5. Kết cấu luận văn
4.2.2. Tăng cường công tác tuyên truyền
Trong thời đại kinh tế thị trường, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển vững vàng buộc các doanh nghiệp phải quảng cáo, giới thiệu để mọi người biết đến thương hiệu, nhãn hiệu của công ty, từ đó mới đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm. Đối với lĩnh vực BHXH cũng vậy, muốn các doanh nghiệp chưa tham gia sẽ tham gia BHXH, những doanh nghiệp có ít người tham gia sẽ tham gia đầy đủ hơn thì cơ quan BHXH phải thực hiện công tác tuyên truyền đến từng người doanh nghiệp, từng NLĐ để từ đó NSDLĐ sớm nhận thức được trách nhiệm phải tham gia BHXH cho NLĐ cũng như việc NLĐ thấy rõ được quyền lợi và lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề sau đây:
- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN đến mọi doanh nghiệp và NLĐ.
Do sự am hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật của các chủ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn hạn chế. Do vậy, tích cực tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm cho NSDLĐ sớm nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của họ phải thực hiện theo quy định của pháp luật là tham gia BHXH cho chính họ và NLĐ làm việc trong doanh nghiệp họ quản lý. Cũng qua tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, NLĐ sẽ nắm được quyền và nghĩa vụ trước pháp luật của mỗi người khi tham gia BHXH. Qua đó, NLĐ thấy rõ hơn những lợi ích hợp pháp của họ khi được tham gia BHXH.
- Tuyên truyền, phổ biến các chế độ mà NLĐ, NSDLĐ được hưởng khi tham gia BHXH.
Đối với NSDLĐ cần tuyên truyền, phổ biến để họ nhận thấy bên cạnh nghĩa vụ phải chấp hành pháp luật của nước ta, họ còn được những cái lợi căn bản như:
+ Giữ được nhiều lao động có trình độ tay nghề cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Với mức lương hợp lý cùng với việc đảm bảo các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thì họ hoàn toàn yên tâm và cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp đó vì tâm lý chung của người Việt Nam là thích sự ổn định trong công việc. Điều này được giải thích tại sao trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước lại có nhiều người xin vào làm, công tác.
+ Sẽ thu hút, lôi kéo những NLĐ có tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi của các đối thủ cạnh tranh, NLĐ từ các tỉnh khác đến công tác.
+ Làm giảm gánh nặng của doanh nghiệp về tài chính khi những NLĐ gặp rủi ro trong quá trình lao động sản xuất như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc tử vong. Nếu không tham gia BHXH cho NLĐ thì khi NLĐ gặp rủi ro nêu trên, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm về tài chính đối với những NLĐ đó.
+ Tránh được sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước Với việc chấp hành đúng quy định của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản quy phạm pháp luật về lao động sẽ tránh được sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, tạo ra sự yên tâm công tác cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp.
Đối với NLĐ: Đối với NLĐ cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách, quyền lợi mà người tham gia BHXH sẽ được hưởng trong suốt quá trình tham gia BHXH. Đại bộ phận NLĐ trong các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, cụ thể là đồng lương hằng tháng mà họ nhận được chứ ít quan tâm đến các lợi ích lâu dài mà họ được hưởng. Với việc hằng tháng phải trích đến 8,5% (trong đó BHXH là 6%, BHYT là 1,5% và BHTN là 1%) từ tiền lương của họ để
nộp cho cơ quan BHXH thì nhiều lao động không muốn. Họ chỉ muốn doanh nghiệp trả lương họ bao nhiêu thì họ sẽ được lĩnh bấy nhiêu. Công tác tuyên truyền phải làm nổi bật lên các chế độ liên quan đến BHXH là rất thiết thực cho NLĐ như chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, chế độ BHXH một lần và chế độ khám chữa bệnh BHYT.
Các hình thức tuyên truyền, quảng bá: Có rất nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về văn bản quy phạm pháp luật cũng như là các chế độ chính sách về BHXH đối với chủ sử dụng lao động và NLĐ như tuyên truyền qua các tờ rơi, pano, áp phích, tuyên quyền qua Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Thọ, đài phát thanh các tỉnh, thị xã, thành phố. Phối hợp với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp.
+ Tuyên truyền qua tờ rơi: Đây là hình thức tuyên truyền tương đối dễ thực hiện và có hiệu quả cao vì tờ rơi rất dễ làm, và mọi NLĐ dễ dàng tiếp cận, dễ đọc và còn làm tài liệu rất hữu ích cho chính NLĐ khi muốn tìm hiểu sâu về BHXH. Tuy nhiên tờ rơi phải được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, nội dung và bố cục gọn gàng dễ hiểu, xúc tích, cô đọng phản ánh tương đối đầy đủ về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH cũng như quyền, nghĩa vụ và các lợi ích được Nhà nước bảo vệ khi tham gia BHXH. Cũng có thể cơ quan BHXH phát hành cuốn sách bỏ túi như: “cẩm nang về BHXH” hay “những điều cần biết về BHXH”.
+ Tuyên truyền qua các cơ quan báo đài: Cơ quan BHXH tỉnh cần phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ, Báo Phú Thọ, đài phát thanh xã, thị trấn để viết bài, phát sóng nội dung chế độ chính sách về BHXH cũng như giải đáp những vướng mắc của NLĐ về BHXH; thường xuyên phát sóng, đăng tải các bài viết về những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác BHXH cũng như là các doanh nghiệp chưa tham gia, các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH.
+ Tuyên truyền qua các cơ quan nhà nước khác: Việc tuyên truyền thực hiện chế độ, chính sách về BHXH không chỉ riêng cơ quan BHXH phải làm mà còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đặc biệt là phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác. Để làm được điều này đòi hỏi BHXH tỉnh cần chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND chỉ đạo các cơ quan có liên quan tham gia trong công tác tuyên truyền thực hiện chế độ chính sách về BHXH trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cơ quan BHXH chủ động ký hợp đồng với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, UBND xã, thị trấn trong việc tổ chức tuyên truyền thực hiện chế độ chính sách về BHXH. Việc tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh xã, thôn sẽ làm cho NLĐ dễ tiếp cận các nguồn thông tin đó.
+ Tuyên truyền qua những người làm công tác BHXH: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BHXH sẽ là một tuyên truyền viên hữu hiệu tại nơi làm việc và địa phương sinh sống. Việc tuyên truyền tập trung trước vào những người thân trong gia đình, những người sống trong làng, xã và những người quen, thân và chính những người được tuyên truyền đó lại trở thành một tuyên truyền viên khác đi tuyên truyền cho những người thân của họ. Với việc làm này dẫn đến những người có hiểu biết về BHXH một gia tăng, nhận thức của người dân nói chung và NLĐ nói riêng về BHXH ngày một cao, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH tổ chức thực hiện và đối tượng tham gia BHXH ngày một tăng. Để làm được điều này cần phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác BHXH giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và còn phải giỏi trong vấn đề giao tiếp. Đặc biệt phải tạo được niềm đam mê, yêu ngành, yêu nghề cho mỗi cán bộ, nhân viên cũng như gắn kết trách nhiệm trong phân công công việc.