấu số… cầu mong các thế lực siêu nhiên cho được mưa thuận gió hòa, độ trì cho cuộc sống bằng an để nhà nông tiếp tục ăn nên làm ra, người người khỏe mạnh, con đàn cháu đống, chăn nuôi phát đạt” [56, tr266]. Bình dị mà độc đáo, lễ mừng cơm mới thể hiện một phần quan niệm tâm linh và tinh thần cộng đồng của người Mông. Họ vừa dâng lên những sản vật ngon nhất để thể hiện lòng biết ơn và cảm tạ với thần linh. Đồng thời, họ gửi vào đó niềm hy vọng về một cuộc sống no ấm và yên bình. Họ cũng không quên chia sẻ với nhau thức quà ngon đầu mùa: “Sau bữa cơm mới, bà chủ trong nhà chia cho mỗi người một gói cốm gói trong tấm lá dong tươi” [56, tr266]. Gói cốm nhỏ “ngạt ngào hương vị đồng quê, ngan ngát hương thơm nắng gió” không chỉ là món quà của tấm lòng thảo thơm mà còn như lời nhắn nhủ: hãy gìn giữ những nét đẹp truyền thống. Để “Cái không khí ngây ngất của những ngày lễ hội cơm mới ở làng quê trong trẻo mà đầm ấm” [56, tr266] còn mãi.

Nếu Tết của cộng đồng người Mông là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi thì hội giuốc cá ở Mường Tiên với quy mô nhỏ hơn lại thể hiện tinh thần lao động của con người nơi đây. Hội bắt đầu vào thời điểm những ruộng lúa đã lên xanh ngậm đòng, trước khi vào mùa thu ngô: “Đúng ngày hẹn, người lớn, trẻ con cả làng đổ ra khúc suối đã định, mỗi người ôm một bó dây hoặc cỏ giuốc cá, tay cầm vợt, giỏ

đến. (…) Chủ hội hô một tiếng: Đập! Những tiếng đập thuốc giuốc chan chát, lộp cộp vang âm một khúc suối dài. Người thì dùng chày gỗ, người thì dùng đá đập những chuỗi dây, những bó cỏ cho giập nát, vừa đập vừa nhúng xuống nước cho đến khi mặt suối sủi ngầu bọt trắng là nước đã nhiễm độc. Lúc đó ai nấy thi nhau nhào xuống nước bắt cá” [56, tr623]. Quả là một cảnh tượng náo nhiệt. Cá suối nhiều lắm, từ cá trắng, cá hoa, đến cá anh vũ, cá bám đá… Không riêng gì người lớn mà đám trẻ con cũng rất thích thú, tranh nhau bắt cá. Giữa những khoảng nghỉ, chúng trò chuyện và tưởng tượng gặp được nàng tiên cá ở xứ sở xa xôi nào đó. Khác với việc ra khơi đánh cá của những ngư dân miền biển hay hoạt động tát cá trong ao của người dân đồng bằng, hội giuốc cá ở Mường Tiên có nét thú vị riêng. Nó vừa thể hiện tinh thần tập thể, vừa thể hiện sự ganh đua. Đồng thời, những đứa trẻ tham gia hội giuốc cá một lần nữa lại được sống trong những phút giây tưởng tượng bay bổng. Chừng nào những con suối vẫn còn trong lành để cho các loài cá sinh sôi nảy nở thì vẫn còn mãi hội giuốc cá.

Ngoài hai lễ hội nói trên, trong suốt mười hai tháng thỉnh thoảng người Mông lại ăn Tết theo những tên gọi khác nhau. Những cái tết ấy để “cúng gọi hồn làng”, lâu dần trở thành tục lệ: “Tết Nguyên Đán thì có Tết Bố ngày ba mươi, Tết Mẹ ngày rằm tháng giêng. Đến ngày rồng tháng ba thì Nào Lồng - ăn ước cúng thần rừng, thần núi cầu mong mưa thuận gió hòa, giữ rừng tươi tốt để điều hòa nguồn nước. Đến khi lúa lên xanh, sắp trổ bông thì có Tết Cầu Mùa. Rồi thì Tết Thịt Vịt, Tết Cốm Mới, Tết Cơm Mới…” [56, tr137]. Vì người Mông canh tác dựa vào sự thuận hòa của thời tiết nên họ tôn thờ thần Nông. Vào mỗi giai đoạn của mùa màng, họ đều tổ chức những lễ hội để cầu mong được phù trợ: “Khởi đầu là Tết nguyên đán có lễ đón nước mới và thả muối vào miệng nước đùn, đến lễ Nào Sồng - lễ cúng rừng cây, rồi khi lúa bén rễ thì có lễ cúng thần ngũ cốc” [56, tr495]. Thêm vào đó, còn có các lễ hội như Tu Su, Gầu Tào… Lễ hội nào cũng có phần lễ trang trọng và phần hội tưng bừng với hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian. Chọn và kể tỉ mỉ những lễ hội đặc trưng nhất cho dân tộc và bản làng mình, Mã A Lềnh chứng tỏ sự quan sát tinh tế và am hiểu sâu sắc. Qua từng chi tiết về phong tục tập quán người đọc càng thấy rõ phong vị Mông đậm đà.

Tiểu kết chương 2

Đến với một vùng đất, ấn tượng ban đầu là cảnh quan và con người. Ngòi bút Mã A Lềnh thật tỉ mỉ và tinh tế khi khắc họa trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và con người vùng cao một cách chân thực nhất. Với số lượng tác phẩm khoảng 80 truyện ngắn(Mã A Lềnh tuyển tập – NXB Đại học Thái Nguyên) Nhưng để nhớ về một vùng đất thì ngoài những ấn tượng phải là vẻ đẹp văn hóa riêng. Những trang văn của Mã A Lềnh không chỉ để người đọc nhớ mà còn yêu mảnh đất vùng cao bởi dấu ấn văn hóa khi bảng lảng khi đậm đà trong từng nếp phong tục sinh hoạt và lễ hội.

Chương 3

MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG TRUYỆN NGẮN MÃ A LỀNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)