7. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Quá trình đấu tranh để sinh tồn đầy bi kịch
Các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú hầu hết là những con người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc mồ côi, hoặc bị lạc cha mẹ từ nhỏ, hoặc phải lang thang kiếm sống… bị đẩy xuống dưới đáy của xã hội. Để được sống họ phải giành giật từng miếng cơm, manh áo, bằng mồ hôi, công sức, máu, nước mắt, bằng những thủ đoạn, thậm chí là cái chết mà vẫn không thể tìm được một nơi trú ngụ yên ổn. Hoàn cảnh cuộc sống đã biến họ trở thành những mảnh đời tội lỗi. Và cũng chính hoàn cảnh sống ấy đã nghiệt ngã hình thành trong họ những bản năng sinh tồn, kĩ năng tự vệ khác thường.
Trong Hồ sơ một tử tù, nhân vật Nhung một cô gái theo Đạo thiên chúa, tâm hồn thánh thiện nhưng số phận đầy bất hạnh. Cô bị bắt cóc lên thành phố khi mới 6 tuổi:“Tuổi thơ của Nhung chỉ có 6 năm, còn lại là cuộc đời đầy đau khổ. Nhung bị ông bố nuôi râu xồm đánh cướp lạc thú làm người ở cái tuổi mà cơ thể chưa được chúa vẽ lên những vệt mực tàu cần thiết” [61, tr.159]. Để quên đi thực tại cô đã lựa chọn con đường giải thoát bằng thả trôi mình theo dòng nước. Nhưng dòng nước đã trả cô về với làng vạn chài bởi số phận chưa cho cô đoạn tuyệt với đời. Ở đây, những người đàn ông vạn chài nuôi cô để lấy thân xác cô. Cô lại một lần nữa đấu tranh để được sinh tồn bằng việc tháo chạy lên bờ và tìm về ngôi làng cô sinh ra. Nhưng đường về của cô cứ dài và xa mãi, chỉ dằng dặc những đàn ông và cô chấp nhận sự an bài khi con đường dẫn cô đến bãi vàng Lũng Sơn. Để sinh tồn, cô đã dùng cái thứ vũ khí duy nhất, ấy là
“bản năng giới tính” và trở thành “con bớp không có tuổi”. Ở bãi vàng Lũng Sơn, cô bị người ta trao đi đổi lại, bán qua tay hết trại này đến trại khác, qua biết bao tay bọn đàn ông. Cô phải trang bị cho mình kĩ năng quan trọng nhất để tồn tại ở chốn ngổn ngang, cắn xé, chém giết, tranh giành nhau từng hạt cám vàng ấy là “kinh nghiệm chăn gối của một gái giang hồ”. Những tưởng khi gặp Đàn, cuộc đời của người con gái bất hạnh ấy sẽ mở ra một lối thoạt, một chút ánh sáng, một tia hi vọng nhưng nó lại rơi vào bi kịch khi Đàn người mà cô tôn thờ, sau này là chồng là cha đứa con chưa được sinh ra ấy lại là một tên tử tù
đang bị truy nã. Cuộc sống ở bãi vàng Lũng Sơn của cô lại rơi vào những tháng ngày phấp phỏng lo âu, sợ hãi. Nhưng dù sợ hãi, cô vẫn phải sống, vẫn phải sinh tồn, cuộc đời cô trải qua bao nhiêu nỗi đau nên cô “không phải là người dễ khóc” và “Sự đời đã làm cho Nhung trở nên chai cứng” [61, tr.169]. Những bi kịch đổ xuống cuộc đời Nhung là những thử thách khắc nghiệt mà số phận ban cho cô, buộc cô phải trở nên chai lì, luôn biết và chủ động đợi “một kết cục không hay ho gì tất yếu sẽ đến với cả hai đứa” [61, tr.169] đó là khả năng tự bảo vệ mình duy nhất mà Nhung có được để tồn tại trong cuộc sống này.
Đề tài viết về chiến tranh trong văn học sau 1986 có phần lắng xuống nhưng vẫn không bao giờ hết hấp dẫn. Với tư cách là nhà văn trẻ của quân đội Nguyễn Đình Tú đã viết về đề tài này với Bên dòng Sầu Diện qua góc nhìn mới về chiến tranh của giới trẻ. Tác phẩm tố cáo, lên án chiến tranh, kẻ thù tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại đã gieo xuống mảnh đất nhỏ bé này biết bao đau thương mất mát. Không chỉ những người trực tiếp tham gia chiến đấu phải gánh chịu hậu quả mà nó đeo đẳng và ảnh hưởng đến biết bao thế hệ ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Thật thương tâm khi đọc những đoạn văn viết về hậu quả của chiến tranh mà những đứa trẻ vô tội như bé Ly phải gánh chịu. Con bé xinh xắn, thông minh nhưng lại bị chiến tranh gắn cho cái số phận bi kịch: “Nếu bố nó là một giọt buồn rớt xuống cuộc đời này thì nó chẳng qua cũng là một giọt buồn phiên bản mà thôi” [62, tr. 246]. Mẹ cô bé trước khi lấy cha là một gái điếm, đã bỏ hai cha con Ly ra nước ngoài khi tìm thấy chồng cũ. Cô bé sống trong nỗi buồn cô đơn. Nhưng đau đớn hơn, cô bé lại mắc phải căn bệnh quái ác mà tội phạm là chiến tranh: cô bé nhiễm chất độc da cam. Hình ảnh Ly chống chọi với số phận, giành giất lấy sự sống trong những cơn đau đớn đến tột cùng không khỏi làm cho ta xót xa, đau đớn. Nhưng vượt lên trên hết vẫn là sự khâm phục một tâm hồn trẻ thơ đã bằng ý chí, bằng niềm hi vọng và dùng tất cả sức lực cuối cùng để viết lên câu chuyện về một cuộc chiến đấu trong tưởng tưởng giữa những chú chó ở Đầm Gâu. Cuộc chiến cam go, khốc liệt nhưng cuối cùng những chú chó ở Đầm Gâu đã chiến thắng. Cuộc chiến của những chú chó ở Đầm
Gâu có lẽ cũng chính là cuộc chiến mà Ly đã, đang và sẽ chống lại số phận và đến khi cô bé trút hơi thở cuối cùng cô vẫn mang theo một niềm tin, hi vọng vào sự chiến thắng của con người trong cuộc sống này.
Trong Nháp, tuy nhân vật chính của tiểu thuyết này không phải là nữ, nhưng theo bước chân đi kiếm tìm hồi ức của Đại, người đọc bắt gặp bóng dáng, số phận của những cô gái giang hồ như Thảo “một vé”. Cuộc sống mưu sinh đưa cô vào nghề gái gọi. Để tồn tại cô phải luôn chịu sự rình rập, chèn ép của những tay bảo kê, phải sống một cuộc sống chui lủi, không bao giờ tìm được bến đỗ cuộc đời.
Quá trình đấu tranh để sinh tồn của con người được Nguyễn Đình Tú đặt ra khá rõ nét ở nhân vật Diệu. Sau cái chuyến vượt biên định mệnh, Diệu trở về mảnh đất nghèo nơi ngã ba sông để kiếm sống bằng những trò lưu manh vớ vẩn ở bến xe, bến tàu. Ngã ba sông, nơi cái ác đang ngự trị thì để tồn tại “trai gái đều phải thành nghịch tặc cả” [64, tr.68]. Diệu đã xác lập ra chân lí và nguyên tắc sống: “chân lí thuộc về kẻ mạnh” hoặc mình sống hoặc là bị người khác giết. Con người phải tìm mọi cách để tự bảo vệ, tự khẳng định thế mạnh của mình, chỉ có thể ai đó bị chết, bị đánh đập chứ nhất định không phải là mình. Để chứng minh cho quá trình đấu tranh tồn tại không hề vô nghĩa, Diệu phải luôn khẳng định mình là kẻ mạnh, kẻ đứng trên vạn người vì thế theo thời gian, Diệu lún sâu vào nhuốc nhơ, vào tội lỗi mà không thể thoát ra. Hay cũng trong
Phiên bản, Mỹ chột người bạn thuở nhỏ của Diệu cũng trải qua quá trình đấu tranh để sinh tồn một cách khốc liệt. Thời kỳ cùng Diệu ra chợ bán hương kiếm sống qua ngày, Mỹ chột có ngoại hình bé nhỏ, yêu đuối với dáng vẻ nép vào sau Diệu run rẩy, sợ hãi, cúi đầu không dám phản ứng trước sự chanh chua, ác độc của mụ béo. Rồi cũng theo thời gian, để có thể sinh tồn Mỹ đã trở thành Mỹ chột với bản lĩnh của một giang hồ máu lạnh, cùng Hương ga (tức Diệu) xây dựng một đế chế riêng của mình bằng máu, bằng chém giết, bằng tội ác.
Tới Kín, nhà văn muốn nói đến một sự sinh tồn không chỉ mang nghĩa sống - tồn tại mà nó hướng tới một sự tồn tại mang ý nghĩa nhân văn, đó là sự tồn tại có ý nghĩa cả về thể xác lẫn tâm hồn. Những đứa trẻ đã không hẹn mà
hội ngộ tại nhà ga Hải Thành bởi chúng đều có hoàn cảnh bất hạnh, bi thương. Chúng đùm bọc, chở che cho nhau, cùng nhau chiến đấu trong vùng sinh kế với nhóm các đàn anh đàn chị trong một toa tàu và hình thành nên nhóm Toa tàu. Không chỉ chiến đấu, chúng còn phải vùng vẫy, dãy giụa trong cái vòng tròn mang tên số phận để giành quyền sống cho chính mình. Và mỗi đứa trẻ ấy đã lựa chọn những cách khác nhau để chống lại số phận của mình. Trong Kín, người đọc luôn bị ám ảnh bởi những đứa trẻ phải tự mình đấu tranh để giành lấy sự sống khi còn quá nhỏ. Để đến khi trưởng thành về thể xác thì lại bị khiếm khuyết về tinh thần mà không gì bù đắp nổi. Đáng thương nhất là hình ảnh của những cô bé gái bị hất văng ra khỏi mái ấm gia đình và rơi vào một thế giới với ngồn ngộn những khó khăn, những hiểm ác, chúng vẫy vùng đấu tranh nhưng không thoát khỏi thân phận của kiếp bụi đời.
Đó là Phương - một cô gái vốn xuất thân tiểu thư đài các, phổng phao xinh đẹp lại dậy thì sớm hơn các bạn cùng trang lứa. Sự sinh tồn của cô là đấu tranh để quên đi quá khứ đau buồn do lão bố dượng “dâm dê” để lại, là không phải đối mặt với người mẹ mang trong mình sự hối lỗi. Mới 13 tuổi, cô bị trầm cảm vì thường xuyên bị cha dượng ép phải làm việc ấy. Bị dồn nén đến phát điên, cô đã vùng lên đấu tranh để giành lấy sự sống của mình bằng cách giết chết lão bố dượng bỉ ổi kia rồi ra nhập nhóm Toa tàu. Ở đó, để tồn tại Phương đã tìm cho mình cách kiếm tiền hèn hạ nhất là “làm phò”, một công việc “cũng chẳng có gì ghê gớm. Lần đầu tiên thì hơi đau một tí nhưng rồi thì cũng như người ta sờ nắn, xoa bóp, tẩm quất cho mình thôi, thoải mái lắm” [65, tr.187]. Chính những suy nghĩ giản đơn ấy đã đưa Phương ngày càng sa lầy vào cuộc sống giang hồ. Nhưng lúc đó ai biết đâu rằng: “Tất cả đều đang ra sức kiếm lấy cái ăn bỏ vào mồm. Tất cả đều vô phương hướng trong cuộc sống. Tất cả đều không nghĩ đến ngày mai. Tất cả chỉ là một lũ thú hoang, coi thường mọi giá trị làm người. Bởi có ai hiểu được những giá trị đó đâu” [65, tr.133]. Cuộc sống buộc cô bé phải bản lĩnh, lì lợm, chai sạn mà đối đầu với đủ mọi loại người, đủ mọi thủ đoạn. Kết quả của quá trình đấu tranh ấy là một tâm hồn trống rỗng, thân thể tàn tạ, héo úa.
Tiêu biểu hơn cả cho quá trình đấu tranh để sinh tồn nhưng rơi vào bi kịch là nhân vật Quỳnh (Kín). Cô bền bỉ đấu tranh nhưng quá trình đấu tranh ấy luôn bị đứng trước bờ vực, giao tranh giữa một bên là tâm hồn, tính cách của một người con gái với một bên là bản tính của một kẻ khác mà ngay đến bản thân Quỳnh cũng không thể lí giải. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Quỳnh đã có những biểu hiện của sự đấu tranh để sinh tồn bằng việc quẫy đạp, vùng vẫy thoát ra khỏi cơ thể chật hẹp của mẹ. Mười tuổi, Quỳnh bị lạc mẹ trong một lần cháy chợ. Để tồn tại, Quỳnh ra nhập băng nhóm “Toa tàu” bằng cái tên Lửa cháy. Mới mười ba tuổi, Quỳnh đã biết tính toán mọi đường đi nước bước để có thể thoát khỏi thân phận cô bé bán hàng rong. Đầu tiên là quyết định đi làm “phò”, sau đó là công cuộc “bán trinh chịu” cho Kiên mà người chủ động đề nghị là cô. Rồi sau này, khi được cha đón về, được sống trong đủ đầy vật chất, nhưng cô lại phải tiếp tục đấu tranh để tìm lại ý nghĩa thực sự trong cuộc đời mình. Kết quả Quỳnh vẫn không thể vượt lên chính bản thân mình, không thể tự yêu thương lấy thân phận nữ mỏng manh, yếu đuối và luôn cảm thấy sự vô nghĩa của việc mình có mặt trên cõi đời này. Cô lao vào những cuộc chơi trác táng và trở thành “Bụi chúa nhỏ”. Vào buổi lễ sinh nhật tuổi 20, sau khi hoan lạc trong lễ hội lên đồng “linh tinh tình phộc”, Quỳnh ra khỏi “căn phòng tận thế và quyết định đi khỏi cuộc sống hiện tại - đi khỏi ngôi nhà của mình, đi khỏi cái nơi Hà Thành xa lạ, tạm bợ, nơi không bù đắp thêm phù sa cho tâm hồn Quỳnh mà ngược lại, sa mạc hóa, truy nát và bức tử nó” [65, tr.10]. Cuộc ra đi của Quỳnh chính là sự ra đi để tìm lại chính mình. Liệu Quỳnh có tìm lại được chính mình hay không, nhà văn vẫn đang để ngỏ. Song chắc chắn rằng, cô sẽ phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt hơn nữa để tìm được sự tồn tại đúng nghĩa với chính mình trong cuộc sống hiện tại này.
Những bi kịch cứ lần lượt đổ ập xuống cuộc đời của mẹ Nam (nhân vật trong Xác Phàm) để mẹ phải gánh biết bao nỗi đau khổ, tủi nhục đắng cay. Lấy chồng mà bên chồng vẻn vẹn có hai mươi nhăm ngày, sinh con thì buồn buồn, tủi tủi nhận những lời chúc từ mọi người thì cũng là lúc Khợ đánh qua Pháo đài và người chồng hi sinh tại đó. Đau khổ nhưng người mẹ ấy vẫn kiên cường để
sống vì đứa con. Với một người phụ nữ, thì đứa con luôn là niềm vui, hạnh phúc, và hi vọng trong cuộc sống. Vì thế mẹ Nam phải kiên cường, phải đấu tranh để vượt qua nỗi đau mất chồng. Nhưng khi nghe tin kết luận của bác sĩ, con trai mẹ quyết định lên bàn mổ làm cuộc đại phẫu chuyển giới: “Mẹ thẫn thờ trước những lời phán như kim đâm, dao cứa ấy. Trở về làng, đêm đêm mẹ ôm chặt Nam vào lòng, nén những tiếng khóc thầm. Nước mắt mẹ nhỏ xuống đứa con bé bỏng ngây thơ hết đêm này qua đêm khác. Mỗi khi bóng đêm chụp xuống căn buồng của hai mẹ con là lúc mẹ lại thức dậy, một mình đối mặt với nỗi thổn thức u buồn. Mẹ nhìn trân trân lên đỉnh màn, không biết phải làm gì để tránh kiếp nạn khủng khiếp đang rơi vào đúng đứa con của mẹ” [67, tr.18]. Bây giờ, mẹ kiên cường đấu tranh không phải để dành sự sống cho mình mà là sự sống cho đứa con mẹ yêu thương nhất, một cuộc đấu tranh sinh tồn nhuốm màu bi kịch.