Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 40 - 44)

5. Kết cấu luận văn

1.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh

Căn cứ Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HTX năm 2012; Quyết định số 2261/QĐ-TTg , ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020; UBND Quảng Ninh ban hành Kế hoạch phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2017-2020, với các nội dung sau:

- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động trực tiếp vào sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hợp tác xã, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, từ đó ngày càng có nhiều mô hình hợp tác xã mới hình thành.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

+ Số lượng hợp tác xã tăng lên 542 HTX, mỗi năm có khoảng 50 HTX thành lập mới.

+ Hình thành liên hiệp HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. + Giá trị sản xuất trong khu vực HTX tăng 5-6%/năm.

+ Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo trình độ đại học đạt khoảng 20% và trình độ trung cấp đạt khoảng 70%.

+ Thu nhập bình quân của người lao động, của thành viên HTX tăng 1,2- 1,5 lần so với năm 2016.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các mô hình HTX kiểu mới, HTX điển hình tiên tiến; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Cho đến nay, mô hình hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nhân rộng và đã thu được những hiệu quả rõ rệt, nó đã trở thành một "lực đẩy" giúp kinh tế tập thể vực dậy và phát triển mạnh mẽ hơn sau một thời gian dài ngủ yên.

Điển hình nhất về mô hình này là HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính - hợp tác xã đầu tiên của huyện Hải Hà thực hiện kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng HTX hoạt động kiểu mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Hà năm 2016.

Trước đây, hoạt động của HTX hoàn toàn theo mô hình kiểu cũ, với duy nhất một dịch vụ nông nghiệp, không có sự góp vốn từ các thành viên, nên hoạt động hàng năm của HTX chỉ trông vào nguồn tiền Nhà nước hỗ trợ. Những kiểu HTX như Quảng Chính trước đây được lập đã góp phần tích cực phục vụ nông dân trong sản xuất. Nhưng trong xu thế hội nhập, phát triển và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc một HTX chỉ sống nhờ vào nguồn ngân sách hỗ trợ, không mở rộng và phát triển thêm các dịch vụ khác để tăng thu nhập cho các thành viên đang khiến không ít người đặt câu hỏi cho sự tồn tại của những HTX kiểu này, hoạt động sản xuất và thu nhập của các hội viên gặp không ít khó khăn.

Thực hiện kế hoạch về đổi mới mô hình HTX, Hợp tác xã Quảng Chính đã triển khai chuyển đổi hình thức hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính và tổ chức Đại hội kiện toàn lại bộ máy quản lý cũng hoạt động

của HTX. Hiện nay, nguồn vốn điều lệ hoạt động của HTX là 500 triệu đồng, trong đó đã phát triển đa ngành nghề các hoạt động sản xuất kinh doanh như: sản xuất đồ uống không có cồn; hoạt động sau thu hoạch; nuôi trồng thủy hải sản nội địa; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản… Một trong những điểm mạnh của HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính là sản phẩm mía tím cắt khúc đóng túi chân không; nước mía tím đóng lon là sản phẩm đặc trưng của vùng miền, trên thị trường chưa có và hiện nay mía tím đã được công nhận là sản phẩn nông sản OCOP của Hải Hà. Đây chính là thế mạnh để HTX đẩy mạnh sản xuất và liên kết với các nhà đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Ông Đinh Văn Phương - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính cho biết: Để hoạt động của HTX kiểu mới có hiệu quả, ông đã vận động các hộ gia đình có diện tích trồng mía tím trên địa bàn “đoàn kết” lại để quy hoạch và tổ chức sản xuất theo mô hình HTX với mục đích nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó HTX còn chú trọng làm tốt các khâu dịch vụ truyền thông như dịch vụ giống cây trồng, tiến tới làm dịch vụ vật tư phân bón; hướng dẫn các hộ thành viên trồng Bí xanh và tiêu thụ sản phẩm bí xanh cho các hội viên,… Trong thời gian chuyển đổi HTX theo mô hình kiểu mới, Hội đồng quản trị sẽ đúc rút kinh nghiệm, khắc phục khó khăn để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo các ngành nghề của thành viên với mục tiêu trong năm 2017 là tổ chức dịch vụ 3 tấn giống cây trồng các loại, chế biến mía cắt khúc đóng túi 50.000 túi, tiêu thụ trên 50 tấn bí xanh, doanh thu đạt 256 triệu đồng.

Điểm sáng từ Hợp tác xã kiểu mới dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân lực và các điều kiện khác phục vụ cho sản xuất kinh doanh một cách tốt nhất, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia để hoạt động HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Chính ngày càng phát triển không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhắc đến Quảng Ninh không thể không kể tới Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”(OCOP). Kể từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án này. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng nông thôn; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Vì thế, không có mô hình nào tốt hơn HTX để thu hút người dân tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng đem lại giá trị kinh tế cao.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (TP. Móng Cái), được thành lập từ năm 2016 chuyên chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ lợn Móng Cái, được đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, trang trại của chúng tôi nuôi khoảng 150 con lợn Móng Cái các loại. Do chăn nuôi đơn lẻ cung cấp cho thương lái, giá cả bấp bênh nên trang trại phát triển không ổn định. Khi TP. Móng Cái chọn bảo tồn giống lợn Móng Cái cho chương trình OCOP, tôi cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã thành lập HTX để mở rộng, chế biến các sản phẩm từ lợn, đem lại thu nhập cao.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 40 HTX tham gia chương trình OCOP. Hầu hết các HTX tham gia OCOP được hình thành từ kinh tế hộ, có ưu điểm nhỏ gọn, duy trì bảo tồn sản phẩm truyền thống, gắn với phong tục làng, bản tại địa phương. Nhưng kinh tế hộ lại có hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu liên kết, sản phẩm chất lượng không cao và thiếu đi tính cộng đồng cho giá trị thấp.Mặc dù các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Các HTX tham gia OCOP có quy mô nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ năng lực, nền tảng của các HTX hạn chế; thiếu HTX điểm để học tập; nhiều HTX tham gia OCOP chưa thực sự đổi mới về tổ chức, thiếu động lực để phát triển, việc tiếp cận các nguồn vốn vay, quỹ đất để đầu tư mở rộng sản xuất của HTX còn khó khăn.

Hình 1.1. Sản xuất rau an toàn tại HTX Nông nghiệp Hương Việt (TP. Uông Bí)

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng KHCN. Cùng với đó, tỉnh chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành các điểm bán hàng OCOP. Đồng thời mở rộng thị trường, tổ chức các hội chợ, tuần kết nối đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường. Năm 2017, tỉnh tổ chức hơn 20 hội chợ, phiên chợ lớn nhỏ với sự tham gia của hàng chục HTX trong và ngoài tỉnh để liên kết quảng bá sản phẩm. Tỉnh cũng đã siết chặt quản lý sử dụng tem, nhãn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hiện Ban Xây dựng nông thôn mới đang phối hợp với Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm OCOP, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…

Để các HTX tham gia chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, cần xây dựng cơ chế, chính sách đối với sản phẩm chủ lực; có hỗ trợ đủ mạnh, tạo niềm tin cho các HTX kiểu mới phát triển.

Như vậy, với việc dồn sức, dồn lực, khu vực kinh tế tập thể tại Quảng Ninh đã đang và sẽ phát huy hết tiềm năng, lợi thế và tạo sức mạnh tổng hợp từ phát triển mô hình chuỗi để các sản phẩm nơi đây được vươn xa và hội nhập sâu với nền kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)