Xây dựng nhân vật qua miêu tả nội tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 78 - 85)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Xây dựng nhân vật qua miêu tả nội tâm

Để có thể đi sâu khám phá thế giới tâm hồn của người phụ nữ, Nguyễn Đình Tú không chỉ dừng ở những nét miêu tả ngoại hình, chân dung bên ngoài, mà nhà văn còn chú ý khắc họa nội tâm nhân vật. Nội tâm là những tâm trạng, suy nghĩ, phản ứng tâm lí… của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà họ gặp phải trong cuộc đời. L.Tolstoi nói: “Mục đích chính của nghệ thuật… là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được” [dẫn theo 17, tr.101]. Muốn làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất bên trong tâm hồn nhân vật. Thế giới tâm hồn sâu thẳm của con người đặc biệt là nhân vật nữ vốn phức tạp, chứa đầy bí ẩn nên thường được các nhà văn quan tâm khi xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của mình. Cũng là miêu tả nội tâm nhưng mỗi nhà văn lại cần lựa chọn cách viết riêng để hoàn chỉnh chân dung nhân vật đồng thời gửi vào đó những thông điệp riêng của mình. Với cái nhìn ưu ái và thiên vị đối với phái nữ, Võ Thị Hảo trong các truyện ngắn Hồn trinh nữ, Người sót lại của Rừng Cười, Biển cứu rỗi… hay tiểu thuyết Giàn thiêu đã tỏ ra là người rất tinh tế và sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật phù hợp khi miêu tả những trạng thái, cảm xúc, những biến chuyển tâm lý của mỗi cá nhân con người. Dù miêu tả

trực tiếp qua độc thoại nội tâm hay đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật nhà văn luôn muốn bênh vực người phụ nữ và khẳng định dù họ có là một cô gái sa ngã (Vũ điệu địa ngục), một người đàn bà nhẹ dạ (Người đàn ông duy nhất), một con điếm hết thời (Biển cứu rỗi) hay một người tật nguyền thì họ vẫn ước mơ, cũng biết vui, buồn, khao khát, vẫn muốn được yêu thương. Coi yếu tố tâm lý là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp trong tác phẩm của mình, để nắm bắt được những trạng thái tâm lí của nhân vật đặc biệt là các nhân vật nữ, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đã vận dụng thường xuyên lời nửa trực tiếp. Cụ thể là trong lời kể chuyện của mình đã bao hàm cả giọng điệu, thái độ, suy nghĩ của nhân vật, kể lại câu chuyện bằng chính giọng điệu của nhân vật. Chẳng hạn trong truyện Huệ lấy chồng, có nhiều đoạn văn trần thuật lại câu chuyện bằng giọng điệu, nội tâm của nhân vật. Hình thức này khiến cho nhà văn không chỉ tái hiện tự nhiên dòng tâm tư của nhân vật mà còn khiến tác phẩm biến hóa, nhiều giọng điệu. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Tư còn là nhà văn có khả năng nhập thẳng vào nhân vật của mình, thông qua nội tâm của anh ta mà kể lại câu chuyện cho nên rất nhiều tác phẩm của chị lựa chọn hình thức trần thuật theo ngôi thứ nhất, qua nhân vật xưng “tôi”. Độc giả chẳng những lĩnh hội được câu chuyện mà còn thấu hiểu cả những trải nghiệm, suy tư, những cơn sóng tâm hồn của nhân vật kể chuyện. Có thể xem đó là những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Hình thức này cũng khiến cho dòng tâm tư nhân vật hiện lên “tươi rói” trên trang sách. Tiêu biểu nhất cho hình thức này là truyện ngắn Cánh đồng bất tận

với những dòng tâm tư sâu thẳm của nhân vật Nương xưng “tôi”. Trong dòng suy nghĩ triền miên thì nỗi nhớ chính là những lớp sóng tâm trạng miên man, cồn cào và giằng xé trong tâm hồn của nhân vật “tôi”.

Tìm hiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, cũng cho thấy mỗi nhân vật là một thế giới nội tâm với nhiều diễn biến phức tạp. Tác giả thường chú trọng đi vào miêu tả quá trình tư duy, diễn biến tâm trạng của những người phụ nữ trong những bước ngoặt của cuộc đời, trong những khát khao về tình yêu và hạnh phúc, trong những suy nghĩ để thanh lọc tâm hồn

mình hay những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về con đường phía trước họ cần phải đi.

Cô Mến trong Bên dòng Sầu Diện sau lần quan hệ đầu tiên với Nguyên Bình, cô có thai, nhìn bà Cả Ngật đau khổ, tủi nhục, còn cô thì cũng lo sợ chưa biết cuộc sống phía trước của mình sẽ ra sao khi cái thai ngày một lớn. Trước sự thúc bách của hoàn cảnh, cô đã suy nghĩ: “Nhưng nếu là cha Phăng thì sao nhỉ? Có thể là bà Cả Ngật sẽ bớt đau đớn, chua xót hơn chăng? Liệu có đỡ tủi phận muối mặt nhục nhã hơn không? Có thấy lòng mình thanh thản, vợi bớt đi những nặng nề, u ám hơn không? Một ý nghĩa lóe lên trong đầu Mến. Nó đến rất nhanh rồi cứ trở lại trong Mến. Và Mến quyết định nói cái điều mà cô cho rằng làm thế bà Cả Ngật sẽ bớt tủi nhục hơn” [62, tr.76]. Và cha Phăng đã trở thành cha của đứa bé trong bụng cô. Dù có đôi chút day dứt nhưng với Mến đó cũng là bất đắc dĩ và cũng là con đường cuối cùng để Mến có thể có được những tháng ngày phía trước yên bình.

Trong cuốn tiểu thuyết Phiên bản, với ngôi kể “em”, tác giả đã tạo ra một dòng chảy nội tâm của nhân vật chính khi còn là một cô bé ngây thơ trong trắng cho đến lúc tay đã “nhúng chàm”. Những kỉ niệm đẹp, trong sáng cùng những cảm xúc đầu đời của một cô gái mới lớn với Nhân, một anh chàng học trên cô một lớp là nơi bấu víu duy nhất để Diệu được sống trong cảm giác thánh thiện và tìm được sự yên ả trong tâm hồn. Ngay cả khi cô bị đẩy vào vòng tội lỗi và trong lúc cô đơn, bấn loạn nhất, em vẫn chỉ nghĩ đến anh. Anh đã trở thành đối tượng để em bộc bạch thế giới cảm xúc thầm kín bên trong tâm hồn mình. Đó là khát khao được yêu, được sống cuộc sống bình dị, lương thiện, khát khao có anh ở bên để tâm sự, sẻ chia. Hãy lắng nghe những dòng tâm sự thầm kín ấy của Diệu để thấy được đằng sau thế giới tội ác, bên trong sự ngang tàng và bên cạnh Nữ hoàng đen kia vẫn là em với những thổn thức đầy cảm xúc của một con người, em vẫn cần có anh ở bên để chở che, bao bọc: “Anh đi hiên ngang bên em bước về phía cổng trường. Tự nhiên em thấy cái áo sơ mi màu trứng sáo anh mặc trên người không còn lụng thụng nữa. Cái dáng anh không giống lúc sáng chỉ như muốn biến mất khỏi mặt đất, mà vững chãi

một khát vọng hiện tồn bên em. Em không hiểu lúc ấy lòng em xao xuyến như thế nào nữa. Em thấy mình hạnh phúc” [64, tr.23].

Những ngày tháng ở trong tù, những tưởng tình cảm với Nhân đi vào dĩ vãng và sẽ không còn hiện về trong tâm trí của Diệu. Nhưng không ngờ, những cảm xúc ấy cứ hiển hiện trong mọi góc khuất tâm hồn cô, để bất cứ ở đâu và đi bên cạnh ai cô vẫn cứ ao ước đó là Nhân: “Lần đầu tiên em được ngồi sau xe máy của một người con trai. Mà người ấy lại mang trên mình bộ sắc phục cảnh sát. Em chợt nghĩ: Tại sao người đó không phải là anh nhỉ?” [64, tr.195].

Biến cố khủng khiếp xảy ra trong cuộc đời của Diệu sau chuyến vượt biên không thành, hình ảnh những con giao long cứ hiện về ám ảnh làm Diệu đau đớn, tâm hồn tê dại. “Em thoáng nghĩ đến cái chết. Dù em biết mình đang ở trong cơn ác mộng. Thà không bao giờ tỉnh lại nữa, thà em chết đi, thà cái mặt trống kia căng ra một lần rồi rách nát, tả tơi, vỡ vụn…thì còn hơn là cứ để người ta phải đối mặt với giấc chiêm bao khủng khiếp này” [64, tr.63]. Đoạn văn diễn tả trạng thái tâm lí bấn loạn đến cùng cực của Diệu. Diệu bị rơi vào trạng thái vô thức, hiện thực nhưng Diệu cứ ngỡ như một giấc mơ bởi nỗi đau quá lớn mà nhân vật phải đối diện.

Theo chân nhân vật Quỳnh (Kín) là bao nhiêu cuộc đấu tranh nội tâm, bao nhiêu dằn vặt trăn trở, ra đi để tìm lại quá khứ hay ra đi để làm lại, ra đi để đổi thay hay là chết chìm trong sự nhàm chán của vật chất, dư thừa những thú vui hoan lạc của xác thịt? Trong lúc bế tắc nhất, hình bóng mẹ đã theo sát bước chân cô. Người đọc luôn nhận thấy những bất ổn trong tâm trạng của Quỳnh:

“Mẹ theo con về Hải Thành sao? Mẹ muốn dẫn con về nơi sinh ra hay mẹ đi theo để che chở, bảo bọc con, chuyến xe này sẽ đưa con đi đâu? Con cũng không biết nữa mẹ ạ” [65, tr.36]. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập cho thấy sự đấu tranh, những trăn trở, day dứt bên trong tâm hồn đang ứa máu, rồi đông cứng lại của Quỳnh. Mới 20 tuổi, nhưng Quỳnh đã phải mang trong mình những vết thương lòng đau đớn, không thể hàn gắn. Cô đã già dặn đi so với lớp bạn cùng

trang lứa vì thường phải ngụp lặn trong một thế giới nội tâm chứa đầy mâu thuẫn, giằng xé, đớn đau.

Những đoạn văn miêu tả nội tâm nhân vật nữ của Nguyễn Đình Tú cho thấy thế giới tâm hồn vô cùng phức tạp ở người phụ nữ. Nó bị bọc kín bởi vẻ ngoài hiên ngang, kiêu hùng trước cuộc đời. Nhưng nhà văn đã bóc tách dần để thế giới nội tâm ấy hiển hiện với biết bao trạng thái, cảm xúc. Mỗi trạng thái cảm xúc lại cho thấy một tính cách, một hoàn cảnh, một số phận riêng của họ. Nhưng tất cả dường như đều mang thiên tính nữ, yếu đuối và dễ bị tổn thương.

Đi cùng với việc miêu tả nội tâm nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú thường là thủ pháp dòng ý thức, hình thức đối thoại và độc thoại nội tâm. Với những thủ pháp này, Nguyễn Đình Tú đã để cho nhân vật trải lòng mình ra, hòa mình vào dòng ý thức với những suy tư, trăn trở, dằn vặt miên man về những gì đã xảy ra và đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình. Nhân vật nữ của Nguyễn Đình Tú cũng không ngừng tự đặt ra cho mình những câu hỏi tự vấn nhằm tìm ra cho mình lời đáp trước những vấn đề phức tạp, trước những bộn bề cuộc sống. Chính những điều này đã làm cho nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú trở nên gần gũi nhưng cũng đầy tâm trạng.

Độc thoại nội tâm cũng chiếm một số lượng khá nhiều trong chân dung nhân vật nữ ở tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Nếu như ngôn ngữ đối thoại thường là ngôn ngữ được dùng để hướng đến người khác, điều kiện quan trọng nhất của đối thoại là phải có nhân vật đối thoại thì ngôn ngữ độc thoại lại không cần hướng đến người khác, cũng không nhằm vào mục đích giao tiếp, tìm kiếm sự thật hay chân lí. Với ngôn ngữ độc thoại nhân vật thường nói về những điều mình đã biết hoặc tự bộc lộ thái độ, tình cảm đối với con người và sự việc xung quanh. Trong độc thoại, Nguyễn Đình Tú đặc biệt phát huy vai trò của ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Độc thoại nội tâm là “ tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, là ý nghĩ thầm kín, là lời tự nhủ thầm của nhân vật hoặc nhân vật nói to lên với mình. Độc thoại nội tâm bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật, làm hiện rõ con người bên trong của nói” [17, tr.125] . Như vậy, có thể hiểu độc thoại nội tâm

là những suy nghĩ thầm kín bên trong, là lời tự nhủ thầm của nhân vật và qua đó bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật, làm hiện rõ con người bên trong của nó.

Thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú thường là những con người có số phận kém may mắn. Đứng trước những bộn bề của cuộc sống, trước sự thay đổi phức tạp trong xã hội thời hiện đại đầy những bất trắc, hiểm nguy luôn tiềm ẩn trong cuộc sống, những người phụ nữ thường dễ bị chấn thương tâm lý một cách nặng nề. Hơn nữa, theo thời gian, người ta tưởng những vết thương lòng có thể nguôi ngoai nhưng với nhân vật nữ của Nguyễn Đình Tú thì nó vẫn cứ âm thầm gặm nhấm để rồi có lúc nó cuộn dâng thành những con sóng lớn làm tâm hồn con người bị chao đảo, thậm chí bị nhấn chìm. Nhà văn đã vén bức màn cho người đọc biết “cuộc sống bên trong” của mỗi cá nhân bằng cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm.

Độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú được sử dụng khá linh hoạt, sắc sảo. Đó là cách nhà văn tạo ra các cuộc chất vấn bản thân của nhân vật và nó luôn diễn ra căng thẳng, gay gắt: “Quỳnh ngồi dậy, thay váy rồi chợt nghĩ đến việc tại sao lại phải ngủ? Nhốt mình trong phòng là điều ngu dốt lắm sao?” [65, tr.144]. Hoặc là: “Biết đâu Bụi đời chúa vẫn đang ở đó thì sao? Kệ gã. Có khi gã biến đi gặp người quen rồi. Mà chắc gì đã có người quen? Biết đâu lại đi tìm gái cũng nên. Ở gã đâu có thứ đạo đức gì đã ràng buộc?” [65, tr.144]. Phải chăng những ngổn ngang trong lòng Quỳnh khó được giải quyết, những câu hỏi dồn dập ẩn chứa tâm trạng phấp phỏng, lo âu, khát khao đi tìm lại chính mình. Hay đó là những ý nghĩ chồng chéo, dằng dặc giữa thực và ảo, giữa quá khứ và hiện tại, là sự chắp nối giữa những ám ảnh, sợ hãi và giấc mơ… Mọi suy nghĩ, kí ức sâu kín, ẩn ức tinh thần, những nỗi khắc khoải, cô đơn, sợ hãi diễn ra trong nội tâm của nhân vật đều được kể lại một cách khách quan. Có thể lấy ví dụ một đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Quỳnh khi ở trong trạng thái sợ hãi: “Mẹ đừng làm con sợ… Con phải đi. Con cũng chưa biết là sẽ đi đâu. Có lẽ con cứ tìm đường về Hải Thành. Ở đó chắn chắn vẫn còn nhà ga, còn chợ Kẻ Mơ, còn quê nội với nấm mồ nhỏ bên gốc đa giữa cánh đồng làng. Con cũng chẳng biết về đó rồi con sẽ làm những gì, sẽ

gặp những ai, sẽ sống ra sao, nhưng con cần phải đi khỏi Hà Thành này. Con cần phải xa bố, xa căn biệt thự có những khóm hoa lam tường đẹp đến nao lòng, xa tất cả những gì đang hiện hữu quanh con. Con đau. Tất cả đang đánh đập con, chà xát con, giẫm đạp con. Con sợ. Con hãi. Con kinh khiếp. Con đang chết. Và con thấy cái chết có màu, có mùi, có vị, có hình thù, có âm thanh, có nhục cảm” [65, tr.12].

Qua hình thức độc thoại nội tâm, người đọc nhận thấy thế giới nội tâm của Quỳnh được soi chiếu bởi những hình ảnh trong quá khứ và hiện tại đan cài vào nhau. Hiện tại là nỗi đau đớn, sợ hãi. Quá khứ là những gì êm đẹp nhất với nhà ga, chợ Kẻ Mơ, gốc đa, cánh đồng làng. Những hình ảnh ấy lần lượt hiện lên trong tâm thức cùng với sự hoảng loạn, vô phương hướng của nhân vật. Dường như nhà văn đang đứng ở một góc khuất nào đó bên trong nội tâm nhân vật mà quan sát và kể lại những điều trông thấy, cảm thấy. Nhờ vậy mà người đọc thấy được cả nỗi đau thẳm sâu của nhân vật.

Nỗi đau thường không có hình hài nhưng nó lại có khả năng xé nát tâm hồn con người. Nó hiện hữu trong cuộc đời con người mà họ không có cách nào trốn thoát. Bằng hình thức độc thoại nội tâm, nhà văn miêu tả nỗi đau đến tột cùng của Hương ga trong Phiên bản khi Tùng bị xử bắn. Trong đau đớn, cô đơn, thị tìm đến rượu để nói chuyện với chồng nhưng chính là độc thoại với chính mình: “Nào, rượu! Chồng ơi, sao chồng không uống mà cứ nhìn vợ mãi thế? Có biết là chồng chết thì yên cái thân chồng, còn vợ khổ thế nào không… Nào, thế thì uống đi. Uống đi mà chia sẻ với vợ. Uống đi mà sống khôn chết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 78 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)