Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 81 - 84)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị

giới thiệu ngắn gọn về cảnh ngộ riêng và đặc biệt chú ý miêu tả ngoại hình bằng lối tả thực. Nhân vật lão Quỷ xuất hiện khá ấn tượng: “Trong bộ dạng thùng thình, rách rưới, chống cây gậy cong queo đang lách tấm thân to lớn, nặng nề vào trong nhà” [21, tr14]. Người chồng câm xuất hiện qua lời kể đan xen cảm nhận, đánh giá: “Thằng câm đã câm lại điếc. Nhưng khuôn mặt, con mắt nó toát vẻ lanh lợi, khôn ngoan, chứ không bè thộn như những thằng đần thỉnh thoảng ta vẫn gặp” [31, tr271]. Hình ảnh người lạ mặt tốt bụng trong ấn tượng ban đầu của cậu bé Mê Tu: “Nom người ông ta cũng thấp đậm như bố, mặt mũi, dáng điệu nghiêm chỉnh lắm” [56, tr36]. Ba bức chân dung được phác họa bằng những nét vẽ mộc mạc, giản dị nhưng toát lên cái thần thái của nhân vật. Hiện hữu trong những trang văn là những thân phận với những bộ dạng hoặc tính cách: lam lũ rách rưới, bị khiếm khuyết hoặc toát lên vẻ tử tế.

Bên cạnh đó, sự mộc mạc giản dị trong ngôn ngữ truyện ngắn của Mã A Lềnh cũng được thể hiện khá rõ qua lối đối thoại ngắn. Nhân vật trực tiếp đối đáp, cách nói nôm na, ngắn gọn cho thấy tính cách bộc trực và chân chất của người miền núi. Khi thấy Thạch Mã chơi với Mun, Sồng chạy đến nói: “Bạn đã làm quen được với cái con thổ tả này rồi à? Thế mà nó chả chịu chơi với tôi!” [56, tr333] Cách gọi ngựa Mun quý là “con thổ tả” cho thấy Sồng không hiểu được giá trị của ngựa Mun, chỉ biết bực bõ và khó chịu vì không thể thuần phục được nó. Khi được Jùa hỏi cảm nhận về việc đi học, Vênh “đầu đất” giãi bày thành thật: “Nhất định học sướng hơn theo trâu rồi! Nhưng cháu nhớ nhà, nhớ trâu ngựa, nhớ bếp lửa quá! Cháu chả làm sao nhét được chữ vào đầu!...” [25, tr56]. Từng câu nói của Vênh cho thấy sự hồn nhiên được diễn tả bằng câu từ giản đơn. Thái độ xởi lởi, hiếu khách được bộc lộ qua lời nói khiêm tốn của vợ Mo Chư: “Anh chị nghèo. Chú đừng khinh. Ăn no nhá! Lần đầu tiên chú ăn cơm nhà anh chị đấy!” [56, tr275] Ông Khể kể lại với những người trong gia đình về những gì đã chứng kiến ở phố chợ bằng giọng điệu khó chịu: “Đống này tha cả bụi bặm phố chợ về, không giặt nữa đâu. (…). Phố chợ bây giờ… Nào những ếch, những híp, hát năm, tai xanh, lở mồm long móng…! Kinh lắm” [31, tr223]. Bạn đọc bắt gặp những ngôn ngữ đời thường thật bình dị cho thấy một phần cuộc sống của con người miền núi.

Trong các truyện ngắn, Mã A Lềnh cũng sử dụng khá nhiều thủ pháp so sánh, ví von để diễn tả những cảm nhận đánh giá về sự vật, khắc họa cụ thể suy nghĩ, tâm trạng và hành động của nhân vật. Qua những so sánh ví von giàu tính nghệ thuật, nhà văn đã thể hiện được cách tư duy của người vùng cao nói chung và người Mông nói riêng.

Những so sánh trong truyện ngắn Mã A Lềnh gắn với những sự vật hiện tượng gần gũi, quen thuộc với người miền núi. Hình ảnh tuyệt đẹp về những giọt nước dưới ánh mặt trời: “Những giọt nước suối trong suốt tựa như những viên ngọc nhỏ xuống tung tóe ánh bạc ánh vàng” [31, tr198]. Hay hình ảnh những con đường mòn trên những đỉnh núi xa tít tắp: “Nhỏ xíu như sợi chỉ nối những nếp nhà, những xóm làng với nhau” [56, tr164]. Khi miêu tả vẻ đẹp của những thiếu nữ, nhà văn thường so sánh nét đẹp của họ với các loài hoa đặc trưng ở vùng cao. Vẻ đẹp của cô thiếu nữ miền sơn cước sớm tỏa sáng và có sức mê hoặc: “Mới chừng mười bốn, mười lăm tuổi mà đã rực rỡ như bông hoa thuốc phiện” [31, tr253]. Vẻ đẹp của nàng Mỉ Châu vừa dịu dàng vừa gan góc, bướng bỉnh: “Đôi môi hồng e ấp màu nhụy hoa đào. Đôi má phơn phớt màu cánh hoa. Sống mũi cuống lá chuối một vẻ can trường dạn dĩ” [31, tr253]. Vẻ đẹp của Mỉ Châu dẫu qua những biến cố và thời gian vẫn rực rỡ như đóa hoa tươi thắm: “Nàng vẫn xinh đẹp, rực rỡ như bông đào rừng đắm mình giữa sương lạnh trên núi vắng” [31, tr253].

Cảm xúc, tâm trạng của nhân vật được diễn tả qua những so sánh, liên tưởng gần gũi nhưng độc đáo. Sự thay đổi thái độ từ bình thường sang tức giận của ông Bềnh: “Khuôn mặt ông liền đổi lập tức ra tím ngắt như cái lưỡi cày” [31, tr149]. Đây là lời giới thiệu về Thồng - đứa trẻ đáng thương: “Mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó sống vất vưởng ở nhà ông chú. Bà thím là vợ hai, tính tình nanh ác, nên trông người nó lúc nào cũng tả tơi như ngọn cỏ sau cơn mưa đá” [31, tr313]. Hình ảnh dập nát của nhánh cỏ bởi sự tàn phá của mưa đá tương đồng với những vết thương trên thân thể của Thồng. Nó vừa gợi lên ấn tượng cụ thể vừa gợi cảm xúc xót thương.

Là nhà văn viết khá nhiều truyện cho thiếu nhi nên Mã A Lềnh cũng có tài quan sát và miêu tả trạng thái hoạt động của loài vật từ cái nhìn sâu bên trong: “Con Cộc lại ngứa ngáy máu săn rồi” (Đi săn); “Nó (Sừng Săn) nhai choàm choạp, rồi lại há mõm cười. Trong ánh đuốc, đôi mắt nó long lanh ra vẻ hãnh diện

lắm” [22, tr29]. Thủ pháp nhân hóa cùng các từ láy “ngứa ngáy”, “choàm choạp”, “long lanh’ đã góp phần diễn tả sinh động tâm lý của các con vật: sự bứt dứt hiếu chiến không yên của chú chó săn tên Cộc; sự khoan khoái và kiêu hãnh của chú trâu Sừng Săn khi cảm nhận được sự săn sóc của chủ.

Có thể thấy, truyện ngắn Mã A Lềnh đã sử dụng một ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mang hương sắc riêng của người vùng cao. Với cách sử dụng ngôn ngữ như vậy, tâm hồn, tính cách con người miền núi được bộc lộ thật tự nhiên, chân thực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 81 - 84)