Nội dung của phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 36 - 38)

5. Kết cấu luận văn

1.1.3. Nội dung của phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới

HTX nông nghiệp kiểu mới thể hiện sự thay đổi căn bản nhận thức của chúng ta về bản chất và vai trò của HTX, phù hợp với sự phát triển HTX của thế giới hơn 150 năm qua.

* Về đối tượng tham gia

Trong HTX nông nghiệp kiểu mới, thành viên gồm cả cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân (người lao động, cán bộ, công chức, các hộ sản xuất kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế…); cả người có ít vốn và người có nhiều vốn nếu có nhu cầu tự nguyện cùng nhau lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật về HTX.

* Về sở hữu

Trong HTX kiểu mới, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân của thành viên được phân định rõ. Sở hữu tập thể (sở hữu của HTX) bao gồm các nguồn vốn tích lũy

tái đầu tư, các tài sản do tập thể mua sắm để dùng cho hoạt động của HTX, tài sản trước đây được giao lại cho tập thể sử dụng và tài sản do nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ làm tài sản không chia và các quỹ không chia. Thành viên khi tham gia HTX nông nghiệp kiểu mới không phải góp ruộng đất và các công cụ sản xuất mà điều kiện tiên quyết là phải góp vốn theo quy định của Điều lệ Hợp tác xã. Suất vốn góp không hạn chế, song không được vượt quá 20% so với tổng số vốn góp của thành viên (Vốn Điều lệ của Hợp tác xã). Vốn góp của thành viên được chia lãi hàng năm theo quy định của Điều lệ và được rút khi thành viên ra khỏi HTX.

* Về quan hệ giữa thành viên với HTX

Trong các HTX kiểu mới, quan hệ giữa HTX và thành viên là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Hộ thành viên là đơn vị kinh tế tự chủ, tự điều hành lao động của gia đình, tự quyết định bố trí sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của từng hộ, tự mua vật tư để đầu tư vào sản xuất, thuê dịch vụ, bán sản phẩm làm ra theo cơ chế thuận mua vừa bán. Ban quản trị HTX không can thiệp trực tiếp vào quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của hộ xã viên, không điều hành, chỉ huy từng khâu, từng việc hàng ngày như trước, mà chuyển sang làm dịch vụ theo yêu cầu của hộ gia đình.

* Về quan hệ giữa Nhà nước với HTX

Trong các HTX kiểu mới, mọi trói buộc cứng nhắc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đã được tháo bỏ. Các HTX kiểu mới đã thực sự là một tổ chức kinh tế độc lập, tự chủ có đầy đủ tư cách pháp nhân trong cơ chế thị trường, bình đẳng trước pháp luật như các doanh nghiệp, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của HTX.

Nhà nước quản lý thông qua việc ban hành pháp luật và các chính sách khuyến khích phát triển HTX.

* Về phân phối thu nhập

Trong các HTX kiểu mới, hình thức phân phối được thể hiện trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, vừa theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ. Đây là động lực khuyến khích thành viên gắn bó với HTX. Trong quá trình phân phối, các HTX còn tạo ra được các quỹ không chia. Một mặt, để mở rộng sản xuất, kinh doanh; mặt khác, tạo nên phúc lợi công cộng để mọi thành viên trong HTX được hưởng chung, kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

* Về phạm vi hoạt động

Trong các HTX nông nghiệp kiểu mới, quy mô và phạm vi hoạt động đã không còn bị giới hạn như trước. Mỗi HTX có thể hoạt động ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, không giới hạn địa giới hành chính. Mô hình HTX linh hoạt, đa dạng về hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng ngành; với nhiều trình độ phát triển, từ thấp đến cao, từ làm dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành viên, mở mang ngành nghề, vươn lên kinh doanh tổng hợp và hình thành các doanh nghiệp trực thuộc; từ HTX phát triển thành các liên hiệp HTX.

* Về nghĩa vụ xã hội

Hợp tác xã kiểu mới tuy vẫn mang tính xã hội, nhưng trước hết là một tổ chức kinh tế. HTX chỉ thực hiện nghĩa vụ xã hội trên cơ sở hoạt động kinh tế có hiệu quả; những chăm lo về mặt xã hội trước hết cũng dành cho các thành viên của HTX. Đây cũng là đặc điểm mới mà chính quyền các cấp phải lưu ý trong khi thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với HTX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)