Ngôn ngữ mang màu sắc sex

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 90 - 103)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Ngôn ngữ mang màu sắc sex

Ngôn ngữ sex được sử dụng khá nhiều trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú nhưng luôn có chừng mực, không quá lộ liễu mà cũng không quá dè dặt. Nhà văn luôn chọn điểm dừng đúng lúc, đúng chỗ vừa đủ để kích thích trí tưởng tượng và sự thăng hoa của nhân vật khi được miêu tả trong quan hệ sex. Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú đã sử dụng ngôn ngữ rất phong phú, linh hoạt khi miêu tả các bộ phận sinh dục. Mã ngôn ngữ tác giả sử dụng chủ yếu là những từ ngữ giàu tính hình tượng, chẳng hạn như: cái chồi xuân, mầm chồi, khe sâu, khe nước ngọc, đôi gò bồng đảo, dòng nguyên khí, dâm thuỷ… (Kín), mỏm đồi căng mẩy, cái hang sâu, miền hoang vu ẩm ướt (Nháp), vùng nhạy cảm thần tiên, bộ phận trời cho (Hồ sơ một tử tù)… Dù sử dụng ngôn ngữ nào để miêu tả sex thì tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú vẫn hướng tới chỗ để gợi cảm xúc và ít nghiêng về tính chất dâm tục. Sex mà không thô tục, trái lại còn khá tinh tế bởi trong mỗi lần sex ấy, nhà văn lại muốn gửi vào đó một ý đồ nghệ thuật nhất định. Trong sex có tâm trạng, có khát vọng, có hoàn cảnh, số phận… của mỗi người phụ nữ.

Cũng hướng tới phản ánh số phận, bênh vực, trân trọng những khát khao dục tính, bản năng rất tự nhiên của người phụ nữ, các nhà văn nữ thế hệ 7X như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư… khá táo bạo, sắc sảo khi mượn sex để đấu tranh đòi quyền tự do được yêu, được hạnh phúc, được sống đúng với cảm xúc

thật của mình. Song với các nhà văn nữ dám công khai viết về tính dục thì đương nhiên họ sẽ bị sức ép từ nhiều phía nên viết về sex dù có xông xáo, bạo liệt đến bao nhiêu đi chăng nữa họ vẫn không tránh khỏi những e dè, những mặc cảm và đặc biệt họ vẫn giữ cách nói ý nhị của giới nữ. Chẳng hạn, trong

Cánh đồng bất tận, cảnh huống sex được miêu tả khá tỉ mỉ qua cảnh cưỡng bức nhân vật “chị”. Mặc dù, nhà văn sử dụng nhiều ngôn ngữ sex để tái hiện cảnh chị bị cưỡng bức với những lõa lồ, ề chề, đau đớn nhưng phần lớn vẫn chỉ là gợi liên tưởng một cách toàn cảnh chứ không phải miêu tả trực diện, cụ thể, giàu hình ảnh như trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Hay với Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện sự bứt phá, sức truyền đạt cùng phong cách của một giọng văn nổi loạn, tràn đầy nhục cảm, một cách thể hiện mới lạ của văn chương đương đại với sex. Đỗ Hoàng Diệu vẫn chỉ dừng lại ở việc ám chỉ, miêu tả gián tiếp bằng việc đưa sex vào trong giấc mơ. Mượn hiện tượng bóng đè trong giấc mơ để diễn tả những trạng thái cảm xúc rất phức tạp của nhân vật “tôi” trong những lần cùng chồng về quê làm giỗ. Nằm trên chiếc giường tám đời của tổ tông, hằng đêm những bóng đen của tổ tiên cứ hiện về làm tình, làm tội cô khiến cô khi thì kinh hãi, khi thích thú, lúc lại mang cảm giác tội lỗi, khi lại như thách thức trước cái nhìn hắt ra hằn học, cay nghiệt của người mẹ chồng, khi thì tự xấu hổ với chính mình, lúc lại thương xót cho người chồng không thể hiểu và cũng không thể thỏa mãn khao khát nhục cảm của vợ mình. Mượn hiện tượng bóng đè, nhà văn muốn nói đến mặt trái của những hủ tục, phê phán, lên án, phản kháng chống lại những hủ tục của quá khứ. Đồng thời lên tiếng ủng hộ những điều mang tính bản năng của con người nói chung và người phụ nữ nói riêng mà lâu nay bị che khuất hay bị cấm kị. Qua đó tác giả muốn thể hiện khát vọng tự giải thoát mình khỏi những trói buộc vô hình của những hủ tục trong quả khứ.

Với Nguyễn Đình Tú, khi viết về sex anh không phải ám chỉ, bóng gió, không gián tiếp, không dừng lại miêu tả toàn cảnh mà trực tiếp dùng ngôn ngữ sex để miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, sinh động những cảnh ái ân nam nữ mà nhiều khi nhân vật nữ là người chủ động gợi tình, bộc lộ chân thực khát khao dục tính

bản năng của mình. Ví như trong Kín, ngôn ngữ sex miêu tả cuộc mua bán trinh chịu giữa cô bé Lửa cháy và Kiên đã thể hiện những khát khao tìm hiểu bản thân mình của những đứa trẻ mới sớm bị vứt ra ngoài rìa của cuộc sống có giáo dục có văn hóa. Sex nhưng lại gợi ra một nỗi xót thương cho số phận của những đứa trẻ bụi đời trong cô đơn, trong khốn cùng khi chúng tìm đến nhau trong sự dâng hiến sẻ chia: “…Cái chồi xuân không chịu chờ đợi ý nghĩ xa vời và viển vông ấy. Những cánh tay cứ thế ôm chặt lấy nhau. Cái chồi xuân mới nhú cứ thế tìm đến khe nước ngọc mà thả sức vươn mình lớn bổng. Hai cơ thể mới lớn lần mò mẫm, trưởng thành lên trong khoái cảm giao hợp diệu kì” [65, tr.202].

Để thực hiện ý đồ nghệ thuật ấy, người viết cần có vốn ngôn ngữ sex phong phú và cách sử dụng từ điêu luyện, tài năng, khiến ngôn ngữ miêu tả sex của Nguyễn Đình Tú chân thực mà không thô tục:

- Bọt cũng theo ngón tay luồn lách khe sâu, lượn lờ gò đồi, mải mê bờ thửa, tí tách mầm chồi [65, tr.214].

- Hắn ôm chặt lấy người Me và đổ hết tất cả những gì còn lại trong chiếc giỏ gần như rỗng không vào những tầng nấc sâu hoắm nơi vùng đồi căng mẩy giữa hai đùi của Me… Mỏm đồi căng mẩy ấy không ngừng bốc lên hạ xuống với những cú thám hiểm xuyên mọi tầng nấc [63, tr.216-127].

Cũng trong cùng một tác phẩm, cùng miêu tả sex nhưng nhà văn lại chọn miêu tả trong những cảnh huống khác nhau, đối tượng tìm đến sex với mục đích khác nhau nên không bao giờ có sự trùng lặp. Vì thế, sex của Nguyễn Đình Tú không nhàm chán mà luôn mới mẻ, hấp dẫn.

Trong Nháp khi miêu tả buổi lễ Linh tinh tình phộc, một hình thức sinh hoạt mang tính quần hôn, tác giả đã sử dụng những ngôn ngữ của văn hóa dân gian nhằm hướng người đọc không phải đến với sex một cách thuần tuý mà đau đáu một nỗi lo âu, sự trăn trở về sự xuống cấp đến tột cùng của đạo đức con người, nhất là của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại khi được nguỵ trang bằng hình thức văn hoá truyền thống! Con người được gọi bằng tên của loài vật với Khỉ, Chó, Lợn, Hổ, Gà, Rồng, Rắn, Ngựa, Trâu, Chuột, Mèo và thực hiện những hoạt động tình dục mang tính bản năng: “Khỉ không còn

biết mình là ai và không nhớ nổi bất cứ điều gì nữa kể từ khi tấm vải điều trên đầu rơi xuống và những mảnh áo giấy lần lượt bị giật ra khỏi người. Chó cắn, Lợn cào, Hổ vồ, Gà mổ, Ngựa đá, Rồng lượn, Rắn bò, Trâu húc, Chuột gặm, Mèo vờn...Cảm giác nóng bỏng, căng cứng làm Khỉ như muốn bốc thành ngọn lửa thiêu cháy hết tất cả mọi thứ xung quanh. Bất cứ con giáp nào đến với Khỉ cũng nhận thấy xúc cảm mạnh mẽ đang dâng trào mãnh liệt từ phía sau tấm mặt nạ vô hồn kia. Chó - Mèo lăn xả vào nhau cùng với thứ âm thanh nồng nàn ma quái hắt ra từ hai chiếc loa thùng để ở góc nhà. Rồng - Rắn cũng quấn lấy nhau, rập rình theo điệu chầu văn da diết” [65, tr.429-430].

Ngôn ngữ sex trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú rất linh hoạt, lúc kín đáo cầu kì nhưng cũng có lúc ngắn gọn, không cần có dấu hiệu của cảm xúc. Ví như cuộc tình với thầy giáo gia sư tiếng Anh: “Trong lúc Quỳnh ơ hờ ngồi ăn thanh long, bỗng anh ta tiến lại sau lưng và khẽ gắn lên một nụ hôn lên gáy Quỳnh. Lớp váy được tốc lên ngay sau đó và chiếc áo phông của anh ta cũng nhanh chóng bị vuột khỏi đầu” [65, tr.177]. Ngôn ngữ miêu tả ngắn gọn, trần trụi bởi cuộc làm tình của họ chỉ là để giải quyết vấn đề sinh lí.

Ngôn ngữ miêu tả sex của Nguyễn Đình Tú còn mang ý nghĩa đầy nhân bản. Bởi trong mỗi ngôn từ đó có cả sự cảm thông, thấu hiểu, trân trọng nhau ngay cả khi người đó là một cô gái điếm. Nhà văn đã tinh tế dành cho cô gái điếm sự sẻ chia rất đáng quý, để thấy rằng dù họ có đang làm công việc nhơ nhuốc thì họ vẫn là những con người, vẫn có tình cảm, vẫn khát khao được yêu thương. Trong Nháp, cảnh ái ân giữa cô gái điếm “Thảo một vé” và Đại được miêu tả đầy cảm động: “Giọng Thảo rưng rưng như sắp khóc. Thảo chỉ là một con điếm nên không đủ hứng thú với Đại. Chắc Thảo nghĩ thế. Và cô ấy sẽ rất tủi cho thân phận mình. Đại muốn nói là không phải thế, nhưng không phải thế thì sao lại thế? Đại bật dậy lục túi tìm viên ngọc ước của Thảo. Chỉ vài phút sau Đại đã có thể chiều được Thảo. Những cú thúc của Đại luôn được Thảo đón nhận bằng những tiếng rên cộng lực. Đại đẩy liên tục, Thảo dướn mê say. Đại nằm nghiêng, Thảo ngả theo. Đại quỳ gối, Thảo quỳ theo…” [63, tr.198].

Quả là, nhờ có vốn ngôn ngữ miêu tả sex đa dạng, phong phú, nhà văn đã giúp người đọc đón nhận sex một cách cởi mở hơn. Cùng sự cởi mở với sex là sự cởi mở của tâm hồn biết thấu cảm những nỗi lòng sâu kín ở người phụ nữ mà nhiều khi sex là cách để họ giải tỏa những ẩn ức tình dục, những bất hạnh về thể xác, những chấn thương tinh thần, những ám ảnh vô thức hay những nỗi đau thân phận.

Tiểu kết chương 3

Khi xây dựng hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết, mỗi nhà văn lựa chọn cách thức và những biện pháp nghệ thuật riêng để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình. Khắc họa hình tượng nhân vật nữ, nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú đã phát huy thế mạnh trong việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật như miêu tả ngoại hình, miêu tả nội tâm một cách phù hợp, sắc sảo. Đặc biệt, nhà văn khéo léo, tinh tế vận dụng sáng tạo hệ thống ngôn ngữ thông tục đời thường, ngôn ngữ mang màu sắc sex theo cách riêng, để đằng sau lớp ngôn ngữ ấy người đọc như thấy cả hoàn cảnh, số phận, tâm hồn, tình cảm, khát vọng… của người phụ nữ. Nhờ đó mà hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú luôn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận trong nghệ thuật thể hiện nhân vật nữ, tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú vẫn còn một số hạn chế nhất định đặc biệt là việc xây dựng nhân vật qua dòng hồi tưởng, tâm thức nhiều khi làm cho cốt truyện lỏng lẻo, mạch truyện dàn trải, đôi khi đứt quãng khiến người đọc có cảm giác khó tiếp nhận.

KẾT LUẬN

1. Trước yêu cầu đổi mới văn học nhằm đáp ứng thị hiếu của độc giả trong thời đại mới, tiểu thuyết nhanh chóng bắt nhịp và phản ánh một cách toàn diện cái phức tạp, đa dạng và phong phú của cuộc sống. Góp phần đưa tiểu thuyết trở thành một trong những thể loại quan trọng của văn học thời kỳ đổi mới phải kể đến đội ngũ những nhà văn trẻ thế hệ 7x, 8x, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Tú, người được Ma Văn Kháng đánh giá là “nhà tiểu thuyết lực lưỡng”. Hơn mười năm sáng tác, Nguyễn Đình Tú đã trình làng 8 cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn. Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đã cho thấy kinh nghiệm, bản lĩnh, sự nhạy bén của một nhà văn trẻ trước cuộc sống. Là một nhà văn quân đội, từng học ngành luật và làm ở Viện kiểm sát, tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú đã đưa người đọc đi sâu khám phá những góc khuất của đời sống xã hội thông qua hình tượng các nhân vật.

2. Trong tiểu thuyết nhân vật luôn được coi là linh hồn của tác phẩm, là hạt nhân của mọi sự sáng tạo nghệ thuật, và là trung tâm để nhà văn giải quyết những vấn đề của xã hội. Được coi là một tác phẩm tự sự cỡ lớn, nên nhân vật trong tiểu thuyết cũng được khắc họa một cách toàn diện, bao quát cả hoàn cảnh, số phận, cuộc đời, quá trình thay đổi tính cách, tâm, sinh, lí… trong mọi chiều hướng không gian, thời gian. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú gồm nhiều giai tầng và luôn bị đặt trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh khốc liệt để chiến thắng chính mình trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Trong đó phải kể đến cuộc chiến của những người phụ nữ. Họ luôn phải đấu tranh để thoát khỏi những bi kịch đau đớn mà họ gặp phải trong cuộc đời. Điều đó đã thể hiện những nét riêng ở nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Đình Tú.

3. Thế kỉ XX, nhân loại được chứng kiến những phong trào đấu tranh cho nữ quyền ở nhiều nước trên thế giới, nhằm lên tiếng đòi quyền bình đẳng cũng như đòi quyền lợi cho người phụ nữ. Ở Việt Nam cùng với quá trình giao lưu, hội nhập vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX, quan điểm giới nhanh chóng được du nhập và truyền bá với những luồng tư tưởng mới. Vấn đề nữ

quyền đã trở thành một hiện tượng văn hoá xã hội của thời đại. Và nữ quyền - ý thức về hạnh phúc của người phụ nữ được khẳng định, ăn sâu vào tâm thức của đội ngũ cầm bút và tạo nên âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại. Chưa bao giờ, âm hưởng nữ quyền lại được phản ánh, khai thác một cách sâu sắc, phong phú ở tất cả các mặt như trong văn học Việt Nam giai đoạn này. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, âm hưởng nữ quyền khiến người đọc không khỏi trăn trở bởi xã hội hiện đại đã nhào nặn nên những người phụ nữ với nhiều khuôn diện đa dạng, phức tạp mà ngay chính bản thân họ cũng chưa thể hiểu hết mình. Đó là việc họ phải đấu tranh quyết liệt để giành giật lấy sự sinh tồn trong một xã hội đầy rẫy những cạm bẫy, phức tạp. Họ chủ động khẳng định bản thân, khát vọng giải tỏa những ẩn ức và kiếm tìm niềm vui trong tình yêu và sex, là sự đấu tranh không khoan nhượng để chống lại số phận an bài, là khát vọng bá chủ thế giới ngầm, là sự mong manh đầy trắc ẩn của thiên tính nữ ẩn chứa trong hình hài tội phạm… nhưng cuối cùng họ thường bị rơi vào những bi kịch đau đớn hơn. Nhà văn đã đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật cùng những góc khuất của cuộc sống để phát hiện ra những hệ quả của nền kinh tế thị trường và sự xuống cấp giá trị đạo đức, những lỏng lẻo trong mối quan hệ gia đình mà kết quả là con người, nhất là những người phụ nữ trở nên tha hóa, biến chất từ lúc nào mà ngay bản thân họ cũng không biết. Với cách tiếp cận khám phá và miêu tả nhân vật nữ ở nhiều góc nhìn khác nhau đã chứng tỏ khả năng nắm bắt hiện hiện cuộc sống một cách sâu sắc, đồng thời khẳng định thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn, say mê của một nhà văn chân chính. Qua tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, bạn đọc trăn trở với những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống và những chân giá trị mà giới trẻ ngày nay đang tìm kiếm. Nó như một lời cảnh báo về sự đô thị hoá và những khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại mà con người cần phải đối mặt và vượt qua.

4. Để xây dựng thành công nhân vật nữ trong sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã kết hợp sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, trong đó tập trung ở nghệ thuật miêu tả ngoại hình, miêu tả ngôn ngữ, hành động, cử chỉ và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật nhằm khắc họa rõ nét về cuộc đời, tính

cách và số phận đầy bi kịch của các nhân vật nữ trong xã hội hiện đại. Thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 90 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)