Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 73 - 78)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Ngoại hình chính là thứ ngôn ngữ không lời trong việc thể hiện nhân vật. Ngoại hình của nhân vật là hình dáng bên ngoài bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… Qua ngoại hình không chỉ cho biết nhân vật già hay trẻ, xấu hay đẹp, có gì đặc biệt mà nó còn phản ánh được tính cách, hoàn cảnh sống của nhân vật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại hình nhân vật chỉ hiện ra với một vài nét phác họa chứ không được tác giả tiểu thuyết miêu tả kĩ càng, thế nhưng đó lại chính là những nét cốt yếu giúp lột tả toàn bộ con người nhân vật. Điều này rất đúng với nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú không được nhà văn tập trung lựa chọn nhiều chi tiết để làm nổi bật vẻ đẹp “sắc nước hương trời”, “chim sa cá lặn” mà thường được miêu tả với một vài nhận xét ngắn gọn nhưng cũng đủ để người đọc bị cuốn hút và ấn tượng về họ: “chị xinh đẹp vô cùng”

hay “Năm cuối cấp Loan đẹp rực rỡ” [61]. Hoặc hình ảnh cô bé Thảo (Nháp) ở Phố Núi xuất hiện với chiếc váy trắng và đôi mắt nâu gián tiếp cho biết thân phận của Thảo là một tiểu thư đài các, được bố mẹ nuông chiều và chỉ cần vậy cũng đủ để lại ấn tượng sâu sắc trong Đại, ám ảnh tâm trí Đại suốt quãng thời gian sau này của anh. Cũng có lúc, nhà văn lựa chọn miêu tả một nhân vật nữ với vẻ bề ngoài xấu xí, ví như nhân vật Lý (Bên dòng Sầu Diện) cũng chỉ bằng một nhận xét ngắn gọn của bọn trẻ mới lớn ở phố Tứ Phủ “cái Lý có họ hàng xa với Thị Nở” nhưng ngay lập tức nhà văn lại cân bằng cái xấu ấy bằng tình cảm của Tịnh dành cho Lý. Với Tịnh, Lý lại rất đẹp “… là đứa con gái có dáng người đẹp nhất, khuôn mặt thanh tú nhất, làn da trắng nhất, cái miệng xinh nhất, mái tóc dài nhất, khuôn mặt thanh tú nhất, chỉ có mỗi một bên má là không đẹp những không có gì đáng chê” [62, tr.140]. Ngay cả với chị Thái

trong Hồ sơ một tử tù, tuy Tâm luôn thấy chị rất đẹp “Màu sắc trên người chị luôn phong phú, khuôn mặt chị xinh đẹp, nụ cười có duyên” [61, tr.95] nhưng với nhiều người họ tìm ra đủ thứ không đẹp ở chị mà nói xấu. Rõ ràng, cái đẹp, xấu ở đây không có chuẩn mực mà phụ thuộc vào cách nhìn, vào tình cảm của mỗi người dành cho nhau.

Những nét vẽ về hình dáng bên ngoài của nhân vật nữ ở tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú từng tạo được sự tò mò ở người đọc, khơi gợi cho người đọc mong muốn khám phá, tìm hiểu xem nhân vật ấy là ai, thân phận thế nào, tính cách có gì đáng chú ý, hoàn cảnh sống có gì đặc biệt. Tiêu biểu là Son Phấn (Hoang tâm), cô gái xuất hiện trước Anh một cách đường đột, bất ngờ với một khuôn mặt bự phấn và đôi mắt có vẻ mệt mỏi khiến Anh không thể đoán được cô ấy già hay trẻ, người xấu hay tốt, tại sao lại đi theo anh… tất cả đều bí mật, vì thế nó sức hấp dẫn đặc biệt.

Nhân vật Nhung (Hồ sơ một tử tù) xuất hiện với một điểm nhấn: “Nhung cười có làm khuôn mặt sáng lên nhưng không lấp hết được những oằn oải ẩn sâu trong hố mắt” [61, tr.180]. Qua nét vẽ, tác giả đã làm toát lên một số phận bất hạnh, một cô gái mang trong mình nỗi đau tâm hồn khó lí giải, nỗi đau không gì khỏa lấp. Nó nhấn chìm mọi niềm hi vọng trong cuộc đời của cô.

Điều đặc biệt trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là nhà văn miêu tả hình dáng bên ngoài nhân vật nữ từ góc nhìn mang tính sex. Từ nét mặt, bờ môi, đôi mắt, thân hình… đều gợi cảm, khơi dậy khát khao, ham muốn tình dục ở đối phương. Đó là hình ảnh Loan, Diệu (Hồ sơ một tử tù), Mến (Bên dòng Sầu Diện), Me (Nháp), Quỳnh (Kín).

Đọc Hồ sơ một tử tù, ta dễ dàng tìm thấy những chi tiết miêu tả như vậy: “Loan cười hàm răng trắng bóng, đôi môi đỏ cong cong, đôi mắt như

dấu hỏi” (59, tr.93) khiến Tâm như bị rơi vào ảo giác. Hay “Dịu lúng liếng nhìn hắn. Cái miệng Dịu bập bẹ theo hắn. Môi Dịu cong lên, mềm mại, khơi gợi quá” kết quả là Dịu đã giúp Đàn trở thành bóng trăng “rửa sinh khí trai tráng trong Dịu để trở thành đàn ông từ hôm ấy” [61, tr.115]

Trong Bên dòng sầu diện, cô Mến cũng đẹp hơn nhờ có sự đụng chạm khác giới: “Má cô vẫn đỏ bừng lên. Dư âm ngọt ngào của sự đụng chạm khác giới vẫn đang lan tỏa đâu đó khắp cơ thể cô, luồn lách tới từng tế bào” [69, tr.69].

Trong Nháp là chi tiết: “Mắt Me lúc ấy có màu xanh kỳ quái lắm. Khuôn mặt Me ngẩng lên, bờ môi buông hờ thách thức” [63, tr.215], đó là sự thách thức bản lĩnh đàn ông để buộc Thạch không thể không chứng minh và khẳng định bản lĩnh đàn ông của mình trước người phụ nữ đó.

Đọc Kín, người đọc cũng bắt gặp cách miêu tả vẻ đẹp bên ngoài đầy gợi

cảm: “Rồi một thân hình vô cùng mát mẻ bước ra từ nhà tắm, Quỳnh đã khiến anh ta không nói được câu tiếng Anh nào ra hồn nữa” [65, tr.176], và ngay sau đó là cuộc làm tình không hẹn trước, không phải xuất phát từ tình yêu giữa Quỳnh và thầy giáo tiếng Anh của cô.

Cách dùng hình dáng bên ngoài để khơi gợi sex cũng cho thấy với Nguyễn Đình Tú sex là bản năng, là nhu cầu và cũng là vũ khí của giới nữ trước nam giới.

Cùng với hình dáng bên ngoài, hành động, cử chỉ cũng phản ánh được các mối quan hệ cũng như tính cách của họ. Thông qua hành động, cử chỉ của nhân vật ta có thể nhận ra phẩm chất, tính cách, tư tưởng của các nhân vật mà tác giả muốn xây dựng. Trước hết, Nguyễn Đình Tú đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật nữ trẻ tuổi lầm lạc, mất phương hướng, bị cuốn vào cuộc đời thác loạn. Điều đó được thể hiện rất rõ qua hành động, cử chỉ của các nhân vật.

Diệu trong Phiên bản xuất hiện với một loạt hành động được miêu tả theo một quá trình trượt dài trên con đường tội ác, tha hóa và biến chất. Trước hết là hành động thể hiện sự phản kháng khi bị chèn ép, bị nhục mạ, xúc phạm:

“Em nhúng cái chổi rơm vào bếp. Chổi rơm bắt lửa bùng bùng cháy. Em cầm cái chổi lúc này đang bốc lên như một ngọn đuốc, chạy về phía trước quầy của mình, phang thẳng vào mặt thằng thanh niên cởi trần”. Rồi trong uất hận, cơn nóng giận đến tột cùng “Em ưỡn ngực ngang tàng ngăn mọi người lại, không cho mang nước vào quầy hàng em cứu hỏa” [64, tr.137]. Từ đó cũng đánh dấu

bước ngoặt cuộc đời Diệu từ một cô bé hiền lành nay trở thành một người của chợ búa gớm ghiếc với bao cám dỗ của tiền bạc, uy quyền và tội ác.

Khi Diệu trở thành vợ của Tùng Hê rô, nữ hoàng đen hiện lên với những hành động lạnh lùng, đầy bản lĩnh của một kẻ bá chủ thế giới ngầm với con dao bầu sáng loáng cùng với những hành động như dằn mặt các chủ sòng chậm hồ, phản chủ. Điển hình là hành động dằn mặt đáng sợ của thị ở sòng bài số 15, thị xử lí thằng chủ sòng bằng một hành động hết sức rùng rợn, đủ để làm rung động cả hai chục sòng bài còn lại.“Mấy thằng đệ tử ghì thằng chủ sòng xuống, thị cầm ngón trỏ trái của hắn đặt lên bàn và con dao bầu của thị vung lên. Ngón tay trỏ văng ra đất trước những khuôn mặt xám ngắt của đám bảo vệ sòng. Thị nhặt ngón tay còn đang rỉ máu và co giật liên hồi đó lên, đặt vào trong chiếc đĩa vẫn dùng để chơi xóc đĩa” [64, tr.31]. Hành động tàn bạo này đã khẳng định vị thế của thị ở thế giới giang hồ. Thế giới mà con người muốn tồn tại phải mạnh mẽ, bản lĩnh, phải độc ác, tàn bạo. Tất cả những hành động, cử chỉ này đều phù hợp với vị thế, hoàn cảnh thực tại của Diệu. Diệu không còn là Diệu của ngày xưa mà đã trở thành một Hương ga, nữ hoàng đen nên hành động, cử chỉ ngang tàng, phá phách, coi thường đời, khinh thường mọi giá trị của cuộc sống.

Phương trong Kín cũng vậy, khi số phận đã dồn cô đến bước đường cùng, hoàn cảnh thúc bách, từ một cô bé hiền lành, yếu đuối Phương bỗng thay đổi với những hành động, cử chỉ khiến cho bọn trẻ xóm đường tàu phải há hốc mồm ra: “Phương đã lao đến bên Lộc mũ bông… Phương đâm nhát chí tử xong cũng đã lui về lấp sau lưng Hoàn” [65, tr.136].

Đúng là hoàn cảnh góp phần làm nên tính cách con người. Tính cách được biểu hiện qua hành động. Hành động của Phương như một minh chứng cho sự phản kháng với đời. Sự phản kháng ấy rèn luyện cho cô bản lĩnh để lựa chọn con đường đi cho cuộc sống của mình, đó là đi làm phò để có cái ăn, có son phấn và có quần áo đẹp.

Đáng chú ý là trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú người đọc luôn thấy hiện lên hình ảnh những người phụ nữ với những hành động, cử chỉ tự tin, chủ động trong các mối quan hệ đặc biệt là quan hệ tình dục. Đó là Cói với hành động “Cói ôm chặt lấy đầu Minh Việt, ghì mặt anh vào bộ ngực dập dềnh, êm ái của mình [62, tr.175]. Là Yến khi “đút cam cho tôi, người Yến cứ chà đi quyệt lại trên cái thân trần của thằng con trai đang ở tuổi động dục khiến tôi khó chịu, cứ phải nép mãi vào phía trong” [63, tr.76].

Có thể nói đây là cách miêu tả khá mới, độc đáo và táo bạo của Nguyễn Đình Tú. Nếu trong văn học giai đoạn trước, người ta né tránh, ít nói đến vấn đề tình dục hoặc có nói đến vẫn chủ yếu là cách nói gián tiếp thì văn học hiện đại lại không ngại ngần nói đến vấn đề nhạy cảm đó một cách rõ ràng, không cần phải che đậy. Nhất là trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, khi nhà văn cho rằng “Cái chuyện ấy như đói phải ăn, như khát phải uống thôi” [63, tr.219] thì chuyện quan hệ đã trở thành bản năng. Và táo bạo hơn nữa, khi nhà văn để việc gợi hứng dục xuất phát từ chính người phụ nữ với những hành động, cử chỉ rất tự nhiên, táo bạo.

Nếu như Nguyễn Đình Tú sử dụng nghệ thuật miêu tả ngoại hình để giúp người đọc cảm nhận được nhiều phương diện khác nhau ở người phụ nữ: tâm lí, tính cách, hoàn cảnh, số phận, mong ước, khát vọng… thì Nguyễn Ngọc Tư hứng thú với miêu tả ngoại hình bởi nó giúp nhà văn nắm bắt và phân tích được tính cách của nhân vật. Từ nhân vật trẻ đến nhân vật già, ai cũng là những nhân vật bất hạnh nhưng khi phác hoạ ngoại hình của nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư tuyệt nhiên không để đặc điểm nhân vật trùng lẫn với nhau. Nói về Diễm Thương (Cánh đồng bất tận), Ngọc Tư miêu tả: “khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì”, “mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chớm như rễ tre”, “nụ cười héo hắt”. Hay khuôn mặt “teo héo, sạm đen” của ông Năm Nhỏ trong truyện Cải ơi. Thấy được cả khuôn mặt “trầm lặng mà sâu sắc” của Tứ Phương trong Nhà cổ, khuôn mặt

“đen sạm, nhăn nheo” của người đàn bà trong Dòng nhớ. Nguyễn Ngọc Tư chỉ khái quát một cách rất chung chung nhưng người đọc đã thấy được những nét tính cách riêng của mỗi nhân vật. Đó là tính cách lạnh lùng, bất cần đời nhưng ẩn bên trong lại là yếu đuối, đau khổ, hay đó là sự nhẫn nhịn, chịu đựng, là tính cách thâm trầm, sâu sắc.

Tóm lại, sự khéo léo trong nghệ thuật miêu tả nhân vật qua ngoại hình góp phần khắc họa thành công hình tượng nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Qua ngoại hình, ta không chỉ nhận ra tâm trạng, bản chất, tính cách, hoàn cảnh, số phận của họ mà hơn thế nữa còn chứa đựng cả những suy tư, trăn trở của nhà văn về lối sống của con người thời hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)