5. Bố cục của luận văn
1.2.2. Khái quát một số chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính
sách xã hội
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2003, NHCSXH đã khẩn trương tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH để nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng tới tay người nghèo. Khởi điểm với ba chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ NHNN&PTNT, cho vay học sinh sinh viên nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam, cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước, đến nay, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Một số chương trình tín dụng nổi bật như chương trình tín dụng hộ nghèo, chương trình tín dụng học sinh sinh viên, chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…
a/ Chương trình tín dụng hộ nghèo:
Thực hiện các quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH đã ban hành các quy chế nghiệp vụ tín dụng cùng nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo. Để được vay vốn chương trình, hộ nghèo phải thỏa mãn các điều kiện:
- Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn tại địa phương nơi cho vay;
- Có tên trong danh sách hộ nghèo ở xã, phường sở tại theo chuẩn hộ nghèo do Bộ LĐTBXH công bố từng thời kỳ;
- Hộ vay không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn nhưng phải là thành viên tổ TK&VV, được tổ bình xét, lập thành danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã;
- Chủ hộ hoặc người thừa kế được ủy quyền giao dịch là người đại diện hộ gia đình chịu trách nhiệm mọi quan hệ với bên cho vay, là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ ngân hàng.
Về mục đích vay vốn, hộ nghèo được sử dụng vốn vay để phục vụ cho các mục đích sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần như nhà cửa, điện nước, học tập. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ, thống nhất một mức trong phạm vi của cả nước và ngoài mức lãi suất này, hộ nghèo vay vốn không phải trả thêm bất kỳ một khoản phí nào khác. Mức cho vay đối với từng hộ nghèo được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn, vốn tự có và khả năng hoàn trả nợ của hộ vay.
b/ Chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình và nghiệp vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên. Để được vay vốn chương trình, đối tượng vay vốn phải là:
- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề của Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề,
trung tâm dạy nghề, trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác…
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ, thống nhất một mức trong phạm vi của cả nước. Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khoá học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập. Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa/tháng/học sinh và NHCSXH quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai chương trình, nhận thấy cơ chế cho vay trực tiếp đối với học sinh, sinh viên tồn tại nhiều bất cập khi nhiều học sinh, sinh viên ra trường không duy trì mối quan hệ với ngân hàng, thậm chí có trường hợp đã có việc làm nhưng không tự giác trả nợ… khiến việc thu hồi vốn của ngân hàng trở nên khó khăn, NHCSXH đã đề xuất và được chấp thuận hai phương thức cho vay thông qua hộ gia đình và vay vốn, trả nợ trực tiếp tại NHCSXH nơi địa bàn nhà trường đóng trụ sở đối với sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đại diện hộ gia đình sẽ là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH, phải gia nhập và là thành viên Tổ TK&VV tại địa phương nơi hộ gia đình đang sinh sống.
c/ Các chương trình cho vay giải quyết việc làm
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai ba chương trình tín dụng lớn để giải quyết việc làm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách là Chương trình cho vay giải quyết việc làm, Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, Chương trình cho vay hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất
khẩu lao động. Đối tượng vay vốn của Chương trình cho vay giải quyết việc làm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và chủ trang trại.
Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài có quy định người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật được phép vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi NHCSXH cho vay đóng trụ sở; - Có xác nhận của UBND xã nơi người vay cư trú về việc người vay thuộc đối tượng chính sách;
- Được bên tuyển dụng chính thức tiếp nhận đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Người nghèo được vay vốn để trả phí đào tạo; phí tư vấn hợp đồng; phí đặt cọc; vé máy bay một lượt đến nước mà người lao động tới làm việc; và các chi phí cần thiết khác tại hợp đồng lao động. Mức cho vay cụ thể đối với từng lao động được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn của người vay, khả năng trả nợ của người vay và khả năng nguồn vốn của NHCSXH nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa do Hội đồng quản trị NHCSXH quy định từng thời kỳ. Hiện nay, mức cho vay tối đa của chương trình bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động cư trú hợp pháp tại 62 huyện nghèo và huyện được tách ra từ 62 huyện nghèo đã được tuyển chọn có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động thuộc đối tượng được vay vốn NHCSXH đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng người vay thuộc hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số được vay với lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của chương trình.
d/ Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH đã triển khai các chương trình tín dụng hướng tới hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách về nhà ở như Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở (thực hiện theo Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg), Chương trình cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên (thực hiện theo Quyết định số 105/2002/QĐ-75 TTg), Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (thực hiện theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg), Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg)… Trong số các chương trình cho vay liên quan đến nhà ở, có ba chương trình có quy mô dư nợ và có tầm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người nghèo là Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở và Chương trình cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Từ năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Để tăng nhanh tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và số hộ gia đình có công trình hợp vệ sinh, ngày 16/04/200, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và NHCSXH được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chương trình này. Đối tượng thụ hưởng của chương trình là các hộ gia đình cư trú hợp pháp tại khu vực nông thôn không phân biệt hộ nghèo và hộ không nghèo chưa có nước sạch và công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia. Vốn vay được sử dụng vào các việc mua nguyên vật liệu, trả công xây dựng và các chi phí cần thiết khác cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia. Chương trình cho vay được thực hiện qua hai giai đoạn thí điểm tại 10 tỉnh và mở rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc từ năm 2006.