7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Con đường đến với vị trí bá chủ thế giới ngầm
Thế giới ngầm trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là thế giới của giang hồ, của xã hội đen, của những tay anh, chị có vai vế. Nơi đó tồn tại những chém giết, tranh giành quyền lực, thâu tóm địa bàn với cảnh “cá lớn nuốt cá bé”. Nguyễn Đình Tú tỏ rõ năng lực và thế mạnh của mình trong việc dựng lên những chân dung tội phạm của thế giới ngầm này. Chỉ một vài nét phác họa tác giả đã hệ thống được một thế giới giang hồ với đủ các thứ bậc khác nhau: “Thứ nhất là loại đao búa, côn đồ gặp người là đánh, thấy của là cướp, đó là loại hạ đẳng. Thứ hai là loại thách thức chính quyền, coi thường công an, chống người thi hành công vụ, đó là loại tự sát. Thứ ba là loại dùng thuốc để có bản lĩnh chém giết, đó là loại ma xui quỷ khiến (…) Có thể chia nhỏ ra thành nhiều loại. Có loại chỉ thích kiếm tiền chứ không chém giết. Có loại thích oai chứ không có số má gì. Có loại ngọt nhạt bám lấy chính quyền mà tồn tại. Có loại trộm cắp vặt thích tụ tập bầy đàn, động đến là tan. Có loại bần cùng sinh đạo tặc. Có loại phẫn chí mà đi làm cướp. Có loại bị vùi dập quá mà lấy số người làm số mình. Có loại tâm thần, có loại trả thù đời, có loại trả thù tình, có loại bị thuốc lú…” [64, tr.146]. Đặc biệt, thế giới ấy trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú không chỉ có siêu giang hồ là nam mà còn có cả Bụi chúa nữ, nữ chúa giang hồ, siêu nữ giang hồ, bà hoàng đen… tinh quái, lạnh lùng, tàn bạo và cũng đầy bí ẩn. Trong tiểu thuyết của mình, anh đã đưa người đọc đi sâu khám phá con đường đến với danh hiệu bá chủ thế giới ngầm của những siêu giang hồ là nữ và cả những quyền năng đặc biệt chỉ có ở siêu nữ giang hồ.
Phiên bản là cuốn nhật ký cuộc đời ghi chép đầy đủ, chi tiết quá trình chuyển hóa của Diệu từ một thiếu nữ xinh đẹp, lương thiện, biết thương yêu và cảm thông với những con người cùng cảnh ngộ, biết đỏ mặt xấu hổ, biết thổn thức, rung động yêu thương với những cảm xúc trong trẻo, tinh khôi để trở
thành một “Hương Ga” - nữ quái giang hồ, bá chủ thế giới ngầm. Phải chăng do Diệu xuất thân trong một gia đình có gen giang hồ (ông nội trộm cướp, cha cờ bạc, nợ nần, anh trai ra tù vào tội) nơi mảnh đất Ngã ba sông hay những tháng ngày bươn trải chống chọi trong cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn, bon chen với cạm bẫy của dòng đời? Hay nỗi ám ảnh đau đớn, kinh hoàng của những chấn động tinh thần sau cuộc vượt biên không thành đã giết chết một tâm hồn trong trẻo, nhen nhóm ý định trả thù đời? Hay chính những rào cản vô hình của những định kiến xã hội đã khiến nhân vật không thể vượt qua những mặc cảm của cuộc đời? Hay đó chính là định mệnh khi cô sinh ra ở vùng đất dữ “Đất này dữ, trai hay gái đều thành nghịch tặc cả”? [64, tr.67].
Dường như Diệu không thể vượt qua được mặc cảm, sự tự ti về thân phận, Diệu không dám đối diện với hoàn cảnh, với chính mình để tự đứng lên. Diệu không thể chấp nhận sự thật và cũng khó để có thể tha thứ cho những kẻ độc mồm, độc miệng cứ khía sâu vào nỗi đau trong tâm hồn Diệu. Diệu không thể kìm nén được cơn nóng giận bừng bừng bốc lên đầu khi có ai đó nhắc đến cái quá khứ đau thương, nhơ nhớp của cuộc đời mình. Diệu cũng không đủ dũng cảm để đối diện với tình cảm thực của mình, không thể đón nhận tình thương của những người tốt xung quanh Diệu. Và cứ thế con đường đến với thế giới ngầm của Diệu ngày càng thu ngắn lại. Con đường ấy bắt đầu từ sự gắn kết một cách tự nhiên, đầy bản năng với Hưng mã. Diệu bị cái lưỡi dẻo quẹo của anh ta mê hoặc: “Hưng cứ dùng những lời lẽ kia mà khoan vào thì đến bê tông cũng đổ chứ nói gì đến cái con người hừng hực sức yêu, sức sống như em” để rồi Diệu cứ tự huyễn hoặc mình và luôn tin rằng “Trời sinh ra những kiếp ngọc đời thì trời cũng sinh ra những kiếp bụi đời. Anh và em là những hạt bụi đời trời cho gắn kết vào nhau để làm nên những hạt bụi con. Hãy nghĩ thế và chấp nhận” [64, tr.151]. Khi chấp nhận là kiếp của kẻ bụi đời, thêm cái hoàn cảnh tác động “trông chờ vào mấy điếu thuốc thì sống làm sao nổi”, Diệu không ngồi yên chờ chết, không chấp nhận suốt đời sống trong đói nghèo. Diệu nghĩ “Nhìn ra xung quanh bao nhiêu đứa sống được bằng ăn cắp, bằng móc túi, bằng xin đểu, bằng lừa đảo, bằng bài bạc… Chả lẽ lại chịu chết đói
khi em cũng có đủ hai con mắt, hai bàn tay và cái đầu được học đến tận lớp 9?”
[64, 152] và thế là Diệu lựa chọn con đường trộm, cắp để sống. Ban đầu chỉ là trộm cắp vặt rồi từng bước một Diệu đã lấn sâu vào con đường bụi đời để nhanh chóng trở thành Hương “ga” nữ quái máu lạnh có một không hai trong giới giang hồ thành phố Ngã ba sông với “Vũ khí mà thị thường mang theo bên mình là con dao bầu chọc tiết lợn sáng loáng. Hình ảnh thị cùng con dao bầu đã trở thành biểu tượng của một nữ quái máu lạnh có một không hai trong giới giang hồ thành phố Ngã ba sông” [64, tr.31]. Cuộc gặp gỡ định mệnh với Tùng Hê rô đã thực sự thắp lên ở thị “khí phách của một con cái ngang tàng, một ái phi lọc lõi, một nữ giang hồ tầm cỡ, một mụ đàn bà quyền lực, một phận gái cơ mưu và quyền biến” [64, tr.6]. Bước chân vào thế giới ngầm, tất yếu thị sẽ có khát vọng kiếm thật nhiều tiền, khát vọng phô trương thanh thế, khát vọng quyền lực. Đó chính là những yếu tố thúc đẩy để thị không ngừng củng cố danh vị bá chủ thế giới ngầm bằng mọi cách, mọi toan tính, thủ đoạn, thậm chí đánh đổi cả mạng của mình. Thị phải chứng minh cho giới giang hồ biết thị không phải là loại giang hồ hạ đẳng, gặp người là đánh, thấy của là cướp, thách thức chính quyền, ma quỷ xui khiến như Cộc “ba tai” hay Lân “sói” mà là hiện thân của những siêu giang hồ. Không giết người vô lối, không lộ liễu trong cách hành xử, biết nhìn trước tính sau, hiểu rõ luật của giới giang hồ: “Không quen chơi hai mang. Giang hồ cứ chơi kiểu giang hồ. Thích thì chiến. Không xì đểu” [64, tr.159].
Như vậy, có thể nói con đường đến với vị trí bá chủ thế giới ngầm của Diệu (Hương ga) vô cùng khốc liệt. Đó là định mệnh, là số phận và cũng là sự lựa chọn của bản thân thị. Con đường đó có nước mắt, có sợ hãi, có cướp giật, có chém giết, có máu, có thù hận, có tù tội… con đường mà khi đã lựa chọn thì dù có là siêu giang hồ đi chăng nữa cũng không tránh khỏi quy luật tàn sát “cá lớn nuốt cá bé” chốn giang hồ.
Cũng sa vào tội lỗi, cũng nhuốm máu giang hồ, trong Kín Nguyễn Đình Tú xây dựng nhân vật Quỳnh với danh hiệu “bụi chúa nhỏ”. Con đường đến với thế giới bụi đời của Quỳnh không phải là một “định mệnh”, không có đầu
rơi, máu đổ và Quỳnh cũng chưa bước hẳn chân sang thế giới của giang hồ như Diệu (Phiên bản) nhưng cũng khốc liệt, và chứa đựng những nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được. Sau khi lạc mẹ, những tháng ngày sống lăn lóc bên ga Hải Thành cùng những người bạn ở toa tàu, sau những lần tính toán đi “làm phò” để sống Quỳnh đã tìm lại được cha của mình và được cha đón về nuôi, được cha bù đắp cho những thiệt thòi Quỳnh phải gánh chịu trong những tháng ngày đã qua. Cô đã được cha cho đi nước ngoài học để quên đi quá khứ, được sử dụng một chiếc thẻ ATM, muốn tiêu bao nhiêu thì rút nhưng vẫn không thể tìm được sự bình yên trong tâm hồn, không thể quên đi cái mùi của trần thế để hòa nhập với cuộc sống thực tại. Quỳnh luôn cảm thấy cô đơn, không tìm thấy niềm vui và một cuộc sống ý nghĩa bên gia đình với người cha không thể hiểu con mình. Để quên đi thực tại, thoát khỏi cảm giác cô đơn vây bủa, Quỳnh đã lao vào những cuộc ăn chơi trác táng với rượu cồn, thuốc lắc, với những cuộc quan hệ nam nữ không có ranh giới, vượt ra ngoài phạm trù đạo đức xã hội mà cô không biết rằng chính những cái đó đã hủy hoại cuộc đời cô một cách thê thảm. Quỳnh thích thú, hãnh diện với cái danh hiệu “bụi chúa nhỏ” nhưng cô đâu biết đó là danh hiệu dành cho những ai đã và sẽ bước chân vào thế giới của tội phạm, của bóng đêm.
Từ cách lựa chọn con đường đi của nhân vật Diệu trong Phiên bản, của Quỳnh trong Kín phải chăng nhà văn muốn nhắn gửi đến mọi người đặc biệt là
thế hệ trẻ hãy cẩn trọng, tỉnh táo lựa chọn con đường đi cho tương lai. Đồng thời tác phẩm cũng gửi gắm những trăn trở của nhà văn: xã hội phải làm gì, con người cần sống với nhau như thế nào để thế hệ trẻ không bị cái gọi là “định mệnh” trói buộc, phải làm gì để mở ra cho họ những con đường tốt đẹp, tạo cơ hội để họ tránh mắc sai lầm, tránh xa cái ác và biết lựa chọn con đường đi đúng đắn cho chính mình.