Con người miền núi chất phác, chăm chỉ, khéo léo, nhân hậu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 51 - 61)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Con người miền núi chất phác, chăm chỉ, khéo léo, nhân hậu

Giữa thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, cuộc sống của những con người vùng cao thật bình dị. Tuy sự đói nghèo vẫn thường hiện diện trong mỗi nếp nhà nhưng họ luôn sống một cách chân thành, lạc quan, giàu nghĩa tình với nhau.

Sự chân chất, mộc mạc từ ngoại hình tới hành động là điểm nổi bật đầu tiên của những con người vùng cao trong truyện ngắn Mã A Lềnh. Tên gọi của họ nghe giản dị như cỏ cây, núi đá và những đồ vật thân thuộc. Những đứa trẻ như Mê Tu, Páo Tủa, Giê, Vênh, Mềnh, Oa Ly, Chờ, Tủa, Sùng vừa hồn nhiên vừa đáng yêu. Ngoài tên gọi chính thức, chúng còn bị đặt biệt danh ngộ nghĩnh theo thói tật hoặc một sự kiện nào đó. Ví dụ: “Tiến chư zì” (Tiến khai), “Lồ bẹt đầu”, “Phái thọt chân”, “Vênh đầu đất” (vì học dốt), “Thồng gấu vồ”, “thằng bé củ mài”…

Cuộc sống thường ngày của người Mông là chuỗi công việc nối tiếp nhau: làm nương, trông nương, thu hoạch mùa màng, tước màng, dệt vải, chài cá, kiếm củi, đi chợ… đã được ngòi bút Mã A Lềnh tái hiện thật sinh động. Ở đó có biết bao người phụ nữ siêng năng, đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu tình cảm. Đó

là người mẹ đã thức suốt đêm bên ngọn đèn dầu khâu cho đứa con trai chiếc áo mới rồi “ăn vội bát cơm ngô” để chuẩn bị đi nương lúc “trời còn mù sương” trong truyện Mẹ tôi. Hình ảnh người mẹ rất mực sâu sắc trong tâm trí của cậu bé củ mài dặn dò con trai bằng những lời gan ruột từ đáy lòng: “Lừa dối, ăn cắp, kiêu căng, nói điêu… là những thói xấu nhất trên đời, nó là căn nguyên của mọi thói xấu khác…” [56, tr307]. Người mẹ dịu hiền, hết mực yêu chiều làm những chiếc bánh pa đủ mọi hình thù cho cậu bé Mê Tu trong truyện Bánh xèo, bánh pa.

Bên cạnh bóng dáng thân thương của người mẹ là hình ảnh người bác gái và chị gái chịu thương chịu khó, tháo vát đảm đang. Trong truyện Bánh giày ngày Tết, họ cùng thức tới khuya để hoàn thành chiếc áo cho cậu bé Mê Tu diện Tết. Rồi sớm tinh mơ, họ lại tất bật chuẩn bị cho Tết với đủ mọi công việc: nặn bánh giày, chăm đàn gia súc, dọn nhà, chuẩn bị cỗ bàn..v.v. Đến mùa tước màng, những đôi tay ấy lại khéo léo “làm việc bằng những đôi cánh tay như múa. Việc tước màng đã khiến cho những đôi tay uyển chuyển trong từng thao tác: “Mỗi cây màng được ước lượng khoảng cách, rồi chia đều sợi, luồn ngón trỏ vào, tuốt xuôi, sao cho sợi màng chạy đúng trên móng tay, nếu trật, là sợi màng có thể sẽ làm đứt thịt da ngón tay. Tuốt xuôi xong mới tuốt ngược. Những sợi màng được nắm thành từng đon trông tựa như búp bê mặc váy” [56, tr107]. Những đon màng đẹp như thứ đồ chơi dễ thương của trẻ con là bằng chứng sinh động cho thấy sự siêng năng và tài hoa của những người phụ nữ Mông. Cũng bằng sự nhẫn nại và đôi tay khéo léo, họ vẽ một phần hình ảnh quê hương lên trang phục của mình: “Chốc chốc, bà Xông lại nhúng cây bút vẽ vào chảo sáp ong đang nóng chảy trên mấy hòn than đỏ, rồi cắm cúi vẽ lên vải với đôi tay thuần thục và chuẩn xác từng nét nhỏ nhất, khó nhất. […] Ô này, đây là dòng sông trên, đây là dòng sông giữa và đây là dòng sông dưới. Giữa những con sông là núi non, cây cỏ rừng rực. Tấm váy người phụ nữ bao giờ cũng ẩn hiện những dòng sông..” [56, tr208]. Có thể thấy trên mỗi bộ trang phục của phụ nữ Mông là hình ảnh thu nhỏ của quê hương với những cảnh sắc đã được cách điệu một cách tinh tế. Họ yêu quê hương và luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua từng cử chỉ, việc làm.

Sinh ra và trưởng thành trên xứ sở của đá, những con người nơi đây cần cù, nhẫn nại và năng động. Suốt bốn mùa, không khi nào ruộng nương vắng bóng dáng của họ. Chẳng vậy mà, ông Vàng A Sử - một người cha sâu sắc đã dành

những lời gan ruột nhất để dạy bảo cho các con về tinh thần lao động: “Muốn có miếng cơm ăn, tấm áo mặc thì phải ra sức mà làm thôi, các con ạ! Đừng có trông chờ gì hết” [21, tr70]. Hoa màu tươi tốt, đơm hoa kết trái là thành quả của bao mồ hôi công sức họ bỏ ra: “… nương ngô nhà Mê Tu tốt bời bời, […], cao lút đầu người lớn, xanh um cả một khoảng, mỗi cây đeo đến hai, ba bắp. Mỗi khóm ngô còn đeo thêm vài dây đỗ nho nhe. Xen trong những gốc ngô là dưa nương, là bí đỏ” [56, tr40]. Mùa thu hoạch đến, họ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cho kịp mùa vụ: “Khi đồng ruộng chín vàng rực một dải sườn núi thì nhà nhà đổi công nhau gặt, phơi, đập rồi thồ về cất vào bồ trên sàn gác” [56, tr612]. Không chỉ tương trợ nhau trong lao động mưu sinh, người Mông còn rất hào hiệp và nhân hậu. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng trong tính cách của người vùng cao. Tính cách ấy thể hiện trong nhiều việc làm và hành động khác nhau. Ví như hành động hào phóng của một người lạ tặng chiếc áo trấn thủ cho Mê Tu khiến cậu bé vừa sợ vừa mừng. Để rồi nó trở thành món quà ấm áp và ý nghĩa đối với Mê Tu: “Chiếc áo giữ ấm cho Mê Tu qua mấy mùa đông đi tìm lùa trâu” [56, tr37].

Người Mông có cách thể hiện tình cảm chân thành mộc mạc. Giản đơn như những “món quà” nho nhỏ mà chị Ư Giu dành cho Oa Ly: “Đi làm nương, đi làm ruộng về, chị Ư Giu đùm một nắm quả đùm đũm, hoặc quả dâu da đất mang về cho Oa Ly, hoặc khi là một ống châu chấu, ống dế chũi cho Oa Ly nướng” [56, tr253]. Hay cử chỉ nhường cơm của bác gái giữa ngày đói kém: “Đến bữa, mới biết có một phần cơm gạo phải cõng mười phần rau lá ngõa. Tuy thế, trong một góc chõ, vẫn dành chừng lưng bát cơm gạo cho Mê Tu.” [56, tr117]. Quý hơn là mâm cao cỗ đầy trong những dịp lễ Tết, những thức quà giản dị hay phần cơm của người lớn nhường người nhỏ đã cho thấy tấm lòng vị tha, bao dung của người Mông.

Xuất phát từ lòng nhân hậu và thương người mà cha mẹ Trông Sa rước bé Thồng mồ côi về cưu mang và coi như con đẻ. Tuy họ phải chấp nhận đáp ứng điều kiện khá gay gắt mà gia đình chú thím của Thồng đưa ra. Nhưng tình yêu thương đã vượt lên mọi toan tính, thể hiện qua lời đáp của người bố: “Tính nặng nhẹ gì. Đó là một mạng người. Mình có thêm một đứa con trai! Không phải so tính gì nữa!” [31, tr313]. Lời đáp ấy vừa mộc mạc vừa sâu sắc cho thấy lòng trân quý giá trị con người. Cả gia đình Trông Sa đều coi Thồng như một thành viên thân thiết, hết mực chăm sóc và yêu thương Thồng. Lúc Thồng bị thương nặng do

gấu vồ, Trông Sa cõng Thồng về mà nước mắt cứ đầm đìa. Những giọt nước mắt ấy cho thấy tấm lòng nhân hậu thật hồn nhiên của Trông Sa: “Thương nó quá, chả nhẽ tôi lại khóc rống lên cho thỏa” [31, tr314].

Những con người vùng cao trọng nghĩa tình, luôn giúp đỡ nhau trong mọi cảnh huống mà không cần đền ơn. Chuyện bây giờ mới kể tái hiện một sự việc điển hình cho thấy cách ứng xử và tấm chân tình của con người nơi đây. Trong một lần cùng đi rừng lấy củi, Chúng phát hiện ra Xáo bị rắn độc cắn. Chúng không bận tâm việc bị Xáo hiểu lầm mà chỉ lặng lẽ lo trị vết thương cho Xáo: “Nhanh như cắt, Chúng xẻo luôn miếng thịt có vết răng rắn cắn ném đi. (…). Tức thì Chúng bắt ngay một nắm búp lá rừng nhai vội vàng rồi rịt vào vết thương. (…) Chúng không ngần ngại xé cả hai gấu quần của mình nối thành một dải băng…” [56, tr280]. Sau khi băng bó vết thương cho Xáo, Chúng cõng Xáo về nhà. Khi Xáo hiểu ra mọi việc, thấy vô cùng xấu hổ nhưng không biết làm sao để cám ơn Chúng vì Chúng đã đi học ở xa.

Người Mông với tâm hồn trong sáng, mộc mạc không chỉ dành cho nhau sự trìu mến, ân cần mà họ còn dành tình cảm đơn sơ ấy cho những vật quanh mình. Bởi họ quan niệm: những con vật, đồ vật là những người bạn thân thiết. Trong đó, ngựa là vật nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cả đời sống vật chất và tinh thần của người miền núi. Đối với người Mông, ngựa và các sản phẩm từ ngựa rất quý và hữu ích: làm thực phẩm, thuốc bổ, phương tiện vận chuyển. “Đặc biệt, con ngựa đối với người HMông được dùng làm phương tiện trưng diện không thể thiếu trong những dịp lễ hội, giao lưu văn hóa mang tính cộng đồng” [30, tr273]. Trong tất cả các loại gia súc thì ngựa gần gũi với người và được “chiều chuộng” hơn. Thấu hiểu điều đó cùng với việc dành nhiều tâm sức để huấn luyện ngựa Mun nên cậu bé Thạch Mã vô cùng yêu quý nó: “Ở trường, tôi nhớ nhà thì ít, nhớ con Mun thì nhiều. Tôi ước ao cháy bỏng làm sao có được nó. Học xong, về làm một chiến sĩ an ninh sống tại làng bản, có con Mun làm bạn, công việc của tôi sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn” [56, tr335]. Khi biết Mun bị gia đình Sồng đối xử tệ bạc, Thạch Mã vô cùng bất bình mà trách cứ Sồng: “Ngựa là con vật thân thiết với người nhất, hiểu rõ người nhất. Chỉ có thằng người rởm mới đối xử tàn tệ với ngựa như thế?” [56, tr337]. Phía sau lời trách là tình thương dành cho Mun. Tình thương ấy đã trở thành động lực để Thạch Mã đi đến một quyết định bất ngờ: đem

những đồng tiền dành dụm bấy lâu để mua lại con Mun mặc dù nó đang tàn tạ, thoi thóp. Thạch Mã làm đủ mọi cách để cứu sống Mun. Như hiểu được tấm lòng của cậu bé, khi được dắt về tới địa phận đất nhà Thạch Mã, Mun “cất tiếng hí vang trời”. Tiếng hí của con Mun như một lời chào, lời cám ơn và cũng là sự sướng vui vì được tự do. Nếu những đứa trẻ coi những con vật như người bạn thì người già lại xem chúng như đứa cháu nhỏ. Đó là cách bà Xông đối đãi với hai con thú: lợn rừng và đười ươi. Bà cho chúng sưởi ấm và đem những đồ ăn ngon ra chia cho chúng: “Nói rồi bà vào nhà, mang ra một nải chuối hột, quả nào quả nấy to bằng bắp tay trẻ em, chín thâm đen, có quả đã chảy mật thơm lừng. Bà còn lấy thêm một nắm xôi độn hạt đỗ nho nhe to tướng, xẻ ra làm đôi mời hai con thú ăn” [56, tr209]. Không chỉ những người già như bà Xông có tấm lòng nhân hậu và thương yêu muông thú. Ngay những đứa trẻ con Mông từ khi sinh ra đã được định hướng, bồi dưỡng tình yêu đối với thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Đó là lý do vì sao cậu bé củ mài sau khi đào được nhiều củ mài bỏ vào thồ, “Nó không quên cắt khoanh khúc đầu chôn lại vào chỗ cũ” [56, tr314].

Tấm lòng của con người vùng cao còn thể hiện trong phong tục ăn Tết, đón Tết. Sống gần gũi, hòa hợp với tự nhiên nên họ coi tất cả mọi đồ vật và vật nuôi trong nhà “Đều thân thiết, tất cả đều hòa thành một đại gia đình sung túc” [56, tr49]. Từ quan niệm ấy, họ chuẩn bị tươm tất đâu đó để tất cả cùng được “ăn Tết” bình đẳng như con người. Họ thu gom các dụng cụ lao động để vào cạnh bàn thờ rồi “dán ghi ơn cho mỗi thứ một tờ giấy tạ”. Kế tiếp, họ “hòa thêm bánh, nước luộc thịt cùng chút muối mang đổ cho con lợn sề, đàn lợn con, đổ cho con ngựa, đàn trâu” [56, tr49]. Hành động và cách ứng xử ấy của cho thấy nhân sinh quan sâu sắc cùng lối ứng xử tình nghĩa của cộng đồng người Mông: “Tất cả đều có hồn thiêng. Người nuôi nấng chúng, sử dụng sức lực của chúng. Chúng sẽ bù đắp lại công lao cho con người…” [56, tr49]. Đối với người Mông, mùa màng bội thu không chỉ là thành quả của công sức lao động mà còn nhờ vào sự trợ lực của gia súc và phù trợ của thần linh. Vậy nên trong nghi lễ đón năm mới, họ không quên dành sự cảm tạ vừa thiết thực vừa trang trọng đối với tất cả.

nghiệt của địa hình, thời tiết và đói nghèo dường như chỉ là phép thử cho ý chí vươn lên, cho tình yêu thương và tinh thần vì cộng đồng của họ.

2.2.2.Ca ngợi tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và tình yêu tha thiết

Người Mông ngày ngày sống gắn bó với đá: “Đôi chân trần đạp trên đá sắc”,“Còng lưng bới đá gieo hạt ngô” (Đất quê hương - Mã Én Hằng) nhưng tâm hồn của họ không khô cằn. Trái lại, họ sống thật chan hòa và luôn dành cho nhau những tình cảm dung dị, chân thành và đẹp đẽ. Thế giới truyện ngắn Mã A Lềnh đã mở ra bao khúc ca về những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng.

Đó là tình cảm gia đình nồng ấm, sâu nặng giữa các thành viên được kể thật cảm động trong tập truyện Làng mình. Ở truyện Bát canh nhạt buổi đêm, cậu bé Mê Tu không chỉ ngoan ngoãn mà còn rất mực thương bố. Khi lỡ tay đổ hết bát canh cải vào bát mình, cậu bé cảm thấy ân hận: “Mê Tu lấm lét nhìn bố, bất chợt nước mắt trào ra. (…). Lần đầu tiên Mê Tu thấy thương bố vô cùng, thương đau hết trong lòng” [56, tr78]. Tuy Mê Tu còn nhỏ tuổi nhưng rất ý tứ và hiểu chuyện. Thương bố, Mê Tu chỉ biết khóc - những giọt nước mắt thật thà và hồn nhiên. Còn bố Mê Tu, luôn yêu thương cưng chiều và dành cho cậu những gì tốt nhất. Dẫn Mê Tu đi chợ huyện, ông mua cho cậu đồ ăn ngon cùng đôi giày bata màu xanh và dép cao su. Lòng hiếu thảo của cậu bé không chỉ dành cho bố mà còn dành cho người mẹ kính yêu đã khuất. Chi tiết Mê Tu nhặt miếng khoai - từ dây khoai do tay em trồng gói trong lá bí, đem ra bên mộ mẹ: “Mẹ ơi, mẹ chưa kịp ăn khoai của con. Dây khoai lang tím lần đầu tiên con đi chợ tỉnh đây này” [56, tr127]. Trong lòng cậu bé, người mẹ hiền dịu ấy vẫn luôn còn mãi. Để rồi, có bất cứ niềm vui hay nỗi buồn nào thì Mê Tu đều muốn tâm sự với mẹ. Cuộc trò chuyện trong tưởng tượng của Mê Tu với mẹ đã nói lên tấm lòng hiếu thảo và tình yêu thương thắm thiết của em.

Với lối viết giản dị, nhà văn Mã A Lềnh không chỉ khắc họa tình cảm ruột thịt giữa cha mẹ và con cái mà còn kể về mối thân tình giữa các thành viên khác trong một đại gia đình. Họ dành cho nhau những cử chỉ quan tâm như những cái ôm thật chặt, dành cho nhau những thức ngon. Cuộc gặp gỡ giữa Mê Tu và cậu Chu thật cảm động: “Cậu quàng tay ra phía lưng ôm ghì Mê Tu thật chặt. Vào nhà, cậu trịnh trọng moi trong túi thổ cẩm ra một nải chuối hột. (…). Cậu bóc một

sướng nhìn Mê Tu ăn chuối thật ngon lành. Mê Tu bẻ một quả, bóc ra cho cậu, nhưng cậu chỉ nhấm tí chút, rồi bắt Mê Tu ăn hết” [56, tr 90]. Tình thân không chỉ là sự nhường nhịn mà còn là niềm hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người khác.

Khi bên nhau, các thành viên dành cho nhau sự quan tâm ân cần. Với người đã khuất, họ không khỏi lưu luyến tiếc thương. Cái chết của em trai Sơn Mã đã để lại nỗi buồn đau, mất mát lớn cho cả gia đình: “Sau khi đưa em Hồ Mã ra nằm bìa rừng, cả nhà như vừa đánh mất một vật gia bảo” [26, tr34]. Người cha buồn “Tần ngần ra đứng ngoài sân nhìn xa xăm xuống phía thung lũng có nấm mồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 51 - 61)