Khắc họa nhân vật qua miêu tả nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 76 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Khắc họa nhân vật qua miêu tả nội tâm

Trong các truyện ngắn, nhà văn Mã A Lềnh đều dựng nhân vật trên cảm hứng đời thường và đời tư. Ông không lý tưởng hóa hay “lạ hóa” nhân vật mà để họ hiện lên với tất cả vẻ mộc mạc, chân chất như vốn có. Nhân vật trong các tác phẩm của ông không phân tuyến đối lập: tốt - xấu. Hầu hết đều là những con người nhân hậu, lương thiện, siêng năng lao động, giàu tình cảm, sống ân nghĩa. Họ thẳng thắn, bộc trực, yêu ghét rõ ràng. Không phải nhà văn có cái nhìn đơn giản, xuôi chiều mà đó là cái nhìn sâu sắc của kinh nghiệm sống và sự gắn bó rất lâu. Ông hiểu tường tận “người đồng mình” cho đến “chân tơ kẽ tóc”. Để khắc họa tâm lý và tính cách của các nhân vật, nhà văn cũng không sử dụng tới những thủ pháp nghệ thuật cầu kì. Tác giả thường đặt nhân vật vào tình huống đời thường, dựng những phát ngôn, đối thoại ngắn để nhân vật bộc lộ tính cách hoặc trạng thái cảm xúc.

Lời trách: “Con trai mẹ mải chơi quá, không còn biết rét là gì nữa. Chân tay lạnh buốt thế này này” [56, tr158] cho thấy tấm lòng thương yêu con, xót con của người mẹ.

Lời quát trong tức giận thể hiện sự nghiêm khắc cùng sự thấu hiểu lẽ đời của ông Vàng A Sử với con trai: “Mày muốn làm người hay làm con trâu, con chó? Nếu mày làm con vật, thì chỉ đáng buộc ở góc vườn thôi!” [21, tr72]. Cách nói ấy của người cha thể hiện tư duy mộc mạc của người miền núi. Đối với họ, đã sống trên đời là phải siêng năng lao động, không được trông chờ ỷ lại. Nếu lười biếng thì sẽ trở nên bé nhỏ, tầm thường.

Lời phân trần thấu tình đạt lý, một mặt thể hiện sự thẳng thắn, khiêm tốn, không vụ lợi của Mo Chư: “Thú thực, tôi ngại lắm! Khỏi thì không sao. Không

không có sai. Đuổi diệt tà ma nhiều, sẽ bị tà ma chặn phạt, cuộc đời tôi đứt đoạn lúc nào không biết!” [56, tr277]. Mặt khác, nó còn thể hiện sự sáng suốt tỉnh táo, niềm tin vào số mệnh của trời và sự hữu hạn của cá nhân.

Suy nghĩ và lời nói của Xáo khi biết Chúng cứu mình lúc bị rắn độc cắn: “Khi tỉnh hẳn, Xáo mới biết Chúng đã cõng Xáo chạy về, còn cố kéo theo bó củi nữa. […] Ôi! Con rắn độc. Ghét quá đi mất. Ghét con rắn…” [56, tr281]. Những câu nói ngắn bộc lộ sự hờn giận và xấu hổ của Xáo cho thấy tâm hồn của một thiếu nữ trong sáng, hay e thẹn.

Có khi lời thoại là sự đúc kết triết lý về cuộc đời một cách cô đọng được nhân vật nói ra trong những khoảnh khắc xúc động. Ví như những lời tâm sự gan ruột mà người mẹ nói với con trai khi trên giường bệnh: “Con hãy đánh lại bằng chính sự trung thực của mình, chứ không cần ra tay, ra sức cho bẩn người. Kẻ nào gieo gió ắt phải gặt bão. Trời luôn luôn có mắt đấy, con ạ! Chúng sẽ bị đất trời và các thánh thần trị tội! Bố mẹ già thì sẽ chết! Quy luật sinh tồn mà! Làm sao ở mãi với con được! Nhưng chết là chết về thể xác thôi! Còn hồn thì vẫn luôn luôn ở cạnh con” [56, tr308]. Qua từng câu nói rõ ràng và mạch lạc, người mẹ ấy muốn nhắn nhủ tới con trai của mình ba điều căn bản. Thứ nhất: phải biết cách bảo vệ bản thân một cách khôn ngoan, không dùng vũ lực mà bằng trí tuệ và sự khoan dung. Thứ hai: cuộc đời này tồn tại luật nhân quả. Nếu làm việc xấu xa thì sẽ nhận lấy hậu quả tương xứng. Thứ ba: cái chết là điều tất yếu, không ai tránh khỏi. Nhưng đó là sự hóa thân của thể xác. Người đã khuất sẽ còn tồn tại mãi trong tâm trí của người ở lại, chỉ cần họ không lãng quên.

Lời cắt nghĩa của người bà trước đòi hỏi của đứa cháu về một viên ngọc quý với ánh sáng lấp lánh kì diệu như trong truyện cổ: “Cháu ạ, người ta bảo ai cần ngọc thì phải tự tìm lấy. Ngọc ở xa lắm, ở nơi nào thật hiểm hóc, trên đỉnh tuyết trắng, trong hang sâu tối om… Muốn lấy được ngọc thì phải dũng cảm, gan dạ lắm…” [31, tr50]. Câu từ giản dị mà cho thấy sự sâu sắc thông tuệ của những người bà. Đồng thời, nó là lời gợi mở, khích lệ khao khát tìm hiểu và khám phá đời sống của người cháu. Viên ngọc quý ấy không phải là thứ vật quý cụ thể mà chính là lòng tốt và những điều kì diệu trong đời sống.

Lời bộc bạch giản dị mà sâu sắc của cô gái bên giường bệnh nói với người cô thương: “Anh này! Tình yêu người ta đâu cứ phải thành vợ thành chồng, đâu cứ nhất thiết phải có con với nhau…” [31, tr283]. Câu nói chân thành, thể hiện một cái nhìn vị tha về tình yêu. Tình yêu có khi là sự dang dở và chia cách, chỉ cần trong lòng người ta có nhau và mãi nhớ về nhau - đó cũng là niềm hạnh phúc.

Lời người cha nói với con trai về lẽ sống ở đời: “Cho dù nghèo hèn, nhưng cái cốt là không được sợ sệt, không được yếu đuối! Điều đáng sợ nhất là mình làm sai, làm bậy” [56, tr289]. Trong lời dạy ngắn gọn ấy, người cha nhắc nhở con rằng: dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống đoàng hoàng, tử tế; giữ vững bản lĩnh và có được dũng khí của riêng mình. Đó là những điều căn bản, cốt lõi mà ai cũng nên ghi nhớ trong lòng.

Ngoài lời đối thoại để nhân vật trực tiếp bộc lộ trạng thái cảm xúc thì lời độc thoại nội tâm thể hiện những điều sâu kín trong nội tâm của nhân vật. Độc thoại nội tâm là lời nói “bên trong”: “Lời nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [12, tr122]. Bao nhiêu trạng thái tâm lý tình cảm phong phú của con người, qua độc thoại nội tâm đều có thể được tái hiện một cách sinh động và trọn vẹn. Lời độc thoại nội tâm trong truyện ngắn Mã A Lềnh, tồn tại ở các dạng chủ yếu sau: điều nhân vật tự nghĩ, tự hỏi, tự nhủ, tự nói với chính mình hoặc trò chuyện trong tưởng tượng với một người vắng mặt.

Niềm mong mỏi có được quần áo mới đi chơi Tết hiện hữu qua câu hỏi trong đầu cậu bé Mê Tu: “Có tiền, không biết bố có mua cho mình một chiếc áo ấm và một đôi giày để đi chơi tết không?” [56, tr35]. Lời khấn lầm rầm trong đầu của Mê Tu trước bàn thờ mẹ: “Mẹ ơi, con biết mẹ vẫn ở bên con. Củ mài này là mẹ cho con. Con mời mẹ!” [56, tr315] cho thấy niềm nhớ thương và sự hiếu thảo của em với người mẹ đã khuất.

Những bức xúc, lo lắng cùng sự thương xót cuộn lên như những cơn sóng trào dâng trong suy nghĩ của Thạch Mã khi chứng kiến hình ảnh thê thảm của ngựa Mun: “Trời ơi! Quan điểm, chủ trương về ngựa của bố con Sồng là như thế đó! Mun ơi! Mày sẽ chết non mất thôi! Người ta đang háo hức chờ món thắng cố ngựa đó! Người ta đang muốn lột da, xẻ thịt mày ra để nướng đó! Mun ơi! Sao

mày không tái hiện diện thành một dũng sĩ, một anh hùng… mà lại hiện hình làm thân trâu ngựa thế?” [56, tr338]. Chỉ một đoạn độc thoại nội tâm ngắn nhưng đã làm nổi bật nét đáng quý về tâm hồn và tính cách của Thạch Mã. Cách gọi thân mật “Mun ơi!” cùng sự tiên đoán chứa đầy âu lo: “Mày sẽ chết non mất thôi!” cho thấy tình yêu thương loài vật sâu sắc của Thạch Mã. Càng thương ngựa Mun bao nhiêu, Thạch Mã càng tức giận, bất bình trước suy nghĩ sai lệch và hành động của bố con Sồng bấy nhiêu.

Có lời độc thoại nội tâm như rưng rưng nước mắt thể hiện niềm ao ước bình dị về sự no ấm, hạnh phúc: “Làm người, ai chả muốn đủ ăn, đủ mặc, ai chả muốn nở nụ cười sảng khoái với mọi người, ai chả muốn khách tới nhà, có con gà nhép mổ khoản đãi” [31, tr253]. Nỗi niềm ấy là của một thân phận bất hạnh, cả một đời vất vả nhưng luôn bị đói nghèo đeo bám đằng đẵng.

Có khi độc thoại nội tâm là cả dòng suy nghĩ dài trong đầu nhân vật: từ ý nghĩ về cái này chuyển sang suy nghĩ về cái khác.

Sự kinh ngạc hiện lên qua dòng suy nghĩ trong đầu ông Khê khi lâu lắm mới đi chợ phố và chứng kiến cảnh tượng ở một quán ăn: “Quán Dê Xồm là cái khỉ gì mà trong nhà bao nhiêu người ăn uống linh đình thế? Ối giời ơi! Họ uống rượu bằng cốc to thế kia, giời ạ! Cốc rượu váng đầy bọt, vàng khè như… Kinh quá! Tất cả cùng nâng cốc, chạm vào nhau ký cách, rồi họ ngửa cổ lên, tu một hơi cho đến lúc đáy cốc chỉ còn đọng lại một vốc bọt. Họ thò tay bốc từng tảng thịt, cắn, xé, giựt, nhai nhồm nhoàn, cắn xe qua loa rồi quẳng cho chó” [21, tr12]. Trong dòng suy nghĩ ấy, có sự bất ngờ trước những gì lần đầu tiên được chứng kiến: cảnh ăn uống phàm tục, lỗ mãng với đồ ăn thức uống ê hề. Đồng thời, còn cho thấy cái lạc hậu, đáng thương của một người già trước sự biến động, thay đổi của đời sống.

Tiếp nối, sự ngơ ngác kiếm tìm cảnh xưa người cũ cùng bao hoài niệm của ông Khể khi xuống chợ cũng được kể qua dòng suy nghĩ: “Ố! Cái chợ đâu mất rồi. Cái sân chợ bây giờ chỉ thấy xe là xe. Chẳng biết xe họ bày bán hay họ dựng ở đây để đi làm việc gì đó. Đây rồi! Chợ họp trong nhà. […]. A! Cây cầu kia! To quá! Mà sao cái cửa hàng lưỡi cày cũng bay đâu mất! Cả cái cửa hàng kem nữa. Que kem to bằng hai ngón tay, thấy phả khói tưởng nóng. Ra sức thổi. Hóa ra lạnh đến nỗi suýt bung cả hai hàm răng.” [31, tr227-228]. Từng ý nghĩ cho thấy

sự lạc lõng đến tội nghiệp. Ít nhất, ông Khể phát hiện ra ba thứ hoặc đã dịch chuyển hoặc biến mất: ngôi chợ, cửa hàng bán lưỡi cày và cửa hàng kem. Thêm vào đó là sự hiện diện của những xe là xe cùng cây cầu mới to đẹp. Ấn tượng về sự kì lạ của que kem lạnh mà ông đã từng nếm thử khiến lòng ông Khể không khỏi bồi hồi, tiếc nuối. Đó là cái tiếc nuối rất thành thật của một con người sống nhân hậu, mộc mạc, trọng nghĩa tình.

Tâm trạng lưu luyến, nhớ nhung những gì thân thuộc và gắn bó của Páo Tủa qua dòng cảm xúc bịn rịn: “Vậy là mình sẽ bứt ra khỏi làng quê núi non vắng lặng; bứt ra khỏi đàn trâu, ngựa, dê nức mùi cỏ; bứt ra khỏi những đêm cổ tích của bác gái với giọng thánh thót luồn cả vào giấc mơ; bứt ra khỏi những ngày hội xuân cuồng nhiệt nhảy đồng, đánh yến, đánh quay, múa khèn và những ngày lễ thâm trầm ngoái vọng về huyền tích quá khứ cơ cực khổ đau bất diệt” [56, tr631]. Lời từ biệt vang vọng trong tâm tưởng da diết như một bài ca trữ tình sâu lắng. Đó là sự chia tay với không gian của tổ ấm và vùng trời tuổi thơ êm đềm. Trong niềm tiếc nhớ hiện hữu bao hình ảnh tươi đẹp của quê hương: thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ, những lễ hội truyền thống rộn ràng, tưng bừng. Bao điều như vậy, lòng dễ gì nguôi quên?

Nỗi buồn trong lòng người dâng lên nhờ có sự tác động của ngoại cảnh cũng hiện hữu thật sinh động qua lời độc thoại nội tâm trong truyện Lời cỏ: “Ve rừng chiều râm ran khêu nỗi buồn lâng lâng. Ôi cái lũ ve rừng chiều! Làng tôi đã chứng kiến nhiều số phận kết thúc vào lúc hoàng hôn này, thời điểm gieo vào lòng người những nỗi buồn sâu thẳm: nàng dâu nhớ bữa cơm tề tựu nhà cha mẹ; người ngóng người đi xa; chàng mồ côi tủi thân với những tổ ấm chung quanh; cô gái đến nhà người bị hắt hủi; người làm thuê, ở đợ thiếu miếng cơm, manh áo…” [31, tr13]. Tiếng ve trong thời khắc ngày sắp tắt, xoáy vào lòng người gọi bao nỗi niềm của những cảnh ngộ bất hạnh: kẻ lữ thứ, kẻ đơn độc, kẻ nghèo hèn. Trong dòng suy ngẫm ấy, có sự xót thương và đồng cảm của một tâm hồn đồng điệu.

Không chỉ sống nhân hậu và nghĩa tình, những người Mông trẻ tuổi còn rất giàu ý chí, lý tưởng và khát vọng. Đó là mơ ước lên đường để khám phá về con người và cuộc đời hiện lên qua một câu hỏi tự vấn: “Mỗi con người có vô vàn người đi. Làm sao in giữ được dấu chân mình trên muôn dặm đường trường có

mưa có nắng?” [22, tr45]. Những câu chữ chứa đựng bao khắc khoải, ưu tư về việc sống có ích và khẳng định được vị trí của mình trong đời. Muốn làm nên sự nghiệp và thành công thì phải có tầm nhìn và nỗ lực không ngừng. Nếu không thì chỉ có thể quẩn quanh ở những không gian nhỏ hẹp: “Gan nhỏ, chí bé thì cứ quẩn quanh với bếp lửa, cối xay thôi” [25, tr25]. Câu nói ấy vừa thốt ra trên môi nhưng đã kịp găm vào tâm trí của Páo Tủa. Nó trở thành động lực và sức mạnh để những người trẻ kiên trì trên đường đời nhiều trở ngại, gian nan.

Tóm lại, thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Mã A Lềnh là những chân dung đời thường. Họ được đặt vào trong những mối quan hệ gắn bó thân thuộc như gia đình, làng xóm, bè bạn. Nhà văn không khắc họa nhân vật qua lăng kính lãng mạn hay lý tưởng hóa mà bằng bút pháp hiện thực chân thực. Nhân vật không gây ấn tượng bởi ngoại hình nổi bật nhưng lại tỏa sáng với vẻ đẹp tâm hồn giản dị, nhân hậu, nghĩa tình và tình yêu sâu sắc với quê hương. Chính vẻ đẹp ẩn sâu bên trong này mới là đích đến để nhà văn gửi gắm giá trị nhân văn, nhân bản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn mã a lềnh (Trang 76 - 81)