Lối sống buông thả, phó mặc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 68 - 73)

7. Cấu trúc luận văn

2.4.2. Lối sống buông thả, phó mặc

Khi con người mất đi niềm tin, hi vọng không thể tìm được điểm tựa cho mình trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống thì tất yếu sẽ dễ dàng đưa đẩy người phụ nữ buông xuôi, phó mặc cho số phận, sống buông thả, hư hỏng, mất nhân cách. Thành công của Nguyễn Đình Tú trong những trang tiểu thuyết của anh là ở việc anh lí giải căn nguyên dẫn đến sự hư hỏng của người phụ nữ với thái độ âu lo trước những cạm bẫy cuộc đời. Từ đó cảm thông, xót xa và mong muốn xã hội hãy mở rộng tấm lòng để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Họ trở nên buông thả, phó mặc, hư hỏng một phần do hoàn cảnh xô đẩy và sự thờ ơ, vô cảm cùng những định kiến trong cách nhìn của mọi người trong xã hội.

Thân phận cô gái tên Nhung trong cuốn tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù cũng là lời cảnh báo về con người buông xuôi trước hoàn cảnh, để rồi trở nên buông

thả, mất nhân cách. Bị cha dượng cưỡng bức khi còn quá trẻ, sau khi trốn chạy cô lại gặp những người đàn ông ở xóm vạn chài, họ tìm thấy ý nghĩa của tạo hóa ở cô nên nuôi cô để lấy thân xác. Tâm hồn non nớt và bản lĩnh của cô đã không thể vượt qua hoàn cảnh. Cô phó mặc cho số phận: “Chúa sinh ra mình chỉ để đi trên con đường ấy và cô đành chấp nhận sự an bài” [61, tr.160]. Cô đã trượt dài trên con đường bán thân nuôi miệng, bệnh tật khốn đốn, cuộc sống không có tương lai ở bãi vàng Lũng Sơn.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú có biệt tài trong việc khắc họa những biểu hiện trong lối sống buông thả, phó mặc của người phụ nữ. Phương được xuất hiện khá mờ nhoè trên trang viết của tiểu thuyết Kín nhưng lại tạo ấn tượng và ám ảnh đến lạ lùng về hình ảnh của một cô gái có lối sống buông thả, phó mặc do hoàn cảnh xô đẩy và bản lĩnh không đủ để vượt qua thử thách của cuộc sống. Sau biến cố lớn, bị cha dượng hãm hiếp, bế tắc, cùng quẫn cô rời nhà, đi lang thang vô định và cuộc đời đã xô dạt cô đến bến ga Hải Thành sống kiếp bụi đời rồi trượt sâu vào con đường làm điếm. Cuộc hành trình suốt những năm tháng của tuổi thanh xuân, dù có nhan sắc nhưng Phương không hề cảm nhận được những rung động của tình yêu chân thành, những người đàn ông đi qua cuộc đời cô chỉ đơn thuần vì “tình một đêm”. Sống lâu trong cái khổ, cái nhục cô cũng quen dần. Tâm hồn cô chỉ nghĩ đến tiền, đến nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chỉ nghĩ làm sao kiếm được miếng ăn, son phấn, quần áo còn ngủ với ai, làm tình với ai không còn là điều quan trọng. Cô tiểu thư hôm nào nay trở thành tinh cáo trong cái nghề bán xác nuôi thân với một suy nghĩ về việc làm phò rất đơn giản, lệch lạc và “coi thường giá trị làm người”: “Lần đầu thì hơi đau một tí nhưng rồi thì cũng như người ta sờ nắn, xoa bóp, tẩm quất cho mình thôi, thoải mái lắm” [65, tr.198]. Phương đã để mặc cho cuộc đời trôi dạt, không tìm thấy cho mình một bến đỗ, một điểm tựa tinh thần.

Điều đáng lo lắng hơn là “căn bệnh kiếm tiền” bằng cách bán thân của Phương trở thành căn bệnh truyền nhiễm. Sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu người nhiễm căn bệnh này khi bị những suy nghĩ đơn giản, lệch lạc, thiếu giáo dục về tình dục của Phương dẫn dắt! Người đầu tiên Phương dẫn dắt vào nghề

là cô bé Lửa Cháy, đứa trẻ cũng rơi vào hoàn cảnh đáng thương để cùng chung sống với Phương và những đứa trẻ bụi đời khác ở toa tàu ga Hải Thành. Cô bé Lửa Cháy chính thức bước theo vết chân của chị Phương. Sau khi thoát khỏi toa tàu nơi xóm liều trở về với bố, cuộc đời Quỳnh như bước sang trang mới, cô được sống trong giàu sang, quyền quý. Những tưởng tháng ngày làm phò kiếm sống ở Hải Thành sẽ chấm dứt, Quỳnh sẽ làm lại cuộc đời khi cơ hội tới. Nhưng cô tiểu thư có cái tên xinh đẹp của một loài hoa chỉ nở vào bên đêm ấy không thể làm lại, không thể đứng vững mà biến mình trở thành một con người khác méo mó hơn, đáng sợ, đáng kinh tởm hơn. Cuộc sống xa hoa, trác táng với những ma lực mới đẩy Quỳnh đến chỗ học chỉ là cái cớ, tìm thú vui, cảm giác lạ cho thân xác thoả mãn mới là chính. Lối sống buông thả đã biến cô trở thành con “cuồng sex”, “gọi ra được cả mùi vị của sex” và bất cần đời đến đáng sợ: “… Không yêu, không cướp thì chả lẽ …hiếp? Quỳnh khẽ nhếch mép cười. Có dám không? Anh ta hiếp Quỳnh hay Quỳnh hiếp anh ta trước? Quỳnh sẵn sàng cho không anh ta đấy. Anh ta bắt cóc Quỳnh đi ngay đêm nay thì càng tốt” [65, tr.43]. Rõ ràng khi một cô gái không còn sợ bất kì điều gì ảnh hưởng đến nhân phẩm thì họ trong trạng thái không còn gì để mất. Đây là lời cảnh báo sâu sắc nhất của nhà văn với xã hội đương đại.

Cuộc đời của Diệu trong Phiên bản cũng là một minh chứng khác chứng minh người phụ nữ có lối sống buông thả, phó mặc mà nguyên nhân trước hết do Diệu không đủ bản lĩnh để chiến thắng hoàn cảnh. Trở về sau chuyến vượt biên không thành, bị bọn cướp biển dày vò thể xác, Diệu không còn đủ tự tin ở bản thân và hoài nghi tất cả những người xung quanh kể cả Nhân, người khiến cô có những rung động lần đầu của một cô gái bắt đầu lớn: “Lẽ nào anh có cảm tình với em? Hay là anh thương hại em?… còn em từ lâu đã tự giết chết cảm xúc của mình rồi” [64, tr.104]. Đang mất phương hướng, Diệu gặp Hưng mã, cuộc gặp gỡ định mệnh để sau này khi đã trở thành một nữ chúa giang hồ, cô vẫn còn dằn vặt, tự hỏi liệu nếu không gặp Hưng mã thì cuộc đời cô có như thế này không? Mối quan hệ ấy đã khiến Diệu gần như không thể giữ nổi giá trị nhân phẩm của một con người: “Em thuộc về Hưng từ thể xác đến tâm hồn. Hưng dẫn em đi qua

miền cực lạc của trai gái, của cuộc sống bụi đời, của những tháng ngày đứng bãi, của những mộng mơ mê đắm đầu đường, xó chợ. Chúng em ăn ngủ với nhau ở bất kỳ chỗ nào có thể ngả lưng xuống được” [64, tr.151]. Cô không thể kiểm soát được bản thân, chìm đắm, mê mải trong những hoan lạc ái tình, sẵn sàng chiều theo mọi suy tính của Hưng một cách vô điều kiện kể cả việc phải ngủ với Tuấn chợ để yên ổn mà làm ăn. Không chỉ buông thả, phó mặc trong đời sống tình cảm Diệu còn tiếp tục bóp méo tâm hồn và đẩy cuộc đời mình trượt dài trên con đường tha hóa khi chấp nhận tồn tại bằng mọi giá mà ban đầu là việc tiêu thụ đồ ăn cắp. Kết quả Diệu lãnh hai mươi tư tháng tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Hai mươi tư tháng và cái nhà tù ấy vẫn không đủ sức mạnh để chế ngự bản tính “nghịch” trong Diệu, để Diệu làm lại cuộc đời. Có lẽ nhà tù mới chỉ đủ sức chế ngự được tính “nghịch” của Diệu ở trong tù, còn khi ra ngoài đời tính “nghịch” ấy được chế ngự hay không là do Diệu và hiện thực cuộc sống này. Ra tù hôm trước, hôm sau Diệu lại ra đứng chợ và bước tiếp con đường của sự tha hóa mà Diệu đã lựa chọn. Cuộc đời của Diệu bước sang một trang mới, Diệu lên xe hoa, lấy chồng giàu có, tiếng tăm nhất vùng và cũng có một quãng thời gian sống hạnh phúc bên Tùng hê rô, trùm giang hồ. Nhưng đó là sự giàu có, tiếng tăm, hạnh phúc được đánh đổi bằng máu, bằng tội lỗi. Gắn cuộc đời với Tùng, bản tính “nghịch” ở Diệu như được chắp thêm đôi cánh, được tiếp thêm sức mạnh vô hình. Diệu được trả về đúng với vị trí của mình: nữ hoàng đen. Một nữ hoàng đen buông thả mình trong những toan tính, mưu mô, tranh giành quyền lực, trong chém giết, trong tội ác và hạnh phúc với nữ hoàng ấy là bên cạnh máu và sợ hãi.

Nhìn chung, qua các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú như Nhung (Hồ sơ một tử tù), Phương, Quỳnh (Kín), Diệu (Phiên bản) đủ cho chúng ta thấy sự tha hóa và lối sống buông thả của các nhân vật nữ. Nhà văn luôn trăn trở, làm gì để những người phụ nữ tự mình biết chống chọi với hoàn cảnh, tự mình biết tìm con đường đi đúng hướng cho cuộc đời chứ không phải là buông thả, phó mặc để rồi chính họ phải chấp nhận bi kịch cay đắng hơn trong cuộc đời.

Tiểu kết chương 2

Qua những trang viết của mình, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã dành không ít tâm huyết để khắc họa thành công hình tượng nhân vật nữ với những khuôn diện khác nhau trước sự tác động của số phận, của môi trường sống trong xã hội thời hiện đại. Người phụ nữ trong tiểu thuyết của anh mang những biểu hiện, trạng thái, cảm xúc rất phức tạp nhiều khi trái ngược và mâu thuẫn. Nhà văn không chỉ nhìn và đánh giá bằng sự chủ quan mà mổ xẻ, phân tích để lí giải những khuôn diện khác nhau khi khắc họa nhân vật nữ: Nhân vật nữ với dục vọng bá chủ thế giới ngầm, nhân vật nữ với khát vọng yêu và kiếm tìm hạnh phúc, nhân vật nữ với quá trình đấu tranh sinh tồn đầy bi kịch và nhân vật nữ bị tha hóa bởi hoàn cảnh sống. Đặc biệt, nhà văn còn lí giải đến tận cùng những căn nguyên của những bi kịch mà người phụ nữ gặp phải trong thời kỳ hiện đại. Sự biến đổi theo chiều hướng không thuận chiều khi những người phụ nữ không thể làm chủ mình, không đủ sức để vượt qua hoàn cảnh, vượt qua những cám dỗ giăng đầy phía trước để rồi họ mất đi niềm tin, hi vọng vào cuộc sống và trượt dài trên con đường tha hóa. Điều quan trọng là sau những phân tích mổ xẻ ấy nhà văn đã thức tỉnh được chính những người trong cuộc và đồng thời đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của mỗi người, của mọi người và của cả xã hội trong việc bảo vệ người phụ nữ, tạo ra một môi trường sống tốt đẹp để họ tránh xa được những bi kịch của cuộc đời và được sống cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặc dù nhà văn Nguyễn Đình Tú đã thành công khi phản ánh bộ mặt xã hội với hình ảnh tội phạm là nữ nhưng dường như mới khai thác được diện mạo chung của thế giới tội phạm trong chém giết, tranh giành quyền lực mà chưa khai thác sâu và nhìn đa chiều tội phạm nữ ở nhiều mặt khác nhau như tội phạm buôn người, tín dụng đen, vay nặng lãi… Hay khi lí giải căn nguyên của những bi kịch mà người phụ nữ gặp phải đôi khi chưa được rõ nét đặc biệt là nguyên nhân họ không đủ bản lĩnh để vượt qua hoàn cảnh, số phận của chính mình mà phạm tội, trượt dài trên con đường tha hóa.

Chương 3

MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)