Khái quát chung về tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 26 - 33)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Khái quát chung về tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả dân tộc phấn khởi, náo nức bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Song nhìn vào thực tiễn hoàn cảnh đất

nước sau chiến tranh, cho thấy nước ta gặp vô vàn khó khăn bởi những tổn thất nặng nề mà chiến tranh để lại. Đó không chỉ là những tổn thất, mất mát về vật chất, sức người, sức của mà còn hao tổn lớn về tinh thần, tâm lí và làm biến động cả đời sống xã hội, khó có thể bù đắp trong thời gian ngắn. Sau chiến thắng, con đường chúng ta đi không phải là con đường bằng phẳng mà phải đối diện với vô vàn thử thách, chông gai, phải tiếp tục “vấp váp và trả giá” (Nguyên Ngọc). Cuộc khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh diễn ra trầm trọng kéo theo những mâu thuẫn xã hội. Những mặt trái của xã hội không ngừng bộc lộ, phát triển, len lỏi vào tất cả ngõ ngách của đời sống. Đời sống văn hóa, văn nghệ chững lại, độc giả dửng dưng với người viết, nhiều nhà văn lâm vào tình trạng bế tắc. Ý thức nghệ thuật của số đông người viết và công chúng chưa thực sự bắt nhịp với thời đại, những quan niệm và cách tiếp cận hiện thực vốn quen thuộc trong thời kì trước tỏ ra bất cập, lỗi thời trước hiện thực mới và thị hiếu độc giả. Đây là thời gian mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “khoảng chân không trong văn học”, nhưng cũng chính trong khoảng thời gian này đã diễn ra sự vận động có chiều sâu trong đời sống văn học. Văn học đã chuyển từ “cuộc chiến đấu trao quyền sống cho cả một dân tộc” sang một cuộc chiến đấu mới, dù âm thầm nhưng quyết liệt không kém. Đó là “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng cá nhân. Văn học đặt trong mối quan hệ với hiện thực đời sống thường nhật đã bộc lộ tất cả sự phức tạp, đa dạng, đa chiều vốn có của nó. Sự thay đổi toàn diện và sâu sắc của hiện thực đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là sau đổi mới (1986) đã buộc người cầm bút không thể tiếp tục viết theo cách cũ, không thể nhìn cuộc sống bằng đôi mắt cũ mà phải đặt nó trong sự biến động, đổi thay phức tạp, phải thay đổi cách cảm, cách viết của mình để đáp ứng yêu cầu của một giai đoạn văn học mà ở đó diễn ra nhiều cuộc đối chứng gay gắt như Nguyễn Minh Châu nhận định: “Thời kì này diễn ra một cuộc đối chứng giữa nhân cách và phi nhân cách, giữa hoàn thiện và phi hoàn thiện, giữa ánh sáng và khoảng bóng tối còn rơi rớt bên trong mỗi tâm hồn, mỗi con người” [5, tr.49]. Nhà văn Lê Lựu luôn tự nhủ: “Tôi tự bảo không thể viết như

cũ được”. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, đổi mới văn học nghệ thuật nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

Nói về vị trí quan trọng của thể loại tiểu thuyết trong văn học, Dương Thu Hương trong luận văn Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú có dẫn: “Nhà văn Nguyễn Quang Thân cho rằng: Nếu cả nền văn học là một hơi thở thổi suốt từ quá khứ đến tương lai thì tiểu thuyết là dòng cảm xúc chủ đạo mãnh liệt nhất, liên tục nhất của hơi thở ấy” [25, tr.163]. Tiểu thuyết chính là “cỗ máy cái” chiếm vị trí trung tâm “xương sống” của văn học, trở thành nghệ thuật khám phá đời sống, có khả năng chứa đựng lịch sử nhiều cuộc đời. Vì thế, tiểu thuyết không quá bỡ ngỡ trong guồng xoay với những đổi thay lớn lao của đất nước và yêu cầu đổi mới văn học. Nó nhanh chóng tiếp cận cái mới, cải biến, kế thừa đặc điểm tiểu thuyết của giai đoạn trước để bộc lộ hết ưu thế và nội lực tiềm tàng, mang về một mùa gặt bội thu với nhiều phương diện cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

* Đối với thể loại tiểu thuyết, sự đổi mới thể hiện trước hết ở việc mở rộng đề tài, khả năng chiếm lĩnh, khám phá và mô tả hiện thực cuộc sống và con nguời.

Tiểu thuyết là thể loại luôn luôn thay đổi, biến hóa, “không hoàn kết” bởi nó

“tiếp xúc tối đa với cái đương đại chưa hoàn thành” (M.Bakhtin). Theo cách diễn đạt của M.Bakhtin, tiểu thuyết khước từ cái nhìn nguyên phiến, đơn diện, một chiều. Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết là thể loại mang tính dân chủ nhất trong các thể loại văn học. Rõ ràng sau 1986, với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế, cùng với nó là sự tồn tại và phát triển của các lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng (văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng), con người cũng thay đổi. Bên cạnh con người công dân, con người nhập cuộc, nhiều khát vọng hoặc tham vọng; còn xuất hiện các kiểu con người mới mẻ: con người đời tư với những âu lo, bi kịch; con người tự nhiên với những khát vọng bản năng thầm kín; con người hoài nghi, bất an… Đây chính là mảnh đất màu mỡ, đầy hấp dẫn của tiểu thuyết.

Trong giai đoạn đất nước đang đứng trước những thách thức mới, đầy khó khăn, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển, đạo đức con người ngày một xuống cấp, con người sẵn sàng bất chấp cả pháp luật và những giá trị đạo đức truyền thống mà làm việc ác. Ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, các nhà tiểu thuyết giai đoạn này không thể chỉ đứng một chỗ mà viết những vấn đề quen thuộc, hay phản ánh hiện thực cuộc sống theo quan điểm chung của xã hội. Họ phải không ngừng khám phá, phát hiện những vấn đề mới mẻ, vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm. Đề tài về an ninh xã hội là một trong những đề tài mà nhiều tiểu thuyết giai đoạn này đã dấn thân thử sức. Viết về đề tài này đòi hỏi các nhà văn phải dũng cảm, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải biết chấp nhận nguy hiểm. Mảng đề tài này được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau: những tệ nạn trong xã hội, vấn đề tội phạm, mặt trái của đồng tiền, giá trị đạo đức xuống cấp… Thế hệ các nhà văn không ngừng làm mới cho đề tài này bằng những phát hiện, sáng tạo riêng. Trước hết phải nói đến thế hệ những người tiền trạm cho đề tài này như nhà văn Lê Tri Kỷ, những người giữ lửa như Nguyễn Hữu Ước và sẽ được nối tiếp bằng thế hệ những nhà văn trẻ đầy nội lực thế hệ 7X, 8X: Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thị Hồng, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Xuân Thủy và đặc biệt là có sự đóng góp của nhà văn trẻ của quân đội Nguyễn Đình Tú. Là những người mở đường, sáng tác của Lê Tri Kỉ ở mảng đề tài này như Xuân Thiều nhận xét “…chúng ta không thấy những pha ly kỳ, những vụ án phức tạp tò mò, những cuộc săn đuổi thủ phạm đầy gay cấn, mà chỉ trên nền truyện như thế. Ông viết về tình đời tình người” [56]. Và Hữu Ước, nhà văn thuộc lực lượng vũ trang đã tiếp lửa cho đề tài An ninh xã hội bằng việc đào xới sâu hơn những góc tối của xã hội hiện đại và truy tìm nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh những mặt trái, những mặt tiêu cực trong xã hội. Còn với thế hệ 7X, 8x, trong tư cách là những nhà văn trẻ của thời đại mở cửa, vừa kế thừa nền tảng của những nhà văn đi trước đồng thời mở rộng phạm vi khai thác vấn đề an ninh xã hội và phản ánh một cách thẳng thắn, trực diện táo bạo hơn. Điều này có thể chứng minh qua các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Trong tám cuốn tiểu thuyết được hoàn thành trong hơn mười năm, từ cuốn tiểu thuyết Hồ

sơ một tử tù (2002) đến cuốn tiểu thuyết được xuất bản gần nhất Cô mặc sầu

(2015) trừ Bên dòng Sầu Diện viết về đề tài chiến tranh biên giời phía bắc, còn lại bảy cuốn tiểu thuyết đều trực tiếp hoặc gián tiếp viết về vấn đề gai góc, đôi khi gây sốc trong đời sống xã hội: trộm cướp, giang hồ, ma túy, băng hoại đạo đức… Điều đáng ghi nhận trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú khi viết ở đề tài này là nhà văn đã phát hiện trong thế giới tội phạm ấy có cả những nhân vật là nữ và họ trở thành nữ chúa giang hồ. Nhà văn phanh phui, miêu tả cụ thể, chi tiết từng biểu hiện trong cách phạm tội của nhân vật nữ. Nào là cảnh chém giết, nào là cảnh dằn mặt, cảnh sex đồi trụy, cảnh trốn tù, cảnh ghen tuông, cảnh chạy trốn,… Thế giới tội phạm nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú như một bức tranh thu nhỏ của cả xã hội Việt Nam hiện đại với rất nhiều mặt tiêu cực, với cái ác đang lấn át dần cái thiện. Song đằng sau bức tranh thu nhỏ ấy, ta lại thấy ở nhà văn một niềm tin yêu, cảm thông đối với những nữ tội phạm. Bởi nhà văn đã đã phát hiện ra nguyên nhân sâu xa dẫn tới chỗ con người nói chung và những người phụ nữ nói riêng trở thành tội phạm để từ đó muốn phục thiện con người. Qua trang viết của Nguyễn Đình Tú, người đọc luôn trăn trở: con người phạm tội do đâu, do bản chất họ ác hay do hoàn cảnh xã hội dồn đẩy họ đến bước đường cùng và họ có khả năng phục thiện không, họ sẽ phục thiện bằng cách nào, ai và điều gì sẽ giúp họ phục thiện…

Bên cạnh đề tài an ninh xã hội, tình dục là vấn đề rất đỗi bình thường của con người. Đó là một vấn đề vô cùng nhạy cảm mà trước kia văn học ít đề cập đến thì nay trở thành vấn đề được nói đến hết sức chân thực mà ở đó nhà văn phát hiện ra những nhu cầu rất đời thường, rất đáng trân trọng ở con người.

Tóm lại, tiểu thuyết đúng là một mảnh đất màu mỡ để từ sau 1986 thực sự trở thành thể loại phát triển với sự xuất hiện của nhiều vấn đề mới, cách khai thác mới.

* Về đội ngũ tác giả tiểu thuyết thời kỳ đương đại

Bên cạnh những nhà văn đã thành danh ở giai đoạn trước như Nguyễn Khải hay Nguyễn Minh Châu, tiểu thuyết giai đoạn này còn đánh dấu sự góp

mặt của đội ngũ đông đảo những tác giả mà tài năng chỉ thật sự nở rộ ở giai đoạn sau 1975 như: Ma Văn Kháng, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Thái Bá Lợi, Nguyễn Tri Huân, Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường… với hàng loạt tác phẩm chứng tỏ được sức viết khỏe khoắn và sự bắt nhịp kịp thời với tình hình mới của văn học.

Và sẽ là thiếu sót khi nói về các tác giả tiểu thuyết thời kỳ đương đại mà không nhắc đến sự đóng góp của thế hệ những nhà tiểu thuyết trẻ 7X, 8X như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Đình Tú ...

Nhìn chung, tiểu thuyết Việt Nam đương đại ghi nhận sự có mặt của đội ngũ đông đảo các tác giả tiểu thuyết, bao gồm những người đã thành danh trong giai đoạn trước, những người mà tài năng thật sự vào độ chín ở giai đoạn sau 1975 và cả những người viết tiểu thuyết chỉ mới xuất hiện trong giai đoạn sau 1975, đặc biệt là thời kì đổi mới văn học. Chính sự góp mặt của lực lượng tác giả đông đảo như thế đã làm cho tiểu thuyết giai đoạn này có được sự phát triển và diện mạo mới với sự phong phú về số lượng tác phẩm, sự đa dạng về nội dung, đề tài cũng như sự sâu sắc của những tác giả và tác phẩm tiểu thuyết thành công.

* Xét trên bình diện ý thức và quan niệm nghệ thuật, tiểu thuyết đương đại đặc biệt từ sau 1986 trở đi đã có nhiều biến chuyển.

Ở giai đoạn trước, do ảnh hưởng của chiến tranh nên văn học được nhìn nhận như một vũ khí tư tưởng với nhiệm vụ chính là tuyên truyền nên thường ca ngợi chiến thắng, ca ngợi anh hùng vĩ đại của dân tộc. Vì thế khuynh hướng chủ yếu trong các sáng tác giai đoạn này mang khuynh hướng sử thi. Đến nay trước sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử xã hội, yêu cầu văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng phải đổi mới một cách toàn diện. Với nhiệm vụ khám phá thực tại, coi trọng và phản ánh đúng sự thật, tiểu thuyết đương đại hướng đến tiếp cận đời sống trên bình diện thế sự, đời tư. Vấn đề chủ yếu mà các tác giả tiểu thuyết giai đoạn này quan tâm là vấn đề con người với những trăn trở về số

phận và nhân cách trước những thay đổi đang diễn ra trong cuộc sống và trong chính tâm hồn mỗi con người. Về mô hình tính cách, bên cạnh những con người anh hùng- con người cộng đồng đã xuất hiện con người thân phận, cá thể, con người mang bi kịch cá nhân. Điều này được thể hiện rõ trong tiểu thuyết của nhiều nhà văn trong đó có Nguyễn Đình Tú. Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú bộc lộ quan niệm về con người bản năng, con người thực tại và đặc biệt nhà văn khẳng định dù con người ở hoàn cảnh nào trong họ luôn tồn tại mầm thiện, khát vọng hoàn lương.

* Bên cạnh những đổi mới trong ý thức và quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà văn, tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng có những cách tân đáng kể về mặt hình thức nghệ thuật.

Trước tiên, đó là những thay đổi trong nghệ thuật trần thuật. Nếu như ở phương diện nội dung của tiểu thuyết sau 1975 khuynh hướng nhận thức lại nổi trội lên như khuynh hướng chủ đạo thì ở phương diện nghệ thuật vấn đề nghệ thuật trần thuật cũng nổi bật lên như một vấn đề trọng tâm. Trong nghệ thuật trần thuật, các tác giả tiểu thuyết giai đoạn này đã có những thay đổi ở phương thức trần thuật như sự dịch chuyển điểm nhìn từ nhà văn vào nhân vật, sự thay đổi vai kể, sự xen kẽ hay đảo ngược các tình tiết hay cách đưa truyện lồng trong truyện,… Chính những đổi mới trong nghệ thuật trần thuật này đã góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn cũng như tạo nên sự đa dạng, lôi cuốn trong nghệ thuật trần thuật và làm cho người đọc thích thú hơn khi tiếp nhận tác phẩm. Ngoài ra, nghệ thuật xây dựng nhân vật hay ngôn ngữ, giọng điệu trong tiểu thuyết giai đoạn này cũng có những điểm khác trước. Vượt ra khỏi tính trang trọng của ngôn ngữ tiểu thuyết sử thi, ngôn ngữ tiểu thuyết sau 1975 ngày càng linh hoạt và “đời thường” hơn. Hướng đến việc thể hiện các vấn đề cuộc sống và con người đời thường, tiểu thuyết sau 1975 luôn tìm cho mình ngôn ngữ thể hiện phù hợp. Ngôn ngữ đời thường mang đậm tính khẩu ngữ, thông tục và đôi khi lại in đậm dấu ấn cá nhân là điểm dễ nhận thấy của ngôn ngữ tiểu thuyết giai đoạn này. Giọng điệu của tiểu thuyết sau 1975 cũng là yếu tố nghệ thuật có nhiều thay đổi. Nếu như ở giai đoạn trước tiểu

thuyết chủ yếu chỉ mang tính một giọng, thường là ngợi ca thì ở giai đoạn sau 1975 cùng với sự đa dạng về nội dung phản ánh, tiểu thuyết đã dần thoát khỏi tính chất đơn giọng để hướng đến tính đa giọng điệu. Ở các tác phẩm tiểu thuyết giai đoạn này dường như không chỉ có một vấn đề được đặt ra, không chỉ có một cách nhìn, một thái độ mà luôn có nhiều hơn một và luôn có sự đan xen, pha trộn. Chính vì thế mà trong cùng một tác phẩm người đọc có thể nhận thấy nhiều giọng điệu khác nhau và chính điều này cũng mở ra nhiều hướng cho người đọc trong việc tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)