7. Cấu trúc luận văn
2.2. Người phụ nữ với khát vọng yêu và kiếm tìm hạnh phúc
Trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, vấn đề sex cũng được đề cập đến khi miêu tả nhân vật nữ. Với anh, sex không phải để “câu khách” mà đằng sau mỗi pha sex ấy là khát vọng được yêu, được sống với đúng bản năng con người bình thường của người phụ nữ. Và hơn thế nữa là cả cuộc đời, số phận đầy cay đắng của những người phụ nữ trong xã hội cạm bẫy. Vì vậy, đọc tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, vấn đề tình dục của người phụ nữ được nói đến một cách rất tự nhiên như là chuyện cần có, phải có vì đó là nhu cầu ham muốn không thể thiếu của con người. Sex còn giúp cho khát vọng yêu ở người phụ nữ trở nên mãnh liệt. Giúp cho những ẩn ức trong họ được giải tỏa, tâm hồn được thăng hoa, tình yêu được bền vững. Và điều quan trọng họ tìm thấy ở đó ý nghĩa cuộc sống của đời mình.
Qua khảo sát sơ bộ 8 tiểu thuyết, chúng tôi nhận thấy có tới 48 lần nhà văn miêu tả cảnh sex trong tổng số 21 mối quan hệ. (Cụ thể: Hồ sơ một tử tù 3/2; Bên dòng sầu diện: 4/4; Kín: 9/5; Hoang tâm 5/1; Phiên bản: 10/4 và nhiều nhất là
Nháp: 17/5). Như vậy số lượt miêu tả sex có tần suất khá lớn so với các mối tình trong tác phẩm và được miêu tả với hai hình thức gián tiếp và trực tiếp. Nó có tác dụng nhất định cho việc xây dựng chân dung nhân vật nữ của nhà văn. Chính vì vậy, bạn đọc thấy được sự trau chuốt, lựa chọn cẩn thận thậm chí là yêu cầu đến mức khắt khe trong việc dùng từ, sử dụng hình ảnh của nhà văn để sex không thô tục, không tầm thường, để sex là sự tồn tại của cuộc sống.
Trong tác phẩm Hồ sơ một tử tù, hai người đàn bà Dịu và Nhung với tình yêu và những cảm xúc ngọt ngào đã đem lại cho Đàn một sức mạnh tinh thần kì diệu để Đàn đi hết hành trình số phận của mình mà vẫn giữ được lương tri thẳm sâu trong hình hài của một tử tù.
Dịu yêu và trao tấm thân ngọc ngà, trinh trắng của mình cho Đàn khi Đàn chưa bước chân vào thế giới của tội ác. Nên với Dịu đó là giây phút thiêng liêng, giây phút thật đẹp, thật ý nghĩa khi cô được trao cái quý giá nhất của đời người con gái cho người mình yêu. Với việc mượn hình ảnh “bóng trăng”,
những giây phút trao gửi tình yêu bằng cơ thể được ẩn mình một cách tế nhị, kín đáo và vì thế việc quan hệ tình dục của Dịu và Đàn đẹp vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi như vừa khám phá được một thế giới mới đầy hoa thơm, của lạ ở một nửa kia của đời mình: “Bóng trăng rửa sinh khí trai tráng trong Dịu để trở thành đàn ông từ hôm ấy. Bóng trăng yêu Dịu cuồng nhiệt, phủ lên người Dịu những cái hôn lửa đốt, những dập dềnh sóng lũ, những lắng dịu êm ái, những rì rầm yêu đương, cả chút bạo liệt, băm bổ. Sau những cái giây phút thẹn thùng ban đầu, Dịu dần trở nên chủ động hòa quyện vào bóng trăng. Da thịt Dịu mát lịm, hút chặt lấy thân nhiệt hừng hực của bóng trăng. Cơ thể bóng trăng bỏng rẫy” [61, tr.115]. Và cảm giác dịu ngọt đầu đời ấy với Dịu không phải là khoảnh khắc thoảng qua để rồi mau chóng chìm vào quên lãng mà nó đã theo suốt cuộc đời Dịu, để Dịu sống trong sự khắc khoải, đợi chờ người yêu trở về dù là trong vô vọng.
Nguyễn Đình Tú không chỉ dừng lại ở việc miêu tả sex để giải trí, mua vui mà luôn gửi gắm sau đó là hoàn cảnh, số phận của nhân vật. Tình yêu và xác thịt mà Nhung dành cho Đàn không nhuốm màu trăng lãng mạn, bay bổng như Dịu. Nó đơn giản và đời thường hơn khi chỉ là những cuộc giải tỏa sinh lý triền miên trong nỗi khốn cùng của kẻ đang phải trốn chạy. Người đàn bà ấy có lẽ cũng yêu Đàn, cũng tôn thờ bức tượng thần Hy Lạp nằm bên mình mỗi đêm mà không biết rằng khát vọng vợ chồng chẳng bao giờ có thể đạt được. Nhung được giới thiệu là cô gái làng chơi có nhan sắc, vì hoàn cảnh mà dạt về bãi đào vàng Lũng Sơn và trở thành món hàng hóa trao đổi giữa các nhóm đào vàng. Những lời tâm sự của Nhung với Đàn đã hé lộ cuộc đời nhiều nỗi đau và nước mắt của cô. Hình ảnh của Nhung vì thế luôn gắn liền với sự thanh khiết, thánh thiện bên cây thánh giá và những đóa hoa mân côi chứ không phải là một gái điếm mạt hạng, bệnh tật… ngay cả khi cô phải sex với lũ đàn ông mà cô luôn ghê tởm hoặc coi đó là nghĩa vụ: “Nhung đã chấm hết tuổi con gái của mình ở tuổi mười ba. Sau khi mẹ Lan chết bởi bệnh tim bẩm sinh quái ác, Nhung bị ông bố nuôi râu xồm đánh cướp lạc thú làm người ở cái tuổi mà cơ thể chưa
được Chúa vẽ lên những vệt mực tàu cần thiết. Đôi mắt luôn ngước lên của Nhung không tìm được sự lý giải nơi trần nhà lúc nào cũng vàng vọt ánh nê- ông, đã phải khép mi lại thả trôi theo dòng nước. Nhưng dòng nước cũng chả nỡ giết hại một đứa trẻ đẹp đẽ như Nhung nên đã trả Nhung về với vạn chài nhỏ nép mình nơi cửa sông. Những người đàn ông ở vạn chài tìm thấy ý nghĩa của tạo hoá ở Nhung nên họ nuôi cô để lấy thân xác cô chứ không cần đôi mắt ngước lên thánh thiện, trước mỗi mùa giông bão” [61, tr.160].
Ở Bên dòng Sầu Diện, sex xuất hiện trong tình yêu và sự trao gửi thân xác một cách bất ngờ, tự nhiên, đầy bản năng của Mến, người con gái đang ở tuổi mười chín, đôi mươi. Tình cảm chợt đến trong khoảnh khắc thời gian thật ngắn ngủi, nhưng tâm hồn cảm xúc lại rung động, trào dâng đến mãnh liệt. Mến có cảm tình với người đàn ông chưa từng gặp mặt (Nguyên Bình) ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và khi con tim đã rung động, Mến cũng không cần ép cảm xúc của mình. Cô sẵn sàng trao gửi và cũng để nhận về những cảm giác ngọt ngào của lần đầu được yêu từ con người khác giới.
Tình yêu đi liền với tình dục trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú được miêu tả như một nhu cầu tự nhiên, một phần tất yếu của cuộc sống, động lực thúc đẩy con người hướng về điều tốt đẹp, nuôi dưỡng những tình cảm trân quý về nhau. Nhân vật Duyên trong tiểu thuyết Nháp hiện thân của con người chuẩn mực trong suy nghĩ, dâng hiến trong tình yêu, thuỷ chung trọn nghĩa trong tình bạn. Điều đáng trân trọng là trong khi tất cả chạy theo dục vọng, đê mê trong cảm hứng sắc dục thì Duyên chỉ hiến dâng và chung thuỷ. Đọc Nháp, ta thấy có những đoạn nhà văn miêu tả cảnh ái ân, hoan lạc của Duyên và Đại thật sự là những khoảnh khắc rất “người”. Đó là cảnh Duyên trao cái quý giá nhất của đời người con gái cho Đại trong lần đầu tiên giao hợp. Từ không gian gợi tình đưa đẩy đến những biểu hiện khát khao dâng hiến cho tình yêu, tất cả hiện lên thật hài hòa:“Gió mơn man da thịt. Bên thì mở lòng, bên thì tò mò, mong mỏi. Thế là những nụ hôn trao nhau. Thế là những chiếc cúc bật tung. Đại ơi, Duyên sợ lắm! Sợ gì? Đau! Không đau đâu. Thế là người phủ lên người, da thịt
phủ lên da thịt, hoàng hôn phủ lên hoàng hôn. Cả đám hoa dạ thảo ven hồ nát bấy dưới hai thân hình căng tràn sức thanh xuân” [63, tr.114]. Từ phút thăng hoa, khoái lạc ấy, cả Duyên và Đại đều cảm thấy hân hoan trong lòng. Cùng với sự biến đổi về mặt tâm lý là cả một sự thay đổi lớn đang diễn ra bên trong tâm hồn của cả hai người. Nguyễn Đình Tú thật tinh tế và tỏ ra thấu hiểu tâm lý nhân vật khi nói lên những cảm xúc của họ: “Cả hai đều cảm thấy có một cái gì đó đang nứt ra trong mình. Những bước chân đầu tiên thật ngượng ngạo, khắp da thịt đâu cũng thấy tê tê giần giật, cảm xúc dâng lên trái chiều và căng cứng, vừa thích thú vừa e ngại, vừa trống rỗng vừa bồi hồi” [63, tr.115].
Tới Phiên bản, sex thực sự đã trở thành một chất kích thích để con người được yêu đúng với bản năng tự nhiên mang tính bản thể. Cũng chính nhờ sex với những giây phút nồng nàn chăn gối để bản tính lương thiện, hiền hòa nhất trong con người trở về. Bản năng tình dục ở Phiên bản “kín đáo, đớn đau, nhễ nhại và có gì đó thẳm sâu”. Hương Ga - nữ hoàng của thế giới ngầm kia có tàn ác và bạo ngược đến đâu thì trong chuyện tình cảm, bản năng làm đàn bà vẫn lấn áp đi mọi thứ, ngự trị ở nơi đó không có sự tranh giành, đua chen mà chỉ còn hai chữ tình yêu cho dù tình yêu ấy chỉ chứa đựng khát khao của nhục thể và đôi khi muốn tìm một chỗ vịn trong cuộc đời. Hương Ga luôn hi vọng Hưng mã sẽ là bến bờ hạnh phúc của cuộc đời cô. Vì thế cô đã yêu hết mình và tận hưởng những giây phút thăng hoa cùng Hưng mã mà không hề suy nghĩ, đắn đo: “Hưng dẫn em đi qua miền cực lạc của trai gái, của cuộc sống bụi đời, của những ngày tháng đứng bãi, của những mộng mơ mê đắm đầu đường xó chợ”
[64, tr.151]. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh để đưa người đọc đi đến tận cùng cảm xúc của nhân vật khi tình yêu được thăng hoa bằng sex: “Nào là đàn sẻ ri bay qua người em. Nào là mặt trăng phủ ánh vàng lên người em. Nào là ông mặt trời chiếu ánh nắng gắt lên làn da em. Nào là đức Phật hiện ra đưa em về miền cực lạc. Nào là những con rết thả nọc độc vào các mạch máu em. Bức họa bì mang lại cho em tất cả cảm giác ấy” [64, tr.156].
Đình Tú đã tạo được cảm nhận mang tính thẩm mĩ về sex và yêu trong lòng độc giả.
Với Tùng, Hương (ga) mới thực sự tìm được sự hòa nhịp của trái tim, của tâm hồn, của sự dâng hiến và trao nhận từ một người khác giới. Tùng hê rô đã đem đến cho nữ chúa giang hồ một tình yêu gắn liền với những pha giao hợp vợ chồng đầy đằm thắm, dịu dàng, nâng niu, trân trọng. Tùng đã thỏa mãn được khát vọng một lần lên xe hoa với đúng nghĩa của một người phụ nữ. Vì thế, đọc những đoạn văn miêu tả cuộc làm tình của Tùng hê rô và Hương ga dù trong máu, trong những thao thức, giật mình, sợ hãi nhưng vẫn chứa đựng những cảm xúc đặc biệt vừa có sự êm ái, dịu ngọt, vừa có sự ngưỡng mộ, tôn thờ và quả thật nó đã sưởi ấm và vá lại những mảnh rách vụn trên thân thể và tâm hồn của thị.
Lấy văn hóa dân gian làm cảm hứng cho những sáng tạo trong sex, Nguyễn Đình Tú đã miêu tả hình ảnh người phụ nữ khi yêu trong quan hệ với sex một cách khéo léo. Đó là cuộc thác loạn của Quỳnh vào đúng sinh nhật tuổi hai mươi - một cái tuổi lẽ ra phải căng tràn hoài bão thì cô lại cùng đám bạn tổ chức buổi lễ “linh tinh tình phộc”: “Khỉ không còn biết mình là ai và không nhớ nổi bất cứ điều gì nữa kể từ khi tấm vải điều trên đầu rơi xuống và những mảnh áo giấy lần lượt bị giật ra khỏi người. Chó cắn, Lợn cào, Hổ vồ, Gà mổ, Ngựa đá, Rồng lượn, Rắn bò, Trâu húc, Chuột gặm, Mèo vờn...Cảm giác nóng bỏng, căng cứng làm Khỉ như muốn bốc thành ngọn lửa thiêu cháy hết tất cả mọi thứ xung quanh. Bất cứ con giáp nào đến với Khỉ cũng nhận thấy xúc cảm mạnh mẽ đang dâng trào mãnh liệt từ phía sau tấm mặt nạ vô hồn kia. Chó - Mèo lăn xả vào nhau cùng với thứ âm thanh nồng nàn ma quái hắt ra từ hai chiếc loa thùng để ở góc nhà. Rồng - Rắn cũng quấn lấy nhau, rập rình theo điệu chầu văn da diết” [65, tr.429-430]. Đọc những đoạn văn miêu tả cảnh sex đầy máu lửa, nổi loạn mà nhân vật chính lại là một cô gái mới tròn 20 tuổi, người đọc không khỏi giật mình sợ hãi trước sự sa đọa về giá trị đạo đức nhưng cũng không khỏi xót thương cho số phận của một người con gái dùng sex để giải tỏa nỗi cô đơn trong tâm hồn.
Sex còn được Nguyễn Đình Tú miêu tả gắn liền với quan niệm tôn giáo. Đó là nhân vật Son Phấn - cô gái điếm người Mụ - trong tiểu thuyết Hoang tâm
với khát khao chứng minh mình còn mầm dục. Với Son Phấn, tình yêu chỉ tồn tại khi con người cô còn mầm dục. Son Phấn đã chủ động gợi hứng dục ở người đàn ông mà cô lựa chọn một cách kiên trì và bằng nhiều hình thức khác nhau, có khi là dâm ngôn: “Thường thì cái này khi không cương lên được, trông rất buồn cười, thậm chí xấu xí, nhưng của anh lại rất hấp dẫn, không mềm nhũn, không vẹo vọ, cũng không co rụt lại như mẩu thịt thừa thảm hại”
[66, tr.101], có khi là khẩu ngôn: “Lưỡi cô mềm và ấm. Miệng cô ẩm ướt và kích thích” [66, tr.106], có khi là sự đê mê khi hai cơ thể hòa vào nhau trong những lần giao hợp đầy hứng khởi: “Ấm nóng tràn trề. Ôm ấp khít khao. Nhấp nhổm tưng bừng. Vào ra đều nhịp. Pháo hoa nở trong thớ thịt. Dòng điện chạy khắp đường gân. Anh tìm thấy mình hùng hổ trong ánh mắt tê dại của Son Phấn. Son Phấn cũng đang trở nên nhảy múa loạn xạ trong cái nhìn đờ đẫn của Anh” [66, tr.193]. Cách miêu tả sex của nhà văn vừa táo bạo, trần trụi nhưng cũng đầy hình ảnh, và rất nhân văn. Ở đây, sex vừa là nhu cầu bản năng không thể thiếu của con người, nhưng cũng là chất men để nuôi dưỡng tình yêu và niềm tin vào cuộc sống. Quả thật, sex với Son Phấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cô cần nó, và nhờ nó cô mới chứng minh được sự tồn tại của mình, sex với cô chính là tình yêu, là cuộc sống, là bản thể duy trì dòng tộc của người Mụ mà cô có trách nhiệm phải bảo tồn và duy trì.
Có thể nói với bản lĩnh của mình, Nguyễn Đình Tú đã không ngần ngại khi chạm ngòi bút vào vấn đề rất nhạy cảm - vấn đề sex. Điều quan trọng, nhà văn đã khéo léo dùng sex để lí giải một cách đầy nhân văn khát vọng yêu và kiếm tìm hạnh phúc của người phụ nữ. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, người đọc không khỏi trăn trở về con đường mà nhân vật nữ lựa chọn để được yêu và được hạnh phúc. Tại sao người ta dễ chấp nhận khi người phụ nữ cam chịu hi sinh hạnh phúc của riêng mình vì người khác, nhưng lại rất khó chấp nhận một người phụ nữ dám sống cho mình, dám bộc lộ khát vọng yêu với bản năng sex? Ở đây, nhà văn đã miêu tả hình ảnh người phụ nữ dám từ bỏ những
mặc cảm, tự ti, những rào cản trong tâm lí chung của xã hội để được yêu và hạnh phúc theo cách của riêng mình. Nhà văn luôn dành nhiều sự cảm thông, xót thương, trân trọng những khát vọng sex rất tự nhiên, đầy bản năng khi yêu của người phụ nữ và khẳng định họ có quyền được hạnh phúc, có quyền được sống là chính mình.