Khắc họa nhân vật qua yếu tố ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 72 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Khắc họa nhân vật qua yếu tố ngoại hình

Trong thế giới truyện ngắn của mình, Mã A Lềnh đã xây dựng hàng trăm nhân vật với những nét phẩm chất đáng quý tiêu biểu cho nét đẹp của người Mông - vẻ đẹp của người vùng cao. Những nhân vật đủ mọi lứa tuổi: từ những đứa trẻ hồn nhiên, những người phụ nữ tháo vát, đảm đang, những thiếu nữ xinh đẹp, những thanh niên giàu lý tưởng đến những người già nhân hậu và sâu sắc… Nhà văn khắc họa nhân vật ở nhiều bình diện, trong đó ngoại hình là yếu tố đầu tiên gây được sự chú ý. Nhìn chung, Mã A Lềnh ít khắc họa ngoại hình nhân vật. Nếu khắc họa, ông chỉ chọn một chi tiết nào đó làm điểm nhấn và chi tiết đó khiến độc giả nhớ ngay đến nhân vật.

Trước hết, trong truyện ngắn của Mã A Lềnh, các nhân vật nữ mang nét đẹp sắc sảo, toát lên cái khí chất của núi rừng. Đó là vẻ đẹp đầy nữ tính nhưng cũng rất cá tính của nàng Mỉ Châu trong truyện Dòng suối dân ca: “Đôi môi hồng e ấp màu nhụy hoa đào. Đôi má phơn phớt màu cánh hoa. Sống mũi cuống lá chuối một vẻ can trường, dạn dĩ. Đặc biệt hơn, cái trán hơi dô đậm dáng bướng bỉnh bất cần. Làn tóc trước trán loăn xoăn. Và đôi mắt nhìn tôi như muốn thiêu cháy” [31, tr203]. Mỗi một chi tiết là một nét vẽ: đôi môi, màu má phảng phất vẻ mong manh dịu dàng của hoa đào. Sống mũi mang nét đẹp thanh tú và sự cá tính toát ra từ vầng trán cùng ánh nhìn nồng nàn như có lửa. Vẻ đẹp cuốn hút và dữ dội của Mỉ Châu đã khiến cho nhân vật “tôi” không khỏi ngỡ ngàng và say đắm: “Nàng vẫn xinh đẹp, rực rỡ như bông hoa đào rừng đắm mình giữa sương lạnh trên núi vắng” [31, tr206]. Đặc biệt, đôi mắt có hồn của nàng Mỉ Châu qua mỗi sự việc bộc lộ tâm tình khác nhau. Khi là cái lườm từ “ánh mắt sắc dài như muốn xẻ đôi người tôi ra”. Ánh mắt ấy như thay cho lời tỏ tình “em yêu anh”. Khi là hành động “lén đưa tay áo lên lau mắt” cùng ánh nhìn đầy đau đớn tuyệt vọng qua “đôi mắt khô khốc như phủ một màng mây mỏng” trong phút chia ly.

Nét đẹp thanh thoát bừng sáng dưới ánh trăng của cô gái tên Sao trong Lời cỏ được tái hiện qua ánh nhìn đắm đuối, ngỡ ngàng: “Nàng vẫn ngồi đó, tóc xõa xuống phủ kín ngực. Đôi vai tròn trịa đón ánh trăng lóa hồng lên. Tòa thân thể của nàng ngồi bất động, hệt như một tảng ngọc, rubi, đá quý hay saphia,… tòa thân thể ấy hồng lên giữa ánh trăng bạc” [31, tr21]. Vẻ đẹp tươi trẻ, rực rỡ của Sao được hòa quyện cùng ánh trăng càng trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết. Hình ảnh đó mãi đọng lại trong ký ức của chàng trai mang tên đá. Để mỗi khi nỗi nhớ ùa về, chàng lại nhớ quay quắt: “tiếng nói dịu êm” và hương thơm từ đôi tay: “Tay nàng thơm lắm! Mùi chàm. Mùi lanh. Mùi chỉ biếc. Mùi hương của nàng dành riêng cho tôi” [31, tr19].

Vẻ đẹp tự nhiên, khỏe khoắn của cô gái trong truyện Nấm mồ hoang cũng được khắc họa qua những chi tiết đầy ấn tượng: “Em rắn rỏi như hột đào róc, trán hơi dô và sáng sủa, tóc mai xoăn tự nhiên, cổ cao, bộ ngực đầy đặn hơi quá cỡ nhưng gọn gàng chắc nịch” [31, tr271]. Nếu vẻ đẹp của nàng Mỉ Châu gây chú ý ở ánh mắt thì vẻ đẹp của của cô gái này lại gợi nhớ ở vầng trán dô có chút gì đó bướng bỉnh và thân hình tươi trẻ, đầy sức sống. Tuy nhiên, những cô gái xinh đẹp ấy lại không có được cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Họ yêu say đắm nhưng tình duyên của họ đều éo le, trái ngang.

Vẻ đẹp của cô bé có người cha bất hạnh gặp cảnh “tai bay vạ gió” sớm có sức cuốn hút như đóa hoa anh túc: “Con gái lão càng lớn lên càng xinh đẹp, mới chừng mười bốn, mười lăm tuổi mà đã rực rỡ như bông hoa thuốc phiện” [31, tr253]

Giống như Mã A Lềnh, Cao Duy Sơn khi khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ, cũng thường ví von với hương sắc của những đóa hoa. Đó là nét đẹp của cô gái tên Dinh trong truyện Hoa bay cuối trời: “Mặt nàng đẹp như bông đào trong nắng. Nụ cười bẽn lẽn, mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa” và cô gái trong Dưới

chân núi Nục Vèn: “Cô gái có đôi mắt đẹp như con chim lửa, cổ trắng như ruột

cây chuối rừng, môi đỏ như cánh hoa gạo”.Trong sự đối sánh với những loài hoa đặc trưng thường gặp ở vùng cao (hoa đào, hoa anh túc, hoa gạo), vẻ đẹp của các nhân vật nữ hiện lên mộc mạc mà rực rõ, đằm thắm.

Khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ, ngoài chi tiết đôi mắt thay cho ngôn ngữ biểu cảm của tâm hồn, nhà văn Mã A Lềnh còn chú trọng miêu tả đôi tay và giọng

nói. Đôi tay trở thành biểu tượng cho sự khéo léo, đảm đang và hiền thục của người phụ nữ. Trong truyện Đêm tước màng, những đôi tay tài hoa hiện ra trong công việc đời thường: “Mùa tước màng đến…, Mê Tu chăm chú nhìn mẹ, bác gái, chị Zở, chị Zủ làm việc bằng những đôi cánh tay như múa. Mỗi cây màng được ước lượng khoảng cách rồi chia đều sợi, luồn ngón tay trỏ vào, tuốt xuôi… Tuốt xuôi xong mới tuốt ngược. Những sợi màng được nắm thành từng đon trông tựa như búp bê mặc váy” [56, tr107]. Những đôi tay thoăn thoắt, thuần thục trong từng thao tác cho thấy sự khéo léo của người phụ nữ Mông. Đôi tay tài hoa của bà Xông được khắc họa qua chi tiết tuy giản dị nhưng đầy ấn tượng: “Chốc chốc, bà Xông lại nhúng cây bút vẽ vào chảo sáp ong đang nóng chảy trên mấy hòn than đỏ, rồi cắm cúi vẽ lên vải với đôi tay thuần thục và chuẩn xác từng nét nhỏ nhất, khó nhất” [56, tr208]. Đôi tay ấy đã thổi hồn quê hương vào từng nét vẽ trau chuốt và tỉ mỉ trên những tấm thổ cẩm: “Ô này, đây là dòng sông trên, dòng sông giữa và dòng sông dưới. Giữa những dòng sông là núi non với bao cây cỏ rừng rực”. Còn bao câu chuyện có sự hiện diện của đôi tay lam lũ vất vả của người mẹ, người bác gái khi thì gặt pa trên nương, hái lá ngõa ở rừng… Đôi tay biết khéo léo và đảm đang khi làm bánh xèo, bánh pa; khâu áo mới cho con, cháu kịp mặc Tết. Những đôi tay ấy, dù chai sần vất vả nhưng đong đầy yêu thương.

Cùng viết về trẻ em vùng cao, nhà văn Hà Lâm Kỳ chia sẻ, viết cho trẻ con điều đầu tiên là phải hiểu trẻ con. Đối với trẻ thơ, chúng đón nhận mọi thứ rất tự nhiên, không ai có thể áp đặt. Nên dùng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dân gian nhất như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến nhận xét: “Yếu tố tạo nên thành công trong những sáng tác dành cho thiếu nhi của Hà Lâm Kỳ, trước hết phải kể đến việc biết trân trọng và tôn vinh những con người và truyền thống cách mạng anh hùng trên quê hương Đại Lịch… Tiếp đó là nhà văn đã tạo được tiếng nói riêng khi thể hiện; tìm được những thông điệp truyền tải trong các sáng tác thông qua lối viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề”.

Còn với nhà văn Vi Hồng trong tập kí Đường Về Với Mẹ Chữ là những ghi chép một cách chân thực quá trình đi học cấp 3 của bảy người con Cao Bằng ham học hỏi. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ đủ đường, đường đi hiểm trở, chèo

đèo lội suối, băng qua rừng rậm hàng mấy trăm cây số, những con người ấy vẫn gan dạ, kiên trì, vượt qua tất cả để đến với "Mẹ chữ Lương Ngọc Quyến". Tác phẩm được viết nên không chỉ để tác giả và những người bạn đã đồng hành cùng mình những năm tháng xưa lưu giữ lại kỉ niệm mà còn là bài học quý giá, gợi nhắc lớp trẻ hiểu được vai trò quan trọng của chữ nghĩa, hiểu được sự gian khó của thế hế trước khi đi tìm con chữ mà gắng sức chăm chỉ học hành...

Hình ảnh những đứa trẻ trong truyện ngắn của Mã A Lềnh thì được khắc họa với tất cả sự lấm lem hồn nhiên cùng những “thói tật” đáng yêu. Một vài đặc điểm về ngoại hình trở thành biệt danh, thành dấu hiệu để nhận biết. Đó là: Lồ “bẹt đầu”, Dềnh “mũi lõ”, Vênh “đầu đất” trong truyện Cái đầu đất; Thồng “gấu vồ” đáng thương với những vết sẹo nhằng nhịt trên khuôn mặt trong truyện Thằng hổ giẫm, Thành “kều” - cao lênh khênh và ở bẩn, Đài “chư zì” trong truyện Trốn học, Giê vừa câm vừa điếc nhưng giàu tình cảm trong Con bọ sừng. Điều này khiến cho những trang văn viết về thiếu nhi của Mã A Lềnh thật gần gũi, chân thực và hồn nhiên.

Không chú trọng việc miêu tả thật chi tiết ngoại hình, ngòi bút Mã A Lềnh khéo chọn một vài đặc điểm nói lên được nét riêng của nhân vật. Nhân vật Mo Chư trong truyện cùng tên hiện ra với vẻ ngoài lam lũ: “Mũi, miệng, tai và cả đôi chân đen sì, nứt rạn” [56, tr270] cùng sự khiếm khuyết bẩm sinh “đôi mắt trắng đục như vỏ trứng”. Đằng sau ngoại hình không có gì quá đặc biệt ấy, những hành động và hiểu biết của Mo Chư khiến cho người ta phải bất ngờ. Ông tháo vát, làm được tất cả mọi việc và tinh tường không thua gì người sáng mắt: “Thế giới là một màu đen mông lung với ông… mà lại biết cả sáng, trưa, chiều, tối, đêm” [56, tr273]. Có lúc, dáng ông “xiêu vẹo”, chậm chạp đi khuất dần sau sống núi. Còn khi trong “Cơn đồng thiêng”, ông“đùng đùng chạy xuống dốc nhảy qua những tảng đá lởm chởm dưới suối, chạy tắt theo lối trâu chênh vênh bên sườn núi đến nhà anh Chà Plôu” [56, tr278]. Ngoại hình kết hợp với hành động biểu hiện bên ngoài tạo nên hình ảnh nhân vật Mo Chư thật đặc biệt: vừa hư vừa thực, vừa gần gũi vừa xa xôi, mang đặc điểm riêng của người làm nghề thầy cúng.

miêu tả ngoại hình nhân vật. Vẻ đẹp nổi bật của các nhân vật nữ được đặt dưới cái nhìn ngợi ca. Còn sự khiếm khuyết hay xấu xí về ngoại hình của một số nhân vật khác thường phản chiếu một biến cố nào đó trong cuộc đời của họ. Và những người có khiếm khuyết về ngoại hình thường có số phận vất vả. Nhưng họ đều vươn lên để sống tốt bằng chính khả năng và nỗ lực của bản thân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 72 - 76)