Những hoài nghi, vỡ mộng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 62 - 68)

7. Cấu trúc luận văn

2.4.1. Những hoài nghi, vỡ mộng

Hoài nghi, vỡ mộng là khi con người luôn rơi vào trạng thái nghi ngờ, thiếu niềm tin vào mọi người, thậm chí nghi ngờ, và thiếu niềm tin vào cả chính mình. Họ không dám ước mơ vì sợ sẽ thất bại. Điều này dễ khiến con người rơi vào trạng thái bơ vơ, không định hướng trong cuộc sống và dẫn tới thất vọng.

Thế kỉ XIX, khi xã hội tư sản ra đời cùng với những tiến bộ to lớn của khoa học kĩ thuật và những thành tựu văn hóa vật chất, thế giới chứng kiến một sự thay đổi diện mạo lớn của các nước phương Tây. Nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người cũng thay đổi hoàn toàn. Những biến đổi ấy khiến con người đặc biệt là giới nghệ sĩ phải nghi ngờ những giá trị mà xã hội tư sản mang lại: “Tất cả những gì là vững chắc, là lâu bền đều tiêu tan như mây khói, tất cả những cái gì là thiêng liêng đều bị coi thường và rốt cuộc, người ta buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ bằng con mắt tỉnh táo” [40, tr.420]. Bước vào thế kỷ XXI, khi khoa học kỹ thuật, nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, ý thức cá nhân của con người ngày càng

được khẳng định. Họ nhìn cuộc sống dưới nhiều góc nhìn khác nhau và phát hiện xã hội càng phát triển thì những mặt trái trong xã hội càng nảy sinh. Con người đặc biệt là giới trẻ càng mang nhiều biểu hiện của trạng thái hoài nghi, thất vọng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thế hệ trẻ mang trong mình khao khát khám phá cuộc sống, tình yêu, cái đẹp. Với họ, ban đầu tất cả đều đẹp một cách lý tưởng nhưng khi đi sâu khám phá và gắn vào cuộc sống thực tại thì họ nhanh chóng rơi vào trạng thái hoài nghi và rồi thất vọng bởi thực tại chứa đựng nhiều bất ngờ. Những gì họ cho là lý tưởng thì nay trở nên tầm thường, những điều họ cho là tốt thì nay trở nên tồi tàn, cái đẹp đi liền với cái xấu. Tất cả những gì tốt đẹp mà họ khát khao khám phá thì có thể đều bị phủ nhận. Nếu như họ không vững vàng, không làm chủ mình để nhận thức rằng đó là quy luật của cuộc sống, của xã hội để chắt lọc những điều tốt đẹp, sàng lọc và loại bỏ những điều xấu xa thì rất dễ bị rơi vào trạng thái hoài nghi và vỡ mộng.

Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này là Quỳnh, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Kín. Quỳnh sinh ra ở vùng quê Hải Thành và quãng tuổi thơ là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời Quỳnh. Được sống trong ngập tràn niềm vui, hạnh phúc của ông nội, của mẹ của cha. Những câu chuyện kể về các đời Thánh Mẫu của ông nội, những câu chuyện lịch sử của mẹ như thổi vào tâm hồn ngây thơ của Quỳnh một niềm yêu đời, một khát vọng khám phá cái thế giới đẹp như trong mơ. Nhưng cuộc sống ấy đã nhanh chóng bị phủ một lớp bụi và nó tích tụ mãi để rồi biến thành một tảng đá lớn đeo vào trái tim của Quỳnh. Đó là một lần cháy chợ, Quỳnh bị lạc mẹ. Rồi như một sự run rủi được báo trước, Quỳnh đã gặp những đứa trẻ ở toa tàu. Chính những đứa trẻ có hoàn cảnh số phận bất hạnh: đứa bỏ nhà, đứa lạc mẹ, đứa mồ côi… đã nương tựa vào nhau bằng tình thương rất chân thật, rất trần thế. Nhờ đó Quỳnh đã được sống, nhưng cuộc sống của Quỳnh không còn yên bình, không còn tràn ngập tiếng cười, niềm vui khi còn ở thành phố Hải Thành xinh đẹp bên mẹ, bên ông nội nữa. Mà đó là một cuộc sống mới với bao khó khăn, thử thách dành cho một cô bé 13 tuổi chưa đủ hiểu để có thể dễ dàng vượt qua, sàng lọc tốt - xấu mà chọn lựa.

Bây giờ cô có cái tên mới: Cô bé Lửa Cháy. Cuộc sống hiện tại của Lửa Cháy là bụi đời, là đói khổ, không chốn nương thân. Để không phải đói, phải khổ, để kiếm miếng ăn cô bé ấy đã lao vào nghề làm phò. Đó là một cuộc sống khốn cùng, là cái hố lầy đen tối, hoang rợn. Cũng như bao đứa trẻ bụi đời khác, Lửa Cháy khao khát có “một đôi cánh tiên để bay lên không trung và sa xuống

một ngôi biệt thự nào đó có những bụi lam tường hóa lốt khác” [65, tr.282]. Nhưng tìm lại được gia đình, được bố đưa về Hà Nội sống trong căn nhà ba

tầng có những bụi lam tường thật yên tĩnh, mộng mơ, được hưởng cuộc sống sung túc, trở thành một cô gái xinh đẹp, Quỳnh lại “vỡ mộng”. Bởi cuộc sống sung túc chỉ là hình thức không vá nổi trái tim tan vỡ của Quỳnh: “Hình thức ấy không cứu nổi một nội tâm thao thức bởi sự chết. Tim con đang vỡ và những mạch máu đang sủi bọt trong lồng ngực. Con không có được cảm giác bình an” [65, tr.13]. Sau những năm được bố cho ra nước ngoài học, những tưởng nền giáo dục tiến tiến hơn trong nước có thể giúp Quỳnh trở thành một thần đồng và bố không tiếc tiền của, hàng tháng chu cấp đầy đủ thậm chí dư thừa để Quỳnh có cuộc sống thoải mái nhất bên nước bạn. Nhưng đâu ngờ, ở nơi xa xôi ấy tiền chỉ đảm bảo về nhu cầu sinh hoạt chứ không thể nuôi dưỡng tinh thần. Nền giáo dục văn minh ấy cũng không thể lấp đầy những lỗ hổng rỗng tuếch về kiến thức và một tâm hồn không thiết tha với tương lai. Kết quả là Quỳnh bỏ dở chuyện học hành quay về nước trong sự bế tắc, tuyệt vọng, cảm thấy mình trở nên lạc lõng, xa lạ với cuộc sống mới, không sự sẻ chia từ đồng loại mà thay vào đó là “không tiếc công sức để nắn, bóp, kìm, kẹp, ép, giữ, đun nóng, bỏ lạnh, ngâm hóa chất cho ra một hình thù khác” [65, tr.11] của bố. Ngay cả đến chỗ dựa duy nhất là một chút niềm tin vào mình Quỳnh cũng không có, cô nghi ngờ tất cả cuộc sống thực tại này - một cuộc sống “Không học hành, không nghề nghiệp, không bạn bè, không tình yêu, sợi dây ràng buộc duy nhất là bố thì lạnh lùng, khoảng cách, đôi khi xa lạ” [65, tr.288]. Quỳnh không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Quỳnh cô đơn giữa Hà Thành vốn đã rất khó khăn, nhọc nhằn để hội nhập. Tâm hồn Quỳnh càng ngày càng khô cạn. Quỳnh đang từng ngày bị sa mạc hóa, bị truy sát và bức tử. Quỳnh rời xa cuộc sống

khó khăn, lăn lộn kiếm sống của kiếp bụi đời để được về sống trong sự đủ đầy của vật chất, về nơi Hà Thành sầm uất, văn minh. Nhưng bi kịch khác nặng nề hơn lại đeo bám Quỳnh, Hà Thành sầm uất, nhộn nhịp nhưng tâm hồn cô chống chếnh, rỗng rượi, hoang hoải. Được tiếp cận với trường lớp, với kiến thức đầy văn minh nhưng Quỳnh không thể tiếp nhận và cô giống như một đứa trẻ con bị ép ăn những thứ nó không thích đến bội thực mà chết. Vật chất đủ đầy nhưng lại chai lì, xơ vữa xúc cảm người. Hai mươi tuổi - tuổi của yêu đương, của khát khao, hòa hợp và dâng hiến thì Quỳnh lại chợt nhận ra rằng: “Tại sao Quỳnh ít nghĩ đến tình yêu trong khi tuổi của Quỳnh là tuổi của yêu đương, của khát khao hòa hợp và dâng hiến? Quỳnh nhìn những người trai trẻ chỉ bằng thứ mùi của thân xác. Con tim Quỳnh tổn thương đến mức không còn khả năng rung lên những nhịp đập của ái tình nữa hay sao?” [65, tr.282]. Những tưởng gặp lại Phong, Quỳnh sẽ tìm được niềm vui và hi vọng vào cuộc sống nhưng “Khó có thể yêu được Phong và Phong cũng khó có thể yêu được ai vì ở anh ta, khả năng hủy diệt mọi trạng thái tình cảm yêu đương luôn mạnh hơn việc tạo ra và bồi đắp nó” [65, tr.284]. Phong cũng đâu khác gì Quỳnh, cũng không thể thực hiện được hai khát vọng lớn: học vấn như bố, biết kinh doanh như mẹ. Phong cũng đang hoài nghi và hoàn toàn vỡ mộng. Quỳnh thực thi triết lí sống mà Phong đã đề nghị: sống cho mình và làm những điều mình thích, mình thấy thoải mái. Nhưng khi được sống cho mình và làm những điều mình thích “lại đưa Quỳnh đến với một ngõ tối khác, hun hút và bế tắc hơn” [65, tr.291]. Với Quỳnh, cuộc sống càng ngày càng trở nên vô phương hướng, hoang hoải, nhọc nhằn, không nơi bấu víu. Nó như sợi dây vô hình đang ngày đêm thít chặt đến vỡ con tim trong lồng ngực Quỳnh: “Con đau. Tất cả đang đánh đập con, chà sát con, giẫm đạp con. Con sợ. Con hãi. Con kinh khiếp. Con đang chết” [65, tr.12]. Quỳnh muốn trốn chạy thực tại để tìm lại cái cảm giác bình an, tìm lại một quãng kí ức của mình, tìm lại tất cả những gì liên quan đến Hải Thành và “Không tìm được đồng nghĩa Quỳnh sẽ chết trong hành trình hoàn ức vô vọng của mình” [65, tr.16]. Nhưng quá khứ, chốn xưa rồi cũng là một niềm thất

vọng, nhuốm đầy niềm đau, nỗi buồn. Nó không phải là phương thuốc hữu hiệu, chữa lành được con tim đang trúng thương mỗi lúc trở nên tàn tệ trong Quỳnh.

Khi cuộc sống bế tắc, mọi ước mơ khát vọng đều tan vỡ, trong cảm giác cô đơn, hoang hoải, lạc loài, Quỳnh đã hai lần tìm đến cái chết. Lần thứ nhất Quỳnh chết về thể xác bằng hai viên thuốc ngủ và dùng dao lam cắt mạch máu cổ tay: “Quỳnh đã hưởng hết những điều cần hưởng, đã tiêu hết những thứ cuộc đời kí gửi, nếu có kéo dài thêm sự sống chỉ nhận về mình những muộn phiền mà thôi, không học hành, không nghề nghiệp, không bạn bè, không tình yêu, sợi dây ràng buộc duy nhất là bố thì lạnh lùng, khoảng cách, đôi khi xa lạ, liệu ngoài sự muộn phiền ra còn cái gì đang chờ đợi Quỳnh ở phía trước” [65, tr.288]. Lần thứ hai Quỳnh tìm đến cái chết bằng cách hủy hoại về tinh thần. Lễ hội linh tinh tình phộc trong lần sinh nhật thứ 20 của Quỳnh chính là một quả bom nổ chậm đã được châm ngòi và nó nổ tung làm tan nát tâm hồn cô. Sau lần cháy chợ, khi chui từ dưới cống lên Quỳnh không biết mình là người hay ma, còn sau buổi thác loạn thì Quỳnh đích thị không phải là người. Khi một người đã vượt qua cái chết thường nhận thức được giá trị của sự sống, nhưng với Quỳnh việc thoát chết chỉ đẩy cô vào ngõ cụt. Bởi khi không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở phía trước thì sống chỉ thêm những muộn phiền. Vì thế, bây giờ nếu tiếp tục sống thì cô phải tìm câu trả lời: “phải sống như thế nào?”.

Mong muốn được trả lời cho câu hỏi này, Nguyễn Đình Tú từng bày tỏ:

“Hoang hoải, lạc loài, hoài nghi và vỡ mộng chỉ là những trạng huống tinh thần của con người chứ không phải một khúc cắt rời của hiện trạng xã hội. Ở một phương diện nào đó, hoài nghi và vỡ mộng không phải không có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống đối với mỗi con người. Văn học nói về cái mất mát để giữ gìn, nói về nước mắt để hạnh phúc, nói về khiếm khuyết để hoàn thiện. Lớp trẻ đọc Kín sẽ không chết chìm trong sự lạc loài và vỡ mộng mà từ những hoang hoải ấy, họ sẽ có những phút giây chiêm nghiệm về bản thân mình để tin yêu hơn cuộc sống này”... “Đọc sách của tôi xong, người ta có thấy thương cái cuộc đời này không, có thấy trân trọng những gì mình đang có và vượt thoát những bi kịch hàng ngày hay không? Đó mới là điều quan trọng” [37].

Như vậy, qua việc khắc họa tâm thế cô độc, bơ vơ, hoài nghi, vỡ mộng của con người trong xã hội hiện đại, tác giả muốn đi tìm lời giải cho câu hỏi “phải sống như thế nào?”. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người, của mọi người và của cả xã hội. Hi vọng, qua Quỳnh - nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ rơi vào trạng thái hoài nghi, vỡ mộng, người đọc sẽ có những giây phút tự vấn bản thân để tìm được câu trả lời, ý nghĩa cuộc sống ở đâu, phải sống như thế nào để tin tưởng rằng cuộc sống này vẫn rất đáng sống để rồi tự biết yêu mình, yêu mọi người và yêu cuộc sống này hơn.

Đến với thung lũng Cô Mặc Sầu trong tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Đình Tú, bạn đọc bắt gặp một vùng đất chìm trong sương mù trước kia vốn yên bình, với vẻ đẹp thơ mộng của loài hoa dạ thảo phong nhưng nay tất cả bị xáo trộn bởi nghiện hút, ma túy, mại dâm… Ở nơi đó xuất hiện những người trẻ tuổi mang trong mình những nỗi đau tâm hồn riêng, họ hoang mang, hoài nghi, chưa tìm được điểm tựa tinh thần nào để có niềm tin, hi vọng vào cuộc sống. Đó là Khoa, Duy, Triều… và đặc biệt là cô gái Úc gốc Việt Min Hawke. Sự hoài nghi của cô được thể hiện rất rõ trong hành trình tìm về nguồn cội của mình. Mặc dù sống ở Úc nhiều năm nhưng hơn ai hết cô cảm nhận được nỗi đau, nỗi cô đơn của một kẻ vong thân. Chính nỗi cô đơn, lạc lõng khi sống trong một đất nước tuy đã nuôi lớn cô nhưng vẫn không mang lại cho cô sự gần gũi, thân thiết để rồi cô luôn trăn trở với câu hỏi "mình sinh ra từ đâu, tại sao lại trở thành công dân của một đất nước xa xôi như nước Úc?" [68, tr.324]. Chính sự hoài nghi về nguồn gốc bản thân đã thôi thúc Min không ngừng kiếm tìm, không ngại xa xôi để tìm về nguồn cội ở nơi có thung lũng Cô Mặc Sầu heo hút. Trong quá trình kiếm tìm nguồn gốc nơi mình đã sinh ra, cô luôn bị rơi vào trạng thái chông chênh. Không lúc nào Min thôi băn khoăn, hoài nghi về thân phận của một đứa trẻ bị vong thân từ năm lên bốn tuổi.

Cũng rơi vào hoàn cảnh cô đơn, mất niềm tin hi vọng vào cuộc sống trong Cô Mặc Sầu không thể không nhắc đến mẹ của Khoa. Đáng lẽ ra bà đã có một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn nếu ngày trước cha của Khoa không sang Hàn Quốc công tác và kết hôn với một người phụ nữ bản địa. Đau đớn trước thực tại

nhưng mẹ vẫn gắng gượng sống, vẫn chống chọi với nỗi cô đơn khi không có chồng bên cạnh để nuôi Khoa nên người. Bà cố gắng làm tất cả để Khoa có cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc nhưng trái với sự mong đợi của bà, Khoa lại trở thành cậu con trai ham chơi bời, lêu lổng. Khi nhìn thấy Khoa tàn phá cơ thể mình vì "những mối tình sầu không thể gọi thành tên" và phải vào bệnh viện do uống rượu quá nhiều, bà đã phải thốt lên: "Mẹ sống là vì con. Giờ đến bản thân con còn không thiết sống nữa, thì tốt nhất là cả hai mẹ con mình cùng chết cho hết duyên nợ với cái cuộc đời khốn khổ này" [68, tr.83]. Tiếng nói của mẹ Khoa là tiếng nói của một tâm hồn tổn thương, của cái tôi cô đơn khi mất hết niềm tin, hi vọng vào cuộc đời. Mục đích sống tiếp trên đời này của mẹ là vì con, nhưng mục đích ấy bây giờ cũng không còn. Đau đớn hơn là tiếp tục sống mẹ lại phải chứng kiến thân xác tiều tụy vì rượu của con mình. Trong bất lực, đau khổ bà mẹ ấy chỉ còn biết nghĩ đến cái chết, đó là cách giải thoát cho mẹ khỏi những khổ đau của cuộc đời và không phải đau lòng chứng kiến con trai, niềm hi vọng của mình chết dần, chết mòn trong sự hủy diệt thể xác bằng rượu. Suy nghĩ đó là sự lựa chọn cuối cùng của một người phụ nữ khi bị đẩy vào đỉnh điểm bi kịch hoài nghi, mất niềm tin, hi vọng vào cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)