Cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 42 - 46)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1. Cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi

Cảnh sắc tươi đẹp của quê hương, xứ sở luôn là đề tài sáng tác bất tận cho những trang thơ, áng văn. Thiên nhiên mỗi vùng miền đều có đặc trưng và hồn nét riêng. Nếu không gian miền biển gợi cảm giác mênh mông, khoáng đạt thì không gian thiên nhiên miền núi thường mang vẻ hùng vĩ và bí ẩn. Từng có không ít các nhà văn miền xuôi tái hiện không gian thiên nhiên miền núi như tác phẩm của Tô Hoài, Ma Văn Kháng. Ngoài sự ngỡ ngàng và lạ lẫm trước những miền đất lạ thì dường như các áng văn ấy chưa chuyên chở được trọn vẹn cái hồn cốt riêng của nơi đây. Trong sáng tác của nhiều nhà văn dân tộc thiểu số, những bức tranh thiên nhiên tuy mộc mạc nhưng thật gần gũi. Bởi vì chúng được viết ra những trái tim và đôi mắt đã yêu và thuộc tên từng ngọn núi, từng cái cây hay hòn đá nhỏ ven đường..v.v. Văn thơ nói chung và truyện ngắn của nhà văn Mã A Lềnh nói riêng đã tái hiện phong phú cảnh sắc của thiên nhiên vùng cao, đặc biệt là mảnh đất nơi nhà văn chào đời được ông gọi bằng cái tên thân mật: Làng mình”.

2.1.1. Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp

Vẻ đẹp hùng vĩ là nét đặc trưng nhất của thiên nhiên vùng cao. Ở bút ký, nhà văn Mã A Lềnh đã từng tái hiện những cung đường, dốc cao, vực thẳm trong

Cảnh sắc Mường Hum: “Đi tiếp vòng lượn dốc chín quai Bản Xèo, bỗng dưng

mở ra trước mặt một vùng núi non hùng vĩ làm ta ngỡ ngàng như lạc vào một thế giới huyền thoại kỳ thú. Đứng trên đỉnh dốc cheo leo nhìn xuống vực suối sâu hun hút luôn bị che phủ bởi màn sương trắng tựa như làm khói mỏng lơ là tỏa lên… Từ đây, con đường vắt ngang bên sườn dốc đứng và thoải dần về phía phố núi Mường Hum” [56, tr367 ]. Bên cạnh đó, một loạt bút ký ngay từ nhan đề đã phần nào hé lộ tính chất hùng vĩ, hiểm trở mà tráng lệ của thiên nhiên nơi đây như: Vãn

cảnh Mường Khương, Chênh vênh đất trời Y Tý, Một vòng dốc núi Cư Chang,

Thì thầm tiếng đá Hà Giang..v.v.

Đến truyện ngắn, Mã A Lềnh cũng đem nét đẹp hùng vĩ ấy vào nhiều tác phẩm để khắc sâu thêm ấn tượng về cái cao rộng của vùng đất được xem như là

khoải của một người con xa quê trong Lời cỏ: “Quê tôi có những trái núi dựng đứng và chạy dọc cùng một hướng đông. Quê tôi có hai nguồn suối trong chập lại thành một con suối lớn tung thác trắng (…). Quê tôi có những thảm cỏ tre xanh mướt, thảm cỏ tranh sóng vàng chồng chất lên biết bao kỉ niệm…” [31, tr 6]. Ba câu văn vang vọng đầy tha thiết nhớ nhung. Quê hương với từng nét vẽ tươi đẹp như hiện ra trước mắt. Nơi đó, có cả cái bát ngát xa rộng, cả sự khúc khuỷu hiểm trở lẫn sự mênh mông, êm đềm.

Hơn một lần, ngòi bút Mã A Lềnh miêu tả vẻ trùng điệp hùng vĩ của non nước quê hương: “Làng tôi chênh vênh, vắt vẻo, heo hút trên đỉnh núi. Từ dưới thung lũng có con đường cái ngước lên chỉ thấy toàn mây trắng. Từ trên làng nhìn xuống thung lũng, cũng chỉ toàn mây trắng” [56, tr164]. Các từ láy “chênh vênh”, “heo hút” vừa gợi tả địa thế vừa nói lên cái hoang vu của một vùng đất. Điểm nhìn ngược chiều “ngước lên” và “nhìn xuống” mà chỉ toàn thấy một màu “mây trắng” mở ra nét mênh mang huyền ảo của những ngọn núi cao bốn mùa mây phủ. Hình ảnh này đã in dấu đậm nét trong tâm thức hồn nhiên của những đứa trẻ: “Hiếm khi trời đẹp mây quang để bọn trẻ chăn trâu chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn khắp vùng núi non trùng điệp vươn xa tít tắp” [ 56,164 tt]. Ấn tượng về sự mênh mông thăm thẳm còn được ghi lại qua cái nhìn hút xa: “Những con đường mòn nhỏ xíu như sợi chỉ nối những nếp nhà, những xóm làng với nhau”[ 56,164tt]. Khác với những con đường bằng phẳng, tít tắp và đầy ắp xe cộ nơi phố thị; những con đường ở đây vòng vèo, quanh co: “Con đường mòn rất hẹp, gồ gẫy, đầy những vũng chân trâu, chân ngựa và dốc một cách thất thường nhưng rất đỗi quen thuộc” [31, tr7]. Cái bất thường của con đường đã phần nào nói lên sự hiểm trở của địa thế vùng cao. Bởi khắp nơi là núi, dốc, vực nên những con đường mòn chỉ có được một chiều kích khiêm tốn. Nhưng đó là những con đường của nghĩa tình và hạnh phúc khi nối liền khoảng cách từ nhà này tới nhà kia, bản làng này với bản làng khác.

Nét hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng vùng cao, khi thì được gián tiếp gợi ra qua nhan đề truyện: Bà Xông đi về rặng núi xa mờ phía Tây, núi Cu Sú; khi thì được miêu tả trực tiếp qua những câu văn đẹp. Cảnh sắc ấy, dưới cái nhìn yêu thương của những con người nơi này, chính là một kho báu vô giá: “Theo tay bố chỉ, Páo Tủa thấy những ngọn núi cao chất ngất có những đám mây trắng vờn

quanh, và rừng cây thâm u, và những tràn ruộng bậc thang đang mùa nước loang loáng ánh bạc bao quanh những sườn núi, thảng hoặc đây đó điểm một dòng thác trắng xóa, và làng xóm với những nóc nhà nép trong những khóm mai, rặng sa mu thâm trầm” [56, tr616]. Một bức tranh tuyệt đẹp với những đường nét và màu sắc hài hòa: xa xa những dãy núi nâu xám cùng sắc trắng tinh khôi của mây. Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ tựa những mảnh gương nhỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Màu nâu của những nếp nhà cổ kính, sắc xanh của những cây sa mu. Vẻ đẹp bình dị ấy đã và sẽ mãi mãi để thương gây nhớ cho bao tâm hồn. Bởi nó là sự kết tinh của linh hồn quê hương: “Đó chính là cái khí thiêng của dòng suối trong, của những trái núi cao ngất, của dải mây la đà, của làn gió phóng khoáng, của tràn ruộng bậc thang xếp chồng chồng lớp lớp, của những tảng đá bám lửng lơ chỉ chực đổ lăn, của rừng cây và trảng cỏ gianh vàng mượt mỗi buổi bình minh rọi tới” [27, tr 4].

Trong truyện ngắn Mã A Lềnh, thiên nhiên vùng cao hùng vĩ khắc nghiệt và huyền bí. Sự khắc nghiệt và huyền bí ấy ẩn hiện trong chi tiết cảnh xuất hiện nhiều lần. Đó là hình ảnh con suối, dòng suối: “Con suối nước trong vắt chảy qua ghềnh đá, có đoạn phải nhảy qua thác cao tung bọt trắng xóa như tiếng cười không ngớt của đám bạn trong trường học” [56, tr461]. Và thủy trình của suối là cả một cuộc hành trình thú vị: “Những khe trùng trùng này rỉ rả từ đất núi làng mình, càng dốc xuống càng nhiều nước, rồi đổ vào dòng suối làng mình. Từ đó, con suối chở hương đất và hơi người làng mình ra hòa vào dòng sông Hồng to lớn” [26, tr3]. Ẩn trong lòng suối, còn là bí mật thú vị mà chỉ có những đứa trẻ ngày ngày đắm mình vùng vẫy trong dòng suối mát quê hương mới nhận ra: “… Páo Tủa lặn xuống tận đáy nhặt những hòn sỏi trắng, xanh, đỏ, vàng lóng lánh như những ngôi sao mang về bỏ vào cái máng hứng nước ở nhà” [56, tr461]. Bình thường, suối êm đềm, lãng mạn là vậy, nhưng vào mùa lũ thì vẻ hiền hòa, dịu êm ấy hoàn toàn biến mất: “Trước mặt không còn con suối hiền hòa ngày đêm thầm thì tiếng ca nữa, mà là một con sông khổng lồ cuồn cuộn xiết gào cuốn phăng tất cả mọi thứ trên bờ cản trở đường đi của nó. Đá lở, đất nhào, cây đổ làm cho dòng lũ thêm hung hãn tưởng chừng trời đất lộn bất cứ lúc nào không biết. Cây cầu treo bắc bằng song mây nối đôi bờ vắt vẻo như một dải mây chùng chình những khi có người qua lại đã mất tăm. Trời tối sầm rất nhanh” [56, tr526] và “con lũ đỏ ngầu sôi lên sùng

sục. Bất kể chỗ nào cũng là ghềnh thác. […] Vừa qua khỏi con suối, ngoảnh lại, một đợt nước lớn trào băng băng ngay sau lưng” [56, tr29]. Chỉ bằng một vài chi tiết, Mã A Lềnh đã lột tả được một phần cái dữ dội, hoang dại của thiên nhiên nơi đây. Sự cuồng nộ của nó như phô ra tất cả sức mạnh. Các cụm từ “cuồn cuộn xiết gào”, “hung hãn”, “cuốn phăng”, “sôi lên sùng sục” cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của lũ. Hình ảnh chiếc cầu treo mong manh như chiếc lá bị nhấn chìm dưới dòng nước xiết là một nét vẽ chân thực về hậu quả nhãn tiền khi dòng lũ đi qua. Phía sau nét vẽ chân thực đó, cho thấy sự vất vả, nhẫn nại của con người khi phải đối mặt với thảm họa của thiên nhiên.

Nếu Mã A Lềnh chọn tả hình ảnh dòng suối Mường Tiên thì Cao Duy Sơn lại tái hiện dòng thác Phja Bjoóc để làm nổi bật sự hùng vĩ của thiên nhiên vùng cao. Dòng thác Phja Bjoóc đổ nước trắng xóa, từ độ cao gần sáu mươi sải tay: “Triệu triệu những bụi nước từ dòng thác như tấm lưới khổng lồ tung lên trời cao, rồi trùm xuống vạn vật cách nó cả vài trăm thước” [44, tr442]. Qua những chi tiết tả cảnh, ta thấy được cái nhìn tinh tế cùng lối miêu tả sinh động, mang đậm cá tính vùng miền của hai nhà văn.

Dưới ngòi bút của Mã A Lềnh, đêm tối ở vùng cao mang vẻ riêng khó lẫn với những nơi khác: “Màn đêm sập xuống núi rừng âm u. Trên bầu trời, lần lượt xuất hiện những ngôi sao nhấp nháy. Rồi sao mọc dày lên. (…) Hai bên bờ suối, những đàn đom đóm bâu vào cành cây chiu chít như dâu da rừng khi chín” [56, tr101]. Không khí thâm u và lạnh lẽo của miền núi bàng bạc lan tỏa khi bóng tối sập xuống. Nhưng rồi nó bị xua đi phần nào bởi ánh sáng của sao trời và ánh sáng xanh lập lòe của những con đom đóm. Tuy hai nguồn sáng ấy không đủ mạnh để đẩy lùi bóng tối nhưng nó khiến cho bóng tối không còn thăm thẳm đáng sợ nữa. Nếu đêm tối vùng cao trong truyện của Mã A Lềnh toát ra vẻ huyền bí thì trong truyện của Sa Phong Ba ấm áp, thơ mộng: “Đêm chân núi Hồng Ngài mù sương. Những khu vườn nhãn, xoài, mơ, mận của bản Pè bọc quanh chân núi đang chìm vào màn sương đêm” [2, tr76]. Dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, những thửa ruộng bậc thang trong truyện của Mã A Lềnh đẹp một cách kì vĩ: “Những tràn ruộng bậc thang xanh um một màu xanh êm đềm, no ấm bám theo những triền núi như tấm thổ cẩm khổng lồ choàng lên da thịt đất đai” [56, tr631tt]. Qua cái nhìn lãng mạn, những sự vật vô tri trở nên thân thuộc và sống động kì lạ. Cái sắc màu thổ cẩm của

thiên nhiên ấy, vừa mộc mạc vừa đáng yêu. Để rồi, từ ấn tượng của thị giác đã khắc sâu vào nỗi nhớ một dấu son không thể nào quên.

Tái hiện sự hùng vĩ mà tươi đẹp của cảnh sắc vùng cao, Mã A Lềnh gửi gắm vào đó sự mến yêu. Phải thấu hiểu mảnh đất và thiên nhiên nơi đây thì ông mới phát hiện ra đằng sau vẻ gai góc xù xì của đá, mênh mang của sương gió là một vẻ đẹp khác biệt không đâu có được. Không mượn đến con số cụ thể để diễn tả chiều kích, song sự hùng vĩ của thiên nhiên vẫn hiện lên một cách sinh động qua ngôn ngữ giàu chất tạo hình: núi đá “dựng đứng”, “trùng điệp”, “xa mờ”’; thác “tung bọt trắng xóa”; suối lũ thì “cuồn cuộn xiết gào”, “trào băng băng”..v.v. Nhưng bên cạnh sự hùng vĩ còn là nét đẹp nên thơ, trữ tình của dòng thác suối, của những tràn ruộng bậc thang, của cỏ cây ven đường. Tất cả tạo thành một bức tranh hương sắc vùng cao bình dị và đầy chất thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 42 - 46)